Tôi lần đầu tiên gặp bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền nhân dịp VC tấn công Sài Gòn tết Mậu Thân. Lúc đó, tôi là bác sĩ giải phẫu khu Giải Phẫu Tiểu Nhi bệnh viện Nhi đồng. Nhà tôi ở đồng Ông Cộ quận Bình Thạnh, Gia định. Phương tiện di chuyển sáng đi tối về là cái xe mobylette vàng. Đàng sau nhà là cái rạch nhỏ ngoằn ngoèo thông ra tới hệ thống sông lớn - tôi chẳng rõ tên tuổi - lên xuống theo nước thủy triều, khi cao thì sân nhà bị ngập. Đêm 30, sau khi ra Lăng Ông hái lộc đầu năm về nhà cúng trời đất chờ hết hương đi nằm. Mới ngủ mơ màng thì tỉnh hẳn vì có tiếng đạn nổ như bắp rang sau nhà, mà về sau tôi biết là đạn AK 47. Sáng mồng một cưỡi xe đi bệnh viện ra tới chợ Bà Chiểu rẽ sang Cầu Bông rồi đường Hiền Vương mà vắng ngắt. Tuy nhiên cũng bình yên vào tới bệnh viện. Nhân viên khu giải phẫu thì vẫn người nào việc nấy, nhưng chẳng ai nói gì. Chẳng lẽ nói ra tâm trạng bất an không tin tưởng ở hệ thống an ninh của chính phủ để VC có thể bất ngờ tấn công vào thủ đô Sài gòn? Và coi thường cả hệ thống tình báo và phản gián các loại của đại cường đồng minh Mỹ? Số bệnh nhân mới hàng ngày mỗi sáng nằm ngồi la liệt đầy phòng 16 là nơi lựa bệnh, mà hôm đó lưa thưa vì không có mấy bệnh nhân từ dưới khu ngoại chẩn gửi lên. Các sinh viên thực tập chỉ loáng thoáng một lát rồi biến mất. Đáng chú ý là có 3 người đi cùng với nhau thành một nhóm. Một chàng tên Hùng cao ráo mặt mũi sáng sủa nhanh mồm lẹ miệng, sau 30 tháng tư 1975 được làm trưởng khu ung bướu bệnh viện Bình Dân có lẽ vì “gia đình cách mạng”. Một cậu cũng giọng nói miền Nam, mặt vuông xương xẩu và thấp, ít nói, tên Quang được bạn bè gọi là Quang rượu vì có tật nhâm nhi rượu đế. Và một chàng tầm thước, nói năng từ tốn, chậm rải, thỉnh thoảng có chút dí dỏm, là Tuyền. Cả ba đều chăm chỉ làm việc, coi bệnh, hoàn chỉnh hồ sơ bệnh lý, đến trưa hết giờ mới ra khỏi bệnh viện để đi tham dự các bài giảng lý thuyết ở trường. Sau thời gian thực tập mấy tuần theo thời khóa chỉ định của trường , Hùng và Quang đổi khu, chỉ có Tuyền ở lại tiếp tục tại khu giải phẫu tiểu nhi công việc ngập đầu đủ loại từ bệnh giải phẫu tổng quát tới chỉnh trực, tới phỏng, tới tiểu phẫu, tới bó bột chữa bệnh chân khoèo (pied bot) mà chỉ có giáo sư Trần Ngọc Ninh trưởng khoa Chỉnh trực và giải phẫu tiểu nhi một tuần đáo qua hai lần để mổ và một lần để nghe tôi là phụ giáo (assistant) trình bệnh, với một nội trú. Máu tếu trong người làm tôi nghĩ thầm cậu này chắc lá số tử vi có sao quả tạ chiếu, chọn khu giải phẫu tiểu nhi mà giáo sư trưởng khu Trần Ngọc Ninh ai cũng cho là “hắc” (khó tính). Nhưng tôi biết Tuyền đã chỉ là người cần mẫn muốn học cho đàng hoàng trong môi trường đủ mọi trường hợp bệnh lý. Thực thế, có mấy sinh viên trong thời gian thực tập được nhìn thấy một đứa bé da qui đầu xưng đỏ nhức nhối vì bị kẹt sau khi tò mò nghịch ngợm và biết chữa ra sao? Một đứa bé chẩy máu cam với nước mũi và mủ hôi thối chưa chắc đã có thể thấy khi đi thực tập khu Tai mũi họng? Một đứa bé bụng căng phồng, khó thở nằm thiêm thiếp, hậu môn chẩy nhớt và máu? Một thiếu nhi ở tuổi dậy thì mà người gầy bụng to vì bị ‘cam’ (hay ‘ban’) ít đi cầu từ nhỏ? Những em nhỏ bị thương vì phỏng và những mảnh đạn nằm thiêm thiếp được chở đến nhà thương bằng đủ loại phương tiện…Tuyền ở vị trí một người áo trắng điềm đạm ôn tồn đã đem sự yên tâm đến cho thân nhân trong khi con cái chờ được đến phiên chăm sóc.
Sau vụ Mậu Thân, tôi được đi du học tu nghiệp ở Hoa Kỳ, vì trúng tuyển làm nhân viên giảng huấn trường Y khoa đại học Sài gòn. Lúc về năm 1970 thì gặp lại Tuyền ở vị trí bác sĩ trong khu giải phẫu cùng với bác sĩ Nguyễn thành Long được biệt phái từ quân đội ra. Vẫn người điềm đạm, được lòng tất cả mọi người. Đến 30 tháng 4/1975, Tuyền may mắn vượt thoát sang Montréal Canada. Giáo sư Trần Ngọc Ninh trưởng khoa và tôi kẹt lại.
Sau hai năm rưỡi bị giam trong các tại học tập trung cải tạo tuy chỉ là y sĩ dân y trưng tập nhưng cấp đại úy “biệt phái” tức là nhận công tác “đặc biệt”, kiểu tình báo, nhất là đã có du học Mỹ,- theo suy nghĩ của giới lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ loài người,- tôi vượt biển thoát chết. Năm 1980, đinh cư tại Mỹ nghe biết Tuyền đã trở thành một giáo sư giải phẫu tiểu nhi ở đại học danh tiếng McGill University, Montreal Canada tôi không ngạc nhiên khi đã biết tính tình khiêm nhường cùng kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn đầy đặn của Tuyền từ những ngày còn là sinh viên năm thứ ba thứ tư như đã tóm tắt ở trên.
Tuy chẳng còn liên hệ gì với nhau trong đời sống hay nghề nghiệp, vì ở cách nhau trên ngàn cây số, hơn mười ba tiếng đồng hồ lái xe. Nhưng mỗi khi tôi có dịp qua Montreal mà Tuyền biết thì thế nào cũng tìm cách gặp. Rủ đi ăn và trò chuyện. Nếu không có cơ hội ra đón tôi ở phi trường lúc đến thì cũng lái xe đưa tôi ra phi trường lúc về. Tôi nghĩ sự đối xử thân mến như anh em trong một nhà - gia đình y khoa đại học Sài gòn – có lẽ là tinh thần truyền lại từ thời giáo sư cơ thể học và giải phẫu Nguyễn Hữu khi tôi mới vào năm thứ nhất y khoa. Người như thế, nhưng số mạng thật là vất vả. Tuyền bị đủ thứ bệnh nan y, chữa qua khỏi tật này rồi thì nẩy ra chứng kia, hay là biến chứng đủ kiểu, thế mà khi kể với tôi thì đều có thái độ bình thản, không hề có mảy may thất vọng chán đời. Tôi có lúc đùa vui nói ‘cậu thật có lòng tốt, không những đem hiểu biết ra tận tình chỉ dẫn cho đàn em mà còn đem mình ra làm mẫu mực các bệnh khó và phức tạp cho đồng nghiệp chiêm nghiệm’. Tuyền cười thoải mái giải thích: ‘có lẽ đó là vì em tướng tai hơi nhỏ cho nên vất vả’! Nhưng lý thú nhất là những lúc chuyện trò lan man quanh cái nghề mà các cụ ta gọi là cứu nhân độ thế nhưng nhiều bài của một số cây viết tên tuổi hướng dẫn cho các sinh viên lúc mới vào học y khoa ở Mỹ, đã chỉ rõ rằng nghề y là một doanh nghiệp (business}. Chữ ‘nghiệp’ này đã đưa chúng tôi sang bàn cãi về những nhân vật trong quyển tiểu thuyết Bác sĩ Arrowsmith của Sinclair Lewis, và ba tiêu chuẩn cổ hủ (?) đánh giá một bác sĩ: y thuật, y nghiệp và y đạo.
Đến đây thì câu chuyện kể là đã để mở, cho tới bây giờ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 13 tháng 4/2023)