Đã từ lâu lắm tôi không tham dự các dạ hội lớn nhỏ trong chuyên ngành Y khoa của mình nhân các buổi hội họp thường niên vì bản tính vốn không hay làm quen xã giao, và vì cái vị thế chuyên khoa của mình không thấy có nhu cầu móc nối, bay nhẩy chỗ này chỗ nọ. Nhưng lần này tôi đã từ Chicago bên bờ hồ Michigan bay về San Jose tham dự dạ tiệc Tiếng Hát Hoa Vàng với chủ đề 10 năm Thương Nhớ Việt Dzũng.
Lần đầu tiên tôi nghe tên Việt Dzũng là khoảng năm 1980-81, trong một sinh hoạt cộng đồng Chicago tổ chức, ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh được mời về trình diễn, có Việt Dzũng đi theo, lúc đó là một thanh niên mới lớn. Nguyệt Ánh được hoan nghênh nhiệt liệt với bài ca “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về”. Tôi nhớ Việt Dzũng vì tôi là trưởng ban tổ chức được báo cáo trước khi bắt đầu chương trình là Việt Dzũng “làm loạn” lên đằng sau sân khấu, đòi phải treo cờ Mỹ bên cạnh cờ Việt Nam Cộng hòa, trong khi ban tổ chức chỉ trưng cờ Việt Nam. Lúc đó trong tâm thức người tỵ nạn coi nước Mỹ là chỗ tạm dung, và vì tinh thần bảo vệ nguồn gốc, đã trân quý giữ lá cờ vàng triệt để. Cho nên là buổi sinh hoạt cộng đồng đó chỉ có cờ vàng.
Sau một thời gian, Việt Dzũng đã nổi lên với những bài hát nặng tình quê hương đất nước và hình ảnh một thanh niên khỏe mạnh vững chãi đi bằng hai chiếc nạng. Người ta kể rằng vào tháng 8 năm 2008 trong một buổi hội tại Far East Café Restaurant ở San Francisco, nhân dịp gây quỹ yểm trợ Cổng chào Little Sài gòn có anh Hùynh Lương Thiện trong ban tổ chức, còn Việt Dzũng với tư thế ca nhạc sĩ được mời dự, thì đã một mình chống hai nạng đi lên mấy chục bực thềm để vào phòng hội trình diễn, không cần ai giúp đỡ.
Hai tiếng Hưng Ca ra đời khi nào tôi không rõ, vì Việt Dzũng khi còn sống nếu có trình diễn thì cũng ít khi nhân danh là đại diện Hưng Ca. Điều ngạc nhiên là lần này khi tham dự 10 Năm Thương Nhớ Việt Dzũng, tôi mới biết Việt Dzũng là sáng lập viên Hưng Ca và tôi đã chứng kiến diễn tiến rất lớp lang trật tự với nhiều đoàn Hưng Ca, từ năm tiểu bang về đóng góp, và ngay cả có các nghệ sĩ Đình Đại và Thu Sương từ Pháp đến. Đa số là người trẻ mà tối đa là ở tầm 40- 60 là cùng. Cái tuổi theo sự phân chia các giai đoạn đời người của Khổng tử là vào tầng phát triển đỉnh cao nhất đã hiểu mệnh trời và biết nghe: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận". (Ba mươi tuổi tự lập, bốn mươi tuổi không còn điều gì nghi hoặc, năm mươi tuổi hiểu mệnh trời, sáu mươi tuổi biết nghe).
Chập các sự kiện này lại, nếu hiểu hưng ca là những bài thơ bài hát đề cập đến tâm thức con người khẳng định lấy mình, chống lại tha hóa, trong cái hoàn cảnh khó khăn của cơn biến động đổi đời tháng 4/1975 thì có thể nói Hưng Ca bắt đầu với bài hát ‘Em Vẫn Mơ Một Ngày Về’ của Nguyệt Ánh trỗi lên từ khoảng 1980. Cái tâm thức này còn thấy được lột tả đây đó trong những bài thơ, bài hát, bài văn được chú ý ở những mức độ khác nhau của Châu Đình An, Hà Thúc Sinh, Huỳnh Công Ánh, Phan Ni Tấn, Nguyễn Hữu Nghĩa, … trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau.
Nói cách khác, tinh thần Hưng Ca này có lúc dâng trào như cuồng phong bão tố, có lúc yên ả như mặt hồ tĩnh lặng giữa trưa hè theo quan sát của cá nhân tôi sống đủ dài (từ năm 1980) ở Mỹ và quan tâm đến các hoạt động đấu tranh đa dạng, đa diện cho dân tộc và đất nước. Mong rằng tôi chưa lâm vào tình trạng lãng đãng “chậm hiểu mau quên” của tuổi tác, được so sánh với cái bình đựng vôi ăn trầu lâu ngày đặc kịt vô dụng được mô tả trong bài tiểu phẩm “Ông Bình Vôi” của cụ Phan Khôi năm 1956 trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bất đồng với nhà nước.
Tìm hiểu qua trang nhà phongtraohungca.org, tôi mới vỡ lẽ trong 5 năm trở lại đây tổ chức này có nhiều sinh hoạt sôi động, đặc biệt là đã tổ chức Giải Truyền Thông Hưng Ca Tưởng Nhớ Việt Dzũng, phát thưởng cho các tác giả viết bài phản bác bộ phim tài liệu The Vietnam War của Kenburn. Song song đó là nhiều chương trình văn nghệ đấu tranh qui mô tại San Jose, Nam Cali, Houston, Portland, Oklahoma, Dallas …
Lần này, bước vào hội trường tôi hơi choáng ngộp vì số người quá đông, hơn 500 người trong một nhà hàng sang trọng tại San Jose. Chương trình bắt đầu đúng giờ với màn khai mạc “hoành tráng”. Mấy chục thành viên Hưng Ca trong đồng phục màu đen nghiêm chỉnh nhịp nhàng hát quốc ca Hoa Kỳ, VNCH và bản hùng ca Hưng Khúc Việt Nam sôi động làm cho lòng tôi rộn ràng thời trai trẻ của 30-40 năm trước.
Sau phút hào hùng của Hưng Khúc Việt Nam là giây phút trầm buồn của lễ tưởng niệm. Nhà hàng tắt đèn, trong ánh nến lung linh, di ảnh và bàn thờ Việt Dzũng từ từ tiến về sân khấu trong tiếng kèn saxo nhạc bản nổi tiếng Một Chút Quà Cho Quê Hương. Giọng ngâm trầm hùng của Chi Huệ qua bài ai điếu như réo gọi linh hồn Việt Dzũng về chứng kiến giây phút linh thiêng. Tôi liếc nhìn xung quanh và bắt gặp những ánh mắt đỏ hoe vì xúc động. Ông bạn ngồi cùng bàn ghé tai tôi nói nhỏ: “Việt Dzũng chết đã 10 năm mà mấy anh/chị này dựng anh ta sống dậy”.
Chương trình liên tục với những nhạc phẩm quen thuộc của Nguyệt Ánh, Việt Dzũng qua màn song ca của hai thành viên Hưng Ca xen lẫn những tác phẩm mới tôi được nghe lần đầu.
Nhạc cảnh Tiếng Vọng Từ Ngục Tối gây thích thú, vừa nhạc vừa kịch, dàn dựng lại phiên tòa Việt Cộng xử Phạm Đoan Trang (do Chi Huệ vừa ca vừa diễn với sự phụ họa của các thành viên áo đen). Chương trình văn nghệ đấu tranh với nhiều thể loại nhạc hùng ca lẫn tâm ca lay động tâm thức người nghe.
Kết thúc phần văn nghệ đấu tranh là bài hợp ca được Nguyễn Minh Huy đã sử dụng tên các bài hát nổi tiếng của Việt Dzũng, kết lại thành nhạc phẩm Khúc Hát Mang Tên Ạnh, trong đó có Một Chút Quà Cho Quê Hư ơng, Lời Kinh Đêm, Bài Tình Ca Cho Nguyễn Thị Sài Gòn,...Sau cùng là phần giới thiệu thành phần lãnh đạo mới của Phong Trào Hưng Ca mà đa phần là giới trẻ nắm giữ các vai trò chủ chốt, thiếu vắng các tên tuổi lớn như đã đề cập ở phần trên.
Tóm lại, yếu tố thành công căn bản trong chương trình văn nghệ đấu tranh Mười Năm Thương Nhớ Việt Dzũng ngày chủ nhật 10 tháng 12 theo tôi không có gì quan trọng hơn là cái tâm thức tuổi trẻ, cởi mở, tích cực, làm vô vụ lợi, tất cả vì cái đẹp vì cái ích lợi chung trên con đường trước mặt còn dài. Chẳng khác gì cái khẩu hiệu trên trang đầu quyển tự điển Le Petit Larousse trong phần thưởng ưu hạng tôi được lúc còn ở trung học Chu Văn An Hà nội đầu thập niên 1950 với hình bà đầm gieo hạt và câu Je sème à tout vent (Tôi gieo tất cả ra gió). Nói như thế không có nghĩa những người tham dự đầy hội trường Dynasty đều là tuổi trẻ. Nhưng dù không trẻ thì nói chung khán giả đều thấy sự có mặt của mình đã tạo nên điều thích thú cho mình. Thích thú vì thấy lại cái nhiệt tình của mình cách đây mấy chục năm về trước. (Người già ngồi không hay nhìn lại quá khứ là vì vậy)
Nói cách khác, cử tọa kể như tất cả đã chìm trong sự hưng phấn tập thể.
Trần Xuân Ninh