Ở Nhật, tôi quen cô gái sau này trở thành người bạn đời sau một thời gian dài chờ nhau. Không ngờ nàng lại là nhân chứng của cuộc di tản cao nguyên tháng ba năm ấy. Và nơi lánh nạn của nàng với người chị dâu trong một thời gian ngắn trước khi về quê lại là Nha Trang. Kể lại ký ức của cô như một phần đời của mình.
・Cô bé quê Kim Châu đang ở với gia đình anh chị tại Pleku. Còn đường nào về gặp bố mẹ, cô ngơ ngác trước những diễn biến quá mức phán đoán của đứa trẻ 12 tuổi. Anh trai lớn của cô đang là sĩ quan công binh thuộc quân đoàn 2. Tướng Phú tư lệnh quân đoàn ra lệnh triệt thoát vùng cao nguyên theo quyết định của tổng thống Thiệu để về trấn giữ khu vực miền trung duyên hải.
Ngày 16 tháng Ba cô theo đoàn người gia đình của binh sĩ rời Phố núi đầy sương.
Chị dâu đang có thai đứa con đầu lòng, anh cô bé cố gắng sắp xếp cho 2 chị em đi trên một chiếc quân vận xa. Cuộc rút lui mang tính cách bất ngờ nên ngày đầu di chuyển bình yên. Tuy nhiên ngày thứ 2 thì dân cư trên đường liên tỉnh lộ 7B lũ lượt nhập đoàn khiến bộ đội của sư đoàn 320 Bắc Việt đã đánh hơi nã súng truy kích. Cùng lúc, đơn vị bộ đội đánh vào Ban mê Thuột dùng tỉnh lộ 287 đổ quân cắt xuống liên tỉnh lộ 7B, khiến đoàn người di tản tiến thoái lưỡng nan. Quân Bắc Việt cứ thế từ trên pháo xuống, từ bên hông bắn vào đoàn người. Xe trở thành những cái bia tác xạ dễ dàng nhất, chiếc cháy, chiếc hỏng, chiếc tan tác... Cô và Chị tuồn xuống hòa vào dòng người chạy bộ. Lần đầu tiên cô chứng kiến xác người vất vưởng đầy dọc đường, gục chết trên những bờ sông cạn...
Chưa... chưa gọi là thảm khốc! Cô nghe tiếng đại bác từ trên đồi nhắm thẳng ngay đầu đoàn di tản, thịt người bắn tung tóe, thấm với đất và khói súng văng bám lên từng tàng cây tán lá. Cái chết đến quá dễ dàng với những con người cùng dòng máu của nhau.
Hãy đọc lại “44 năm sau nhìn lại mối đau” của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam đăng trên báo Người Việt:
“Súng nổ… 105, 155 pháo binh, XM72 của phía Cộng Hòa; 130 ly, 122 ly, B40, B41 Cộng Sản, tất cả cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ đục ánh nắng… Sư Đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản không sai trật một viên đạn. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự, người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất bay bay…”
Cô không dám khóc, hai chị em dìu nhau len lỏi qua từng cái chết, đi trong tiếng súng chống trả quyết liệt của binh lính bảo vệ. Nhờ sự điều động của tướng Phú, Liên đoàn 7 Biệt động quân phản công, phối hợp với chi đoàn thiết vận xa M-113 dọn dường cùng phi đội trực thăng giải tỏa áp lực hỏa quân địch; đoàn người rồng rắn từ 160.000 người, còn 1 phần 3 (khoảng 60.000 dân) về đến Tuy Hòa 10 ngày sau. Mọi người tồn tại nhờ sự hy sinh của quân dân, lương thực thì cứ trên đường có gì ăn đó; lượm đồ hộp quân tiếp vụ rơi rớt, vào nhà dân bỏ trống vì chạy nạn để tìm gạo bắp, nhổ rau sắn ăn đỡ bữa qua ngày...
Sự sống sót đối với cô và chị đã là một điều kỳ diệu, còn cả đứa bé trong bụng nữa.
Người chị dâu có họ hàng ở Nha Trang nên hai chị em lại tìm đường dắt díu về thành phố biển, anh trai vẫn phải ở lại đơn vị. Tuy nhiên sau đó lần lượt Tuy Hòa rồi Nha Trang đều bị “giải phóng”. Hai chị em tạm thời tá túc ở nhà người thân, tiệm may Thành trên con đường Trần Bình Trọng, gần chợ Chồm hổm...
Cô bé cũng không ngờ chỉ cách đó 100m là căn nhà của người đang ngồi kể lại chuyện của cô với những dòng chữ hồi tưởng 48 năm sau này.