October 13, 2023
Sau gần một tuần oanh tạc dữ dội, biến một phần dải Gaza thành đống đổ nát, hôm Thứ Năm, 12 Tháng Mười, Israel ra lệnh cho 1.1 triệu dân Palestine sống ở nửa phía Bắc dải đất này phải cấp tốc di tản trong vòng 24 giờ đồng hồ. Xe tăng và quân lính Israel đã tập trung dày đặc quanh Gaza, sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm xóa sạch tổ chức Hamas như tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel. Trong khi đó, Hamas đe dọa hành quyết các con tin nếu Israel phát động cuộc tấn công trên bộ vào Gaza. Chiến cuộc leo thang, thảm họa cho thường dân trong những ngày tới là chuyện đã thấy trước.
Quân đội Israel pháo kích vào dài Gaza. (Hình minh họa: Aris Messinis/AFP via Getty Images)
Tại sao Hamas gây hấn?
Nhưng một cuộc chiến tổng lực của Israel chống Hamas có giải quyết được xung đột Israel-Palestine, có đem lại hòa bình và an ninh cho Israel hay không là chuyện gây nghi ngờ sâu sắc trong giới quan sát tình hình Trung Đông. Vấn đề phức tạp hơn rất nhiều và không thể đơn thuần giải quyết bằng bạo lực.
Vụ tấn công hết sức dã man của Hamas hôm 7 Tháng Mười được thế giới Ả Rập coi là phản ứng chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc tàn bạo của chính quyền Tel Aviv suốt mấy chục năm qua. Israel không chỉ liên tục chiếm đất của Palestine, gia tăng xây dựng các khu định cư Do Thái ở phía Tây sông Jordan dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine (Palestine Authority – PA) mà còn biến dải Gaza do Hamas kiểm soát thành một “nhà tù lộ thiên” – nơi 2.5 triệu người Palestine sống khốn khổ trong gọng kìm phong tỏa, nghèo đói, và thất nghiệp lên tới 50% dân số.
Cuộc tấn công này cũng nhằm phá vỡ hay ngăn chặn ý định của một số nước Ả Rập đang toan tính dàn hòa với Israel bỏ qua những nỗi thống khổ vô bờ của người Palestine; cụ thể là ngăn chặn tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Bahrain, Morocco, và UAE theo Hiệp Ước Abrahams do chính quyền Donald Trump dàn xếp và tiến trình đàm phán nối lại quan hệ Israel – Saudi Arbaia đang diễn ra theo môi giới của chính quyền Joe Biden.
Cái bẫy của Hamas
Hamas chắc biết, sau vụ tàn sát của họ, Israel không có lựa chọn nào khác là sẽ trả đũa dữ dội và không tránh khỏi gây ra những thảm họa cho thường dân ở Dải Gaza. Nhưng Hamas cần điều đó, cần chứng tỏ cho thế giới thấy thảm trạng của người dân Gaza và đổ lỗi cho Israel và phương Tây. Ngay sau vụ tấn công của Hamas, Israel ra lệnh phong tỏa Gaza, cắt hoàn toàn nguồn cung cấp điện, nước, nhiên liệu – một biện pháp gần như bị cả thế giới phản đối vì chúng gây thống khổ cho cuộc sống của người dân vô tội mà không ảnh hưởng nhiều tới Hamas.
Israel có quyền tự vệ khi thường dân của mình bị giết hại dã man. Nhưng nếu thực hiện một cuộc chiến tổng lực – “một cuộc chiến lâu dài và khó nhọc” như lời ông Netanyahu – thì Israel chắc chắn sẽ rơi vào cái bẫy của Hamas. Cuộc chiến sẽ kéo dài, gây tổn thất khủng khiếp và có thể leo thang, lôi cuốn nhiều nước khác trong khu vực. Cuối cùng Israel có thể chiến thắng trên chiến trường nhưng sẽ thất bại thảm hại trên mặt trận dư luận. Hôm Thứ Năm, Israel cho rải truyền đơn yêu cầu người dân Gaza di tản, tránh xa các căn cứ của Hamas để khỏi bị tàn sát, nhưng họ biết di tản đi đâu khi toàn bộ biên giới giữa Gaza với Israel và Ai Cập đều bị đóng chặt. Trong vài ngày tới, nếu Israel mở cuộc hành quân trên bộ vào Gaza thì số thương vong của thường dân Palestine sẽ hết sức khủng khiếp, khó hình dung nổi.
Cuộc tấn công Gaza của Israel cũng sẽ giúp củng cố uy tín của Hamas trong dân chúng Palestine và các nước Ả Rập, vượt qua đối thủ truyền kiếp của họ là đảng Fatah có xu hướng ôn hòa trong chính quyền Palestine. Cho đến nay thế giới vẫn coi PA kiểm soát West Bank là tiếng nói đại diện cho người dân Palestine. Tuy nhiên, với người Ả Rập, Fatah dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Mahmoud Abbas, là một tổ chức nhu nhược, tham nhũng. Nếu Israel xâm lược Gaza, người Palestine có khả năng sẽ ủng hộ Hamas tranh quyền với PA và Hamas có thể trở thành người đại diện duy nhất cho tiếng nói của người Palestine – mục tiêu mà Hamas ấp ủ từ khi đặt được chân đứng ở Gaza. Nếu những con diều hâu Hamas cai quản cả Gaza và West Bank, thì vòng xoáy bạo lực Palestine-Israel sẽ không bao giờ giải quyết được.
Israel có quyền trả thù nhưng không nên tự biến mình thành nhà nước khủng bố. Trong cuộc gặp Thủ Tướng Netanyahu tại Tel Aviv hôm Thứ Năm, Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ lưu ý, Israel có quyền tự vệ nhưng phải tự vệ bằng cách nào để tránh làm hại thường dân. Tổng Thống Joe Biden cũng yêu cầu Israel tuân theo các quy tắc chiến tranh. Chưa rõ ông Netanyahu sẽ hành động như thế nào nhưng nhà lãnh đạo nổi tiếng cực hữu và cứng rắn của Israel khó có thể nhượng bộ, có điều hành động theo mong muốn sâu kín của kẻ thù không phải là cách làm của người khôn ngoan.
Giải pháp hai nhà nước
Từ khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948 đến nay, xung đột giữa Palestine và Israel chưa bao giờ ngừng. Các nỗ lực quốc tế vãn hồi hòa bình cho vùng đất này cũng chưa bao giờ kết thúc. Quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ vì những kẻ cực đoan, hiếu chiến giành quyền lãnh đạo ở cả hai phía.
Ngay từ đầu, Liên Hiệp Quốc đã có Nghị Quyết 181 được Đại Hội Đồng thông qua năm 1947, phê chuẩn cái gọi là “Partition Plan,” chia vùng sa mạc giữa Địa Trung Hải và sông Jordan làm đôi, cho người Israel và người Ả Rập. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho “giải pháp hai nhà nước.” Nhưng các quốc gia Ả Rập láng giềng không chấp nhận, đưa quân đánh nhà nước Israel mới khai sinh. Oái oăm là Israel lại thắng. Họ không chỉ giữ được vùng lãnh thổ Israel được ghi nhận trong “Partition Plan” mà còn chiếm hơn 60% vùng lãnh thổ dành cho nhà nước Ả Rập, bao gồm cả phía Tây Jerusalem. Đầu mối của mọi cuộc xung đột bắt đầu, xoay quanh quan điểm của khối các nước Ả Rập không thừa nhận sự tồn tại của Israel.
Trong nhiều thập niên sau đó, chiến tranh giữa Israel và Ả Rập lúc âm thầm lúc dữ dội, nhất là sau khi khối Ả Rập lập ra Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) năm 1964 theo mô hình của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Việt Cộng. Nhưng trong hầu hết các cuộc chiến người Israel đều thắng, lãnh thổ của người Palestine cứ thu hẹp dần, ngay trong vùng West Bank cũng có nhiều khu định cư của người Israel. Thế giới không chấp nhận việc Israel liên tục mở rộng các khu định cư trên đất đai chiếm của người Palestine, nhưng cũng lên án gay gắt chủ trương tiêu diệt nhà nước Do Thái của cộng đồng các nước Ả Rập.
Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ
Nỗ lực hóa giải xung đột, vãn hồi hòa bình Trung Đông luôn có vai trò quan trọng của Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Bill Clinton. Thỏa Thuận Oslo (Oslo Accord), ký kết ngày 13 Tháng Chín, 1993 tại Tòa Bạch Ốc giữa Thủ Tướng Yitzhak Rabin của Israel và nhà thương thuyết của Mahmoud Abbas của PLO (nay là tổng thống Palestine) đặt căn bản trên các nghị quyết 242 và 338 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sáng kiến của Hoa Kỳ. Theo Thỏa Thuận Oslo, Israel chấp nhận PLO là đại diện Palestine, đồng ý thành lập chính quyền Palestine có thẩm quyền quản trị West Bank và dải Gaza theo nguyên tắc tự quyết dân tộc, đổi lại PLO từ bỏ chính sách khủng bố và công nhận quyền tồn tại trong hòa bình của Israel. Ngày 4 Tháng Mười Một, 1995, Thủ Tướng Rabin bị một phần tử Do Thái cực đoan ám sát, thỏa thuận Oslo rơi vào bế tắc sau khi chính quyền Palestine được thành lập với nhiều phe phái đối lập nhau; đáng chú ý là nhóm Hồi Giáo cực đoan Hamas (thành lập năm 1987 dưới sự hỗ trợ của Iran) cương quyết chống lại Thỏa Thuận Oslo.
Thủ Tướng Ehud Barak của Israel, sau khi đánh bại ứng cử viên Netanyahu trong cuộc bầu cử Tháng Năm, 1999, quyết định quay lại với “giải pháp hai nhà nước.” Tổng Thống Bill Clinton một lần nữa lại mời lãnh đạo Israel và Palestine đến Camp David đàm phán vào Tháng Bảy, 2000 để tìm cách khôi phục Thỏa Thuận Oslo. Tại Tòa Bạch Ốc ngày 23 Tháng Mười Hai, 2000, ba nhà lãnh đạo Bill Clinton (Mỹ), Ehud Barak (Israel), và Yasser Arafat (Palestine) đứng bên nhau cùng công bố một thỏa thuận hòa bình, theo đó người Palestine sẽ lập một quốc gia riêng với 95% diện tích West Bank và 100% diện tích dải Gaza. Israel được giữ lại 80% các khu định cư đã xây dựng ở West Bank. Thánh địa Jerusalem được chia đôi mỗi bên quản lý một phần. Thỏa thuận này được gọi không chính thức là “Những thông số Clinton” (Clinton Parameters) và được coi là cơ hội tốt nhất cho việc thành lập và tồn tại trong hòa bình hai quốc gia của người Do Thái và người Ả Rập trên vùng đất của tổ phụ Abrahams.
Vài ngày sau đó, nội các Israel bỏ phiếu phê chuẩn Clinton Parameters, nhưng ông Arafat lại đổi ý do áp lực của phe Hồi Giáo cực đoan trong PLO. Việc PLO từ chối thỏa thuận đã ký kết ở Washington làm tiêu tan hy vọng về “giải pháp hai nhà nước” và khuyến khích các thành phần cực đoan ở cả hai phía theo đuổi những chính sách thù địch và đẫm máu. Ở Israel, các chính phủ cực hữu của Thủ Tướng Ariel Sharon, sau đó là Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đẩy mạnh chính sách đàn áp người Palestine, mở rộng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng ở West Bank và phong tỏa dải Gaza. Ở phía Palestine, các phần tử “thánh chiến Hồi giáo” liên tục phát động những cuộc tấn công “Intifada” vào người Israel, nhất là sau khi tổ chức Hamas giành được quyền kiểm soát dải Gaza năm 2006. Máu kêu trả máu, vòng xoáy bạo lực cứ thế tiếp diễn, càng ngày càng dữ dội, thường dân ở cả hai bên liên tục trở thành nạn nhân của một cuộc xung đột không có hồi kết.
Israel có quyền trả thù vụ tấn công man rợ của Hamas hôm 7 Tháng Mười, nhưng sẽ không có hòa bình. Những thế hệ người Palestine ở Gaza chắc chắn sẽ tiếp tục đi vào con đường phản kháng bạo lực nếu tình cảnh của họ không được cải thiện, không có hòa bình và cơ hội phát triển. Giải pháp tốt nhất cho đến nay vẫn là “hai nhà nước” cùng tồn tại được đề ra từ thời Tổng Thống Clinton, trong đó quyền sống của người Palestine được tôn trọng và an ninh của người Israel cũng phải được tôn trọng như vậy. Con đường đã vạch ra, vấn đề là các nhà lãnh đạo của hai bên, và cả các nước Ả Rập trong vùng, có đủ dũng khí để bước chân vào hay không mà thôi. [đ.d.]