Năm 1974, tôi được coi phim tết lần cuối với miền Nam qua bộ phim “5 vua hề về làng”; tập trung hầu hết các danh hài Sài Gòn thời bấy giờ như La Thoại Tân, Thanh Việt, Thanh Hoài, Xuân Phát, Tùng Lâm, Khả Năng, Bảo Quốc, Văn Chung…
Đây là bộ phim hài khá đặc biệt với 5 tiểu phẩm được dựng bởi 5 đạo diễn xuất sắc nhất bấy giờ như Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Lê mộng Hoàng… qua các câu chuyện sau:
1・Tình đời
2・Đổi ngôi
3・Anh hùng sợ nước
4・Bố mìn gặp mẹ mìn
5・Hai bức thư tình
Thời đó dù tuổi còn nhỏ, nhưng tôi đã mê các nhân vật đóng phim cùng những câu chuyện hậu trường. Và trong các diễn viên thì tôi thích La thoại Tân đẹp trai diễu có duyên và Thanh Việt chọc cười không khác gì Shimura Ken của Nhật Bản nhờ bộ râu và biểu cảm chỉ thấy là cười.
Điều đặc biệt, những diễn viên hài thời đó rất tôn trọng khán giả; chưa bao giờ họ có những phát ngôn kiểu “ăn cháo đá bát” của Xuân Bắc và cũng không gây scandal đụng chạm nào cho dù ngôn ngữ hề là ngôn ngữ dễ gây tổn thương nhất. Có thể thấy hình ảnh tiêu biểu đó qua “Hề” Thanh Việt khi ông tâm sự:
“Diễn hài không phải trò đùa, phải tìm hiểu nghiên cứu tính cách nhân vật để tìm ra cách diễn hay nhất. Sáng tạo, ngẫu hứng không có nghĩa là cương ẩu, sử dụng ngôn ngữ tùy tiện. Không có gì buồn bằng mình diễn hài mà khán giả không cười, lại còn khó chịu…”.
Thập niên 70, chắc chắn ngoài Bắc không có phim hài hay diễn viên hài nào đọ nổi với lực lượng hùng hậu của miền Nam. Đơn giản là chỉ có trong một thể chế tự do, phát ngôn mà không sợ bị chụp mũ, rình rập... thì người diễn viên hài mới phát huy được hết khả năng của họ.
Giờ thì trong Nam ngoài Bắc đều có những anh hề kiểu Trấn Thành, Xuân Bắc… Tôi không bỏ tiền xem nên cũng chẳng quan tâm những anh chàng này nói năng lếu láo gì. Tuy nhiên có thể khẳng định, tư duy đám hề hậu bối như Xuân bắc không có tư cách bằng những đàn anh đi trước cách đây nửa thế kỷ.