16 Nov 2023
Ngày 23/10/1955, hàng lớp người trên tay với những tờ giấy xanh-đỏ xếp hàng bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý. Không lâu sau, những tiếng vỗ tay vang trời khi các lá phiếu đỏ tầng tầng lớp lớp xuất hiện trong những thùng phiếu được khai mở.
Thế nhưng, đa phần các cử tri không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra trong những hòm phiếu và ngay tại nơi kiểm phiếu. Chỉ vài ngày sau, cái mọi người có thể nhận thấy là tiếng nói của một chính khách trên đài phát thanh tuyên bố thành lập một chính phủ mới của quốc gia Việt Nam Cộng hòa.
Ông là Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên và duy nhất của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Từ đây, miền Nam Việt Nam với tên gọi Việt Nam Cộng hòa được xuất hiện. Theo dòng lịch sử chính trị với khoảng chín năm cầm quyền của ông Diệm, có lẽ cái mà người ta ấn tượng và nhớ mãi trong thời gian ông làm tổng thống là những cuộc biểu tình của Phật giáo và cao trào vào giữa năm 1963.
Đa phần mọi người đều nghĩ những cuộc biểu tình đó là do các chính sách khắt khe của ông đối với Phật giáo và sự thiên vị quá mức dành cho Công giáo.
Điều đó là đúng, thế nhưng cách nhìn này ở một khía cạnh nào đó là khá phiến diện.
Dưới thời của ông, không chỉ riêng Công giáo mà Phật giáo cũng là một trong các tôn giáo phát triển nhất bấy giờ. Người ta có thể thấy nhiều hội hay giáo hội Phật giáo được thành lập. Song song đó, số chùa chiền cũng gia tăng theo dòng phát triển của các hội Phật giáo.
Vậy có phải chính sách tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm có hoàn toàn khắc nghiệt đối với Phật giáo không?
Nếu bạn quan tâm về Phật giáo miền Nam trong giai đoạn này, sau đây là những vấn đề bạn nên biết.
Nhiều hội, giáo hội Phật giáo được thành lập
Vào năm 1950, Bảo Đại khi đó làm Quốc trưởng đã ký Đạo dụ số 10 và đặt các tổ chức tôn giáo vào thể chế các hiệp hội thông thường. Tuy nhiên, điều thứ 44 lại dành sự ưu ái đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô. Có nghĩa rằng, trừ Công giáo thì các tôn giáo khác chỉ được tổ chức ngang hàng với hội.
Sang năm sau, 51 đại biểu của sáu tổ chức Phật giáo ở Nam bộ, Trung bộ, và Bắc bộ đã họp tại chùa Từ Đàm (Huế) và cùng thống nhất thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Văn phòng Tổng hội đặt tại chùa Từ Đàm. Danh xưng Giáo hội Phật giáo chưa được thiết lập. [1]
Đến ngày 16/6/1954, Bảo Đại gặp Ngô Đình Diệm tại Pháp và có lời mời ông về nước thành lập chính phủ.
Tuy nhiên trước khi nhận lời, ông Diệm ra điều kiện buộc Bảo Đại phải để chính phủ do ông thành lập được toàn quyền cả về mặt chính trị lẫn quân sự. Dĩ nhiên, Bảo Đại đã đồng ý với ý kiến đó. [2]
Không lâu sau, Ngô Đình Diệm trở về Việt Nam và thành lập chính phủ mới với nội các gồm 18 người vào ngày 7/7/1954.
Bắt đầu từ lúc này, ông đã cố gắng lợi dụng ý thức tôn giáo, nhằm tạo ra một mặt trận tôn giáo chống lại chủ nghĩa vô thần cộng sản. [3] Trong số các tôn giáo lúc bấy giờ, dĩ nhiên có cả Phật giáo.
Sang năm sau vào ngày 25/12/1955, chính quyền của ông Diệm đã cấp phép cho Hội Tịnh độ tông được hoạt động. Trụ sở trung ương đặt tại chùa Giác Lâm (Chợ Lớn). [4]
Cũng cùng năm đó, chính quyền cũng cho phép Hội Linh Sơn Phật học được thành lập tại chùa Linh Sơn (Cô Giang, Sài Gòn); Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam; Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam được thành lập tại Đà Nẵng.
Không dừng lại ở đó, trong những năm tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm còn cho phép thành lập rất nhiều tổ chức Phật giáo mới như: Hội Việt Nam Phật giáo (1957) tại Sài Gòn; Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (1957) tại chùa Long Vân, Gia Định; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (1957) tại chùa Kỳ Viên, Sài Gòn; Hội Bồ Đề Đạo Tràng (1957) tại Âm Bồ Đề, Châu Đốc; Hội Phật giáo tại Trung Phần (1957) tại chùa Từ Đàm, Huế; Hội Phật tử Việt Nam (1958) tại chùa Đại Giác, Sài Gòn; Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam (1958) tại Gia Định; Hội Phật giáo Quan âm Phổ Tế (1959) tại Sài Gòn; Hội Việt Nam Phật giáo Liên hữu (1959) tại Sài Gòn; Hội Từ thiện Phật giáo Việt Nam (1959) tại chùa Huệ Lâm, Sài Gòn; Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Vĩnh Bình (1960) tại chùa Ông Mẹt, Vĩnh Bình, nay là Trà Vinh; Hội Tứ giáo Phật học Việt Nam (1961) tại chùa Tam Bửu, Biên Hòa; Hội Phật học Nguyên thủy Ba Xuyên (1962) tại Ba Xuyên; Giáo hội Cư sĩ Phật đường Nam tông (1962) tại Sài Gòn; Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (1963) tại Sài Gòn; v.v. [5]
Bên cạnh đó, nhiều tạp chí Phật giáo cũng theo dòng phát triển mà ra đời như: Liên Hoa Tùng Thư hay Liên Hoa Văn Tập (1955), tạp chí Phật giáo Việt Nam (1956), Từ Quang (xuất hiện năm 1951 nhưng chính quyền cho phép dời trụ sở từ chùa Ấn Quang sang chùa Xá Lợi vào năm 1958), v.v. [6]
Có thể nói, dưới nền Đệ nhất Cộng hòa, Phật giáo tại miền Nam hoạt động nhộn nhịp khi nhiều phong trào, giáo hội, hội, v.v. được thành lập. Điều này cho thấy chính sách của chính quyền lúc bấy giờ coi sự phát triển tôn giáo là một trong các trọng tâm của họ.
Số lượng chùa và các trường tư thục trực thuộc Phật giáo phát triển mạnh
Song hành cùng các hội và giáo hội được thành lập, hàng ngàn ngôi chùa và các trường học trực thuộc Phật giáo cũng theo đó được xây dựng hoặc tu sửa.
Trước khi ông Diệm làm tổng thống, tại miền Nam Việt Nam có khoảng 2.206 ngôi chùa. Sau gần chín năm cầm quyền, số ngôi chùa tăng lên thành 4.776. [7] Nghĩa là xuyên suốt trong nền Đệ nhất Cộng hòa, Phật giáo Việt Nam có thêm 2.570 ngôi chùa mới. Trung bình mỗi năm gần 300 ngôi chùa mới xuất hiện.
Nếu xét theo địa lý hành chính, Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ có 35 tỉnh và một đô thành. [8] Như vậy mỗi tỉnh trung bình có gần 128 ngôi chùa chưa kể các am, tịnh xá nhỏ lẻ không được thống kê chính xác.
Trong cuốn sách “Our Vietnam Nightmare” (tạm dịch: Cơn ác mộng Việt Nam của chúng ta), tác giả Marguerite Higgins ghi nhận rằng: “Chính phủ Diệm đã đóng góp chín triệu đồng để trùng tu và xây cất chùa chiền. Có tất cả 1.295 ngôi chùa đã được trùng tu. Riêng chùa Xá Lợi, ông Diệm đã góp vào hai triệu đồng và sau đó còn cho sử dụng bảy lần tiền đua ngựa để xây cất.” [9]
Về phía Công giáo, Hạt Đại diện Tông tòa Sài Gòn vào năm 1938 chỉ có 210 giáo xứ và giáo họ. Sau biến cố di cư 1954 với khoảng hơn 500.000 tín đồ Công giáo tại miền Bắc vào Nam, số giáo xứ và giáo họ tăng vọt thành 448.
Đến năm 1960, Giáo hoàng John XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, và Sài Gòn. Hạt Đại diện Tông tòa Sài Gòn được nâng cấp thành Tổng Giáo phận Sài Gòn. Lúc bấy giờ Tổng Giáo phận Sài Gòn bao gồm cả giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc cho đến năm 1965 thì hai giáo phận này được tách khỏi. [10] Đây là nơi tập trung hầu hết các tín đồ Công giáo tại miền Nam tại thời điểm đó.
Sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, Tổng Giáo phận Sài Gòn có 547 giáo xứ và giáo họ. [11] Như vậy, từ năm 1938 cho đến năm 1963, Tổng Giáo phận Sài Gòn không những trải qua hai thời kỳ Pháp thuộc và Đệ nhất Cộng hòa, lại còn cưu mang phần lớn các tín đồ di cư từ miền Bắc, nhưng số giáo xứ và giáo họ chỉ tăng vỏn vẹn 337. Đây là một con số rất khiêm tốn so với sự gia tăng của các ngôi chùa Phật giáo.
Bên cạnh các chùa được xây dựng không thể kể đến các cơ sở giáo dục trực thuộc Phật giáo.
Nổi bật là hệ thống trường Bồ Đề, là một hệ thống giáo dục tư thục do Phật giáo Việt Nam điều hành. Nội dung giảng dạy dựa trên chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục và mặt tâm linh theo triết lý Phật giáo. [12]
Từ năm 1951 đến năm 1963, hệ thống trường Bồ Đề thành lập tổng cộng 43 trường học với ba cấp độ giảng dạy. Năm 1961, một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được mở tại Chợ Lớn. [13]
Trong khi đó về phía Công giáo, nổi bật với hệ thống trường tư thục Lasan nơi thu nhận cả các học sinh Công giáo và ngoài Công giáo, do các sư huynh dòng La San phụ trách, chỉ thành lập được 17 cơ sở giáo dục trong giai đoạn này. [14]
Sau năm 1975, chính quyền ban hành Nghị quyết 297/HĐBT, trưng dụng mọi cơ sở giáo dục tư thục thuộc quyền quản lý của các tôn giáo. Các tôn giáo chấm dứt sứ mệnh hoạt động giáo dục kể từ lúc này.
Cuối cùng phải kể đến hàng loạt tu viện, học viện được thành lập trong thời gian [trước 1975] này như: Phật học đường Phước Hòa ở Trà Vinh (1956), tu viện Nguyễn Thiều ở Bình Định (1958), Nhi học viện Từ Nghiêm – Chùa Từ Nghiêm (1959), tu viện Quảng Hương Già Lam (1962), v.v. [15]
Có thể nói, số lượng các chùa được xây mới, tu sửa và cả các ngôi trường thuộc Phật giáo gia tăng trong giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa cho thấy chính quyền lúc bấy giờ đã có một chính sách khá tôn trọng quyền tự do và bình đẳng phát triển giữa các tôn giáo. Đây được coi là một chính sách nổi trội của chính quyền Ngô Đình Diệm, nó hoàn toàn trái ngược với bên kia vĩ tuyến 17 và đặc biệt tại miền Nam sau năm 1975.
Phật giáo được tự do tổ chức các hoạt động tôn giáo
[Cho tới trước 1975] những ngày cuối tháng 12 hàng năm, hàng triệu tín đồ Công giáo ở Việt Nam và trên khắp thế giới cùng nhau tổ chức ngày lễ Giáng sinh thật long trọng.
Phật giáo cũng có những buổi lễ Phật đản được tổ chức với quy mô tương tự và thậm chí còn lớn hơn thế.
Ngày 17/5/1956, lễ Phật đản được tổ chức rất lớn tại Sài Gòn, hàng vạn người nối đuôi nhau rước ngọc xá lợi đi qua các con đường nội ô thành phố. Sang năm sau vào năm 1957, chính quyền bất ngờ loại bỏ lễ Phật đản ra khỏi quy chế là ngày nghỉ toàn quốc, nhưng đến năm 1958 thì chính quyền cấp quy chế trở lại. Cũng vào năm 1957, lễ Phật đản được tổ chức rất lớn, Phật tử ở khắp nơi tổ chức ngày lễ này rầm rộ, lớn gấp mười lần các năm trước từ miền Trung tới miền Nam. [16] [17]
Tuy nhiên so với từ bốn đến năm ngày nghỉ lễ Công giáo, thì ngày nghỉ lễ Phật giáo chỉ có khoảng từ hai đến ba ngày trong một năm tạo nên một sự bất bình trong giới tăng ni và Phật tử.
Từ năm 1957 đến năm 1960 sự bất bình này dường như không gây ra nhiều vấn đề. Những mâu thuẫn chỉ xuất hiện kể từ tháng 5/1960 trở đi, khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản khiếu nại chính thức gửi tới ông Diệm và ngày càng trở nên gay gắt cho đến lúc xảy ra cuộc khủng hoảng vào năm 1963. [18]
Tuy nhiên trên thực tế, chính phủ của ông Diệm có mối quan hệ đặc biệt với Tổng hội Phật giáo Việt Nam so với các cộng đồng Phật giáo còn lại. Các trụ sở của tổng hội đầu tiên tại chùa Phước Hòa sau đó là chùa Xá Lợi luôn là nơi cử hành các nghi lễ chính thức lớn mà chính quyền lúc bấy giờ đều công nhận. Điều này giống như Nhà thờ Đức Bà dành cho cộng đồng Công giáo. [19]
Đến năm 1962, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu thay đổi ngày tổ chức chính thức lễ Phật đản do áp dụng theo quyết nghị của Phật giáo thế giới về Phật lịch. [20] Dĩ nhiên yêu cầu này cũng được ông Diệm chấp thuận.
Nhưng chính quyền đã không có sự thảo luận trước và kỹ lưỡng với các cộng đồng Phật giáo còn lại, điều này khiến họ có xu hướng không đồng tình với cách ứng xử của chính quyền. [21] Cho thấy Phật giáo tại thời điểm này không có sự gắnkết một cách chặt chẽ và có sự mâu thuẫn. [22]
Nguyên do sau năm 1954, Tổng hội Phật giáo Việt Nam chỉ đại diện cho nửa phía Nam của miền Nam trước đây. Hơn nữa, sự tồn tại của một hiệp hội chung không dẫn đến việc sáp nhập các hiệp hội trước đó thành một hiệp hội duy nhất. [23]
Điển hình cho sự thiếu đoàn kết này là việc đóng cửa tạp chí quốc gia Phật giáo Việt Nam vào năm 1959, và sự tồn tại của tạp chí địa phương (Từ Quang ở miền Nam, Viên Âm và Liên Hoa ở miền Trung) cho thấy Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã không thu hút được sự quan tâm sâu sắc của các tín đồ. [24]
Không loại trừ vì nguyên nhân thiếu đoàn kết trong nội bộ Phật giáo khiến ông Diệm phải dè chừng các chính sách của mình đối với họ. Vì một chính sách có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể làm mọi phe phái ủng hộ hoàn toàn.
Khác với cơ chế chặt chẽ của giáo hội Công giáo luôn có một tiếng nói chung và nhất quán, sự lỏng lẻo của Phật giáo lúc bấy giờ cũng nên coi là một nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa chính quyền của ông với các cộng đồng Phật giáo nói chung.
Mặc dù vậy, xuyên suốt thời gian cầm quyền, chính quyền vẫn tạo điều kiện và cho phép Phật giáo tự do tổ chức các hoạt động của mình, không phân biệt đó là những hoạt động do cộng đồng Phật giáo nào tổ chức như: Đại hội Tổng Giáo hội Việt Nam kỳ II (1956) và kỳ III (1957), Đại hội Ni Bộ miền Nam ở chùa Huê Lâm (1956), Đại hội đồng Hội Việt Nam Phật học tại chùa Từ Đàm (1957), Đại hội Gia đình Phật tử Trung phần (1957), Đại hội Giáo hộiTăng già Trung Việt kỳ III (1958), Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ III (1959), Đại hội Hoằng pháp toàn quốc (1960), v.v. [25]
Không những thế, chính quyền còn cho phép Phật giáo tự do tổ chức nhiều hoạt động khác nữa như buổi phát thanh hàng tuần do Tổng hội Phật giáo Việt Nam trên đài Sài Gòn (1956); các khóa “Tu nghiệp trú trì” và “Như Lai sứ giả” được tổ chức tại các chùa Ấn Quang, Pháp Hội, và Dược Sư (1957); thành lập Ban liên lạc văn hóa của Đoàn thanh niên tăng ni Việt Nam (1960); Đoàn thanh niên Phật tử được thành lập tại chùa Ấn Quang (1960); v.v. [26]
***
Sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, Phật giáo vẫn phát triển không ngừng. Tuy nhiên mốc lịch sử năm 1975 đã phá vỡ sự phát triển đó và khiến Phật giáo không còn đi trên con đường tự do đúng nghĩa.
Hiện nay, người ta không còn thấy những cuộc biểu tình rầm rộ do Phật giáo tổ chức như dưới thời Ngô Đình Diệm. Thay vào đó là những buổi họp trật tự dưới ánh đèn chủ nghĩa xã hội do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Điều này cho thấy rằng chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm không phải hoàn toàn bài trừ hay khắc nghiệt đối với Phật giáo. Ở khía cạnh nào đó, ông đã có một chính sách tự do, bình đẳng, và vô tư đối với sự phát triển của các tôn giáo. Có thể nói, ông dường như đã cố gắng tạo ra một mặt trận tôn giáo chống lại chủ nghĩa vô thần cộng sản. Điều mà đến nay, có lẽ nhiều người vẫn phải tiếc nuối.
———————-
Chú thích:
1. Phong trào thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. (2021, November 12). Tạp chí nghiên cứu Phật học. https://web.archive.org/web/20220811083551/https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phong-trao-thanh-lap-tong-hoi-phat-giao-viet-nam.html
2. “Ngô Đình Diệm - Bước đường từ Tri huyện lên Tổng thống”. (2013, November 6). Báo Công an Nhân dân. https://web.archive.org/web/20170717160150/http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Ngo-Dinh-Diem---Buoc-duong-tu-Tri-huyen-len-Tong-thong-307046/
3. Phi Van Nguyen. (2018, June 14). A Secular State for a Religious Nation: The Republic of Vietnam and Religious Nationalism, 1946–1963. Cambridge University Press. https://www.cambridge.org/core/journals/journal-of-asian-studies/article/secular-state-for-a-religious-nation-the-republic-of-vietnam-and-religious-nationalism-19461963/6686A381A12183648E76430BC646BC85
6. Lược sử báo chí Phật giáo Việt Nam từ năm 1951 đến năm 1975. (2014, August 1). Thư viện Hoa Sen. https://web.archive.org/web/20230328182124/https://thuvienhoasen.org/a21838/luoc-su-bao-chi-phat-giao-viet-nam-tu-nam-1951-den-nam-1975
9. Xem [5]
10. Tổng Giáo phận Sài Gòn qua dòng lịch sử. (2009, November 9). Tổng Giáo phận Sài Gòn. https://web.archive.org/web/20211203194255/https://tgpsaigon.net/bai-viet/tong-giao-phan-sai-gon-qua-dong-lich-su-44024
11. Xem [10]
12. Gieo hạt giống lành (Giáo dục trong Gia đình Phật tử). (2009, September 15). Phật tử Việt Nam. https://web.archive.org/web/20100506022003/http://phattuvietnam.net/7/35/7512.html
13. Guilhem Cousin-Thorez. (2021, December 10). THE GENERAL BUDDHIST ASSOCIATION OF VIETNAM 1951–1964 (Tổng hội Phật giáo Việt Nam): A FORGOTTEN STEP TOWARDS THE 1964 BUDDHIST CHURCH. Russian Journal of Vietnamese Studies (103-113).
15. Nguyễn Lang. (1979). Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập III, Chương XXXV: Con đường thống nhất. Nxb Văn Học.
16. Niên biểu Phật giáo Việt Nam. (2002, February 1). Trang nhà Quảng Đức. https://web.archive.org/web/20121115000946/http://quangduc.com/lichsu/13nienbieupgvn3.html
17. Xem [15]
18. Xem [13]
19. Xem [13]
21. Xem [13]
22. Xem [15]
23. Xem [13]
24. Xem [13]
25. Xem [15]
26. Xem [15]