Nguyện cầu cho thủ tướng Abe ( Ngọc Bảo)
Mấy ngày nay nghe tin cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát mà cả thế giới đều bàng hoàng, không muốn tin là thật. Tại sao ám sát một vị chính khách quan trọng nhất của quốc gia lại có thể dễ dàng như vậy? Vị chính khách mà khi lãnh chức thủ tướng đã đem lại một sức sống mới cho một quốc gia đang suy sụp, gây dựng lại niềm tự tin cho một nước Nhật trong cả phương diện đối nội và đối ngoại... Một con người với phong cách nho nhã mà cương quyết như tinh thần của một samurai, không chối bỏ quá khứ mà vẫn biết thức thời trong hiện tại..., một anh hùng của quốc gia , sao lại phải chết nơi đầu đường xó chợ vì hai phát đạn tự chế của một kẻ điên rồ? Nghiệp nào đã đưa đến một kết cuộc như vậy?
Chỉ trong một chớp mắt, cái chết đã cướp đi sự sống của một con người. Mới phút trước còn linh hoạt nói cười, phút sau đã trở thành vô tri bất động. Cái chết đến như cơn mơ, như một cơn bão không lường trước, nhưng lại là sự thực phũ phàng.
Cái chết của thủ tướng Abe một lần nữa lại nhắc nhở cho chúng ta thân phận mong manh của con người – rằng chúng ta sống trong cõi thế này như ở trong một cơn đại mộng, hãy biết trân trọng những gì chúng ta đang có trong hiện tại, cũng như biết hối cải những điều lỗi lầm đã làm trong quá khứ, để khi đến lúc ra đi ta sẽ nhẹ gánh về một cõi giới mới.
Không ai có thể thoát được sinh lão bệnh tử, nhưng một người đã có nhiều đóng góp cho quốc gia dân tộc như thủ tướng Abe là đã vượt lên trên số mệnh mong manh của con người để lưu danh lại cho hậu thế ngàn năm về sau.
Nguyện cầu cho thủ tướng Abe khi xả bỏ báo thân này sẽ về một nơi an bình với ánh sáng rực rỡ.
Ngọc Bảo
California, 9 tháng 7, 2022
Thủ Tướng Shinzo Abe: “Tôi là người yêu nước” (Vũ Đăng Khuê)
Hôm qua, tôi đã viết về ông, hôm nay tôi nhắc lại: “Trời ơi là trời, Tôi vẫn không tin. Tại sao lại có một kết thúc đau đớn như vậy với cuộc đời của ông! Vô Lý”.
Chuyện từ 8 năm trước:
“Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bộ y phục trang nghiêm, đi theo sau một nhà sư Thần Đạo Shinto viếng thăm ngôi đền Yasuguni để bày tỏ lòng cung kính với các thần linh của Nhật Bản. Tất cả sáu nhà lãnh đạo trước đây đều né tránh chuyện này vì họ sợ mang tiếng là vinh danh những kẻ tội phạm chiến tranh, nhất là Trung Cộng và Nam-Bắc Hàn Quốc. Chi tiết về ngôi đền này, bạn có thể tham khảo bài viết của tôi theo đường link dưới đây:
http://www.buctranhvancau.com/.../yasukuni-chuyn-mt-ngi-n...
Nhưng ông Abe thì nhất định không, ông cho rằng khi làm Thủ Tướng đời thứ nhất (2006) điều làm ông hối hận nhất là ông đã không đến đền Yasuguni dự lễ.
Ông đang muốn đóng vai trò của mình hướng về một đối tượng khác: Ông là người yêu nước, không phải là người cổ võ chiến tranh. Có kẻ chỉ trích ông khơi dậy tinh thần quốc gia cực đoan, ông đã xác nhận điều đó trong một cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Time (28/4/2014): “Tôi đến đền Yasuguni để khấn vong linh những liệt sĩ đã chiến đấu cho quê hương đất nước, hy sinh tính mạng mình cho tổ quốc. Chính cá nhân tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ gây chiến. Chúng ta phải xây dựng một thế giới không còn xảy ra những tang thương đổ vỡ vì chiến tranh”.
Con người của ông là sự kết hợp của một nhà lãnh đạo vừa có tài động viên người khác, vùa nặng lòng yêu nước. Ông muốn huy động mọi người làm tất cả những gì ích lợi cho đất nước ông. Có một điều không ai có thể chối cãi được là ông đã trở nên một người của thế giới.
Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng tinh thần ái quốc của ông Abe có thể hiện đúng tâm tình của người dân Nhật hay không. Đấy là chưa kể việc ông muốn viết lại một số điều trong lịch sử. Nhà lãnh đạo dũng cảm là người có khả năng hướng dẫn người dân đi theo con đường họ đã vạch ra, chứ không phải chỉ là ngồi mơ ước suông. Ông đã từng nói: “Thỉnh thoảng tôi vẫn bị chỉ trích khi tôi muốn thưc hiện những điều tôi cho là đúng”. Cử chỉ cúi đầu tạ lỗi không phải là cung cách duy nhất của một nhà ái quốc.
Ông đã làm, đang làm đúng những mơ ước của ông nhưng….dang dở.
Hôm qua, ngày 8 tháng 7, ông mất lúc 5 giờ 3 phút chiều vì 2 phát đạn của một thằng điên bệnh, người Nhật bàng hoàng, thế giới rúng động, ai cũng khóc và tôi cũng khóc.
Đúng như câu ông nói: “Tôi là một người yêu nước”.
Tôi nhắc lại một lần nữa câu tôi đã viết.
“Tôi vẫn không tin. Tại sao lại có cái kết cục quá bi thảm cho một người yêu nước như ông vậy. Thật là vô lý!
Vũ Đăng Khuê
Thương tiếc ông Abe ( Nguyễn Huy)
Sáng dậy, vẫn buồn và shock nặng. Không muốn coi lại video đoạn ông Abe đang diễn thuyết rồi gục ngã trước một làn khói trắng từ họng súng tỏa ra.
Hung thủ lập tức bị 3 cận vệ của ông Abe khóa người… nhưng đó là những gì tất cả người ta làm cho ông Abe.
Cảnh sát Nhật nổi tiếng nghiêm kỹ chặt chẽ; là chuyện hồi xưa, thời sau chiến tranh hay xảy ra những vụ thanh toán băng đảng, chính trị. Từ thập niên 80, Nhật đã trở nên an toàn, phải nói là quá an toàn so với các nước tự do khác, vì thế cảnh sát công an trở nên tự mãn “mất cảnh giác”.
Thử xem, một yếu nhân quan trọng của quốc gia, của đảng cầm quyền; đi diễn thuyết bầu cử mà chỉ có một cảnh sát SP bảo vệ yếu nhân phái theo, một số ít cảnh sát tỉnh Nara tới giữ gìn trật tự; đã vậy còn cho thường dân tới rất gần; để khi hung thủ ra tay thì quá trễ; một cái ập người bảo vệ ông cũng không thể.
Hung thủ, Yamagami Tetsuya, gia nhập hải quân tự vệ đội năm 2002, xuất ngũ năm 2005. Hằng năm vẫn được đơn vị gọi đi tập bắn đạn thật 1 lần.
Theo lời khai ban đầu của hắn ta: “Đã có ý định giết vì không thích Abe, do ông có sự liên hệ tới một tổ chức tôn giáo mà tôi thù ghét”! Yamagata đã chuẩn bị một khẩu súng tự chế, ngụy trang thành máy ảnh. Khi lục soát nhà hắn ta, cảnh sát còn tìm thêm được chất nổ và vũ khí tự chế khác.
Đương nhiên không biết thực hư về lời khai này như thế nào! Có thể hắn ta có một động cơ khác phức tạp hơn. Hoặc đơn giản chỉ là bất mãn cuộc sống, tâm thần bất an định.
Từ lúc người ngoại quốc làm việc và định cư trên đất Nhật ngày càng đông, cảnh sát chú trọng đến các hoạt động mang tính cách theo dõi nhằm đề phòng “khủng bố” đến từ bên ngoài. Ngược lại các biện pháp hạn chế hành động mất kiểm soát của người dân bản xứ thì vô cùng hời hợt. Chính vì thế không lạ lùng gì khi gần đây có những án mạng do tình trạng an ninh lỏng lẻo.
Cả thế giới bàng hoàng nghe tin ông mất. Được biết cựu thủ tướng Abe chỉ mới quyết định đi Nara du thuyết vào đêm trước đó. Nếu không có quyết định bất chợt này, có lẽ ông đã thoát những viên đạn nghiệt ngã.
Nhưng tinh thần võ sĩ đạo là sống chết với lý tưởng phục vụ quốc gia.
Người Nhật Bản lặng lẽ đón nhận nỗi đau như đã từng hứng chịu những thiên tai giáng xuống trên mảnh Phù tang.
Nguyễn Huy