Câu chuyện dưới đây xảy ra tại một nơi có tên là Mộc Hóa. Theo bác Google thì “Mộc Hóa là một huyện thuộc tỉnh Long An, chịu ảnh hưởng vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào chia làm 2 mùa mưa nắng rõ rệt”.
Vào những năm chiến tranh, Mộc Hóa còn được coi là một vùng xôi đậu. Ngày thì là “ta” còn đêm là “giặc”. Chuyện nuôi và tiếp tế cho “giặc” là chuyện không tránh khỏi cho nhiều gia đình sống ở đây. Và cũng tại nơi này đã có nhiều câu chuyện rất đau thương, đầy tình người. Chuyện dưới đây do tác giả Lê Thiệp ghi lại sẽ cho ta thấy sự nhân bản và bao dung của người sĩ quan cộng hòa đối với một cụ già có con theo “giặc” và tình cảm của cụ bà đối với ông sĩ quan lúc ông sa cơ thất thế. Mời quí vị vào chuyện. (Vũ Đăng Khuê).
Mưa ở Mộc Hóa!
Lê Thiệp
Năm nay nước muộn nên lên nhanh, chỉ vài ngày mà nhìn đâu cũng thấy nước. Những thửa lúa mênh mông bên kia sông như có phép lạ, nước dâng tới đâu, ngọn lúa ngoi tới đó. Từ cửa sổ lầu hai nhìn ra cả một vùng bát ngát như chìm trong màu mưa mờ đục. Thiếu tá Soạn thầm nhớ ruộng chiêm ở Sơn Tây. Đến mùa tháng Mười những thửa ruộng chiêm cũng ngập mưa nhưng không thênh thang như ở Mộc Hóa này. Nơi đây trên là trời, dưới là ruộng nhìn ngút con mắt. Bà cụ mẹ vợ có lần xuống chơi, thấy cảnh cày cấy ở đây chép miệng than “Đúng là làm bỡn ăn thật, chả bù với quê miền Bắc nhà mình.” Có tiếng lịch kịch ở sau, ông quay lại. Người hạ sĩ nhất bước vào từ hồi nào đang dọn dẹp, ngẩng lên hỏi:
– Thiếu tá về nhà ăn sáng hay ra phố? Đêm qua thiếu tá thức khuya quá.
– Tôi đã nói cứ đi ngủ trước, tôi còn phải đọc mớ hồ sơ mới đến. Anh thức làm gì cho mệt. Chắc không về nhà được, anh chạy ra phố mua cái gì về cùng ăn.
– Em ăn rồi, mì gói. Thiếu tá ăn gì để bảo tụi nó ra mua.
– Thôi mất công, có mì làm cho tôi hai gói cho gọn. Đói rồi. Tám giờ tôi phải họp ở Trung Tâm Hành Quân rồi phải sang gặp ông Tỉnh nữa. À, hễ thấy ông trung úy Tiến về thì bảo gặp tôi ngay.
– Trung úy Tiến còn hành quân ở dưới mấy ấp, hồi sớm em qua Tiểu Khu chưa thấy ai.
Chức tham mưu trưởng Tiểu Khu đúng là thứ đầu sai, cái gì bên Tỉnh đẩy sang được là đẩy. Lại còn kiêm thêm phòng nhì an ninh tình báo vì ông đại tá đã thân mật bảo “Thiếu tá coi luôn ban Hai, tôi không tin mấy ông kia. Nó tế nhị lắm, biết ông bận nhưng không dám giao cho ai.”
Tế nhị là chữ của ông tỉnh trưởng để ám chỉ đến những vụ bê bối lem nhem đã xảy ra. Dọa một ông Ba Tàu trốn lính khéo léo thì có một khoản. Vặt vãnh như chặn ghe chở lúa, khám xét nhà máy xay gạo đều có thể moi được chút đỉnh, chưa kể những vụ lớn hơn như bắt giam về đủ tội dấm dớ. Dính đến an ninh quân đội, ai mà không sợ?
Khi thiếu tá Soạn bước ra khỏi cuộc thuyết trình an ninh lãnh thổ hàng ngày, trời vẫn mưa, và thoảng cái lạnh dịu dàng có mùi ẩm ướt. Từ đây sang dinh tỉnh trưởng chỉ độ vài trăm thước, băng qua con lộ là tới, bình thường ông vẫn ôm hồ sơ lội bộ. Nhưng trời mưa thế này… Chiếc jeep đậu chờ ngay cửa nhưng ông bỗng muốn đi dưới mưa nên vẫy tay gọi người tài xế:
– Anh cho tôi mượn cái poncho. Còn xấp hồ sơ này đem về văn phòng cho tôi.
Vốn quen tính, người tài xế lẳng lặng cởi chiếc poncho ướt át đưa cho ông xếp. Trời mưa không to nhưng đều hạt, những giọt mưa bay xéo đan vào nhau như một màn mỏng. Vừa đến giữa sân cờ thì bốn chiếc GMC ì ạch quẹo vào. Trung đội thám báo tỉnh. Ông đứng giữa sân nhìn đám lính ướt như chuột lột, súng ống kềnh càng nhảy khỏi xe, tụ cả vào hiên nhà gạch, cười nói ầm ĩ. Ông nhận ra ngay trung úy Tiến và lững thững đi tới. Công việc của tham mưu trưởng ngập đầu nên vụ phòng Nhì ông dựa nhiều vào viên sĩ quan trẻ tuổi này. Có thể vì mưa, có thể vì ông trùm poncho nên không ai chú ý cho đến khi ông đến sát hiên nhà.
– Sao, ông trung úy, chộp được nó không?
Ngạc nhiên thấy ông xếp đội mưa ở sân cờ, viên trung úy thảy khẩu M16 trên tay cho một người lính và quay sang:
– Tin hoảng, ông thày ơi. Thằng đó ranh như ma nhưng thế nào tôi cũng tóm được.
Thiếu tá Soạn gật đầu. Tin tình báo mười cái thì gần như cả mười mơ hồ, láo khoét nhưng vẫn phải theo dõi. Nguồn tin A3 cho hay Ba Thành đang lẩn quất quanh xã Hiệp Hòa từ nửa tháng nay và chính trung úy Tiến đã thân chinh nhiều lần đem thám báo tỉnh rình mò, phục kích. Đang toan quay đi thì trung úy Tiến nói :
– Ông Thày, tôi cho giữ bà mẹ rồi.
Thiếu tá Soạn khựng lại:
– Bộ bà cụ liên lạc với nó à? Có chứng cớ gì không? Nó tính bò về nhà à?
– Không có chứng cớ gì nhưng mình giữ bà cụ thế nào nó cũng phải ló mặt ra. Ông thày nhớ vụ Tào Tháo giam mẹ Từ Thứ không?
Thiếu tá Soạn đứng chết lặng trong cơn mưa. Trên sân cờ, những người lính trùm poncho di động như những khối xám nhạt nhòa. Ông có cảm tưởng bà cụ đang đứng ngay trước mặt nhìn ông:
– Trung úy, tôi đã nói rõ nhiều lần không ai được quấy rầy bà cụ. Tôi lặp lại, không ai được sờ đến chéo áo của bà cụ nếu không có bằng chứng rõ rệt. Tôi nói trung úy hay, bà cụ có thể là bà mẹ Từ Thứ nhưng tôi không là Tào Tháo và nhất là thằng Ba Thành không bao giờ là Từ Thứ cả. Bây giờ là thế kỷ 20, không phải thời Tam Quốc, đừng giở võ Tàu của trung úy ra. Trung úy cho người đưa bà cụ lên văn phòng gặp tôi ngay.
Thiếu tá Soạn nện gót giày saut xoay người đi về phía bên kia sân, miệng lẩm nhẩm “Ba Thành. Trần Ngọc Thành. Trần Chiến. Nguyễn Văn Lâm” và cái hồ sơ của viên bí thư tỉnh ủy Mộc Hóa với cả chục bí danh hiện ra rõ mồn một.
*
Khi thiếu tá Vũ Soạn vừa bước lên cầu thang, viên hạ sĩ đã đứng ở đó tự bao giờ :
– Trung úy Tiến cho người dẫn bà cụ lên, tôi để ngồi ở phòng ngoài. Thiếu tá có muốn gặp ngay không?
– Ừ, đưa vào ngay đi rồi còn phải đưa bà cụ về nữa. Từ đây xuống Hiệp Hòa lúc này chắc phải đi xuồng. Anh pha cho tôi ấm trà nóng.
Bà cụ trông y như lần gặp trước, vẫn dáng đẫy đà trong chiếc quần lãnh đen, bà ba màu trắng ngà. Miệng hơi móm, răng cửa chỉ còn hai ba chiếc nhưng tiếng nói vẫn rõ ràng. Thiếu tá Soạn đưa cả hai tay nắm lấy tay bà cụ dẫn vào, vừa đi vừa hỏi :
– Má khỏe không? Con xin lỗi làm phiền má vì mấy đứa nhỏ nó lộn xộn quá, đưa má lên tận đây.
– Cảm ơn thiếu tá, tui khỏe.
– Một chút xíu nữa con bảo tụi nó đưa má về nhà. Từ nay trở đi hễ đứa nào lộn xộn, má cứ nói má là má của thiếu tá Soạn, thiếu tá Vũ Soạn, tham mưu trưởng Tiểu Khu, má nhớ chưa?
– Lần trước nhờ có thiếu tá, bẵng đi mấy tháng yên yên, tối qua mấy ông lính ở tỉnh, cái ông trung úy gì đó, lại bắt tui.
– Trung úy Tiến. Ông ấy hiểu nhầm nhưng má yên trí. Con chỉ muốn má đừng liên lạc gì với thằng Ba Thành là không có chuyện gì xảy ra hết.
– Nó đi mất biệt có biết ở đâu mà liên lạc. Thiếu tá biết hết mà. Nó đi tập kết từ hồi 54 lận.
– Con biết. Con còn biết, chắc má cũng biết. Nó bây giờ là tỉnh ủy Mộc Hóa, đang lén lút hoạt động quanh quẩn ở đây.
– Tui già cả biết đâu mấy chuyện đó.
– Con nói lại với má lần nữa. Chuyện là chuyện của tụi con. Của con với thằng Ba Thành. Má già rồi, đừng dính vào. Con nói thật, nó bắn được con thì nó bắn liền. Con mà bắt được nó, con đưa nó ra tòa án quân sự. Nhưng chuyện là chuyện của tụi con, má đừng có dính vào. Hễ nó liên lạc về, má nhắn làm gì thì làm, đừng để liên lụy tớ má.
– Thiếu tá nói vậy tui hay vậy. Tui già cỡ tuổi này, chết giờ nào đâu hay, nhưng thấy sao bên này, bên kia cứ bắn giết nhau hoài. Buồn lắm, thiếu tá ơi.
Bà cụ nói xong, ngồi thu mình trên ghế. Thiếu tá Soạn im lặng ngắm bà cụ, rồi chậm rãi :
– Má ơi, mẹ con cũng cỡ tuổi má, không biết còn sống hay chết. Địa chủ, cường hào ác bá, con đi Nam, đấu tố đủ thứ …
– Thiếu tá nói gì vậy? Bộ thiếu tá không biết mẹ thiếu tá sống hay chết à?
– Hai mươi năm rồi má. Không tin tức gì. Thôi, để con sai tụi nó đưa má về. Nhớ hễ thằng Ba Thành nó liên lạc gì, má bảo nó đừng có để má bị liên lụy. Đây là chuyện của tụi con, má già rồi đừng dính vô.
– Tui không hiểu sao nhưng giá đừng đánh nhau nữa có phải hơn không.
Thiếu tá Soạn đứng lên, vòng qua bàn, đi tới mở chiếc tủ nhỏ, lấy ra một hộp mè xửng, miệng lẩm bẩm như nói với chính mình “Đừng đánh nhau nữa có phải hơn không. Có phải hơn không.”
Đỡ bà cụ dậy, thiếu tá Soạn nhét hộp kẹo vào cái bị bằng vải của bà cụ, nói :
– Con đã gọi xuồng rồi. Để con đưa má về. Má cầm hộp kẹo chia cho lũ nhỏ ở nhà. Nói tụi nó đây là của bà ngoại mua ở trên tỉnh.
Ngoài kia trời vẫn mưa đều hạt.
*
– Anh kia, lên đây. Người tù cải tạo số 1715 nhễ nhại đang cầm chiếc mai sắn bùn ngẩng lên:
– Tôi nói anh kia lên đây.
Người bộ đội miền Bắc đầu đội chiếc mũ tai bèo, vai khoác AK47 trễ bên vai, đưa tay chỉ. Người tù hơi ngạc nhiên nhưng bì bõm lội lên bờ trong khi cả đám tù ngưng tay ngóng cổ nhìn.
– Bỏ đấy đi về trại có việc.
Người lính Bắc Việt chỉ chiếc vỏ lãi đang nổ máy, người lái cũng là một bộ đội đang ngồi. Từ sáu tháng nay, người tù đã quen với cách cư xử của trại nên lẳng lặng leo lên chẳng nói chẳng rằng. Dáng ông to cao ngồi phía sau khiến người lính Bắc Việt như tụt xuống, như bị lấp đi. Chuyện gì đây? Đâu phải khơi khơi, đang lao động mà được vỏ lãi ra tận nơi đón? Thắc mắc nhưng biết hỏi cũng không có câu trả lời, ông nghĩ hay nhất là im lặng.
Trại Cải Tạo ở Cà Mâu nằm biệt lập, khuất sau những cây dừa nước dừa lửa, từ xa chỉ thấy những rặng màu xanh. Khi chiếc vỏ lãi ngừng, người lính Bắc Việt hất hàm :
– Vào đó, ngồi chờ.
Trong phòng khách của trại — không phải của tù mà là của quản giáo — mấy chiếc ghế sa lông không cùng bộ, cùng màu bày quanh chiếc bàn mi-ca thấp, có để một bó hoa ni lông. Ông định ngồi nhưng khựng lại vì quần áo nhơm nhếch bùn và mồ hôi vẫn còn rịn trên đầu.
Từ bên ngoài cửa có tiếng nói:
– Để tao dô một mình.
Cựu thiếu tá Vũ Soạn, tham mưu trưởng Tiểu Khu Mộc Hóa sững người. Giọng bà cụ.
Bà cụ trông hơi gầy so với lần trước nhưng y phục vẫn vậy, quần đen áo trắng ngà, chiếc khăn buộc thõng quanh cổ.
– Tui tới thăm thiếu tá.
– Má. Má đừng gọi vậy nữa. Bây giờ con là học viên cải tạo. Má khỏe không? Sao má biết mà cất công xuống đây làm chi.
Ông vẫn đứng đó giữa phòng khách. Bà cụ cũng đứng đó và bỗng đưa hai tay ra phía trước. Cựu thiếu tá Soạn đưa hai tay ra đỡ.
– Má đến để cảm ơn con đã che chở cho má.
Bà cụ rưng rưng nước mắt nhưng nói rõ ràng :
– Má nhớ lời con hồi đó. Thằng Thành cũng nói như con. Đây là chuyện của nó với con. Nhưng nó bảo không giúp gì cho con được. Nó nói những gì lung tung má không hiểu. Nó cảm ơn con đã không bắt giữ má nhưng nó bảo cách mạng không lý đến chuyện riêng, chuyện tình cảm vụn vặt.
– Con hiểu.
– Má không hiểu. Má làm dữ, bắt nó đưa má xuống đây thăm con vì hôm rồi nó cho hay mấy người cải tạo sắp phải đi ra Bắc. Má e không có dịp nhìn thấy con nữa.
– Con hiểu.
– Má không hiểu. Buồn lắm, con ơi!
– Rồi má sẽ hiểu. Con cảm ơn má đã coi con như con. Con nói với má điều này. Má gọi con là con, xưng má như vậy mình là má con. Má đồng ý không?
Có tiếng húng hắng ho, viên quản giáo bước vào:
– Hết giờ thăm rồi, thưa bác. Anh Ba đợi bác từ nãy tới giờ, con nước sắp xuống, còn phải đi ghe ra chợ, không đi sớm e về Mộc Hóa không kịp.
Bà cụ nhìn viên quản giáo và quay lại, nhìn người tù. Bà lắc đầu, rồi co tay dụi nước mắt, từ từ đi ra, không nói thêm gì. Cựu thiếu tá Soạn vẫn đứng đó nhìn theo ra cửa. Bỗng ông nhớ lại lần gặp trước. Hôm đó ở Mộc Hóa trời mưa suốt ngày.
Lê Thiệp
(Trích Lững Thững Giữa Đời do Tiếng Quê Hương phát hành)