May 23, 2023
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay và Bắc Kinh đang tìm mọi cách nối lại hợp tác, trước nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Trung Quốc dỗ ngọt
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC cho biết, ông Vương Văn Đào (Wang Wentao), bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc, sẽ đến Mỹ trong tuần này, gặp gỡ hai quan chức thương mại hàng đầu của chính quyền Biden là bà Gina Raimondo, người đồng nhiệm với ông, và bà Katherine Tai, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ. Thông điệp mà ông Vương mang đến thủ đô Mỹ là Trung Quốc hoàn toàn mở rộng cửa cho hoạt động của các công ty Mỹ và nhiệt liệt chào đón nguồn vốn đầu tư từ Mỹ.
Trước khi lên đường, hôm Thứ Hai, 22 Tháng Năm, ông Vương nói như vậy với các nhà quản lý một số doanh nghiệp lớn của Mỹ trong một hội nghị ở Thượng Hải. Ông cam kết thảm đỏ đã được trải ra chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, và Bắc Kinh hết sức ủng hộ các doanh nghiệp. Ông còn nói với các tổng giám đốc hai tập đoàn Intel và Qualcomm – hai ông lớn trong ngành sản xuất chất bán dẫn – rằng sự phát triển của Trung Quốc là có lợi cho việc kinh doanh của họ, ngược với các chính sách hạn chế xuất cảng công nghệ bán dẫn của chính quyền Biden.
Lời lẽ ngon ngọt của ông Vương cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc mong mỏi nguồn vốn đầu tư mới từ Mỹ và phương Tây để giúp kinh tế Trung Quốc vươn lên trở lại sau ba năm điêu tàn vì chính sách “KHÔNG COVID-19” của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Hoạt động kinh tế sụt giảm, số công ty nhà máy phải đóng cửa ngày càng nhiều và thanh niên thất nghiệp nhiều chưa từng thấy, là bài toán khó mà chính quyền Trung Quốc đang tìm lời giải.
Nhưng thông điệp của ông Vương dường như không được chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nhiệt tình đón nhận. Nói thẳng ra là họ không tin.
Nhiều quả đắng
Trong mấy chục năm làm ăn ở Trung Quốc, các công ty đa quốc gia nói chung, công ty Mỹ nói riêng, không ít lần nếm quả đắng vì tin lời đường mật của Bắc Kinh, dẫn tới chuyện bí quyết công nghệ bị mất vào tay đối thủ được chính quyền hậu thuẫn, lợi thế cạnh tranh bị bào mòn, thậm chí nhân viên bị bắt, bị tù một cách vô lý.
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình thiên về đề cao an ninh quốc gia mà coi nhẹ hoạt động kinh tế-thương mại. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với Mỹ và phương Tây, Bắc Kinh có xu hướng suy bụng ta ra bụng người, coi các công ty nước ngoài là cánh tay nối dài của các chính phủ thù địch, đang tìm cách bao vây, cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Cái nhìn hoang tưởng đó của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc chẳng những không phù hợp với bản chất thị trường tự do của các công ty nước ngoài mà còn đi ngược với đường lối của chính Trung Quốc trong những thập niên đầu cải cách mở cửa, dưới thời những người tiền nhiệm của ông Tập, từ ông Đặng Tiểu Bình đến ông Hồ Cẩm Đào.
Do Bắc Kinh coi trọng an ninh hơn kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc luôn bị soi mói, kiểm soát, bị làm khó dễ vô cớ. Luật Sư James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc và đang làm việc cho một công ty luật có văn phòng tại Bắc Kinh, nói với nhật báo The Washington Post rằng: “Không ngày nào không có tin tức về chuyện Mỹ và Trung Quốc đấu đá nhau. Trong môi trường thường xuyên thay đổi hiện nay, các công ty làm ăn ở Trung Quốc phải liên tục xét lại các kế hoạch chiến lược, xé bỏ chúng rồi bắt đầu lại từ đầu.” Với người kinh doanh, thay đổi chiến lược là việc làm vạn bất đắc dĩ, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Ngày càng khắc nghiệt
Giới kinh doanh Mỹ gần đây thêm lo lắng sau khi Bắc Kinh ban hành một đạo luật chống gián điệp mới, mà theo đó một hoạt động kinh doanh bình thường cũng có thể bị coi là vi phạm pháp luật, bất cứ công ty nào cũng có thể trở thành nạn nhân cho những quy định mơ hồ và những bản án tùy tiện.
Tuần trước, công an Trung Quốc bất ngờ xông vào lục soát văn phòng của các công ty tư vấn kinh doanh Mintz Group và Bain & Co., điều tra công ty Capvision, tra hỏi nhân viên và mang đi nhiều tài liệu, máy vi tính. Cả ba đơn vị này này đều là công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về quản trị doanh nghiệp quốc tế.
Hồi cuối tuần qua, nhà chức trách về an ninh mạng của Trung Quốc bất ngờ tuyên bố công ty Micron – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Mỹ – không qua được cuộc kiểm tra về an ninh và cấm các công ty Trung Quốc sử dụng công nghệ của Micron trong các thiết bị nhạy cảm vì rủi ro an ninh. Ngay lập tức, ông Jang Young-jin, thứ trưởng Thương Mại Nam Hàn, nói Seoul sẽ ngăn cản các nhà sản xuất bán dẫn của Nam Hàn mở rộng việc bán sản phẩm của họ vào Trung Quốc để tránh rơi vào trường hợp tương tự với Micron.
Trước đó, công an Trung Quốc bắt giữ một viên chức quản lý công ty dược phẩm Astellas Pharma của Nhật khiến Tokyo cảnh báo công dân của mình phải cẩn thận, đừng để bị cáo buộc vi phạm luật chống gián điệp mới của Trung Quốc.
Những vụ bố ráp các công ty nước ngoài, bắt giữ tùy tiện theo luật chống gián điệp mới làm các công ty nước ngoài hết sức lo lắng.
Đi xa hơn, Trung Quốc mới đây siết chặt việc minh bạch thông tin kinh tế của đất nước, cắt đứt việc truy cập từ nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu kinh tế của nước này. Điều đó có nghĩa là các công ty, cơ quan nghiên cứu nước ngoài không còn tìm hiểu được các thông tin quan trọng về kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc, không xem được các dữ liệu về mua sắm công, thành lập và giải tán doanh nghiệp hoặc tình hình bản quyền sáng chế… Không có những dữ liệu như vậy, không ai biết được sự thật về nền kinh tế của quốc gia này ngoài những con số do chính quyền công bố vốn thường bị bóp méo để phục vụ các mục tiêu chính trị.
Tránh rủi ro là tốt nhất
Đối với doanh nghiệp nước ngoài, chính sách của Trung Quốc là vừa lợi dụng vừa o ép, đến khi không còn lợi dụng được nữa thì tìm cách trừng phạt, viện cớ an ninh quốc gia. Chính sách đó là một trong những nguyên nhân thôi thúc các tập đoàn đa quốc gia chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động ra khỏi Trung Quốc, một xu hướng đã có vài năm nay.
Hội nghị thượng đỉnh G-7 của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới tại Nhật trong tuần qua tập trung bàn phương thức chống các biện pháp cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc và giảm rủi ro (de-risk) do phụ thuộc quá nặng, đầu tư quá nhiều vào thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp. G-7 không khuyến khích việc tách rời (decouple) với Trung Quốc nhưng quyết không để Trung Quốc sử dụng kinh tế thương mại làm vũ khí chèn ép các nước khác, kể cả các nước trong và ngoài nhóm G-7.
Bắc Kinh rất không hài lòng với tuyên bố chung của G-7 và đã triệu đại sứ Nhật và đại sứ Anh để phản đối.
Nhưng mặt khác, Bắc Kinh cũng nhận ra chính những thủ đoạn cưỡng bức kinh tế của họ đang làm cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài lo lắng và không mặn mà với việc làm ăn ở nước này nữa vào lúc Trung Quốc đang cần nguồn vốn và công nghệ nước ngoài để tiếp tục phát triển.
Chuyến đi Mỹ của ông Vương Văn Đào – cùng với các chuyến đi dồn dập sang Châu Âu của Ngoại Trưởng Tần Cương – có mục đích xây dựng lại lòng tin vào cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Một quan chức cao cấp của Trung Quốc nói rằng, bất chấp “não trạng Chiến Tranh Lạnh, vẫn còn không gian cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc và kinh tế thương mại là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung.” Nhưng xem ra, Bắc Kinh khó mà thuyết phục được Mỹ tin vào thiện chí của họ khi Trung Quốc vẫn nói một đằng làm một nẻo, miệng nói thương mại đầu tư nhưng trong đầu chỉ nghĩ tới triệt hạ đối thủ để giành ngôi bá chủ. [đ.d.]