Ngày bọn tui ra trường đứa nào cũng háo hức về với đại ngàn, về với đất nước ta 80% diện tích là rừng vàng nguyên sinh,... Nhưng rồi khi chia tay nhau đi nhận công tác khắp các Lâm trường, đến nơi thì thất vọng khi chỉ còn thấy ở đâu người ta chủ yếu cũng đang hối hả...phá rừng. Những gì sách vở, thầy cô dạy trong trường đại học, bao nhiêu tình yêu thương ấp ủ với rừng, rồi cũng bị cuốn vào cơn lốc xoáy...phá rừng, mà hầu hết bạn bè tui là những kỹ sư trẻ lẻ loi đơn độc nên rồi cũng bị "cuốn theo chiều gió". Lúc đầu nhìn người ta hạ một cây cao ngã xuống làm cả trăm cây con đổ rạp theo, xót xa vô cùng. Chúng tui biết, một mầm sống vươn lên từ những hạt giống rơi xuống là một kỳ tích tuyệt vời của tạo hoá, và phải trải qua bao phong ba bão táp của rừng già cây mới lớn lên. Nhưng rồi, người ta khai thác không phải giữ gìn mà khai thác tàn phá. Họ là những kẻ chỉ nhìn một cây quy ra bao nhiêu m3 gỗ, thành bao nhiêu tiền, chứ họ không hề biết, và cũng chẳng thèm quan tâm rằng rừng đã mang lại cho con người những ích lợi gì khác nữa ngoài gỗ. Rừng là tài nguyên, nhưng khai thác nó thì cũng phải bảo tồn lâu dài cho đất nước, cho con cháu muôn đời mai sau. Họ không cần! Họ nhổ nước miếng lên những suy tư "tào lao" ấy, cứ khai thác cho kiệt để nhanh có tiền, mau làm giàu. Họ là quan chức, là kiểm lâm (hầu hết là bộ đội chuyển ngành), là những kẻ đem xe ben, cưa máy tàn phá để ăn vào rừng một cách lạnh lùng tàn nhẫn. Tất cả họ là lâm tặc!
Và nay, rừng đã hết, rừng nguyên sinh của Vn đến nay cơ bản đã "được" khai thác trắng. Và mẹ thiên nhiên trả lời, cứ sau một cơn mưa, nhiều khi chỉ là cơn mưa rào, cũng đủ làm cho ngập lụt, lũ quét, lũ ống cuốn phăng đi tất cả trong khoảnh khắc. Nhiều tiếng kêu, thậm chí kêu rất thảm thiết là hãy bảo vệ rừng, hãy giữ rừng, nhưng tất cả đều đi vào hư không khi chính những kẻ có quyền chức, có trách nhiệm lại là những người tàn phá rừng thậm tệ nhứt. Nhà họ, giường tủ bàn ghế của họ, sa lông tiếp khách, bàn làm việc cơ quan họ v.v...tất cả những gì có thể đều là gỗ quý. Thì nay, trách ai đây? Kêu ai nữa đây? Không phải mỗi cơn mưa đi qua, lũ ngập chỗ này, trôi nhà chỗ nọ, người và tài sản bị nước cuốn chỗ kia rồi người ta cứ nêu "nguyên do" là "rảnh áp thấp" khô khan, lạnh lùng; mà nguyên nhân thật ai cũng biết, nhưng chẳng ai nói ra, đó là do RỪNG ĐÃ BỊ TÀN PHÁ không thương tiếc hết rồi. Và nay rừng chỉ còn là đất trống, đồi trọc, và nước cuốn xối xả sau mỗi cơn mưa. Đâu đó, chỗ nào, khi rừng cơ bản đã tàn phá xong thì người ta mới tính chuyện...kỷ luật. Rừng đã biến thành những tờ đô la xanh mua quốc tịch Síp, Malta, quốc đảo Caribe; con đã du học, vợ mua shop, building, mua thẻ xanh ở Mỹ; xây lâu đài biệt phủ xe sang; đã thành chung cư cao tầng; v.v...lúc đó người ta mới khởi tố. Thì rừng đã khóc với những đồi đất khô bạc màu, những mênh mông sa mạc trơ dưới nắng từ lâu rồi.
Cha ông ta đổ bao xương máu, mấy ngàn năm giành giữ từng tấc đất rừng vàng biển bạc, non sông gấm vóc, nay con cháu đã phá nát chỉ trong vòng có mấy chục năm mà tan hoang hết. "Rừng đã hết và biển thì đang chết". Tội lỗi của ai đây? Ai có tội với tiền nhân, và với muôn đời con cháu về sau khi bây giờ Rừng Đã Hết và Biển Thì Cũng Không Còn?
Tui có người bạn là giám đốc Lâm trường về hưu non, cũng vì bày đặt đấu tranh bảo vệ rừng, "đấu tranh là tránh đâu, tránh đâu là trâu đánh". Hậu quả vợ cũng bị cho nghỉ phải lết chợ Đà Lạt bán lagim. Còn hắn sĩ diện ban đêm mới ra chợ Âm Phủ chỗ cầu thang bán tàu hũ. Lúc về hưu mới chưa gần 50 mà tóc bạc trắng đầu, mỗi lần gặp tui hay chọc "tại cha xấu máu". Xa lâu, gần đây mới gặp lại, không biết sao thấy tóc hắn lại trổ đen ra, tui hỏi "có nhuộm tóc không cha", vợ hắn trả lời thay "chắc ổng đứng bán tàu hũ suốt đêm ngoài sương nên hết bạc đó anh". Ừ, bán tàu hũ không đấu đá nhẹ cái đầu, tóc xanh lại. Hai đứa cũng chung lớp tui, thích cao nguyên, yêu rừng thông, rủ nhau lên Đà Lạt rồi sống, chết, bầm dập luôn ở nơi này.
Đà Lạt có một loài thông 5 lá trên thế giới không đâu có, chỉ độc nhất có ở Việt Nam, và lạ là phân bố ở mỗi Đà Lạt, các nhà khoa học thế giới đặt tên là Pinus Dalatensis. Bạn tui nói, giống thông quý ấy "mấy cha" không biết, thấy thông nào cũng là thông, hạ xuống xẻ ra cũng gọi là gỗ thông "khác chi đâu, nhiều chuyện" nên chặt phá cũng...gần hết rồi. Cây quý còn thế, huống chi... Nên đừng ai thắc mắc sao bây giờ trời chưa mưa, mà Đà Lạt, Lâm Đồng cao hơn mực nước biển tới 1.500m cũng bị...ngập.
Phan Thanh Trà