Xã hội là một tập hợp của nhiều cá thể, hội đoàn, tôn giáo, tổ chức thương mại … Mỗi xã hội lãnh đạo bởi một thể chế chính trị. Nói một cách đơn giản và tổng quát, thể chế chính trị này có thể là dân chủ (do đa số dân chúng bầu lên trong một nhiệm kỳ hiến định), hay độc tài (do một cá nhân nắm giữ hay một nhóm nhỏ nắm giữ, trong một thời gian không hạn định). Hiện nay trên toàn cầu có 120 nước trong tổng số 192 nước là các chế độ dân chủ do dân bầu lên, chiếm 58% dân số toàn cầu.
Tại các quốc gia dân chủ, trong những cuộc bầu cử theo hiến định, người dân sẽ đi bầu lại những người lãnh đạo, hay đại diện, mãn nhiệm - tùy theo những người này có được tín nhiệm nữa hay không. Bầu cử, theo nguyên tắc là một biện pháp thể hiện dân chủ. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng trong thực tế, tùy theo cách thực hiện mà bầu cử chỉ là hình thức, như nhiều trường hợp đã xẩy ra ở các nước Á Phi chậm tiến, độc tài. Các quốc gia Tây phương phồn thịnh và ổn định, như Âu châu và Bắc Mỹ hay Úc châu nói chung, là những nước thực sự dân chủ trong suốt tiến trình bầu cử ứng cử. Ngược lại các quốc gia Cộng sản, hay chậm tiến chịu ảnh hưởng ngoại quốc, bầu cử chỉ là hình thức để hợp pháp hóa một giai tầng lãnh đạo chẳng có quan tâm gì đến việc thi hành uớc vọng của người dân. Quan tâm hàng đầu của những lãnh đạo này chỉ là giữ quyền lực – và khai thác cái quyền lực đó để có quyền lợi cho cá nhân phe phái. Mà muốn thế thì cai trị bằng độc tài trấn áp, và đa số dựa trên những thế lực bên ngoài, vì không được dân ủng hộ.
Lấy một thí dụ cụ thể nhỏ ở Việt Nam hiện nay: có bầu cử rõ ràng, nhưng chỉ là bầu những người được đảng cử ra để cho dân bầu. Người không được đảng cử ra thì … xin miễn. Mà người được đảng cử thì hoặc là đảng viên cán bộ các cấp hoặc là những thành phần có mắc míu làm ăn xa gần với đảng, cho đảng. Khi nói đến đảng là nói đến sự trói buộc chặt chẽ với nhau bằng chủ nghĩa Marxism từ thế kỷ thứ 19 mà tác giả là Karl Marx. Theo đó Marx đã chỉ ra những khuyết tật của xã hội tư bản Tây phương. Gồm hai giai cấp là chủ nắm mọi phương tiện sản xuất và thợ vô sản bị giới chủ tư sản khai thác sức lao động tàn tệ để lấy lợi. Mâu thuẫn giai cấp này sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng bạo lực mà công nhân sẽ thắng, sở hữu tư nhân sẽ bị thay thế bằng sở hữu tập thể. Một xã hội xã hội chủ nghĩa qua đó sẽ được thiết lập, kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để đi tới thiên đường cộng sản. Trong cái thiên đường cộng sản đó, sẽ không có tình trạng người bóc lột người, mọi người sẽ sống trong công bằng - làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, những người không có khả năng sản xuất như người khuyết tật, người già, phụ nữ đông con, trẻ em sẽ được chính quyền giúp đỡ và trợ cấp.
Chủ thuyết không tưởng này tuy nhiên đã được thấy là bất khả thi qua những thay đổi chính trị xã hội ở một số nước trên thế giới. Hiện nay toàn cầu chỉ có 5 nước Trung quốc, Cuba, Lào, Việt Nam, Bắc Hàn chính thức là Cộng sản nhưng với nhiều thay đổi ở những mức độ khác nhau. Liên Sô là một nước theo chế độ Cộng sản từ năm 1921 và đến năm 1991 thì sụp đổ. Trở thành một nước Nga xác to có võ khí nguyên tử, nhưng èo uột mọi mặt đời sống. Chỉ từ khi Putin nắm quyền, kể từ năm 2000, bỏ hẳn chủ thuyết Cộng sản, đi sang kinh tế thị trường, Nga mới dần dần được chú ý như một cường quốc có võ khí nguyên tử. Mười lăm nước chư hầu Trung Á bị Liên sô bỏ mặc cho tự lo thì đã không có nước nào chọn con đường Cộng sản.
Chủ nghĩa tư bản, trong khi đó, đã không bị tiêu diệt hay tự hủy như Marx tiên đoán, nhờ những thích ứng xã hội kinh tế tài chính chính trị để giải quyết các bất cập. Có thể kể ra ở đây vài thí dụ cụ thể như: Ở cấp chính phủ, thay đổi lãi xuất ngân hàng dự trữ trung ương, để khuyến khích hay tiết giảm đầu tư và tiêu thụ, điều chỉnh tốc độ mua bán ở thị trường chứng khoán…Ở những địa bàn xã hội tạo không khí làm việc dễ chịu thuận lợi cho năng xuất. Như điều chỉnh lương bổng cho thích ứng với giá cả thị trường, đóng góp trực tiếp phúc lợi vào các quỹ nhân viên, như quỹ 401K, bảo hiểm tai nạn tại sở làm, bảo hiểm y tế, dành cho nhân viên một số ngày nghỉ hàng năm, một số ngày nghỉ khi đau bệnh mỗi năm. Đối với người nghèo và khuyết tật hoặc người mất sức lao động thì được chính phủ trợ cấp tiền mặt, và phiếu lãnh thực phẩm hàng tháng, vân vân…
Trường hợp Việt Nam thì khác hẳn. Mô thức Cộng sản đã được du nhập vào bởi một người say mê chủ nghĩa từ năm 1921, một kẻ học không hay, cầy không biết, dở thầy dở thợ, là Hồ chí Minh. Hồ đã kể lại xúc động của mình khi đọc bản luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (7-1920): “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi trong buồng một mình mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Thủ lãnh say mê tin tưởng chủ nghĩa như vậy, đệ tử và đồng đảng không thể khác. Nhất là khi suốt ngày chỉ quen nghe một nguồn tin ra rả từ các cái loa, báo với đài, và không quen suy nghĩ. Sự u mê cuồng tín có thể vượt mọi chướng ngại trên con đường đi tới là đặc tính của những con người mới xã hội chủ nghĩa, mà Dương Thu Hương mô tả là “có trí khôn ngắn ngủi”. Loại trí khôn này khi đã dấn lên thì không suy nghĩ nữa. Đó là số phận của 39 con người ở những vùng nòng cốt xã hội chủ nghĩa như Nghệ An Hà tĩnh..., tin tưởng bước lên xe thùng đông lạnh để tới chỗ nghĩ rằng chỉ việc thò tay ra là lấy tiền nhét túi. Nhưng đã bị khám phá ra chết cứng vì ngạt thở khi tới Grays Essex nước Anh.
Đó cũng là tin tưởng biểu hiện ra tại Việt Nam thời năm 1954 chia đôi đất nước, ở vùng “cách mạng” miền Trung Quảng Nam Quảng Ngãi… chưa từng thấy bóng “lính quốc gia”. Khi chiến cuộc chấm dứt, quân đội Việt Nam Cộng hòa đến tiếp thu, quần chúng đến từng xe thiết vận xa gõ vào thành xe và bảo nhau: Nó bằng “sét” (sắt). Vì được cán bộ tuyên truyền lúc còn chiến tranh rằng các loại xe này đã bị bắn hư, bị phá hủy nhiều, thay thế không kịp, cho nên phải làm bằng carton để thay thế hù dọa. Dối trá thế để cho dân yên lòng “bám trụ” giữ đất cách mạng.
Phải chăng vì thế có thể nói được rằng tin tưởng không thắc mắc (hay cuồng tín) là sức mạnh vô địch, không gì ngăn cản nổi ?
Tuệ Vân