Diễm thắp nhang bàn thờ Phật và bàn thờ Ba rồi quay sang Minh nói:
" Anh ơi anh nói với anh Bảo, kêu ảnh đón Mạ với. Em biết anh Bảo trông coi khu khác nhưng anh cứ nói với ảnh, biết đâu ảnh gặp đón Mạ được. Anh nói nhờ ảnh hướng dẫn cho Mạ"
" Ừ anh nói"
Một vài phút sau, nàng giục tiếp
" Anh nói chưa?"
"Anh nói rồi" Minh đáp.
Minh và Bảo có cùng tầng số tâm linh nên hai người có thần giao cách cảm.
Diễm trầm ngâm đeo cặp earpod vừa nghe pháp vừa lui cui trong bếp. Đó là thói quen mỗi ngày, một thói quen mà nó đem cho Diễm không gian yên tĩnh. Nó là thói thiền vì nó đòi hỏi nhiều thao tác nhưng trong mỗi thao tác đều có sự tập trung tuyệt đối. Càng ngày Diễm càng thích chìm đắm trong sự tĩnh lặng, không phải chỉ trong những ngày chếnh choáng với bụi trần gian. Trong tận sâu thẳm, Diễm đã chuẩn bị tinh thần bởi mẹ đã chín mươi tuổi cùng nhiều chứng bệnh trong người, nặng nhất là bệnh lãng trí. Lần này mẹ đã không qua khỏi cơn đau tim và dịch tràn phổi. Mấy ngày chăm mẹ trong bệnh viện đem đến chút an ủi trong lòng nàng. Lúc nghe tin mẹ trong tình trạng nguy kịch nằm bệnh viện gần hai tuần, linh tính cho nàng biết rằng mẹ sẽ không qua khỏi nên vội mua vé về thăm. Trước ngày đi, Bảo về "làm việc tâm lý", khuyên nhủ nàng không quá buồn bã và đừng để tâm trạng đau buồn rồi đổ bệnh.
Đã từ lâu Diễm thui thủi giữa cõi nhân gian không ai hiểu bởi câu chuyện tâm linh của nàng, một câu chuyện mà có nhiều điều chính bản thân nàng cũng không hiểu. Bảo đã mất gần hai mươi năm nhưng vẫn "hiện hữu đi bên nàng không phải bằng xương bằng thịt mà bằng tâm thức qua cách nhập xác vào người thương của nàng. Là người trải nghiệm và nghiên cứu về tâm linh mà lắm lúc Diễm còn như kẻ mộng du thì huống gì những người chưa bao giờ tiếp cận mảng kiến thức đầy huyền bí kia. Dù sao nàng cũng chỉ cần những người thân hiểu là được. Nàng không cần ai phải hiểu bởi nàng bình an với lối sống khép kín, không thích giao thiệp nhiều và cũng không tha thiết với bất cứ xô bồ ngoài kia. Ngoài việc đem đến cho người cho đời lời thơ, tiếng hát nàng dành trọn thời gian cho người thân và cho việc hành thiền. Nàng vẫn còn hoá thân trên sâu khấu bởi Bảo luôn nhắc nhở phải đem bất cứ khả năng mình có giúp người khác. Lời nhắc nhủ đó in sâu vào tâm trí nàng và Bảo muốn nàng phải làm như vậy bởi chàng đã chiêm nghiệm từ bản thân:
"Em được cho khả năng gì thì em phải đem khả năng đó giúp lại người khác. Đừng như anh ngày xưa chỉ biết bo bo cho bản thân"
"Anh giúp người mà! Anh là bác sĩ thì anh giúp người mà!"
"Giúp chi mà giúp. Bác sĩ ăn lương mà giúp chi!"
"Ý anh là anh không làm chi khác giúp người đó hả?"
"Phải rồi. Anh chỉ biết lo cho mình"
Mỗi lần Bảo giúp nàng giải quyết việc gì, chàng vận dụng vốn kiến thức uyên bác của mình và nhiều chiến lược tâm lý. Nhiều lúc Diễm bướng bỉnh và đấu khẩu nhưng cuối cùng lúc nào Bảo cũng là người có lý.
"Em được cho khả năng chi thì phải dùng khả năng đó giúp người khác chớ không thôi bị mất đi"
"Chi mà mất đi ??"
"Không sử dụng theo sứ mệnh thì người ta lấy lại, hay mất đi chớ răng!"
Nghe hai từ "mất đi" nàng cảm thấy sợ, mặc dù biết Bảo đang dùng chiêu tâm lý nhưng nàng vẫn ngán ngán. Nàng từng đọc nhiều bài viết về những người có khả năng tâm linh nhưng họ không sử dụng đúng mục đích hay sứ mệnh của họ và khả năng tâm linh bỗng một ngày kia bị mất đi.
Vẫn biết là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau nhưng nàng vẫn suy tư và vì thơ nhạc đã quyện với tâm hồn nàng, nó như hơi thở nên nàng không phải nhọc công gì, vậy thì không có lý do nàng không làm. Không phải nàng đã hoá thân với nhiều vai diễn khác nhau rồi hay sao, nên hoá thân thêm trên sân khấu nữa cũng không khó nhọc gì. Vì vậy nên nàng vẫn nguợc xuôi đi về nơi trần thế, mượn hồn thơ hát với cỏ cây.
Không chỉ là người trợ giúp vô hình của nàng, Bảo bây giờ là người trợ giúp và hướng dẫn các vong linh mới đến. Công việc của Bảo là tiếp nhận, hướng dẫn, coi sổ sách và điều động các vong linh mới xuống đến các khu thích hợp. Nàng thường được nghe Bảo kể khá chi tiết từ tên tuổi, nguyên nhân chết cũng như gia cảnh của các đồng nghiệp hay người quen của Bảo sau khi họ qua đời. Một lần Bảo say sưa kể về một người bạn vong niên, cũng là bác sĩ. Hai người gặp lại nhau, kẻ đi trước người đi sau chia sẻ bao nỗi niềm. Nàng nghe chăm chú như đang coi một cuốn phim, vừa nghe vừa không biết nghĩ gì trong lòng bởi Bảo kể không bỏ sót một chi tiết làm nàng bật cười:
"Trời ơi, chết rồi mà còn đía nữa!"
Bẵng đi một vài tháng, nàng hỏi:
"Anh còn đía với thằng bạn nớ không?"
"Không, hắn chuyển đi nơi khác rồi"
"Hắn là người tốt, không phải chịu cực hình chi, chắc là đi "cải tạo" nhẹ rồi"
Mỗi lần Bảo về, nàng luôn buông hỏi một câu bởi nàng không thể mường tượng môi trường phi vật chất, phi thời gian và không gian của Bảo:
"Bữa ni dưới nớ anh làm chi?" Hoặc
"Dạo ni có chi hay anh?"
Nếu là gặp lại người quen, là ai thì Bảo sẽ kể cho nàng nghe, còn lại là xoay quanh cuộc sống của nàng. Nếu có chuyện gì thì Bảo sẽ lắng nghe, phân tích và khuyên nhủ về hướng giải quyết. Thi thoảng, nàng cũng đấu khẩu một cách vô duyên với những chuyện quá khứ của Bảo. Không phải lúc nào Bảo cũng điềm đạm, hiền hoà mà có lúc cũng lí lắc khiến nàng chịu không thấu.
Thường khi Bảo về thăm vào những ngày cuối tuần, ngoại trừ việc cấp bách, nhưng một hôm lại "tréo cẳng ngỗng". Sáng sớm, Diễm loay hoay trong bếp bới xách, Minh vừa đi ra bếp vừa khịt khịt như mũi đang bị dị ứng:
"Đêm qua anh mất ngủ. Không biết sao suốt đêm khó ngủ!"
Diễm không lấy làm ngạc nhiên vì Minh là "cú đêm", và lại mang chứng khó ngủ. Hôm sau, Bảo về tự thú:
"Hôm qua anh khiến cho Minh khó ngủ!"
"Thì ra là anh hả?"
Bảo nhếch miệng cười hỉnh
"Trời sao lại về ngày thường! Anh biết ngày thường là ngày đi làm không?"
Diễm nói với vẻ hạch tội.
"Thiệt tình! Hèn chi Minh mất ngủ ..sao đi làm?"
"Anh không biết, không có khái niệm là ngày đi làm"
Diễm ức nhưng cách nói "vô tư vô số tội" của Minh khiến nàng muốn phì cười trong lòng. Diễm chợt nhớ ra là cõi âm không có khái niệm không gian theo lịch trình như trên cõi dương trần nên nàng nói xoà:
"Mai mốt anh để ý, chớ làm vậy Minh đi làm mà mất ngủ dễ đổ bịnh"
Nàng chênh vênh giữa hai cõi giới chập chùng. Là thiên ý hay nhân duyên, nàng không có sự chọn lựa, không có lời giải đáp. Không hẹn mà đến, không chờ rồi đi Bảo trở thành một phần đời sống của nàng. Mặc dù vậy, năm lần bảy lượt Diễm vẫn gặn hỏi:
"Anh, xưa nay biết bao nhiêu kẻ yêu nhau thắm thiết nhưng khi chết đi thì mỗi người một ngả. Sao anh lại được cho về?"
"Anh không biết. Lúc họ kêu anh về giúp em, họ giở sổ ra nói anh với em có nhân duyên từ nhiều đời"
"Vậy, ai có duyên với nhau từ nhiều đời là được về sao?"
"Không biết"
"Rứa hay là căn cơ em là chi mà họ kêu anh về giúp?"
"Họ không nói!"
"Anh ở dưới nớ răng không biết?"
"Anh không biết thiệt mà"
"Rồi răng?"
"Trong một tiền kiếp, em được tuyển chọn vô cung ca hát. Anh ở trong cung rồi để ý yêu. Anh với em đã từng yêu nhau trong tiền kiếp rồi".
Diễm gật gù. Dù Bảo đía hay nói thật, Diễm có nhiều sự cảm nhận mà khiến cho nàng mãi hoài nghi. Thật vậy, ngay từ nhỏ Diễm đã biết mình mang một linh hồn già cỗi (old soul). Tâm hồn nàng rêu phong như cái "hồn thu thảo" trong Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan :"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương..". Nàng thích đọc những áng thơ cổ, thích nghe những bản nhạc cổ. Mỗi khi nghe ca Huế, hồn nàng như thổn thức, như rưng rưng, như chết lịm trong từng ca từ, âm điệu trầm bỗng, réo rắt. Các điệu hò ngâm nga đến với nàng như hơi thở khiến nàng càng tin vào cái tiền kiếp mà Bảo nói kia. Còn nữa, Bảo với nàng dù chỉ gặp mặt một hai lần và tuổi tác cách xa mấy con giáp nhưng sao ân tình sâu nặng đến như vậy.
Phải chăng nàng đã gặp Bảo từ trong tiền kiếp, rồi cả hai tái sanh và gặp lại trong cuộc trùng phùng ngắn ngủi này?!
Nhìn chiếc lá úa rơi rụng bên hiên,, nàng chợt nghĩ đến sự ra đi của mẹ. Lòng nàng đang bi luỵ trong nổi mất mát không nguôi. Trong nỗi nhớ mẹ vô biên kia, nàng biết Bảo đồng hành cùng nàng. Bảo đã và đang đồng hành cùng nàng trong tận cùng khổ đau và hạnh phúc suốt bao năm tháng qua. Trực giac cho nàng biết là Bảo sẽ ở đó và chờ nàng cho đến tàn cuộc hoa này ....
04.20.2023
Lê Diễm Chi Huệ