Có những thứ nó cứ bám quanh ta, lẩn quẩn theo ta suốt ngày và ngay cả trong giấc ngủ, từ ngày này sang tháng nọ, đã và sẽ đi cùng cho đến lúc chúng ta….tắt thở. Thứ này ta chỉ có thể cảm được nhưng không thể nắm, chạm hay sờ vào nó, lẽ dĩ nhiên là không thể thấy nó. Vậy nó là gì ạ?
Nó là 4 “thứ”: Hỉ, Nộ, Ái, Ố. Chuyển ngữ sang tiếng Việt thì là: “Vui, Buồn, Yêu, Giận”. 4 “thứ” này chỉ trạng thái tình cảm của con người, và từ đó mới bật ra nhiều tĩnh từ hệ quả khác. Muốn biến thành danh từ thì quân ta thường cho thêm chữ “Nỗi” hay “Niềm” phía trước.
Theo sau “Nỗi” cũng là tĩnh từ mang tính “tiêu cực”, chẳng hạn Nỗi Buồn, Nỗi Sầu, Nỗi Lòng, Nỗi Đau, Nỗi Buồn, Nỗi Hận, Nỗi Cô Đơn….còn theo sau “Niềm” thường là tĩnh từ mang tính “tích cực” như: Niềm Vui, Niềm Tin, Niềm Ước Ao, Niềm Hãnh Diện, Niềm Hạnh Phúc…. Tôi gọi là “thường”, vì chưa chắc tất cả là thế.
Dạo còn dạy học, có một học trò, rất thích Việt Nam và yêu tiếng Việt. Khi giải thích cách sử dụng từ ngữ “Nỗi” và “Niềm” thì anh ta hỏi: Tại sao tôi lại nghe tựa đề một vài bài hát bắt đầu từ 2 chữ “Niềm Đau” mà không nói là “Nỗi Đau vậy thầy?”, câu hỏi bất chợt làm tôi chột dạ, mà đúng thật, có bài hát bắt đầu từ 2 chữ như: “Niềm Đau Chôn Dấu” được phổ từ bài “Never fall in love” do Khánh Hà hát, mà cũng “chính” tôi đã từng dùng tựa đề này để tỏ vẻ đau buồn về cách viết tắt của giới trẻ thời nay. Tôi vội giải thích nước đôi, thường thì dùng là “Nỗi”, nhưng thỉnh thoảng cũng có nhiều người muốn… nhấn mạnh dùng “Niềm” cho có vẻ đặc biệt, cách dùng này không đúng cũng không sai, nhưng tuyệt đối không ai lại nói “Nỗi Vui”, “Nỗi Hy Vọng”….Hỏi ra thì biết ông này là fan cực kỳ cứng của “Mỹ Tâm” và ông đã nghe MT hát bài “Niềm Đau Xót Xa” của tác giả Đức Trí vào năm 2008 khi sang Việt Nam.
Nói lang thang như vậy để đưa đến một kết luận: “Nỗi” hay “Niềm” là những thứ ta không trực tiếp nhìn-ngắm, sờ-mó mà chỉ có thể….cảm nhận.
---------------------
Nhưng lại có những thứ mà ta vừa có thể cảm, có thể cười, có thể nhăn nhó mà còn có thể thấy và chạm vào nó. Chuyện thế này, xin kể từ từ cho bạn ta nghe qua ….rồi bỏ.
Sáng nay trời xanh, trong rất đẹp, cứ như bình thường, tôi chuẩn bị hành trang để bắt đầu cho cuộc “trường chinh” 12,000 bước theo lời khuyên của bác sĩ. Vừa mở cửa, bước ra khỏi nhà thì gặp “nó” trông xum xoe hẳn ra, tôi rất ngạc nhiên, khi thấy “nó” được chia đều thành 6 nhánh trong mảnh đất bé xìu xìu xiu ngay trước cửa nhà mà mấy ngày trước không thấy. Hèn chi! Mấy ngày hôm qua nhân dịp nghỉ Golden Week, thấy mẹ cháu cứ lui hui, san xẻ, chia đều “nó” ra thành nhiều chậu khác.
Trên bước đường trường chinh, tôi từ từ nhớ lại: “nó” đã đến với chúng tôi sau một ngày bố tôi mất (tháng 1/1995). Hôm đó, có một người hình như hàng xóm cùng chung cư, đã chia buồn và giao cho cô em gái tôi 2 chậu đựng “nó” với lời giới thiệu: “Đây là một loài thảo mộc trường sinh bất tử”. (Tôi không biết chuyện này, mãi sau này mới nghe nói). Nhà tôi ở tầng 4, nên xong mọi chuyện tang ma cho bố, tôi để ngay cái ban công trước nhà, và chưa hề bao giờ nghĩ đến chuyện tưới hay vun trồng gì cho nó. Tháng 11/2000, khi chuyển cư sang nhà mới, thấy nó tàn lụi nên tôi đã “xếp” nó vào hạng “rác” định đem đi bỏ, nhưng mẹ cháu lại mang theo và thể là nó có mặt với gia đình tôi mãi cho đến bây giờ. Tôi có người em vợ rất thích hoa, nhà anh ta cũng trồng đủ thứ hoa trong cái vườn cũng bé tí, nhưng anh chàng không hề biết và tin sự “hiện diện” của loại cây trường sanh bất tử này. Nghe mẹ cháu kể lại có chiết cho anh ta một vài nhánh. Thời gian sau, vào mùa hè thì anh ta báo cho biết là nó nở thành 2, thành 4. Lúc đó mới tin. Thứ thảo mộc này thật lạ, Cứ đến cuối mùa Xuân thì lại nở, và vào Thu bước vào Đông thì tàn lụi, mặc cho mưa gió bão bùng.
Thôi từ khúc này trở đi, ta gọi “nó” là “Em” cho tình tứ, cho có tình có nghĩa. Nhờ sự trợ giúp của bà bạn hàng xóm quen thuộc chuyên yêu và trồng hoa hòe hoa sói thì được biết “Em” là một loại cây có tên tiếng Anh là “Plantain Lily” hay “Hosta”, tiếng Nhật là Giboshi (ギボシ) tiếng Việt là Cây Lá Chuối, Lá Bã Trầu.
Theo bác Google thì
“Em” có lá màu xanh vừa phải, với viền trắng và vài nhánh hoa trắng rất thơm. Hình dạng và kích thước nhỏ gọn thật lý tưởng để làm viền cho một khu vườn râm mát. ”Em” được dân làm vườn coi là loại cây có tán lá tốt nhất trong tất cả các loại cây.
“Em” này có nguồn gốc từ Đông bán cầu. Lần theo dấu vết của thì “Em” đã có mặt từ hàng nghìn năm trước. Nhưng những người làm vườn xứ phương Đông đã biết đến em ít nhất là 800 năm. Chúng đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản. Tuy nhiên, lúc đó sự quan tâm đến “Em” rất ư là hạn chế. Điều này có thể là do “Em” là một loại cây bản địa. Thực vật bản địa thường được người dân địa phương coi trọng, chủ yếu sử dụng chúng để làm thực phẩm. Chuyện có vẻ khó tin, nhưng thật đấy con người có thể ăn được trừ mấy con “cún”.
Gần đây, Ủy ban E. của Đức (phiên bản “FDA” của Đức) qua các thử nghiệm một cách khoa học đã cho ra kết quả tốt; chứng minh rằng “Em” có hiệu quả trong việc chữa lành vết thương và điều trị các bệnh về phổi, bao gồm viêm phế quản, hen suyễn, ho, kích ứng màng nhầy, nhiễm trùng đường hô hấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nó có giá trị sử dụng tại chỗ cho các vấn đề về da liễu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng “Em” có thể ngăn chặn tiêu chảy ở trẻ em.
Theo một nguồn khác thì:
“Em” được những người định cư ban đầu mang đến New Zealand và nhanh chóng được đặt biệt danh là English Mans Foot (hay Whiteman's Foot) vì “Em” dường như phát triển ở bất cứ nơi nào có người định cư đến. Những người theo đạo Cơ đốc thời kỳ đầu coi “Em” là biểu tượng cho nhiều người đi theo con đường của Chúa. Ngày nay, sự hiện diện của loại “cỏ dại” sung mãn này được hầu hết người dân New Zealand coi là chuyện đương nhiên và là một trong những loại thảo mộc được công nhận nhiều nhất trong lịch sử có từ thời Alexander Đại đế (356 TCN-323 TCN), người đã sử dụng “Em” để chữa chứng đau đầu của mình.
Pedanius Dioscorides (40 TCN-90 TCN), người đã nghiên cứu y học ở Ai Cập và là một bác sĩ trong Quân đội La Mã đã sử dụng “Em” để làm dịu những cơn đau, làm mát, chữa bệnh.
Người Anglo-Saxons (450 sau Công nguyên đến 1066 sau Công nguyên) đã liệt kê “Em” là một trong 9 loại thảo mộc thiêng liêng của họ.
Desiderius Erasmus (1466 -1536) một học giả cổ điển, tuyên bố rằng “Em” là thuốc giải độc cho chất độc của nhện độc.
Vua Henry VIII (1491-1547) là một người “nghiệp dư” về y học. Bảo tàng Anh có bộ sưu tập gồm 114 công thức nấu ăn yêu thích của ông, do chính tay ông viết. Ông đã sử dụng “Em” như một trong những loại thảo mộc cơ bản của mình.
William Shakespeare (1564-1616) đã nói về “Em” trong vở kịch “Love's Labour's Lost”, “Hai người họ hàng cao quý” và “Romeo và Juliet”.
-----------
Trở lại chuyện “Em” với gia đình, tôi cảm thấy vô tình và có lỗi với “Em” quá. Nếu sáng qua không thấy nó lây lan chắc có lẽ trong đầu tôi không bao giờ nghĩ đến. Em đã hiện diện trong đời sống chúng tôi một cách thật tự nhiên và ở với chúng tôi cũng đã 28 năm. “Lỗi tại tôi mọi đàng”.
Cám ơn “Em”, cám ơn “Giboshi”, cám ơn Lá Bã Trầu. đã cho tôi “niềm sung sướng” để viết những dòng chữ vinh danh “Em”. Vui thiệt, Nhớ lại 2 câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên …chế:
Cám ơn “Em” vì ta mà Nở
Ta thấy vui từ nỗi lẻ loi.
Biết đâu vì “vụ” Em này mà tôi lại yêu và quan tâm “Hoa hòe hoa sói” nhỉ rồi trở thành một thú tiêu khiển thanh tao để giải quyết những thời gian tôi “tâm sự” với chính tôi trong “Nỗi Lẻ Loi muôn thuở”. Nếu được thế thì thích quá.
Thực ra còn nhiều những thứ khác nó hiện diện và quẩn quanh đời sống tôi quanh năm suốt tháng, đưa đến những “Nỗi Buồn… Cá Sống” cũng như những “Niềm Vui…. Bún Mọc” chẳng hạn. Nhưng thôi, xin ngừng bút, viết hết hôm nay thì ngày mai, mai sau lấy gì để viết. Bạn ta đồng ý?