2022.09.12
Một nhóm năm em thiếu niên người dân tộc H’Mong từ Lâm Đồng, vì hoàn cảnh phải nghỉ học mưu sinh từ sớm, đã bị bị lừa sang Campuchia làm việc cho một công ty đánh bạc trực tuyến.
Bị dụ làm ‘việc nhẹ, lương cao’
Trong nhóm này, em nhỏ nhất là 16 tuổi, lớn nhất cũng chỉ vừa 18. Giàng A.T (17 tuổi) và Văn C (16 tuổi) là hai trong số năm nạn nhân, thuật lại với RFA về hành trình bị dụ dỗ sang nước ngoài rồi bị cưỡng bức lao động.
Em Văn C vừa học hết lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không đủ khả năng cho em tiếp tục đi học. Do đó, em dọn ra ngoài ở trọ cùng với nhóm năm người bạn khác để đi làm rẫy kiếm tiền, tự sinh sống.
Giàng A.T cũng đã nghỉ học từ rất lâu, không có điều kiện đi học nghề nên em cũng đã ra đời bươn chải kiếm việc làm từ mấy năm nay.
Một ngày giữa tháng tám, một trong số năm em thấy thông báo tuyển dụng lao động làm công việc ở TPHCM. Mức lương được thông báo là từ chín đến 12 triệu đồng/tháng, bao ăn ở và đi lại:
“Người tuyển họ nói là mình làm ở Sài Gòn, vào hướng dẫn cách chơi game trên trang web Go88. Lúc đầu thử việc là từ chín đến 12 triệu.” - Em Giàng A.T cho biết.
Vậy là cả năm bạn cùng nhau xin việc làm, nghĩ bụng chỉ làm khoảng sáu tháng rồi về quê ăn Tết, nếu có dư một chút thì mua xe hoặc đóng tiền đi học nghề.
Sau này, các em mới phát hiện đây là công ty V7 Victory, chỉ cách cửa khẩu Mộc Bài có hai km.
Khi tra tên công ty này trong các hội nhóm Người Việt ở Campuchia, chúng tôi ghi nhận công ty này liên tục đăng thông tin tuyển dụng hàng chục nhân viên, vào các vị trí sale, telesale, chăm sóc khách hàng hay xuất nhập khẩu…
Mức lương trung bình được giới thiệu là từ 23 đến 25 triệu đồng/tháng, chỉ với yêu cầu đơn giản là đánh máy tính 30 từ/phút.
Thậm chí, để tạo uy tín, công ty này còn thông tin rằng nhân viên được hỗ trợ xuất cảnh chính ngạch, được mướn nhà bên ngoài công ty, được nghỉ phép mỗi tháng…
Hành trình vượt biên trong đêm
Khi cả năm đều đã đồng ý đi làm theo lời giới thiệu, chiều hôm 17/8, một chiếc xe bảy chỗ đến đón các em tại nhà trọ ở tỉnh Lâm Đồng, đưa tới bến xe An Sương ở TPHCM.
Từ đây, các em bị sang qua nhiều chiếc xe khác nhau, cho tới khi ra tới biên giới Mộc Bài. Em Giàng A.T kể:
“Họ đưa tụi em tới TPHCM, ra bến xe An Sương xong rồi đưa đến một chiếc xe bảy chỗ, xong rồi cứ đi 30 phút là đổi một chiếc xe khác, rồi lại đi. Tầm bảy giờ tối thì tới một cánh đồng vắng, không có ai. Lúc đó chỉ có bốn người mặc áo đen dẫn năm đứa tụi em đi qua một vườn mì.
Có hai người cầm dao đi trước đi sau bảo mình phải đi nhanh lên, đi chậm bị phát hiện là bị bắt. Khi tới đường nhựa thì có một chiếc xe chờ sẵn."
Em Văn C, nói thêm:
“Lúc ở cửa khẩu vượt biên rồi thì họ đã kiểm soát mình rồi. Mình không thể chống lại hay chạy trốn gì được nữa rồi, nhiều người cầm dao hăm dọa. Có một người phiên dịch đi cùng nói ai chạy trốn là chém chết.”
Các em nối nhau thành hàng một, đi bộ men theo một cánh đồng, khoảng 30 phút thì ra tới đường lớn trải nhựa. Lúc này, một chiếc xe khác chở tất cả đến một nhà nghỉ ở gần khu vực biên giới để nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, một chiếc xe khác nữa lại đưa mọi người đi lòng vòng, sau khi sang thêm hai lượt xe nữa thì họ mới tới một toà nhà được cho biết là nơi làm việc. Xe chạy thẳng vào bên trong bãi đậu xe của toà nhà, không một ai thấy được khuôn viên bên ngoài “công ty” này hình dáng ra sao, cũng chẳng biết được mình đang ở đâu.
Nhận ra đã bị lừa
Đợi sẵn ở gần trệt toà nhà là vài người Trung Quốc và một phiên dịch. Họ yêu cầu cả nhóm test COVID rồi ký hợp đồng lao động.
“Lúc tới công ty thì có mấy người Trung Quốc với người phiên dịch qua đón. Họ không chào hỏi mình, họ rất là nghiêm ngặt.
Họ cho bọn em ngồi ở đó, hỏi tên, chụp hình, kiểm tra người và đồ đạc của bọn em mang theo, xong họ mới cho lên làm việc.”
Theo nội dung cái được gọi là hợp đồng thì ở đây, mọi người phải bắt đầu làm việc từ lúc 8 giờ 30 sáng, đến 10 giờ 20 thì được nghỉ 20 phút ăn trưa. Đến 5 giờ chiều lại được nghỉ ăn chiều, rồi lại lại tiếp tục làm cho đến 11 giờ đêm.
Vì là người mới nên các em được ăn uống đầy đủ, nhưng bị chia ra, mỗi người ở một phòng riêng cùng với tám người khác. Tất thảy đều là người Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc.
Tất cả quản lý của công ty này đều là người Trung Quốc. Mọi người bị canh phòng nghiêm ngặt. Ai có ý định trốn là sẽ bị tra tấn rất dã man. Văn C kể:
“Ở công ty, hôm trước có người nhảy lầu, người ta có bắt lại được, mấy người Trung Quốc đánh, chích điện đến khi ngất đi rồi người ta lại hất nước cho tỉnh lại rồi đánh tiếp. Trong năm đứa Tụi em có đứa coi được cái video nhảy lầu.”
Mỗi ngày, mỗi người phải tìm cách lừa, dụ dỗ người chơi mạng xã hội nạp tiền vào tài khoản của công ty ít nhất là năm triệu đồng. Nếu không đủ chỉ tiêu thì bị trừ dần vào lương, hoặc thậm chí là bị bỏ đói hay đánh đập. Em Văn C thuật lại:
“Nội quy làm việc là bắt buộc mỗi ngày mình phải kiếm được năm triệu cho người ta. Một tháng là 150 triệu. Nếu một ngày mình không kiếm được năm triệu thì mình sẽ bị phạt, nhẹ thì thì đi chống đẩy, hoặc là phạt tiền hoặc là cả hai.
Người ta cứ phạt. Nếu mình không có tiền trả thì bây giờ thì người ta sẽ trừ vào lương.
Làm việc lừa đảo thôi ạ. Người ta sẽ đưa cho mình mỗi người năm cái Facebook, rồi mình vào chào hỏi, giới thiệu cho người ta công việc kiếm tiền dễ dàng, rồi làm cho người ta tin tưởng, người ta nạp tiền vô thì mình không cho rút ra.”
Nhận thấy đây là công việc lừa đảo, Văn C có ý muốn về thì lúc đó mới biết rằng không thể ra ngoài được nữa. Lúc này, em mới thật sự hoang mang, sợ hãi, nhận ra mình đã bị lừa:
"Lúc đó em bắt đầu sợ rồi nhưng mà cũng chưa sợ lắm, tới lúc mà biết mình không được về nữa thì lúc đó mới sợ thật.
Em hỏi là mình muốn về thì như thế nào anh, thì anh đó nói là đã qua đây rồi thì còn nói về gì nữa, qua đây rồi chỉ có làm và làm thôi, không làm thì người ta bán đi nơi khác hoặc là người ta đánh đập gì đó chứ không có được về nữa.
Lúc đó em rất là buồn luôn. Em nghĩ chắc cả đời này em không được về được. Lúc đó em đã khóc và chỉ cầu nguyện với Chúa.”
Kêu cứu và được giải thoát
Khi biết mình đã bị lừa, cả năm em đã bàn bạc với nhau bằng tiếng H’Mong để kêu cứu với gia đình, cũng như cộng đồng mạng:
“Bọn em đã cầu cứu về với gia đình thì cả năm gia đình bố mẹ đã lên trình báo với cơ quan công an địa phương ở Việt Nam. Nói chung là mấy công an ở đó cũng không làm được gì đâu.” - Văn C nói
Không chỉ kêu cứu với gia đình, các em tìm đến một kênh YouTube của một người Việt nhưng nói tiếng H’Mong để nhờ sự giúp đỡ.
Người này tên là Huy, hiện đang ở Thái Lan. Anh Huy nói với RFA rằng sau khi nhận được lời kêu cứu. Anh đã liên hệ lại xin đầy đủ thông tin.
Sau đó, anh nhắn tin trang Facebook của Phó Thủ tướng Campuchia để trình báo vụ việc bằng tiếng Anh.
Một ngày sau, trang Facebook này trả lời là đã nhận được thông tin và sẽ tiến hành giải cứu nhóm nạn nhân.
Giàng A.T cho biết, vào lúc 11 giờ đêm ngày 25/8, Cảnh sát Campuchia đến công ty nói chuyện với người quản lý công ty. Sau đó, một nhóm người Trung Quốc lôi cả năm em vào một phòng riêng đánh đập, tra hỏi rằng ai đã báo cảnh sát:
“Tối hôm đó có một quản lý Trung Quốc lôi cả năm đứa tụi em lên tầng sáu hỏi là ai báo Công an. Tụi em nói là cả năm đứa tụi em đều báo.
Xong rồi mấy người Trung Quốc đó đã lôi bọn em vào phòng lấy điện chích rồi đánh tụi em.
Lúc đấy bọn em sợ lắm, nghĩ là không biết có qua khỏi không nữa. Sợ người ta giết mình mình. Nhưng đánh xong rồi thì mới thả bọn em xuống giao cho Công an (Cảnh sát Campuchia - PV).
Giờ đây, dù đã may mắn được giải cứu, nhưng khi nhớ lại hành trình như đi vào địa ngục đó, các em vẫn chưa hết sợ hãi. Giàng A.T chia sẻ:
“Giờ nghĩ lại em còn thấy sợ và hối hận. Nếu mấy ngày đó ở nhà giúp bố mẹ thì cũng bớt đi chút việc. Sợ nhất là người ta sẽ chuyển đi chỗ khác.”
Còn đối với Văn C, một tin vui cho em là sau chuyến đi này trở về, em được bố mẹ cho đi học lại và hiện em đang học lớp 12 ở một trường trung học ở Lâm Đồng.