CHỈ THỊ CHUNG
Bậc tiểu học là căn bản của nền quốc gia giáo dục.
Ngành tiểu học có nhiệm vụ đào tạo những thế hệ thanh niên xứng đáng của một nước độc lập.
Chương trình bậc tiểu học đã soạn theo những nguyên tắc mới để cho nền giáo dục thời nay được phù hợp với sự tiến hóa của dân tộc và tính cách độc lập của quốc gia.
1) Tinh thần quốc gia.- Nêu cao tinh thần quốc gia để khích lệ lòng ái quốc và chấn khởi dân khí. Tinh thần quốc gia Việt Nam ngày nay là tinh thần của một dân tộc biết tự cường, tự lập, biết phấn đấu để giành độc lập, biết kiên quyết để giữ giang sơn Tổ quốc, biết nỗ lực để ganh đua với người ngoài trên con đường tiến hóa của nhân loại.
2) Cưỡng bách giáo dục.- Muốn đạt được mục tiêu nói trên, nền tiểu học phải đi đến cưỡng bách giáo dục. Bộ đang nghiên cứu để tìm các phương tiện để dần dần thực hiện được sự cưỡng bách giáo dục. Vì lẽ đó, nên chương trình tiểu học không dành một số giờ về môn Pháp ngữ.
3) Chuyển ngữ các môn trong chương trình này là tiếng Việt, nên hạn tuổi tối thiểu vào lớp Năm, là lớp đầu bậc tiểu học, rút xuống 5 tuổi (trước kia 6 tuổi). Như thế, trẻ con có thể 10 tuổi đã học hết bậc tiểu học. Những học trò nào có thể theo học bậc trung học được thì 17 tuổi đã thi lấy bằng Tú tài. So với nền trung học của các nước Âu Mỹ, thì niên hạn ấy là tương đương, và các học sinh xuất sắc sau này vào các trường đại học cũng một loạt tuổi nhau cả.
4) Lớp mẫu giáo.- Muốn cho trẻ con trước khi vào trường tiểu học đã được huấn luyện theo các phương pháp khoa học, một lớp mẫu giáo sẽ thành lập gần đây. Lớp ấy có mục đích là đào tạo một số giáo viên các lớp mẫu giáo sau này để thu nhận các trẻ con dưới 5 tuổi.
5) Thể dục.- Cho nền giáo dục được hoàn toàn, chương trình bậc tiểu học dành một địa vị quan trọng cho môn Thể dục. Một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể cường tráng mới mong gánh vác nổi các công việc nặng nề kiến thiết quốc gia.
Ngoài ra, sự chú trọng về thể dục là sửa soạn một số thanh niên để sau này cung cấp cho các trường quốc gia võ bị có nhiệm vụ gây một quân đội Việt Nam xứng đáng.
6) Ca nhạc.- Bí quyết của sự thành công trong việc giáo huấn trẻ con là sự hoạt động và vui vẻ. Vì lẽ đó, nên ngay từ các lớp tiểu học, Bộ đã để riêng một số giờ để dạy môn ca nhạc. Trẻ con thường thích hát và lại nhớ dai, những bài hát sẽ được lựa chọn, và sẽ luôn luôn nhắc nhở cho chúng những điều chúng cần biết để nuôi một tinh thần quốc gia mạnh mẽ, một lòng tin vững chắc.
7) Tinh thần đoàn kết.- Một dân tộc mà rời rạc thì tất nhiên yếu hèn, không thể sinh tồn trong cái thế giới hơn được kém thua này. Nghĩa đoàn kết là một lợi khí tối quan trọng trong sự tiến triển của một dân tộc. Học đường phải giải thích cho trẻ biết nghĩa hợp quần. Muốn cụ thể hóa nghĩa đoàn kết, việc tổ chức tập đoàn sẽ là một điều mới trong chương trình bậc tiểu học.
8 ) Học đường không có nhiệm vụ chỉ giáo huấn trẻ con, rồi để mặc chúng tự ý xoay xở lấy. Muốn tránh những kết quả không hay do sự hiểu lầm ấy gây nên, học đường cần phải liên lạc mật thiết với gia đình, để hướng dẫn học sinh vào các ngành chuyên môn.
Để giúp vào công việc ấy, sẽ lập những phiếu để ghi các điều nhận xét về sinh lý, về khả năng, về các điểm có liên can đến sức nảy nở của đứa trẻ về các phương diện.
9) Ngoài ra, nếu có thuận tiện, sẽ đặt một học xưởng cạnh mỗi trường học để học sinh có thể hằng ngày trực tiếp tế nhận các hoạt động của một tiểu công nghệ.
Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1949
Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục
PHAN HUY QUÁT
Nguồn: Trần Văn Chánh.