Trong số các bạn bè, có vài người Việt hỏi mình về Trà Đạo của Nhật. Thường trong khi đang chuyện trò vui vẻ mà bảo không biết gì cả thì cũng dễ làm cuộc đối thoại bớt hào hứng, cho nên mình bảo, thú thật là không rành lắm về thứ này, nhưng nghĩ gì về nó thì mình cũng có một đôi điều…
Trà Đạo của Nhật, mình nghĩ, chủ yếu chỉ có hai ý nghĩa, một lớn, một nhỏ.
Trong ý nghĩa (mình gọi là) “lớn”, nó luyện cho con người tính kiên nhẫn, biết tôn trọng lễ nghi và biết cẩn thận, chu đáo khi làm việc gì. Trong tiếng Nhật có chữ “Orime ga Tadashii” (“nét xếp thật đàng hoàng”), lấy từ hình ảnh khi xếp hay gói một vật gì, ở những chỗ phải xếp lại (hay bẻ góc), người thận trọng phải biết làm cho ngay ngắn, cẩn thận, không méo, không lệch. Áp dụng vào tính cách của con người, đó là biết cẩn trọng, không qua loa với những gì mình làm, và biết nghĩ đến sự hài lòng của người khác cũng như, quan trọng hơn, là của chính mình. Đây là điều không phải con người sinh ra là tự nhiên có được, mà phải qua tập luyện, giáo dục, và nhận thức.
Nếu được mời đi dự một buổi lễ về Trà Đạo, thông thường nhất là lễ tốt nghiệp (về Trà Đạo) của một cô gái trẻ, bạn sẽ thấy mình tự nhiên cứ tuân theo những lễ nghi cần thiết. Trong suốt buổi lễ, ai cũng cố gắng giữ phép lịch sự, kiên nhẫn, dù là phải ngồi yên trên đôi chân xếp của mình liên tiếp cả tiếng đồng hồ (có khi hơn), rất mỏi, rất đau chân. Nhưng ai cũng thế cả, ai cũng ráng kiên nhẫn nhiều càng tốt để tỏ ra tôn trọng buổi lễ và mọi người có mặt. Ngồi yên như thế rất lâu, thẳng lưng, tuyệt đối im lặng; và dõi theo người tốt nghiệp đang từ tốn thực hiện từng bước của việc pha trà... Tiến trình đi rất chậm, thận trọng, nghiêm trang (ai qua được một khóa huấn luyện Trà Đạo kỹ lưỡng như thế này thì âu cũng đã gột rửa được rất nhiều khuynh hướng muốn làm cho xong việc, qua loa, cẩu thả, vv... của bản thân).
Tuy nam giới cũng có học Trà Đạo, nhưng hầu hết là phụ nữ. Thường thì trong dịp này (lễ tốt nghiệp), các cô đều mặc Kimono với trâm cài lược giắt rất cẩn thận. Cứ nhìn bàn tay nhẹ nhàng vén tay áo Kimono lên để khẽ nâng cái chén, rồi từ tốn lau qua lau lại đến mấy lần thật kỹ lưỡng, mới thấy tập kiên nhẫn không dễ dàng gì. Kiên nhẫn cho phần chủ, kiên nhẫn cho phần khách, vì hai bên cũng đều cố gắng giữ lịch sự và thanh nhã từ đầu cho đến cuối. Có lẽ ai cũng biết buổi lễ không thể đi qua mau, nên tự nhủ mình “lễ nghi nó như thế thì phải như thế”, cứ kiên nhẫn, không thể khác hơn.
Dĩ nhiên là không thể kể ra hết được mọi chi tiết của một buổi lễ như thế này, vì ít ra cũng phải cần đến rất nhiều giấy mực. Thực ra thuở ấy mình đi dự vài lần là cũng do hiếu kỳ, muốn hiểu những điều mình chưa biết về Nhật Bản, nhưng chỉ quan sát thôi. Còn nhận định được những điểm về sự kiên nhẫn thì mãi về sau này mới “ngộ” ra, thì lúc đó, rất tiếc, đã không còn cơ hội để có thể quay lại quan sát thêm lần nữa!
Còn trong ý nghĩa gọi là “nhỏ” thì thế nào?
Tốt nghiệp về Trà Đạo cũng là một sự công nhận cho một người (thường là một cô gái) rằng đương sự có rèn luyện cẩn thận, và là thành viên của một gia đình nề nếp, nếu không sung túc thì cũng có phần thong thả về tài chính (nghèo thì không thể có thì giờ và phương tiện để theo học, cũng không có Kimono đẹp để mặc cho ngang tầm với người ta); cũng như có ý hướng muốn tôn trọng những nét hay và đẹp của truyền thống cổ.
Nói cách khác, có thể là không cần thiết phải thuộc loại con nhà trâm anh hay rất giàu có, nhưng cô gái ấy không thể thuộc về một gia đình “tay làm hàm nhai”, sớm tối cứ phải lặn lội thân cò nơi quãng vắng...
Những cô gái này thường cũng học luôn nghệ thuật Cắm Hoa (Ikebana), có người còn học luôn các khóa Nấu Ăn. Về Ikebana thì khá dài giòng nên không kể ra ở đây, còn về học Nấu Ăn thì một người bạn Nhật có cho biết:
Các cô đi học Nấu Ăn không phải chỉ để nấu sao cho ngon (yếu tố này cần, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% thôi). Họ coi trọng hơn những điểm khác như chọn lựa và bảo quản nguyên liệu (rau củ, cá thịt, gia vị, vv...) và vật dụng (nồi chảo, dao kéo, chén dĩa, vv...). Biết cách xử dụng con dao cũng rất quan trọng (cầm dao ra sao, thái và cắt như thế nào, giữ sao cho dao bén, vv...). Ngoài ra còn vài điều khác cũng phải học, ví dụ như trình bày món ăn sao cho đẹp mắt, giữ gìn sao cho căn bếp gọn gàng sạch sẽ, phân biệt được thức ăn gì thì tốt về mặt dinh dưỡng mà không làm ngán, vv...
Cũng nghe từ người bạn nói trên (nhưng thuở đó không có cơ hội kiểm chứng), rằng ở Tokyo, mỗi năm (hai ba năm?) đều có bầu chọn “Miss Tokyo”. Đây không phải là một hoa hậu, nhưng là một cô gái có ngoại hình dễ coi, tươi tắn, ăn nói hòa nhã, linh mẫn; thường là cô ấy biết cắm hoa, và nếu biết thêm các thứ khác (như Thư Pháp, Âm Nhạc, Trà Đạo, hoặc Nấu Ăn) thì càng thuận lợi...
Nhớ đến những điều vừa nói ở trên mới thấy xã hội Nhật Bản có tổ chức một cách quy củ, có nỗ lực muốn giữ văn hóa truyền thống. Cũng hiểu được tại sao xã hội của họ có sự sâu rễ bền gốc. Vì phụ nữ là nguồn gốc của xã hội. Nếu họ được tập luyện để sống một cuộc đời đàng hoàng, thì xã hội mới có thể yên lành và phát triển được.
Có lẽ người Nhật biết rõ như thế, nên họ chú trọng đến việc giữ gìn nhiều càng tốt cho mỗi cô gái trẻ của Nhật sao cho được là một “Yamato Nadehiko”, nghĩa là một cô gái Nhật xứng đáng (đàng hoàng, có nhận thức, có tư cách, và khả năng).
Hoàn cảnh lịch sử của Nhật Bản và Việt Nam khác nhau. Cho nên trong khi chúng ta nói “Triệu Trưng xưa, đẹp gương sáng muôn đời” và “cất bước theo chồng, vợ hiền là trăng rằm sáng soi” thì xã hội Nhật Bản mong muốn một cô gái khi khôn lớn đi lập gia đình thì sẽ làm “Ryosai Kenbo” (vợ tốt, và đồng thời là người mẹ khôn ngoan). Phải khôn ngoan, vì trên thực tế, những gì về sự giáo dục con cái hầu hết là do người mẹ quyết định.
Việc học Trà Đạo xem qua thì nhỏ, mới nhìn thôi thì chỉ là việc “có biết” pha trà, nhưng ý nghĩa sau lưng rất to lớn. Trong đó, điểm bắt đầu là từ những chuyện “nhỏ” như không được cẩu thả, và giữ nét xếp của tờ giấy hay tấm vải cho ngay ngắn, đàng hoàng... trong ý nghĩ “với những gì mình làm, trước hết, bản thân mình phải thấy hài lòng”.
*
Khi viết những giòng chữ này, mình nghĩ nhiều đến các thế hệ những cô gái Việt trong xã hội Việt. Nghĩ gần, rồi nghĩ xa, và mong ước. Mong ước sao cho, mỗi ngày, họ được sống thật bình yên, no ấm, thanh thản; chỉ thế thôi. Vì chỉ cần được chừng đó là cũng đã khó cho rất nhiều phụ nữ và trẻ em Việt. Nói chi đến Thư Pháp, Trà Đạo... mà với rất nhiều lớp người Việt cứ xa vời như bóng trăng treo lơ lững giữa trời cao!
Vì từ tận những năm tháng xa xôi trong dĩ vãng, khi kinh đô Huế thất thủ vào năm 1885, ngay cả các cô công chúa cũng chỉ biết ngồi khóc trên các bậc thềm của cung điện, kim chi ngọc diệp cũng thân phận nổi trôi.
Và từ đó suốt trong cả chiều dài của lịch sử, thanh bình không hề có được lâu dài trong xã hội. Cho nên nhạc sĩ Phạm Duy cũng chỉ mong cầu đơn giản:
“Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong tiếng cười...”
[Quê Nghèo]
Đa số phụ nữ Việt vốn chịu thương chịu khó, biết nhẫn nại với nghịch cảnh và vận mệnh; cũng thông minh, có khả năng, vấn đề là quá thiếu những cơ hội. “Trai thời loạn, gái thời bình”, nhưng điều mà họ vẫn thấy thường trực bên mình lại là sự thiếu vắng của cuộc sống ổn định:
Ngày nay đá nát với vàng phai
Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi
Trâu mừng ruộng nẻ không cày được
Cá sợ ao khô vượt cả rồi...
[Tú Xương: Đại Hạn]
Họ cần phải được một môi trường yên bình, “trời đất yên vui”, và, cũng như cánh đàn ông xứ Việt thấy cần thiết: Họ cần có được một niềm tin “dậy lên như men” ở trong lòng.
*
(08-02-2023)