Chợ trời ở Saigon, sau năm 1975, là một nét đặc thù của thời buổi nhiễu nhương, một giai đoạn đổi đời, khi đất nước vừa trải qua 20 năm chiến tranh tàn khốc. Cuộc chiến được gọi là nồi da xáo thịt, là huynh đệ tương tàn, nhưng.... những người cùng chung dòng máu, đã đối xử với nhau, không bằng trái tim, mà bằng khối óc ngùn ngụt những ngọn lửa căm hờn, thù hận. Kẻ thắng đối xử với những người thất thế, như những kẻ thù không đội trời chung.
Sự xuất hiện của chợ trời Saigon sau ngày 30 tháng 4 năm 75, là một hiện tượng tất yếu, để giải quyết cán cân cung và cầu quá chênh lệch trong xã hội, hậu quả của chính sách ngăn sông cấm chợ của chính quyền mới. Các thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho đời sống như gạo, sữa, đường, thịt, cá, vải vóc.... đều trở nên khan hiếm. Cung không đáp ứng được cầu, nên cái chợ trời này mới tồn tại được một thời gian khá dài.
Đây là chợ trời tự phát do những người dân trong cảnh... cùng đường mạt vận, chung sức, để mưu sinh. Họ nương tựa vào nhau để kiếm miếng ăn, trong giai đoạn hỗn mang chi sơ, vô thiên, vô pháp của đất nước vừa đổi chủ. Cố nhiên, chợ trời này, là chợ trời phi pháp không có giấy phép của chính quyền, không ai phải nộp thuế, và cũng không ai phải mua vé vào cửa.
Chợ trời Saigon sau ngày 30-4-75 là đất sống của vợ con những quân nhân công chức đang bị giam trong trại cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, và bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Họ ra chợ trời để bán từng chiếc áo dài, cái mền len, bộ chén bát cổ, cái lư đồng... để có tiền đong gạo nuôi con, cầm cự qua ngày. Chợ trời là nơi mưu sinh của những người trắng tay sau các đợt bị đánh tư sản của nhà nước. Chợ trời cũng là nơi dung dưỡng cho những người lén lút trở về từ vùng kinh tế mới, vì không sống nổi nơi rừng thiêng nước độc. Chợ trời cũng là... điểm hẹn để các nhân sự của những tổ chức vượt biên gặp nhau để bàn soạn, là... địa chỉ liên lạc của những người tù cải tạo trốn trại, liên lạc với gia đình, bạn bè, những người vượt biên thất bại, nhà cửa bị tịch thu, và không có hộ khẩu. Chợ trời ngày càng thịnh vượng là nhờ hàng hóa tiếp tế đều đặn của những gia đình có thân nhân từ ngoại quốc gửi về: thuốc tây, vải vóc, máy móc, đồng hồ, thực phẩm.....Chợ trời thuở ấy có sự góp mặt đầy đủ các thành phần trí thức trong xã hội, bác sĩ, dược sĩ, giáo sư, vợ các sĩ quan cao cấp...Họ không muốn cộng tác, hoặc dây dưa với chính quyền CS, khi đang chờ đợi một chuyến vượt biên, hoặc giấy tờ bảo lãnh của thân nhân từ ngoại quốc gửi về.
Thoạt tiên, chợ trời chỉ thu hẹp ở nửa con đường Nguyễn Huệ, do một nhóm người quen biết nhau dùng một quán cà phê quen thuộc làm địa điểm để thì thầm, trao đổi mua bán. Sau một thời gian, thấy an toàn, số người tham dự ngày một đông hơn, chợ trời ngày một lớn dần, rồi mau chóng lan ra các khu phố xung quanh, và càng trở nên tấp nập và phồn thịnh
Chợ trời phi pháp được tồn tai một thời gian dài, là nhờ chính quyền mới, trong giai đoạn vừa đổi chủ, nên công việc đa đoan, cách tổ chức còn lỏng lẻo vì thiếu nhân sự. Những người giàu kinh nghiệm, có chuyên môn, đa số đều liên hệ với chế độ cũ, đã bị họ lùa vào các trại học tập cải tạo. Các nhân sự mới tuyển dụng thì vừa non trẻ, vừa thiếu văn hóa, lại không có kinh nghiệm, nên điều hành thất bại. Hơn nữa, vì chân ướt, chân ráo, họ cần phải củng cố chế độ trước, bằng cách đối phó với những phần tử phản động, truy lùng các tổ chức chống đối, gom công chức, quân nhân chế độ cũ vào trong các trại học tập cải tạo, đào tạo cấp tốc đám thanh niên xung phong để làm tai mắt cho chính quyền. Việc thanh toán một cái chợ trời, không phải là thực sự cần thiết trong lúc này. Họ đành mắt nhắm, mắt mở cho cái chợ trời này hoạt động.
Vì là chợ trời phi pháp, nên người mua và người bán luôn sẵn sàng trong tư thế.... chạy. Cách trình bày hàng hóa cũng giản tiện tới tối đa. Cửa hàng bán thuốc tây nhập cảng, chỉ là một cái bàn xếp nhỏ, trên bày tượng trưng mấy vỏ hộp thuốc bằng giấy … rỗng ruột. Người bán quần áo, thì trải một miếng vải plastic trên mặt đường, bày tượng trưng mấy bộ quần áo cũ rích, khi nghe công an tới, là họ túm 4 góc miếng platic, vác lên vai, bỏ chạy. Người bán chén bát, nồi niêu xoong chảo, thì cũng bày lưa thưa vài món hàng kém giá trị, phòng khi lỡ có bị tịch thu, cũng không mất mát bao nhiêu. Ở chợ trời này, thượng vàng hạ cám gì cũng có. Có những thứ được công khai bày bán để khách mua tha hồ quan sát chọn lựa. Có những thứ tìm không ra, thì cứ nói nhỏ với người bán hàng về nhu cầu bạn muốn mua, nếu họ không có, họ sẽ nhanh chóng giúp bạn liên lạc với những người mối chuyên nghiệp. Khi ngã giá xong, thì địa điểm giao hàng là ở nơi khác, chỉ hai bên được biết. Bạn muốn tìm một cái radio cassette hiệu Sony của Nhật, hoặc một xe đạp khung thép, hiệu Peugeot của Pháp, hay một đồng hồ đeo tay 2 cửa sổ, ba người lái, hiệu Rolex hoặc Rado của Thụy Sĩ, hoặc là cấp bách hơn, tìm mua gấp một chai nước biển loại Plasma Protein cho một đứa cháu bị sốt xuất huyết, đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, bạn sẽ được nhanh chóng toại ý, với giá cả thuận mua vừa bán. Thậm chí, bạn muốn mua những.... đồ quốc cấm như đô la tươi để lận lưng đi vượt biên, hay vài cây vàng để đóng cho chủ tàu, bạn cứ rỉ tai là sẽ được toại nguyện, miễn là người giới thiệu phải có đủ uy tín.
Đôi khi, chợ trời cũng bị công an bố ráp, giữ người, và tịch thu hàng hóa để thị uy, nên mua bán luôn phải đề cao cảnh gíác. Người mua và người bán đoàn kết, bao bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Khi mới thấy công an xuất hiện ở đầu chợ, thì lập tức có tiếng hô to: bò vàng. Tiếng bò vàng theo dây chuyền, mau chóng lan tới cuối chợ. Nhanh như cắt, chợ trời lập tức tan hàng, và hàng hóa ...tàng hình nhanh chóng một cách kỳ diệu. Khi công an tới giữa chợ, thì chỉ còn lại một bãi rác, giữa cảnh đồng không nhà trống. Tôi đã một lần được chứng kiến màn kịch vừa khôi hài vừa sống động. Khi ấy, tôi ra chợ trời tìm mua vài thứ thuốc tây nhập cảng. Đang nói chuyện với người bán, đột nhiên thấy anh ta nín bặt, ngửng đầu, dáo dác nhìn bốn phía, rồi nói nhanh: công an tới rồi ! Tôi phải dọn hàng. Miệng nói, hai tay nhanh thoăn thoắt gạt các hộp thuốc tây trên bàn vào trong một túi nhựa, rồi nhanh chân lẩn vào đám đông. Chừng 5 phút sau, một chú nhỏ cỡ 12 tuổi, tới xếp cái bàn nhỏ, mang đi luôn, không để lại dấu vết gì của một cửa hàng thuốc tây, loại bỏ túi! Bà ngồi bên cạnh, thì kém may mắn hơn, bà bán các chén bát, quạt máy, bếp điện cũ, cồng kềnh và nặng nề, nên thu dọn không kịp. Một chú công an mặt non choẹt, chừng 16 tuổi, tay mang băng đỏ, chạy tới, hách dịch ra lệnh: chị buôn bán không xin giấy phép của nhà nước ! Chị phải theo tôi về cơ quan làm thủ tục. Hàng của chị chúng tôi cũng tạm giữ để điều tra. Anh ta nói, nhưng anh tới với 2 tay không, làm sao mà tịch thu hàng hóa? Anh ta cẩn thận dặn chị bán hàng: chị phải đứng ở đây, chờ tôi đi lấy xe. Hàng hóa của chị những gì, tôi đã nhớ rõ, không được di chuyển. Nếu thiếu thứ gì, chị phải chịu trách nhiệm. Anh công an nói xong, thì vội vã quay gót. Chờ anh công an thiếu kinh nghiệm khuất bóng, các bạn hàng xung quanh ào vào, mỗi người một tay, giúp chị tẩu tán tang vật. Cuối cùng, miếng vải mủ trải lên mặt đường để bày hàng, cũng được chị cuộn tròn mang đi luôn. Tôi cứ nghĩ tới cảnh chú công an mới vào nghề, đẩy xe tới nơi, ngơ ngác trước cảnh ...đồng không, nhà trống, mà lỡ khóc, lỡ cười.
Lúc đầu, chợ trời chỉ là chốn dung thân cho những người trong chế độ cũ, nhưng lâu dần, chợ trời này cũng được các cán bộ ... hủ hoá của nhà nước chiếu cố.
Họ dấu bớt những thứ đồ béo bở trong cơ quan, khi kiểm kê tài sản. Họ … bỏ quên, không liệt kê những món đồ quý giá, khi đánh tư sản mại bản. Những món đồ phi pháp này, đâu có chỗ nào tiêu thụ an toàn và kín đáo bằng chợ trời? Hàng hóa của các anh cán bộ mang ra, được các...thương lái ngoài chợ trời hân hoan đón nhận, vì giá cả vừa béo bở, vừa dễ mua. Và trước khi chia tay, thế nào họ cũng khuyến khích các anh... hủ hóa thêm vài chuyến nữa. Mấy năm về sau, thấy miền Nam làm ăn dễ dàng, nườm nượp các thương lái từ miền Bắc vào Nam buôn hàng chuyến, đem ra Bắc bán, lời vô số kể. Hàng hóa họ mua là những thứ cồng kềnh, nhưng hiếm hoi ở ngoài Bắc, như truyền hình, tủ lạnh, máy giặt sấy, bếp ga, radio cassette, xe máy.... Nguồn cung cấp cũng là chợ trời, và khi ấy chợ trời náo nhiệt và phồn thịnh tới tối đa.
Buôn bán ngoài chợ trời, nghe ra như gom bạc cắc, nhưng thực ra không phải vậy! Lúc sau này, có nhiều người làm giàu, mua nhà, mở tiệm nhờ buôn bán chợ trời, dù họ chỉ làm trung gian giữa mua và bán. Chị bạn tôi, chỉ nhờ bán thuốc tây ngòai chợ trời, mà lo được cho ông chồng, và 3 đứa con trong lứa tuổi nghĩa vụ, lần lượt đi vượt biên, mà theo thời giá, mỗi đầu người phải là 3 cây vàng. Buôn bán ngoài chợ trời, ai cũng chứng kiến được cảnh mua bán chụp giựt mổi ngày, và tình trạng bấp bệnh của những người kiếm sống bám vào chợ trời, nên họ không có kế hoạch gì dài lâu. Ai cũng tiên đoán được, một khi chính quyền vững mạnh, thì chợ trời không còn đất để dung thân.
Tôi đi vượt biên vào năm 1982, bỏ lại sau lưng cái chợ trời, nơi mà tôi hằng lui tới, để găp gỡ các bạn bè, và mua thuốc tây nhập cảng. Do cuộc sống ở ngoại quốc quá vất vả và bận rộn, tôi quên bẵng mất cái chợ trời Saigon năm xưa. Tới cuối thập niên 80, tôi nghe mấy người bạn mới sang cho biết là chợ trời đường Nguyễn Huệ đã hòan toàn bị xóa sổ bởi chính quyền CS. Lòng tôi chợt chùng xuống, bùi ngùi, hình dung lại cái chợ trời xô bồ và náo nhiệt, chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử của thời kỳ đen tối của đất nước. Chợ trời đường Nguyễn Huệ, sau năm 75, đã cưu mang biết bao người thất thế, bao gia đình trong cảnh cùng đường mạt vận. Trong trái tim tôi, Chợ trời Nguyễn Huệ mãi mãi rạng rỡ như một ánh sao trên bầu trời u tối của vận nước.
Đoan Nghi
30/4/2023