Hôm qua, đi Hoà Bình, tới nhà bà Thêu thăm quan vườn bưởi, và khi biết những người thân của họ chăm sóc chúng với các lịch trình cẩn kỹ mới thấy sự vất vả của họ đến chừng nào.
Để thu được mỗi năm một vụ bưởi với những trái quả căng tròn, vỏ ngoài tươi vàng rói và khi bóc ra thì các tép bưởi mọng nước ngon lành, họ phải nhọc nhằn đủ thứ việc đầu tắt mặt tối mỗi ngày ra sao. Trong khi nếu giả như mất mùa hay sâu bệnh thì sản nghiệp coi như hoàn toàn tiêu tán.
Khi chúng tôi xuống đó theo lời hẹn mời từ hôm trước, Thảo (Trịnh Thị Thảo) và ông Khiêm (Trịnh Bá Khiêm) đã chuẩn bị đầy đủ cơm nước hết sức tày tặn để thết đãi chúng tôi vào buổi trưa. Khi chúng tôi tới căn nhà của họ, mọi thứ đã sẵn sàng. Cá trắm hấp, thịt gà thả vườn luộc, và miến nấu nước gà luộc, dưa cải muối cùng vài thứ lặt vặt khác.
Trong bữa cơm, Thảo cho biết mỗi người nhà họ bị giam ở mỗi nơi khác nhau: một người ở Trại 5 (Thanh Hoá), một người ở Trại 6 (Nghệ An) và một người ở Trại An Điềm (Quảng Nam). Nên mỗi lần đi thăm là mỗi lần rất tốn kém và cực nhọc.
Ông Khiêm đi xe máy khoảng hơn hai trăm năm mươi cây số để tới Trại 6 (thăm Tư). Và ông đi suốt đêm theo đường mòn Hồ Chí Minh, có đêm trời mưa quất vào rầm rập như giáo mác xiên ngang thì ông vẫn băng băng suốt đêm để tới sáng thì cũng kịp đến giờ làm việc. Thảo thì đi xe đò (xe khách) vào An Điềm thăm anh trai (Phương), và mẹ (Trại 5 - bà Thêu).
Thảo cũng cho biết, Phương đã đọc hết hơn 200 quyển sách trong Trại giam kể từ khi thụ án. Điều này cũng khiến tôi có chút bất ngờ nhất định. Nhưng với những gì tôi đã chứng kiến tại các phiên toà của Phương (cũng như các buổi gặp trước các phiên xử diễn ra), và sau đó là lá thư gần đây Phương gửi từ trại giam ra kể từng chi tiết rất mạch lạc (và chính xác) trong thời gian ở viện để giám định tâm thần, tôi thấy rõ Phương là một người có tố chất đáng kinh ngạc về trí nhớ và cả khả năng tự bào chữa cho mình.
Điều mà rất ít khi và rất ít người có thể làm được hoặc được phú cho như một đức tính đáng quý. Song, Phương là người không được học hành bài bản hay có bằng cấp nào giắt lưng, mà, trước khi bị bắt, Phương chỉ là chàng nông dân xềnh xoàng và thường đi bán những mẻ cua ngoài chợ rất đỗi bình thường. Nhưng, những kiểu người như thế thì dù có ở nơi ngục tù hay bị đày đoạ trong tăm tối, họ vẫn có khả năng khiến cho hoàn cảnh trở nên tích cực hoặc thậm chí có thể làm chúng chuyển mình thay đổi.
Khi rời khỏi những lối rẽ ngoằn ngoèo mà sấp sáp toàn bưởi là bưởi ở vùng núi đồi xanh mướt và bình yên này, tôi vẫn không thay đổi chút gì về suy nghĩ của mình trước một gia đình nông dân hết sức đặc biệt ấy. Họ quả là những người kỳ lạ về cả khí chất lẫn việc phải đối mặt với tính chất là nhân chứng lịch sử của thời đại. Những con người chất phác và giản đơn, trong sáng đến tròn trịa, nhưng cũng lại quả cảm gấp bội phần so với cái vẻ ngoài hằn lên đầy những lam lũ và các khổ ải của họ.
Hình ảnh gia đình họ đã được tôi đưa vào tiểu thuyết Bóng Người Thầm Lặng mà người đàn bà trong đó có tên là Sem, còn cô con gái với tên là Ray (mặc dù vậy, sự kiện trong tiểu thuyết xảy ra hoàn thành trước khi cả ba mẹ con bà Thêu, Phương và Tư bị bắt giữ về cùng một tội danh chính trị như nhau, nhưng ở hai tỉnh thành khác nhau xét xử). Họ bị chia ra, nhưng tinh thần của họ không chỉ bất khuất mà còn rất thống nhất. Họ hiền lành nhưng lại có khả năng kháng cự mạnh mẽ, song không tìm đến bất kỳ manh nha nào của bạo lực.
Hoa bưởi tháng ba đã tàn rụng gần như hết cả, nếu còn trụ lại trên những nhành cây thì hương sắc đã một màu ủ rũ; và những bóng người trong căn nhà tềnh toàng đó vẫn vững chãi trên mảnh đất yên ắng với những mùa vụ của mình. Và chúng ta đang sống tiếp với những mộng tưởng ngột ngạt trong thầm kín của riêng phận mỗi người. Và tôi tự hỏi, có còn ai đó vẫn chất chứa lòng cảm thương đồng hướng mà vẫn còn đang tiếp tục song hành trong những nỗi đời cơ cực của họ và cùng họ?
“Không ai bị lãng quên. Không điều gì bị lãng quên” (Ôn-Ga Béc-Gôn).
Và,
“Kẻ mạnh thực sự là kẻ không đánh mất lương tâm của mình trong mọi hoàn cảnh” (Bóng Người Thầm Lặng).