Người hải ngoại lâu lâu nghé qua tình hình trong nước, nếu chỉ nhìn những xa lộ rộng rãi thẳng tắp, những hình ảnh kẹt xe trong giờ tan tầm, hay vật lộn với những con đường ngập nước, ở Hà nội và Sài gòn, tuy có chán ngán nhưng không khỏi nghĩ thầm tự an ủi rằng dù sao thì mặc dầu vất vả cực nhọc, người dân trong nước cũng đã có thể sống. Khác với tình trạng sau 30 tháng 4/75, dưới chủ trương “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của Hồ chí Minh, cuộc sống miền Nam đã sụp xuống hàng chó ngựa (xhcn) trên mọi mặt, gần giống như miền Bắc. Thân không đủ vải che mà nẩy ra từ đâu đó câu ca dao than thở: “Mỗi năm hai thước vải thô, làm sao che nổi cụ hồ em ơi”. Và bụng không đủ bo bo hay khoai sắn nhét đầy, và phải sống với khẩu hiệu cách mạng “đói ăn rau đau khắc phục”.
Từ xa nhìn vào thì như thế. Nhưng hình ảnh chẳng mấy khi phản ảnh đúng sự thực, nếu không muốn nói là có khi còn là ngược lại sự thực, tùy theo góc ảnh. Như một bản tin thời sự mới đây trên đài RFA tháng 9/2022. Kể chuyện 5 thiếu niên người dân tộc H’Mong tuổi từ 16 đến 18, vì nhà nghèo phải bỏ học mưu sinh, đã bị bị lừa sang Campuchia làm việc cho một công ty đánh bạc. Công ty này là của Trung quốc mà tất cả người đều là người Trung Quốc điều hành. Mọi người bị canh phòng nghiêm ngặt. Ai có ý định trốn là sẽ bị đánh đập dã man. Mỗi ngày, mỗi người phải tìm cách lừa, dụ dỗ người chơi mạng xã hội nạp tiền vào tài khoản của công ty ít nhất là năm triệu đồng. Nếu không đủ chỉ tiêu thì bị trừ dần vào lương, hoặc thậm chí là bị bỏ đói hay bị hành hạ. Khi biết mình đã bị lừa, cả năm em đã bàn bạc với nhau bằng tiếng H’Mong kêu cứu với gia đình, cũng như cộng đồng mạng. Cả năm gia đình bố mẹ đã lên trình báo với cơ quan công an địa phương ở Việt Nam. Nhưng không có kết quả gì. Sau cùng các em tìm đến một kênh YouTube của một người Việt nhưng nói tiếng H’Mong để nhờ sự giúp đỡ. Người này tên là Huy, hiện đang ở Thái Lan. Anh Huy nói với RFA rằng sau khi nhận được lời kêu cứu anh đã nhắn tin lên trang Facebook của Phó Thủ tướng Campuchia để trình báo vụ việc bằng tiếng Anh. Một ngày sau, trang Facebook này trả lời là đã nhận được thông tin và sẽ tiến hành giải cứu nhóm nạn nhân. Vào lúc 11 giờ đêm ngày 25/8, Cảnh sát Campuchia đã đến giải cứu các em.
Và bản tin kế tiếp cho hay: “Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ngày 17/9 ra lệnh truy quét các sòng bài để trấn áp nạn cờ bạc phi pháp. Kết quả có hơn 500 người bị bắt. Khmer Times loan tin dẫn lệnh của ông Hun Sen: “Tôi ban hành một mệnh lệnh tối nghiêm, đề nghị hành động dứt khoát và kịp thời. Tôi sẽ không ngần ngại cách chức tỉnh trưởng, đô trưởng, lãnh đạo các huyện, xã hoặc bất kỳ cán bộ cảnh sát nào bị coi là thiếu trách nhiệm.”
Nghe chuyện kể trên, người có chút suy nghĩ không khỏi thấy buồn lòng, khi so sánh giới chức thẩm quyền Việt Nam với Campuchia. Thủ tướng Hun Sen đã trở thành thủ tướng Campuchia nhờ quân lực Hà nội. Nhưng ông Hun Sen đã hành động như một người lãnh đạo thật sự dù Cambodia là một nước nghèo và nhỏ hơn Việt Nam. Nhìn sâu vào giới lãnh đạo Việt Nam nữa thì lại càng thất vọng hơn. Như mới đây, viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã tuyên bố rằng đáng mừng vì năm 2022 chỉ có 17 trường hợp oan sai trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát (VKS), và còn có những trường hợp VKS truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội. Thực thế, trong giai đoạn xét xử đã có 55 trường hợp viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Sự vô trách nhiệm, tính chất độc đoán và thiếu khả năng này của VKS thật là đáng sợ. Đáng sơ hơn nữa là người ta hiểu rằng không phải chỉ có độc đoán và bất minh ở ngành tư pháp, mà trong mọi cơ chế cầm quyền Hà nội, từ cao đến thấp, mà các ngành truyền thông và báo chí chế độ cho thấy. Như mới đây chuyện người tìm việc làm bị công ty môi giới Thabilabco lừa đảo, trình lên các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết, chỗ nọ đẩy chỗ kia, kéo dài cả mấy năm không tới đâu. Công ty này đã hoạt động như vậy lường gạt nhiều người từ nhiều năm nay, ít nhiều nhờ một bài viết trên báo đảng Nhân Dân năm 2017 có câu ca ngợi công ty này như sau: “Công ty TNHH Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình (Thabilabco) đã vượt mọi khó khăn, thách thức để vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực này.” Cũng đáng sợ là sư suy diễn khác biệt về một chủ trương, thí dụ như “sở hữu toàn dân” để thủ lợi của một phe phái, hay một địa phương quyền lực.
Đáng sợ hay đáng nể là nói về kẻ nắm quyền, bởi những người dân vô tư, thụ động chỉ thấy buồn lòng. Nhưng xét cho kỹ thì làm dân không phải không có phần trách nhiệm. Đây không phải là một khám phá mới. Mà từ gần 100 năm nay, nhà thơ, nhà văn và nhà báo nổi tiếng Tản Đà, nhân câu chuyện một viên tham quan cực kỳ nhũng lạm thu góp những món tiền khổng lồ, mà bàn dân thiên hạ thẩy đều nín nhịn, đã viết: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, Cho nên quân ấy mới làm quan”.
Tưởng cũng nhắc ở đây rằng Tản Đà ngoài tài làm báo, làm thơ, làm văn, viết tuồng.. độc nhất vô nhị trong văn học Việt Nam, còn là người uống rượu như hũ chìm, mà ông tự mô tả bằng mấy câu “Say sưa nghĩ cũng hư đời! Hư thời hư vậy, say thời cứ say! Đất say, đất cũng lăn quay, Giời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười”.
Say mà còn biết nói ra chính xác: “dân nào thì quan đó”, Trong khi ngày nay nhiều người tỉnh cũng không biết thế. Chỉ tiếc ông qua đời quá sớm, ở tuổi 50.
Tuệ Vân