NHÂN DÂN
Mạc Văn Trang
*
Nhân dân là gì?
Người xưa nói:
Dân như đồng cỏ,
gió chiều nào, cỏ rạp theo chiều đó…(1)
Dân như nước:
đẩy thuyền là dân
lật thuyền cũng là dân (2)
Dân là gốc (3)
Gốc có vững cây mới bền…
Nhân dân như bột mì
nhào nặn mãi vẫn nhão nhoẹt
Không thể làm nên bánh mì ngon
Nếu không có bột nở (4)
Thời tôi lớn lên
Nhân dân có lúc được tâng bốc là Thần Thánh:
“Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có nhân dân thần thánh”...(5)
Lại có lúc dân được xem như bầy thú dữ
bị xua vào cắn xé lẫn nhau:
“Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ”...
“Thù muôn đời muôn kiếp không tan”
“Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”! (6)
Nay ngẫm nghĩ
Nhân dân là gì nhỉ?
Ôi, có phải nhân dân là đất
từ sình lầy, bờ bụi, hoang vu …
trải ngàn năm
đất trộn máu, mồ hôi, nước mắt
bồi đắp nên những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật
nay biến thành trang trại, resort, sân golf…
của những chủ nhân giai cấp mới?
Có phải nhân dân là muôn vạn dòng sông
ngàn đời nước chảy xuôi về biển cả
nay bỗng nhiên bị chẹn cổ
bởi những đập bê tông Tam Hiệp nhỏ to?
Tức nước vỡ bờ
liệu có ngày vỡ toang Tam Hiệp? (7)
Có phải nhân dân là cây của núi rừng trùng điệp
từ hồng hoang mọc lên lớp lớp tầng tầng
Nay cổ thụ bị phanh thây xẻ thịt
giành đất rừng cho những đồn điền
cây công nghiệp của các đại gia?
Có phải nhân dân là muôn ngàn hầm mỏ
khí, dầu, than, vàng, đất hiếm, titan…?
cho các tập đoàn thả sức đào, khoan, ủi, múc, bán tống, bán tháo đi
cho đến tanh bành cạn kiệt…
kể gì thế hệ mai sau!
Có phải nhân dân là cát dưới những dòng song
đã bị hút kiệt cùng bán cho nước ngoài bồi đắp đảo?
Những dòng sông quặn đau, rỗng ruột
đói cồn cào hung dữ nuốt đôi bờ đổ sụp
và lũ cuốn ào ào từ đồi cao, núi thẳm
đem đất cát về trả lại những lòng sông?
Có phải nhân dân như là đàn kiến
theo kiến Cụ leo lên tận cây đa
“leo phải cành cộc leo ra leo vào”...
Đường cùng
leo sang cành đào
“Leo phải cành cộc, leo vào leo ra”...
và họ hàng nhà kiến suốt đời đi kiện củ khoai! (8...)
Có phải nhân dân là Cừu là Vịt
bị vặt trụi lông
chẳng con nào dám kêu toáng lên (9)
để cho vặt, vặt nữa, vặt mãi, vặt thêm …
Nuôi béo rồi lại vặt đau hơn!
Thời đại nay
Nhân dân là gì nhỉ?
Khi ta nghe ù tai và nhìn lóa mắt:
Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Chứng minh Nhân dân, Căn cước công dân…
nhan nhản khắp nơi trên cả nước
và nghe sướng rơn:
Dân là chủ - Chính phủ là công bộc của Dân…
Mung lung quá
Ta định thần trở lại
Từ điển viết:
Nhân dân là toàn thể những con người sinh sống trong một quốc gia, và là những công dân.
Vâng! Những CON NGƯỜI là những CÔNG DÂN.
Như Tuyên Ngôn Độc lập năm 1945:
“Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"... (10)
Như Điều 25 trong Hiến pháp:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình…(11)
Nhưng đến bao giờ
người Dân là những Công Dân?
- Khi nhân dân biết dùng lá phiếu của mình
phế truất kẻ bất tài, bầu người xứng đáng…
Khi sáu mươi phần trăm “công dân” thành “người lớn”(12)
chắc là có “Xã hội Công dân”... (13)
Có phải đó là điều thế hệ trẻ ước mong?
Còn bây giờ
Ôi, những người Dân
đi kêu oan án tử hình mòn mỏi mấy đời người
không nơi nào, không ai giải quyết!
Nhân dân là gì?
Không biết!
20/10/2023
MVT
Chú thích:
(1) Khổng Tử: Đao của người quân tử như gió, đức hạnh của dân như cỏ. Gió thổi chiều nào, cỏ tất rạp theo chiều đó (Theo Luận Ngữ)
(2) Nguyễn Trãi trong bài thơ Quan Hải có câu: “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (“Lật thuyền mới rõ dân như nước” - nhóm Đào Duy Anh dịch)
https://www.thivien.net/.../poem-o8HaXeEyR21CIUGTUVs8_A
(3) Theo Trần Đình Sử thì câu “Dân vi bản” là của Khang Hữu Vi (1858- 1927)- (http://tapchisonghuong.com.vn/.../Ban-them-ve-cau-Lay-dan...)
(4) Nguyễn Khắc Viện nói, Trí thức là bột nở, nhân dân là bột mì...
(5). Tố Hữu, Trước Kremlin, Gió lộng, NXB Văn học, 1981
(6) “Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ” …
(Thơ Tố Hữu)
(7) Đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới, ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trên sông Dương Tử
(8...) Ca dao cổ
(9) TS Vũ Đình Ánh: Người ta nói "Thu thuế cũng như "vặt lông vịt", đừng để kêu toáng lên"
(10) Câu trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc 2/9/1945
(11) Hiến pháp nước CHXHCNVN, 2013
(12) Lấy ý từ câu “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” của Tản Đà.
(13). Tham khảo: https://luatminhkhue.vn/xa-hoi-cong-dan-la-gi---khai-niem...
=======