2022.07.01
Tạo thêm cơ hội cho tham nhũng hoành hành
Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đưa ra đề xuất, cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022.
Đề xuất của vị Viện trưởng VKSND tối cao theo nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/7, là “có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng…”:
“Tôi thật sự kinh ngạc về đề xuất của ông Lê Minh Trí. Vì lẽ, ông ấy đang chủ trương áp dụng quy định riêng biệt cho cán bộ khi họ phạm tội, theo hướng nương nhẹ cho tội phạm. Điều này hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự.
Không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội!
Thế nên, tôi mong đề xuất của ông Lê Minh Trí sẽ không được chấp thuận để trở thành chính sách.”
Tuy vậy, để biện luận cho đề xuất trên là có cơ sở và hoàn toàn có lý, ông Trí nói với cách làm theo đề nghị của ông, nhà nước sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Ngoài ra, theo ông Trí, với cách này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng “than thở” khi hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị bắt tạm giam và khởi tố : "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Rất đau xót, điều này nhiều lần tôi nói rồi, nhưng buộc phải làm….”
Có ý kiến về cùng đề tài trên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nói với RFA hôm 1/7/2022:
“Vấn đề đền tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, thì gần như là người tham nhũng không bị gì. Vì trong suốt đời công tác, họ tham nhũng rất nhiều, nhưng sơ suất bị lộ ra thì không nhiều, chỉ một hai vụ. Có thể chỉ là những vụ nhỏ so với toàn bộ quá trình tham nhũng, ví dụ tiền khắc phục hậu quả của vụ đó chỉ năm mười tỷ, trong khi những vụ khác cả ngàn tỳ thì gần như không bị gì. Cả quá trình công tác của họ, nếu không có tiền thì làm sao mà lên chức được. Cho nên việc này đi ngược lại tinh thần chống tham nhũng là phải trừng trị và răn đe, phải có án tử hình như ông tướng Chung ‘con’ nói mới đúng. Chứ không phải lùi lại bằng cách dùng tiền khắc phục hậu quả, tiền của các ông là tiền tấn, khắc phục hậu quả thì coi như các ổng không việc gì.”
Đi ngược lại tư duy pháp quyền
Bộ luật Hình sự 2015 tại khoản C Điều 40 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ ngày 15/2/2021, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.
Dù Nghị quyết 3/2020 chỉ giúp cán bộ tham nhũng thoát án tử hình, nhưng khi trả lời RFA vào thời điểm Nghị quyết này sắp có hiệu lực, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội cho rằng (chúng tôi trích đăng lại):
“Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm.”
Trở lại với đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí hôm 30/6 về việc cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự... nhiều người còn cho rằng nếu đề xuất này thành chính sách sẽ đẩy công cuộc chống tham nhũng trở lại vị trí xuất phát.
Trả lời RFA từ Na Uy hôm 1/7/2022, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định:
“Theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tất cả các cá nhân đều công bằng trước pháp luật. Nếu một người bị vi phạm thì bất kể họ là ai phải bị chế tài về mặt pháp luật như tất cả những người khác. Tham nhũng là một tội theo quy định của pháp luật. Và người tham nhũng vì vậy phải bị xử lý hình sự theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng đề xuất của ông Trí thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nếu những cán bộ vi phạm tham nhũng được quyền nộp tiền để khắc phục, thì ngoài xã hội trộm cướp cũng được quyền nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả cho nạn nhân (!?).
Tiến sĩ Vũ qua đó nhấn mạnh một xã hội mà ai cũng có quyền nộp tiền để khỏi bị truy tố đối với các hành động vi phạm pháp luật của mình cuối cùng nó sẽ dẫn đến một xã hội vô pháp luật. Ông Vũ kết luận:
“Ông Viện trưởng có thể viện dẫn rằng chế độ nộp tiền khắc phục hành động vi phạm pháp luật chỉ dành cho các cán bộ, và như vậy, một cách chính thức ông công nhận rằng giới cầm quyền thuộc một tầng lớp khác, thượng đẳng hơn, được có nhiều đặc quyền hơn thậm chí trước pháp luật, còn nhân dân bị trị bên dưới thuộc một tầng lớp khác phải chịu đựng một sự cai trị hà khắc hơn.”
Nói tóm lại theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tư duy của ông Viện trưởng là tư duy đảng quyền — đảng cộng sản và các thành viên của nó sẽ có những đặc quyền riêng — nó đi ngược lại tư duy pháp quyền trong đó nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi công dân.