Theo báo chí trong nước, vào dịp đầu năm, tại miền Nam, hàng ngàn người dân Việt Nam đã đổ về viếng chùa Bà Chúa Xứ tại núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang để xin lộc và cầu tài đầu năm. Nhiều tuyến đường dẫn vào núi Sam không còn chỗ chen chân. Chỉ tính trong ba ngày đầu Tết Quý Mão 2023 đã có hơn 190,000 lượt khách đi vía Bà Chúa Xứ. Con số này dự kiến còn tăng mạnh trong các ngày tới. Bên cạnh đó, cũng có hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về Quan Âm Phật Đài hay còn gọi là Mẹ Nam Hải, ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, và chùa Giác Hoa để xin lộc đầu năm.
Đi chùa đầu năm không phải là một điều lạ ở người dân Việt Nam, đặc biệt là giới phụ nữ. Trong vấn đề tín ngưỡng, người Việt nam truyền thống không theo một tôn giáo duy nhất, mà chịu ảnh hưởng của tam giáo Khổng, Lão, Phật. Khổng giáo thì có tập tục thờ cúng tổ tiên. Người đàn ông gia trưởng trong nhà phụ trách. Lão giáo thì có lên đồng, phù thủy, làm phép chữa bệnh. Thường những thành phần này được cầu đến trong trường hợp bệnh nan y tuyệt vọng. Phật giáo thì có chuyện đi chùa mà phần lớn là giới phụ nữ thực hiện. Đi chùa đầu năm, trước là để lễ Phật, sau là cầu hạnh phúc bình an cho bản thân, gia đình trong năm mới.
Khi Pháp vào xâm chiếm Việt nam, thì Gia tô giáo được đưa vào chiếm một chỗ quan trọng. Những biến chuyển chính trị to lớn liên tục diễn ra từ năm 1945 tới nay đã dẫn đến sự len lấn của chính trị vào tôn giáo ở những mức độ quan trọng khác nhau. Khởi đầu khi mới chiếm chính quyền, thiết lập toàn trị chuyên chính vô sản, Cộng sản Việt Nam chủ trương tiêu diệt tôn giáo trên tiền đề “tôn giáo là thuốc phiện” để giành lấy độc quyền khống chế quần chúng. Đối tượng bị loại bỏ chủ yếu là Gia Tô giáo vì chịu ảnh hưởng La mã, mà trực tiếp là các linh mục trách nhiệm lo liệu kiểm soát giáo dân, được La Mã hỗ trợ. Và bỏ qua các chùa vì người đến chùa chẳng có bao nhiêu, lại không có một hệ thống tổ chức chặt chẽ có thể cạnh tranh với đảng và nhà nước. Người dân đi chùa mục đích chỉ là cầu an cầu phúc cầu siêu, và phương tiện chùa thì chẳng có mấy.
Dưới chế độ độc tài trấn áp Cộng sản thiếu đói không thể giải quyết, người dân quay sang tìm chỗ dựa tinh thần nơi Trời Phật. Không thể ngăn cấm điều này, Cộng sản biến thái hiện hành quay sang khai thác tình trạng này: Cho các cán bộ đóng vai sư sãi, xây dựng chùa to tượng lớn, trên các khoảng đất và rừng to lớn, sửa sang đẹp đẽ bề thế biến thành các khu gọi là tâm linh, mở mang đường sá để thu hút quần chúng và du khách, qua những lễ lạc đủ loại. Tính hoành tráng oai linh của những lễ lạc này được thu hình phổ biến rộng rãi qua những hình ảnh được phổ biến trên truyền thông báo chí: Đông đảo quần chúng dự lễ trong điện thờ chủ trì bởi các sư sãi quốc doanh mặt mày phương phi bóng lộn, ngồi trên cao chứng kiến những xưng dương phép lạ đã xẩy ra: những người tê liệt đã đi được, những người mắt mờ đã sáng ra khi quy y theo Phật. Hàng ngàn người đã quy y mặc quần áo xám Phật tử thiền hành theo các sư sãi sum xuê trong những cà sa vàng rực rỡ qua đám quần chúng chờ để hôn tay sư trưởng, tương tự như tín đồ Gia Tô giáo chờ hôn tay giáo hoàng.
Nhưng kết quả chẳng bao nhiêu:
Hình ảnh những khu này với những cơ ngơi rộng lớn đủ sức tiếp đón hàng ngàn du khách này, sau những cuộc “diễn xuất” quảng cáo của nhà nước, nay đã dần dần xuất hiện trên mạng điện tử xã hội trong tình trạng thảm não vắng như chùa Bà Đanh.
Chủ trương kết hợp sự mê tín lạc hậu Việt Nam với sự hình thành chùa to tượng lớn rõ ràng là không đủ sức lôi kéo rộng rãi Phật tử cũng như du khách ngày nay, vốn chuộng những di tích lịch sử và kiến trúc đặc thù, chứ không ưa những kết hợp lố bịch kiểu tân cổ giao duyên tôn giáo và chính trị. Người ta còn nhớ một chùa nọ ở Bình dương với tượng Hồ chí Minh to kềnh trên bàn thờ cạnh tượng Phật có thể đã làm một số tín đồ Cộng sản cuồng tín hoan hỉ lúc khánh thành cách đây không lâu, nhưng sự kiện đó đã mau chóng đi vào quên lãng không còn được nhắc nhở đến nữa.
Đi những chùa đảng và nhà nước bảo trợ này do đó đã không thể đem lại cái tâm linh nguyên thủy lễ Phật để cầu được thân tâm an lạc như những ngày xưa. Nếu có, số người chắc hẳn ít. Sự đi chùa ngày nay của người dân đa số là để chạy trốn thực tại cuộc sống không tương lai, như qua sự hiện hữu của những quán nhậu đông đảo nơi các lề đường trong và sau giờ làm việc.
Điều đáng buồn là tình trạng VN hiện nay đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" với 69% dân số trong tuổi lao động 15 đến 64 tuổi. Nghĩa là những người có khả năng đóng góp sản xuất hiệu quả nhất, thế mà báo chí đảng và nhà nước lại ít thấy nhắc nhở đến, nhưng chuyện đến bà chúa Xứ núi Sam cầu tài xin lộc đầu năm thì lại quảng bá rầm rộ. Bình thường ở những nước văn minh giầu mạnh, người trong tuổi sản xuất, sáng tạo, chẳng mấy ai siêng năng nghĩ đến tín ngưỡng, đi chùa, đi nhà thờ. Thực hiện những chuyện này đa số là những người lớn tuổi không còn sức khỏe vật chất và tinh thần để suy nghĩ tích cực hay năng động làm việc.
Nghĩ cũng đáng buồn cho giai tầng lãnh đạo tự coi là đỉnh cao trí tuệ loài người, cầm đầu một đất nước được khoe là “…toàn dân đồng tình” với nhận định: Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ như ngày nay!” (lời Nguyễn Phú Trọng),” nhưng ai nấy nếu có điều kiện đều tìm cách xuất ngoại không trở về. Đi không cứ là Mỹ hay các nước Tây phương giàu có, mà ngay cả những nước nhược tiểu “đang phát triển” để làm thuê!
Sau chót, cai trị một đất nước mà dân chúng không còn thể tin tưởng vào điều gì ngoại trừ tranh nhau đi cầu cứu tương lai nơi một nhân vật huyền thoại là bà chúa Xứ thì lãnh đạo nếu không lo lắng, cũng nên xấu hổ.
Tuệ Vân