1. GIỚI THIỆU:
- Tôi là người có thể nói về vấn đề sẽ nêu sau được, xin nêu ra để tranh luận.
-Tôi là người Miền Bắc, hiện sống ở Hà Nội, nhưng sống 4 năm ở Miền Nam trước 1975 với tư cách là quân giải phóng cắm sâu cách Sài Gòn có lúc chỉ 20km, trực tiếp tham gia chiến dịch HCM vào Sài gòn 1975, sau đó ở Sài gòn gần 1 năm; rồi sau này trở lại Sài Gòn làm việc khoảng 3 năm; đi hầu khắp các tỉnh, các ngõ ngách…
-Tôi từng học ở Liên Xô cũ 8 năm, trực tiếp chứng kiến 1991 ở Moskva và các nước Đông Âu. Từng đến Đông Đức 2 tháng lao động đủ các kiểu năm 1988. Sau 1990 tôi sang Đức nhiều lần, mỗi lần ở nhiều tháng.
-Tôi từng đi Hàn Quốc đôi lần, chưa từng đến Bắc Triều tiên nhưng đọc rất kỹ về các tư liệu Bắc Triều tiên cả chính thức lẫn tài liệu mạng.
-Chủ đề nghiên cứu tôi yêu thích là sự chuyển đổi thể chế đương đại. Do vậy tôi rất thích đi xem xét các xã hội chuyển đổi như Đông Âu, Ukraina, Nga, Lào, Campuchia… Tổng số chuyến đi xem xét (nghiên cứu) và thời gian đi của tôi đến các khu vực này tôi cho là ít người sánh kịp, (ví dụ ít nhất không có nhà nghiên cứu nào đi Ukraina trong chiến tranh 1 tháng như tôi đi vừa rồi).
2. CHÉM GIÓ:
Kết thúc chiến tranh TG2, có 3 đất nước bị xẻ đôi do mâu thuẫn và cân bằng thế lực giữa hai phe, hai hệ thống xã hội, hai ý thức hệ: Đức, Việt Nam và Triều Tiên (thứ tự theo chiều từ Tây sang Đông, không có ý gì ở thứ tự).
Sau khi hệ thống XHCN sụp đổ, hệ tư tưởng cộng sản trở nên mờ nhạt, thất thế trên thế giới (1991), đến nay:
-Đông Đức đã hội nhập gần như hoàn toàn và thành công vào Tây Đức. Nước Đức thống nhất và không cộng sản đã trở nên ngày càng mạnh mẽ và phát triển, nâng cao vai trò cả về chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội ở châu Âu và thế giới.
-Việt nam đổi mới nửa vời (thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN với thể chế chính trị và an ninh gần như giữ nguyên theo mô hình cộng sản của thời mồ ma Liên Xô – đến cái tên nước cộng hòa XHCN, cấu trúc ngành an ninh, cờ đảng… ở ngay Nga và các nước Liên Xô cũ họ bỏ hết rồi nhưng ở Việt nam lại vẫn coi là thiêng liêng không bỏ, không thay đổi.
Nhưng thực chất việt nam đã đổi mới không còn xã hội cộng sản đúng như lý thuyết nữa. Nó tự biến mình thành một xã hội hậu cộng sản với chủ nghĩa tư bản thân hữu kiểu maphia cộng sinh lợi ích của giới cầm quyền nhân danh cộng sản cấu kết với các thế lực kinh doanh dựa vào thể chế thị trường thân hữu. Xã hội Việt nam tương đối ổn định về chính trị (nhờ cộng sinh với bộ máy an ninh), tăng trưởng kinh tế khá (nhờ người dân năng động , tư duy thị trường của miền Nam trước đây), quân sự yếu kém, tư tưởng bát nháo và thiếu thống nhất, xã hội tiềm ẩn rối ren, xuống cấp đạo đức… Về lâu dài, Việt nam khó có sự phát triển và tăng uy tín do sự thiếu nhất quán, thiếu triệt để và định hướng rõ ràng về chuyển đổi. Hơn nữa nó vẫn tiền ẩn nguy cơ bất ổn khi quyền tự do chính trị của con người được nới lỏng. Xu hướng xã hội sẽ buộc phải phát triển sang hướng tự do hóa và từng bước dân chủ.
-Triều Tiên thì cả hai bên Nam và Bắc coi như đã an bài tôn trọng quyền độc lập của cả hai bên. Nhưng sự phát triển vượt bậc của Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) trước sự gồng mình cô lập thiết quân luật cách ly với thế giới của Bắc Triều Tiên nghèo đói nhưng vẫn khá về quân sự đã chứng minh sức sống của mô hình dân chủ tự do. Về lâu dài, bắc Triều Tiên sẽ bị diệt vong hoặc tự hủy diệt.
3.KẾT LUẬN (CHO NGƯỜI VIỆT)
Cần thấy rõ định hướng đổi mới phải tiếp tục.
Cần tin vào con đường đổi mới sang tự do, dân chủ là cứu cánh của dân tộc ta chứ không phải con đường độc tài hóa (dù là độc tài tập thể) và quay lại lý thuyết tân cộng sản (như Nga, TQ hiện nay).