Trong tổng số 164 xe đạp đợt này, 50 xe đã đến tay các em học sinh nghèo Quảng Bình một cách vui vẻ, Hà Tĩnh sẽ trao vào chủ nhật tuần tới. Riêng 54 xe tặng cho học sinh Nghệ An (Anh Sơn và Con Cuông) thì lận đận mãi không thôi.
Sau khi tôi lên tiếng về sự ngăn cản đối với nhà trường và học sinh nhận quà là xe đạp cũ phục chế, thì ngày 31/10 việc tặng xe đã được khơi thông. Nhưng đáng buồn thay, tất cả các nhãn logo R4K trên thân xe đã bị xé bỏ hết.
Ai đã làm việc này, và vì sao?
Chương trình R4K do tôi sáng lập, điều hành, trực tiếp tiếp nhận, thu gom xe đạp cũ, mở xưởng phục chế, rồi cùng các bạn tình nguyện viên mang đi trao tặng cho học sinh nghèo. Mạnh thường quân khắp nơi ủng hộ bằng tấm lòng và khả năng mà họ có, từ công sức đến tài chính.
R4K là viết tắt của Rebike For Kids được thành lập tháng 5/2020, dịch nghĩa là “Hồi sinh xe đạp tặng học sinh đến trường”. Logo R4K là tên gọi chương trình do tôi và một số bạn bè nghĩ ra, được anh Vũ Hải ở Hà Nội thiết kế. Khi mang logo đi đăng ký ở cục Sở hữu trí tuệ thì họ yêu cầu chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Và hiện giờ Nhãn hiệu R4K đã đc chứng nhận bảo hộ trí tuệ.
Một cái logo đã được nhà nước cấp đăng ký sở hữu trí tuệ, mang một thông điệp nhân ái và trong sáng đến thế, hà cớ gì lại bị xé bỏ? Và ai cho phép các vị làm như thế? Hay các vị không muốn tương thái tương ái và ý thức trách nhiệm sẽ được lan tỏa trong cộng đồng? Nói rằng giáo dục học sinh về những giá trị nhân văn tốt đẹp mà lại đi hành xử như thế, thử hỏi các vị có đang nói đi đôi với làm?
Tôi thật sự bất bình và lấy làm xấu hổ với lối hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa và coi thường pháp luật của những người đã làm ra việc xấu xí này.
Là một người con lớn lên từ đồng đất, hiểu được nỗi khổ của những học sinh nghèo trên bước đường đến trường và bằng khả năng của mình, chúng tôi muốn đồng hành, chia sẻ với các em để đỡ đi phần nào những gian lao. Chúng tôi thật sự không cần ai biết đến mình, chỉ muốn âm thầm làm việc và lan tỏa những giá trị nhỏ bé, nhưng cách hành xử rất tệ của các vị buộc tôi phải lên tiếng.
Làm xe chỉ là để tặng cho học sinh có phương tiện đến trường, nhưng với những món quà tình cảm mà chúng tôi trao nhau, cách hành xử thấp kém của quý vị đã khiến cho ý nghĩa của nó bị hủy hoại không ít.
Muốn giáo dục cho học sinh ý thức tôn trong pháp luật, biết trân trọng tình cảm và sống thẳng ngay thì chính mình phải làm gương trước hết. Nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra trong việc này, tôi chưa thấy điều ấy hiện diện trong các vị.
Văn hóa là thứ không mất tiền mua, nhưng phải học thì mới có được.
P/S: Xin chúc các em học sinh đến trường thật vui, luôn biết thương yêu và chia sẻ cùng nhau.
Trần Quyết Thắng, người sáng lập Rebike For Kids
———————
Phan Châu Thành:
Người tốt đã ít, còn bị ngăn trở thì không hiểu chuyện gì nữa.
Cùng 1 chương trình, trong khi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... không có vấn đề, mình Nghệ An một kiểu, gây sức ép cản trở.
Không hiểu kiểu gì.