Ngày xưa, vào thời vua Trần Nghệ Tông, quan tể tướng lúc bấy giờ là Phạm Sư Mạnh. Trong một lần ông về thăm thầy dạy học của mình, gặp lúc chợ phiên, người mua kẻ bán tấp nập. Để dọn đường cho quan lớn đi qua, quân lính vung roi, thét loa huyên náo cả một vùng. Quan chưa đến nhà thì người thầy đã biết chuyện.
Lúc Phạm Sư Mạnh đến nơi, thầy ông đã chỉ thẳng vào mặt và trách rằng: ”Về thăm ta mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ, diễu võ giương oai, thì sao ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu nhìn mọi người?”. Nói rồi, thầy phủi áo đi vào nhà trong. Tể tướng Phạm Sư Mạnh kinh sợ và ân hận, ông cứ quỳ gối mãi suốt bên giường 1 ngày 1 đêm để chờ thầy tha lỗi, rồi mới dám về.
Người thầy nghiêm khắc ấy không ai khác hơn chính là thầy giáo Chu Văn An, vị thầy đáng kính và chuẩn mực của lịch sử Việt Nam ta. Khi sinh thời, ông luôn tâm niệm “học không phải để làm quan, mà học để làm người”, muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm và là tấm gương sáng.
Sau khi biết việc của quan tể tướng Phạm Sư Mạnh, học trò của ông làm quan trên khắp nước, mỗi khi về thăm ông chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.
Sự dạy bảo nghiêm khắc của ông thể hiện một tư tưởng và triết lý giáo dục sáng ngời: Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời, còn đáng quý hơn giữ chức vụ lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước.
Nguồn: Nguyen Nguyen