PHỤ LỤC 5
24 điều giáo hóa do vua Lê Thánh-tông (1460-1497) đặt ra để dạy dân các làng xã.
1- Cha mẹ dạy con phải có phép-tắc, trai gái đều có nghề-nghiệp, không được rượu-chè cờ- bạc, tập nghề hát-xướng để hại phong-tục.
2- Người gia-trưởng phải tự mình giữ lễ-phép để cho cả nhà bắt-chước; nếu con em làm càn, thì bắt tội người gia-trưởng.
3- Vợ chồng cần-kiệm làm ăn, ân-nghĩa trọn-vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất* thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái cẩu dung làm hại đến phong-hóa.
4- Làm kẻ tử-đệ nên yêu mến anh em, hòa-thuận với hương-đảng, phải lấy lễ-nghĩa mà cư xử; nếu trái phép thì người tôn-trưởng đánh đập dạy bảo, có tội to thì phải đem nộp quan để trừng trị.
5- Ở chốn hương-đảng tông tộc, có việc hoạn-nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau; nếu ai có tiếng là người hạnh-nghĩa tốt, thì các quan phủ huyện sở tại phải bẩm lên tòa Thừa, tòa Hiến, để tâu vua mà tinh biểu cho.
6- Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự-tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
7- Người đàn bà góa không được chứa những đứa trai trẻ ở trong nhà, nói dối là con nuôi để ám hành những việc gian dâm.
8- Người đàn bà góa chồng, đối với các con vợ cả, hoặc vợ lẽ, nàng hầu, nên có lòng thương-xót, không được mưu-mô để chiếm-đoạt gia-tài làm của riêng mình.
9- Đàn bà góa chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.
10- Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú-quí mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
11- Kẻ sĩ phu nên quí phẩm-hạnh và giữ phép quan, nếu cứ xu-nịnh những kẻ quyền-quí để cậy thế làm càn thì phải cách bỏ đi không kể đến nữa.
12- Kẻ điển-lại chỉ việc giữ số sách giấy má để làm việc quan, nếu làm những việc điên đảo án từ, thì quan trên sẽ xét ra mà trừng trị.
13- Quan dân đều phải hiếu-đễ, và chăm-chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ lẫn nhau; khi đi làm việc quan, không được trễ biếng, trốn tránh. Nếu ai có tiếng là người lương thiện thì các quan phủ huyện phải trình tòa Thừa, tòa Hiến để tâu mà tinh biểu cho.
14- Kẻ thương-mãi phải tùy thời giá mà buôn bán với nhau, không được thay đổi thưng đấu, và tụ tập đồ đảng để đi trộm cướp; nếu phạm điều ấy thì trị tội rất nặng.
15- Việc hôn-giá tế-tự phải giữ lễ phép, không được làm càn.
16- Chỗ dân-gian có mở trường du-hí hoặc cúng-tế, thì con trai con gái đến xem, không được đứng lẫn lộn, để khỏi thói dâm.
17- Các hàng quán bên đường, có phụ-nữ đi xa đến trọ, thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra, thì người phạm cùng với chủ nhà đều phải trị tội cả.
18- Phủ huyện phải lập bia ở các nơi sở tại để cấm con trai con gái không được cùng tắm một bến, để cho có phân biệt.
19- Các xã-thôn phải chọn một vài người già cả, đạo-đức làm trưởng, những ngày thong thả đem dân ra đình, tuyên giảng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện, thành ra mỹ tục.
20- Trong hạt phủ huyện có kẻ cường-hào xâm-chiếm điền-thổ, ức hiếp cô độc và xui giục người ta kiện tụng, thì cho xã-thôn cáo giác lên để quan xử trị, nếu mà ẩn-nặc thì phải biếm-bãi.
21- Các nhà vương, công, đại-thần dung túng những đứa tiểu-nhân, đưa người khấn lễ, và để cho người nhà đi ức-hiếp dân-gian mà mua rẻ các đồ vật, thì cho dân được đầu cáo để trọng trị.
22- Những người làm quan phủ, huyện mà biết khuyên-bảo dân-gian làm điều lễ-nghĩa khiêm-nhượng, có quan Thừa-chính, Hiến-sát xét thực, thì được cho vào hạng tốt; nếu ai không chăm dạy-bảo dân thì cho là người không xứng chức.
23- Các người huynh-trưởng ở chốn xã-thôn và phường biết dạy-bảo con em trong làng cho nên được phong-tục tốt, thì quan phủ huyện phải bẩm tòa Thừa, tòa Hiến để tâu vua ban khen cho.
24- Các dân mường mán ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di-huấn, không được trái đạo luân- thường như cha, anh, chú, bác đã chết thì con em không được chiếm lấy những thê-thiếp, nếu mà trái phép, thì sẽ trị tội rất nặng.
(Trần Trọng Kim, Việt-Nam Sử-Lược)
*thất xuất: Bảy tôi của người đàn bà ngày xưa bị chồng bỏ: 1/ không con, 2/ dâm dật, 3/ không thờ cha mẹ chồng, 4/ lắm điều, 5/ trộm cắp, 6/ ghen tuông, 7/ bị những bệnh như phong, lao, cổ, lại v.v…
PHỤ LỤC 6
Hát bội, chèo và cải lương
Giáo sư Dương Quảng Hàm trong Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu (1941) giảng rằng văn kịch của Việt-Nam chia ra hai thể loại: -hát bội hoặc tuồng; - và chèo.
Ông định nghĩa hát bội hoặc tuồng, và chèo như sau:
“1/ Hát bội hoặc tuồng. – Chữ tuồng có người cho là bởi chữ tượng mà ra. Tượng nghĩa là hình-trạng hiển-hiện ra. Vậy tuồng là hình-dung, dáng-dấp cử-chỉ của người đời xưa. Lối tuồng thường diễn những sự-tích oanh-liệt hoặc sầu-thảm, lời-lẽ trang-nghiêm, hùng-hồn để làm cho người xem cảm-động.
2/ Chèo. – Chữ chèo có người cho là do chữ trào mà ra. Trào nghĩa là giễu-cợt. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những tật rởm thói xấu của người đời, lời văn có nhiều giọng khôi hài, bông-lơn để người xem buồn cười.”
Đoàn Nông, giáo sư trường Khải-Định Huế, có soạn một quyển sách nói về hát bội nhan là Sự-Tích và Nghệ-Thuật Hát-Bộ (1942). Ông cho rằng tên “hát bội” là để gọi loại hát tuồng cổ bắt nguồn từ chữ “hát bộ”, có nghĩa là vừa hát vừa đi, vừa làm điệu bộ để diễn tả nội dung câu hát. Ông giải thích:
“Bộ nghĩa là bước đi, đi bộ; “hát bộ” nghĩa là vừa hát vừa đi, và làm bộ-tịch để biểu-diễn cảm-giác, cảm-tình với câu hát.
Không một thứ hát nào nhiều điệu-bộ bằng hát tuồng. Hát nói, hát xẩm, hát xoan, hát trống-quân, ca-huế, hát giã gạo, hát chèo đò, chỉ dùng câu hát với giọng đàn chớ người hát không làm một bộ-tịch gì cho đến cả nét mặt cũng thản-nhiên vì thế mà người ta gọi là tuồng “hát bộ” để tôn cái đặc-sắc ấy lên.
Cụ Đào-Tấn có một cái nhà dạy hát đặt tên là “học-bộ-đình”.
Hát bộ được xem là một nghệ thuật phức tạp gồm cả bài thơ, câu hát, điệu bộ, âm nhạc, là sự dung hòa của vũ, nhạc và thi ca. Do đó, khó biết được hát bộ phát sinh từ thời nào, có lẽ nghệ thuật hát bộ đã phải tiến triển trong một thời gian dài lâu cả vài thế kỷ kể từ khi các vua đời xưa dùng múa hát trong những dịp cúng tế như G. Cordier đã nói: “Les premières manifestations de l‟art théâtral furent des danses, danses mythologiques, danses dynastiques, ballets que l‟on exécutait dans les cérémonies aux ancêtres royaux.”
Nghệ sĩ Lê Long Vân trong quyển “Kể Chuyện Cải Lương” ghi rằng:
“Nghề đờn ca trong Nam là do ông cha ngày trước mang từ đất Huế vào. Cái đó tất nhiên vì hầu hết nếu không nói là tất cả, từ văn chương, học thuật, võ thuật, sân khấu, v.v… chúng ta đều mang từ Huế vào trong bước Nam Tiến cả.
Hồi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy các ban tài tử hay đờn ca nơi các đám tiệc cưới hỏi, ma chay ở trong làng. Các ban tài tử nầy thường do các ông giáo, ông xã, tức là những người “có học” nhứt trong làng thời bấy giờ, có thời giờ rỗi rảnh, tụ tập với nhau, mời các thầy đờn lại dạy cho học trò và con cháu trong nhà để ca chơi.
Còn những ông thầy đờn nầy là ai?
Hồi đó, mấy ông thầy đờn nầy là những người làm nhạc lễ trong cung đình, sau đó đi lính thú vào Nam, giải ngũ làm hương nhạc để giữ việc cúng tế trong làng. Phong trào ca nhạc cổ nầy được nhân dân ái mộ khắp hang cùng ngõ hẻm đều có những người tài tử và những người mộ điệu của họ. Bài bản phổ biến trong dân gian cũng đã nhiều, tôi nói là trong những ban tài tử chớ không phải chỉ nói mấy gánh hát bội, các điệu hò, lý, ngâm thuộc thể loại dân ca, và đủ các bài Nam, bài Bắc, Oán, Ngự, mười bài Thập Thủ Liên Hoàn.” (- Trích trong Sàn Gỗ Màn Nhung, Hồ Trường An)
Cũng trong Sàn Gỗ Màn Nhung, nhà văn Hồ Trường An có chép lại một lá thư của “Bút Chì” trả lời thắc mắc của độc giả đăng trong tập san Làng Văn tại Toronto, Canada về các bài bản cải lương.
“Có nhiều hệ thống hóa bài bản cải lương, nhưng cách sau đây tương đối đầy đủ hơn cả: nhất Lý, nhị Ngâm, tam Nam, tứ Oán, ngũ Điểm, lục Xuất, thất Chính, bát Ngự, cửu Nhị, thập Thử.
Nhất Lý, có gần 500 điệu. Phổ thông trên sân khấu cải lương thoạt đầu chỉ có „Lý Ngựa Ô”, sau thêm “Lý Con Sáo”, “Lý Giao Duyên”, “Lý Thập Tình”, “Lý Chuồn Chuồn”.
Nhị Ngâm có hai lối Ngâm: “tứ tuyệt” và “bát cú”, sau thêm “lục bát”, “song thất lục bát” và “thơ mới”.
Tam Nam có ba bài “Nam Ai”, “Nam Xuân” và “Nam Ảo”.
Tứ Oán là bốn bài “Tứ Đại Oán”, “Phụng Hoàng”, Giang Nam”, “Phụng Cầu”; ngoài ra có bốn bài phụ là “Văn Thiên Tường”, “Bình Sa Lạc Nhạn”, “Bộc Thủy Ly Tao” và “Thanh Dạ Đề Quyên”.
Ngũ Điểm là năm bài nhạc vui, ngắn: “Bình Bán”, “Tây Thi vắn”, “Khổng Minh Tọa Lầu”, Mẫu Tầm Tử” và “Long Hồ Hội”.
Lục Xuất là sáu bài: “Lưu Thủy Trường”, “Phú Lục”, “Bình Bán Chấn”, “Xuân Tình”, “Tây Thi” và “Cổ Bản”.
Thất Chính là bảy bài: “Xàng Xê”, “Ngũ Đối Thượng”, “Ngũ Đối Hạ”, “Long Đăng”, “Long Ngâm”, “Vạn Giá” và “Tiểu Khúc”.
Bát Ngự là tám bài ngự: “Ái Tử Kê”, “Chiêu Quân”, “Trường Tương Tư”, “Đường Thái Tôn”, “Bát Man Tấn Công”, “Duyên Kỳ Ngộ”, Ngự Giá” và “Kim Tiền Bản”.
Cửu Nhị gồm hai bài: “Hội Nguyên Tiêu” và “Bát Bản Chấn”.
Thập thủ Liên Hườn gồm có: “Phẩm Tuyết”, “Nguyên Tiêu”, “Hồ Quảng”, “Liên Hườn”, “Bình Nguyên”, “Tây Mai”, “Kim Tiền”, “Xuân Phong”, “Long Hổ” và “Tẩu Mã”.”
Nhà văn Trần Văn Khải biên khảo quyển Nghệ-Thuật Sân-Khấu Việt-Nam cũng đã tìm cách giải thích hai danh từ “hát bội” và “hát bộ”.
Theo Đại-Nam Quấc-Âm Tự-Vị (Saigon 1895) của Huình-Tịnh Paulus Của, chữ “hát bội” có nghĩa là “con hát, kẻ làm nghề ca hát”. Chữ “bội bè” được giải thích là “con hát, bạn hát”, và “áng bội bè” là “trường ca hát”.
Trong Dictionnaire annamite-français (édition 1898) của J.F.M. Génibrel, “hát bội, chèo bội” được dịch là “jouer la comédie; donner une représentation théâtrale”; “áng bội bè” là “théâtre, salle de spectacle." - bội còn có nghĩa là bằng hai = double; bội số = multiple; bội nhị = doubler.
Do đó theo nhà văn Trần Văn Khải, chữ “hát bội” có thể được giải thích là cách diễn xuất gia bội lên nhiều trong hóa trang, cử chỉ, điệu bộ để khán giả dễ hiểu tính cách của vai tuồng.
Có người thấy lối hát này có diễn tả điệu bộ nhiều hơn cải-lương nên gọi hát bội là hát bộ để phân biệt với hát cải-lương.
PHỤ LỤC 7
Bài bình-bán vắn Bùi-Kiệm thi rớt
Tức tối thay, con thi rớt tức thay
Phải thi tài thi trí con nói chi
Nào hay đâu cứ lo thi tiền:
Ai nhiều tiền hơn thì tên đứng cao!
Con không thèm lo nên mới rớt ngay,
Tấn-sĩ-xu con thà không đậu!
Mua danh vọng, con màng chi trọng
Xin cha mựa bờn cũng đừng giận chi con!
Công danh ví không công bằng,
Thà con cam vác cái cày cho xong.
Tiếc bấy lâu hương hỏa đăng công,
Tưởng chiếm nổi khoa đầu khóa ni,
Tài con có thua mặt nào?
Rủi xuống thi khóa thi lo tiền,
Con thấy đem dạ thầm ghét
Không thèm lo một xu nữa cha!
Rán khoa sau, thà muộn danh,
Chớ đem tiền đem tiền mãi danh
Thà con cam chẳng chịu đó cha.
Năm nay ví thi không đậu,
Chờ hội sau hầu đoạt thủ-khoa.
(bài số 137 trong tập mê hát số II).
- Trích trong Hồi-Ký 50 Năm Mê Hát, Vương-Hồng-Sển
PHỤ LỤC 8
PHỤ LỤC 9
Theo tác giả Đào Văn Hội trong quyển Tân-An Ngày Xưa, nhà giáo Trần-Phong-Sắc dạy chữ nho và luân lý tại trường tiểu-học Tân-An từ lớp năm đến lớp nhì. Vì ông dạy môn “morale” (luân lý) nên học sinh gọi ông là “thầy ma-ranh”. Giờ học luân lý của ông thường được dạy vào buổi chiều, trong khoảng 30 phút, từ bốn giờ đến bốn giờ rưỡi, bốn giờ rưỡi đến năm giờ tùy theo lớp. Nhà văn xuất xứ tỉnh Tân-An kể nhiều chuyện về vị thầy khả kính của ông: về cách ông dạy học, về đời sống gia đình, về tài dịch thuật sách truyện Tàu.
“Ông giảng dạy bổn phận làm con đối với cha mẹ, học trò đối với thầy, nhân dân đối với Chánh phủ, anh chị em, bè bạn cư xử với nhau v.v…
Rồi ông lên bảng đen, viết một câu lối chín mười chữ Hán, viết luôn một câu giải nghĩa, một hàng. Ông viết rất khéo, rất đẹp, chữ như dao cắt. Ông bắt chúng tôi chép vào một tập vở nhỏ, đem trình ông chấm điểm.
Những chữ Nho ngoằn ngoèo khó viết làm sao cho những bàn tay non nớt và chúng tôi vẽ chẳng khác vẽ bùa, thế mà được ông cho chín mười điểm ngon lành!
Tính ông trầm lặng, ít giao thiệp nên giờ nghỉ xả hơi, mấy ông giáo kia tựu nhau chuyện vãng còn ông thì ngồi một mình trong lớp xem sách chữ Nho.
Có lẽ vì thời buổi ấy, trường tỉnh Tân An xem thường môn luân lý, vì ông Trần phong Sắc quá hiền hậu lôi thôi, và cũng vì mấy ông giáo khác ít nể ông, không răn dạy học trò phải kính trọng ông, nên giờ dạy luân lý, cái lớp của ông không khác nào cái chợ, mặc ông nhịp roi nhịp thước trên bàn học trò cứ giỡn…”
Học trò trường tiểu-học tỉnh Tân-An hằng ngày gặp vị thầy dạy luân lý trong y phục giản dị và truyền thống. Mỗi ngày đi dạy học, ông vẫn giữ thói quen, không thay đổi, một phần do lương bổng ít oi của một nhà giáo như ông “…nguyệt bổng lối mười mấy đồng bạc”, một phần vì tính ông không vụ lợi, không tìm cách làm ra tiền.
“Đi dạy học, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, cặp cây dù đen, mang đôi giày hàm ếch thật là (xập lết). Mưa như nắng, ông vẫn đi bộ luôn, từ xóm ngã tư đến trường, trong túi áo trắng mặc trong, kè kè những sách.”
Nhà nho Trần-Phong-Sắc nổi tiếng trong khắp các tỉnh Nam-kỳ là dịch giả các bộ truyện Tàu như Phong-Thần, Tam-Quốc Diễn-nghĩa, Ngũ-hổ bình Nam, Tái-sanh-duyên, Tây-du Diễn- nghĩa, v.v… Sách của ông được nhiều người thích đọc vì “văn ông vừa cân đối trôi chảy, vừa bóng bẩy văn hoa, phụ nữ nhi đồng đọc mấy pho truyện ông đã say mê mà hạng lão thành, nhà trí thức xem càng thích thú…”
Kỷ niệm đọc truyện dịch của nhà nho Trần-Phong-Sắc đã được tác giả Đào Văn Hội kể lại như sau:
“Năm ấy, tôi là một học sinh nhỏ bé trường tỉnh Tân An. Mỗi tối, cơm nước xong xuôi, anh em chúng tôi làm bài học bài đến tám giờ, rồi thì ông thân chúng tôi chìa ra một cuốn truyện của Trần phong Sắc, ông mới mượn đâu hồi chiều, hoặc Tiết nhơn Quí chinh đông, hoặc Tiết đinh San chinh tây.
Anh em chúng tôi thay phiên nhau đọc, cả nhà nằm nghe, hàng xóm cũng đến nghe hùn, đến mười giờ mới tắt đèn đi nghỉ.”
Không chỉ ở nhà được cha cho đọc sách dịch của nhà giáo Trần-Phong-Sắc mà thầy giáo ỏ trường tỉnh Tân-An cũng chuộng sách dịch của dịch giả Trần-Phong-Sắc. Tác giả Đào Văn Hội kể tiếp lớp học của ông trong những ngày cận Tết:
“Một lớp ba mươi mấy, bốn mươi trò, chỉ còn vài mươi đi học lấy lệ và, sớm mai, thầy cho viết một bài ám tả, đọc vài bài Pháp văn, Việt văn; chiều, thầy Cảnh, thầy ba Giá, thầy nhì Anh, chọn trong lớp vài ba trò đọc Việt văn trôi chảy cho luân phiên đọc truyện Tàu của Trần phong Sắc, thầy và các bạn đồng học thưởng thức làm vui.”
Độc giả của ông đông như vậy, tài dịch thuật của ông được nhà văn Đào Văn Hội nhắc là “đừng nói chi một tỉnh Tân An mà có lẽ cả Lục Tỉnh Nam Kỳ, nửa thế kỷ trước đây, chưa thấy ai có tài dịch thuật đặc sắc như ông Trần phong Sắc.” Nhưng ông “làm giàu cho nhà xuất bản”, “không dư giả” và “chết nghèo”.
Cũng theo nhà văn Đào Văn Hội, “[d]ường như ông lấy việc dịch thuật văn chương làm sở thích mà không mấy chú trọng về tiền tài.” Điểm đặc biệt ở ông là “[ô]ng xử thế theo Thánh hiền, không mích lòng ai, không oán giận hờn ai. Người trí thức đồng thời ở Tân An ít ai hiểu ông, hễ nói tới ông là họ mỉm cười, có lẽ họ cho ông là một người gàn dở.”
Ngoài tài dịch thuật truyện Tàu, nhà giáo Trần-Phong-Sắc còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bài ca:
Nhà nho Trần-Phong-Sắc còn được biết là một người con hiếu. Tác giả Đào Văn Hội kể cách ông đối xử với thân mẫu hết lòng mặc dù bà đã qua đời.
“Tôi không biết thuở mẫu thân ông sanh tiền ông thờ mẹ hiếu thảo thế nào mà, sau khi mẹ ông quá vãng, ông tạc tượng gỗ một người đàn bà, trên đầu gắn tóc giả, mặc y phục đàng hoàng để thờ trên cái gác nhà ông.
Sáng mai và chiều hai buổi, ông dọn cơm nước nhang đèn trước tượng cúng lạy kính cẩn: “Sự tử như sự sanh” (Cung phụng người chết như người sống).”
*
Tri-phủ Huỳnh Khắc Thuận, theo tân học, cùng dịch một số sách truyện Tàu với nhà giáo Trần-Phong-Sắc.
Sách “Sĩ-Hữu Bá-Hạnh” – 46 Bài Vắn Tắt.
Tác giả: Trần-Phong-Sắc