Thời tiết nóng trên 40 độ, Hà Nội cắt điện từng khu vực. Người già nằm thở, trẻ con khóc như ri. Đấy là sự ác nghiệt.
Sự ác nghiệt này, không phải chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà Bộ Công thương và Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm bởi Bộ nhiệm kỳ sau, Chính phủ nhiệm kỳ sau đã vô hiệu hóa những chủ trương, chính sách tốt của nhiệm kỳ trước.
Chỉ xin nói hai chính sách về điện lực.
1/ Chính phủ thời ông Phan Văn Khải và tiếp theo là Chính phủ thời ông Nguyễn Tấn Dũng đã xây dựng đề án về thị trường điện cạnh tranh. Theo đề án này, Nhà nước giữ duy nhất vốn 100% hệ thống truyền tải điện. Khi đó, ngoài các nhà máy sản xuất điện của Tổng công ty Điện lực còn có các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản; nhà máy điện của Tổng công ty xây dựng Sông Đà… và rất nhiều nhà máy thủy điện của các DN ngoài quốc doanh. Các nhà máy điện được hoặc là chọn, hoặc là xây dựng đơn vị phân phối điện đến người tiêu dùng. Hệ thống truyền tải điện cho thuê đường dây và thiết bị. Người sản xuất và phân phối điện được lựa chọn khách hàng mua điện và chủ động xây dựng giá bán điện.
Nhiều người đã tưởng tượng ra viễn cảnh: con ở vùng đầy nắng gió xây dựng điện gió, điện mặt trời rồi thuê đường dây chuyển điện về cho cha mẹ ở vùng ít thuận lợi.
Xây dựng thị trường điện cạnh tranh trong cơ chế thị trường không những là tiến bộ mà còn là một xu hướng của nền kinh tế thị trường.
Chủ trương và đề án này, Chính phủ nhiệm kỳ ông Nguyễn Xuân Phúc cho chìm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam càng đi sâu hơn trong thế độc quyền.
2/ Chính phủ nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc ban hành không chỉ một mà nhiều quyết định về xây dựng điện gió, điện năng lượng mặt trời, thậm chí có hẳn quyết định về điện năng lượng mặt trời áp mái. Không chỉ các DN mà nhiều nhà dân cũng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái để hòa lưới điện quốc gia…Quyết định này còn quy định cả giá mà Điện lực phải trả cho dân theo sản lượng điện hòa lưới.
Chính phủ của ông Phạm Mình Chính không những không bảo vệ tính đúng đắn của các quyết định hoặc phủ quyết các quyết định trên nếu nó là sai trái mà để 4.600MW điện gió, điện mặt trời đã xây dựng xong nhưng không được hòa lưới. Thay vào đó là cho nhập điện của nước ngoài và cho tăng giá điện.
Trung ương Đảng và Quốc hội thậm chí cả hệ thống tư pháp cần xem xét động cơ của Chính phủ nhiệm kỳ sau vô hiệu hóa các chính sách, quyết định của Chính phủ nhiệm kỳ trước gây lãng phí vô cùng lớn vật chất xã hội và gây lòng nghi kỵ của dân vào sự kế thừa chính sách của các thời kỳ Chính phủ.