Loan thấy nhẹ người sau chuyến về Bắc thăm quê mẹ. Vừa hài lòng thấy được nhiều điều mới lạ không tưởng tượng được, mà vừa làm xong bổn phân mẹ nàng giao cho, như là con gái lớn đại diện về thăm bà ngoại và các chú các dì ở nơi chôn rau cắt rốn của mẹ, sau 25 năm di cư vào Nam. Nhưng mà ấn tương để lại cho Loan là lẫn lộn, không rõ ràng.
Lúc đến, con trai lớn của dì, là bộ đội giải ngũ, đã từng vào Nam, đi gần 4 tiếng đồng hồ xe đạp từ làng xuống Nam định chở Loan về bà ngoại. Đường đi đất đá lộn xộn đầy ổ gà. Có cái lớn quá đến độ phải xuống xe dắt đi vòng qua, vì là dấu tích còn lại của những hố đào hay những ụ đắp giữa lộ cản trở xe tăng và xe cơ giới địch thời chiến. Bà ngoại đã mất rồi, Loan chỉ còn được đưa thăm mộ, mặc áo cánh công nhân mầu sậm và chiếc quần đen. Trên đường dì dẫn ra nghĩa địa ngoài ruộng, mấy đứa con gái chừng 7, 8 tuổi chơi đâu đó bên vệ đường nhặt mấy viên gạch đá vụn trên đường ném Loan, bảo nhau: “ném chết cha con đĩ tóc quăn đi”. Dì rảo bước nói “cháu đi nhanh lên đừng chấp chúng nó”.
Cuộc sống nhà dì lam lũ không ngờ, tuy chú Mẫn chồng dì là huyện ủy. Bữa ăn chiều cả nhà gồm hai vợ chồng dì và 3 em dưới 10 tuổi gồm một trai hai gái, ngồi xung quanh chiếc nong để trên sân gạch chung cho ba nhà, cùng là họ hàng phía chú. Cô gái bé chừng 5 tuổi thò lò mũi xanh. Một sanh canh rau muống nấu với hai xóc cua đồng giã nhỏ vắt lấy nước. Một bát tương cua. Mấy quả ớt xanh đỏ nhỏ to lẫn lộn hái từ cây ớt sau bếp. Cạnh bếp là một cái chuồng lợn không có lợn. Sát vách chuồng lợn là một cái “chuồng hôi” tức là cầu tiêu; bề ngang bằng bề ngang chuồng lợn. Mặt đất đào xuống thành một cái hố vuông vức sâu chừng một thước tây. Dưới đáy đổ tro rơm để hứng phân, giữ lấy dùng bón ruộng; trên là mấy thân tre ghép lại, bắc ngang hố, từ vách này sang vách kia để làm chỗ ngồi. Mùi hôi phân người bốc lên khi lại gần và xộc vào mũi khi mở cái cửa liếp ra. Dăm bảy con nhặng xanh và đám ruồi bay vụt lên khi thấy tiếng động, có khi đụng cả vào người và đậu lên mặt lên mông người đi cầu.
Trước bếp trong cái sân đất là hai cái chum lớn chứa nước gánh từ ao lên vào lúc đêm khuya không còn ai xử dụng, đánh phèn để lắng cho trong, dùng làm nước ăn uống. Bởi vì ban ngày thì mấy nhà trong xóm quanh chiếc ao xuống cầu ao rửa rau vo gạo, giặt giũ. Ban đêm, các bà các cô kéo quần lên che kín vú, xuống cầu ao tắm rửa. Đánh răng rửa mặt cũng ở ao. Trong hoàn cảnh sống như vậy, Loan đã phải cắt ngắn thời gian dự tính ở quê từ 1 tuần xuống 3 ngày, vì ghê quá không chịu nổi.
Tình trạng nghèo nàn như thế nhưng cả nhà chú dì đều thật vồn vã dễ thương với Loan. Dì chú ý thăm hỏi từng chi tiết mọi bà con xa gần đã di cư vào Nam. Dưới mắt Loan, chú có thể kể là một người Cộng sản chân chính, kiên trì đấu tranh, thấu triệt chủ nghĩa và thi hành những điều chú tin tưởng. Gia đình nông dân. Người rắn chắc khỏe mạnh, nói năng hoạt bát có lý luận. Chú giải thích cho Loan nghe lý do tình trạng đói nghèo của mọi người. Nào là vì đã phải trải qua hai cuộc chiến chống thực dân và đế quốc không những ở VN mà còn ở các nước anh em. Cho nên một hạt gạo phải cắn làm tư cho miền Bắc, miền Nam và Lào với Campuchia. Nào là phải phấn đấu chống cường hào ác bá và các thế lực phong kiến phản động và tiểu tư sản thành thị tay sai. Chú đọc thuộc lòng cho Loan nghe câu viết của bác Hồ kể lại quyết định lúc bác ở Pháp tin tưởng theo luận cương của Lê Nin năm 1920: “Luận cương của Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi trong buồng một mình mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Chú thảo luận hăng say với Loan về luận cứ “làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu” của xã hội tương lai Cộng sản và cắt nghĩa một cách sách vở những bất cập gọi là không tránh được của giai đoạn quá độ. Mặc dầu vậy chú không thể thuyết phục được Loan bằng những giáo điều và sau cùng Loan đã phải chấm dứt thảo luận với câu tiếng Mỹ “we agree to disagree”, mà Loan phải dịch ra tiếng Việt cho chú Mẫn hiểu rõ.
**
Từ sáng sớm, chú Mẫn đã dùng xe đạp chở Loan từ làng ra ga Nam định. Gần trưa lên xe lửa chở hàng hóa, hành khách, lợn gà, thúng mủng đủ thứ… để bây giờ xế chiều tới Hà nội. Sáng mai mới có tầu suốt đi Sài gòn, cho nên chú đưa Loan đến chỗ nhà nghỉ tạm này gần ga rồi đi lấy vé cho Loan đi Nam. Xong xuôi chú sẽ quay về Nam định trong chuyến xe đêm. Nghĩa là 24 giờ liền đi tới đi lui không nghỉ. Từ đáy lòng Loan thấy chú quá tốt. Bởi không có gì bắt chú phải như vậy: Dùng xe đạp chở Loan gần 5 tiếng đồng hồ trong suốt một con đường khấp khểnh gập ghềnh đất đá lổn nhổn. Trước khi đi chú chu đáo lấy một cái quần đen cũ gấp lại buộc lên cái yên sau (porte-baggage) để Loan ngồi cho êm. Cái cách cư xử này Loan nghĩ nó là đặc thù của đa số những người Việt nam bình thường, có thể là nghèo nàn, mà Loan suy ra từ cuộc sống xóm giềng gia đình Loan ở trong Sài gòn. Thực vậy trong cái xóm nghèo bình dân gia đình Loan ở Sài gòn, nhà gỗ nhà gạch, vách lá đủ loại chừng 3-4 mét bề ngang và 10- 15 mét bề dài san sát nhau. Người chạy xe ba bánh. Người làm sôi vò hay bún bò để bán kiếm sống. Người thư ký, người tùy phái, người thày giáo, người có sạp tạp hóa ở chợ…Hàng xóm chia xẻ với nhau đủ thứ, từ mượn mấy thìa mỡ nước, mấy thìa đường, đến một chén nước mắm mà có lẽ ít khi đòi lại. Có người bán hàng vịt lộn, chuối chiên, canh rau muống với tôm khô… hết ngày bị ế đem bán chịu cho nhau (chẳng biết bao giờ trả, và có trả hay không).
Đang lang mang nghĩ ngợi thì có tiếng gõ cửa. Chú Mẫn đã về, nói ngay: “Xong suôi hết cả rồi. Quầy bán vé có ít mà người chờ mua vé thì nhiều, đi đủ các nơi chứ không có riêng gì đi Sài gòn. Cho nên người túm tụm hàng ba hàng bốn, bâu quanh cái khung cửa sắt nhỏ nhìn qua không thấy hết mặt người ngồi bán vé”. “Chú sẽ chờ vài tiếng từ giờ đến tối để về Nam định. Còn cháu thì ngủ qua đêm ở đây đến sáng mai mới về Sài gòn. Theo nguyên tắc là tầu chạy sớm, 7 giờ sáng. Nhưng người ta nói có khi chậm đến tám chin giờ. Dù sao thì cháu cũng phải ra sớm trước giờ đã định. Nhớ để đồng hồ báo thức đàng hoàng. Thời gian trên tầu là ba ngày. Chắc chắn cháu đã có kinh nghiệm dài ngắn trên tầu ra sao, trong chuyến đi ra ngoài này rồi”. Trán chú Mẫn lấm chấm mồ hôi. Chú kéo cái ghế một cách tự nhiên ở chiếc bàn nước rồi ngồi xuống. Và mở nắp cái giỏ ủ nước, lấy cái ấm nước ra đổ vào chén một thứ nước trà mầu vàng sậm. Uống cạn, chú nói: “Cái thứ trà Thái nguyên này là trà mộc hợp ý chú. Còn thứ trà có ướp mùi thơm nhân tạo, chú không thích. Người ta nói rằng trong các buổi tiếp khách nước ngoài của nhà nước, trà Thái nguyên và bánh cuốn là hai thứ hàng đặc sản rất được ưa chuộng. Ý kiến ai ra sao không biết chứ riêng chú thì chú hoàn toàn nhất chí với quan điểm này”.
Chú Mẫn nói không ngừng, như người lâu ngày không được nói. Bỗng nhiên chú im tiếng. Thò tay vào trong một cái túi quần rút ra bao thuốc lá Điện biên, nói: “Thứ thuốc này một thời nổi tiếng lắm. Bây giờ hết rồi. Nhưng vấn đề là quen. Cũng như người nghiền thuốc nặng thích hút thuốc Gaulois của lính tẩy ngày xưa”. Chú rút ra một điếu thuốc, châm lửa rồi rít một hơi dài ém thở, không phà khói ra. Lúc thở ra chẳng có bao nhiêu là khói vì đã thấm vào phổi hết, nhưng Loan cũng thấy mùi hắc, và bật ho.
Chú Mẫn tiếp “Cháu giống như dì cháu. Khi có khói thuốc là ho. Tuy nhiên, ở nhà chú không hút thuốc lá, mà chỉ hút thuốc lào, rẻ hơn, bằng cái điếu cầy. Sáng một lần, chiều một lần. Sau một hơi thuốc lào, người say lâng lâng có khi phải nằm dài xuống đất, thật dễ chịu. Trước thời chiến tranh, các cụ thường dùng điếu bát, hút qua một cái xe điếu. Bình thường thì là một cái xe điếu thẳng dài chừng 50- 60cm. Người ta nói những nhà khá giả ngày trước thì có cái xe điếu dài, làm đâu như bằng một thứ trúc đặc biệt, đầu to đầu nhỏ. Đầu to cắm vào lỗ điếu ở bát điếu. Đầu nhỏ thì nút vào miệng, vin xuống mà hút. Vì cái xe điếu dài, cho nên bát điếu phải để xa miệng và vì thế tay cầm đóm đốt thuốc phải với ra mới tới chỗ cái nõ điếu để đốt viên thuốc. Trong trường hợp này thì cần một thằng nhỏ cầm cái đóm đã đốt lửa châm vào viên thuốc thì mới đốt được. Chú lúc nhỏ đã từng bị ông nội bắt làm chuyện này cho ông hút thuốc. Những cái đóm ông nội đã chẻ sẵn phơi thật khô nhưng đóm cũng phải biết cầm đúng chiều để lửa cháy mạnh và đều thì hút thuốc mới ngon. Các quan phủ huyện ngày trước thường có lính lệ đứng hầu để sai làm công việc vặt. Mà một việc vặt là vê viên thuốc cho vừa để cho vào nõ điếu và giữ cái đóm đúng chiều cho lửa cháy đều để quan hút thuốc cho ngon. Từ đó mới có hai chữ ghép vào nhau “điếu đóm” để chỉ người làm tay sai lo việc vặt. Sau dần hai chữ này có nghĩa là “nịnh bợ” vì có những người quan không sai mà cũng chế việc vặt ra làm để lấy công. Hai chữ điếu đóm ngày nay không mấy ai hiểu nữa, vì không còn mấy ai hút thuốc lào dùng đóm và điếu nữa. Những quan cách hay thư lại đa số quay sang hút thuốc lá cả rồi. Chế độ quan liêu phong kiến đã chấm dứt”.
Chú Mẫn chừng như có vẻ khoái chí vì Loan chăm chú nghe cái câu chuyện là lạ của một nếp sống ngày xưa chú kể. Nhìn vào Loan, chú nói: “Hai dì cháu giống nhau cả mặt mũi lẫn giáng điệu. Dì ngày xưa đẹp như cháu. Rồi chữa: “Đúng ra là cháu đẹp hơn. Không những thế, dì cháu bây giờ lớn tuổi, sồ sề, bụng to, đít bạnh, vú thõng. Cháu ở miền Nam biết theo thời trang dùng “xơ chiêng” và quần “sì líp”. Hấp dẫn hơn. Loan nghĩ sao?” Loan lặng im, vì không muốn trả lời loại câu hỏi này và cũng vì thấy chú sỗ sàng khi đem những đặc điểm các phần cơ thể tế nhị của cả dì lẫn Loan ra so sánh. Và nhất là vì chú đột ngột thay chữ cháu bằng chữ Loan, thân mật không phải cách.
Vạt nắng xiên khoai qua cái cửa sổ vào nhà đã nhạt đi. Chú Mẫn chợt nói “Để chú ra lại ga xem giờ giấc chuyến đi của chú ra sao. Thời buổi này người ta nói giờ giấc để lên bảng tầu chạy là chỉ cho biết rằng có tầu chạy, chứ không phải là chạy đúng giờ như bảng viết.”
Loan chợt nhớ có lần ở Sài gòn nói về chuyện họ hàng còn ở ngoài Bắc, mẹ nàng kể rằng dì Mẫn lấy chú vì đi sinh hoạt đoàn thể, gặp chú khéo nói và khỏe mạnh đẹp trai, rủ dì “thoát ly”. Bây giờ chú trông vẫn là một người khỏe mạnh rắn rỏi. Mẹ cũng kể rằng thời cách mạng tháng 8, chính sách lôi trẻ con còn nhỏ 6, 7 tuổi vào sinh hoạt tập thể là một chính sách của nhà nước để làm giảm đi cái ảnh hưởng gia đình lên thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ. Trong những sinh hoạt này, con gái dậy thì mà lỡ mang thai thì chỉ có cách bỏ nhà ra đi, cho nên hai chữ “thoát ly” sinh ra từ đó, mà nghĩa đen chỉ là bỏ đi thoát khỏi gia đình. Đời sống lênh đênh trôi nổi ra sao tùy xoay trở lấy. Kết quả là ràng buộc gia đình truyền thống giảm đi nếu không nói là mất hẳn. Còn đảng và nhà nước được một số đông tay làm không công hay giá rẻ.
Nghĩ lan man đến đây thì chú Mẫn đẩy cửa bước vào. Chú nói: “Tầu Nam định đúng giờ, không chậm. Nhưng mình vẫn còn nhiều thì giờ, cả 3 tiếng nữa”. Và: “Loan kể chuyện đời sống giới trẻ Sài gòn đi. Chú hết chuyện cũ nhà quê miền Bắc rồi”. Loan nói ngập ngừng vì phải nghĩ đến tất cả các mặt khác nhau của tình trạng học hành ở miền Nam: “Miền Nam học sinh con trai tới tuổi xong trung học mà không đậu tú tài thì động viên đi lính. Có trình độ tú tài thì đi học sĩ quan. Giỏi hơn thì đi học tiếp luật khoa, kỹ thuật hay y khoa vân vân không phải vào lính. Tốt nghiệp xong thì động viên. Rồi cho biệt phái mang lon nhà binh nhưng tiếp tục đi làm chuyên môn. Thầy giáo thì dậy học. Bác sĩ thì chữa bệnh vân vân. Con gái không bị nghĩa vụ lính tráng nhưng hết tuổi trung học thì phải kiếm việc làm hay kiếm chồng. Sinh hoạt tập thể thì không có hay nói cho đúng hơn là giới hạn trong khuôn khổ các hiệu đoàn, một năm vài kỳ vào những dịp lễ tết, nhưng không bắt buộc mọi người đóng góp. Một loại hoạt động ngoài học đường nữa là viết văn làm thơ gửi cho các báo chí. Thích hợp thì được đăng. Có bài đăng trên báo là thích rồi, chẳng tiền bạc gì. Tóm lại thì đời sống thanh thiếu nữ trong Nam tùy thuộc nhiều vào gia đình, và hướng đến công ăn việc làm. Vào khoảng đầu thập niên 1970, bà tổng thống Nguyễn văn Thiệu có mở một số lớp nữ công gia chánh cho con cái những người đủ điều kiện nộp đơn. Cháu có đi học một lớp này. Sau tháng 4 năm 1975 thì đời sống miền Nam có nhiều xáo trộn, từ xã hội đến gia đình đến công việc, cháu không biết rõ và không nói hết được”.
Chú Mẫn nhận định: “Có vẻ như phái nữ miền Nam không có sự tự do sinh hoạt tập thể như miền bắc và phụ thuộc quá nhiều vào phụ huynh. Loan sinh ra sau khi ba mẹ di cư, năm nay chừng 25 tuổi mà vẫn như một cô gái nhỏ nghe lời mẹ về quê thăm gia đình, chứ không phải tự ý. Đúng không”? Chú Mẫn hỏi, nhìn thẳng vào mắt Loan vừa có ý bắt bẻ vừa có ý khẳng định rằng mình là phải. Và với một ánh mắt ham muốn đáng sợ. Loan ngượng ngập cúi mặt quay nhìn xuống chân. Không nói không rằng Mẫn tiến tới bế xốc Loan lên. Đem ra đặt nằm ngửa lên chiếc giường trải chiếu. Loan vùng vẫy xô Mẫn ra. Kêu lên “Chú Mẫn! Chú làm gì vậy?” “Không được thế”. Nhưng không thể nào cưỡng lại người nông dân đảng ủy Cộng sản chắc tay và cũng nhanh mồm nhanh miệng giảng thuyết biện chứng duy vật, thấm nhuần tư tưởng đấu tranh giai cấp, chống tiểu tư sản thành thị tay sai và từng đấu lý với Loan.
Mẫn biết chắc phần chủ động về mình. Trong đầu Mẫn bật lên ý nghĩ châm chọc, thách thức sự phản kháng của Loan, nhưng không nói ra: “Tại sao lại “không được”? Chú nào? Chú thì sao”? Cái cô gái lớn lên ở thành thị miền Nam này ngây thơ một cách khờ khạo. Tôi họ hàng thân thiết máu mủ gì với cô mà “không được”? Luật gì ? Nguyên tắc đạo đức nào? Dì cô là vợ tôi thì cô liên hệ máu mủ gì với tôi để mà “không được”? Còn cô chống cự thì cứ tha hồ, nếu thoát nổi ra khỏi vòng tay của tôi. Bàn tay phải từng cầm cày của Mẫn đè chặt cả cánh tay trái và vai trái tức là cả nửa ngực trái của Loan xuống giường. Bàn tay trái của Mẫn luồn ra sau lưng Loan, nắm lấy cái giây nịt chiếc quần của Loan, kéo xuống dưới mông nhấc hổng Loan lên khỏi giường và tiếp tục lôi tuột xuống đùi, quá đầu gối, mà giật cái quần ra khỏi hai chân. Cái sì líp thì chẳng có gì khó khăn vất ra, vì chỉ là một cái quần đùi chật, đàn hồi.
Loan thất thần quýnh quáng không biết làm gì. Thân thể cô gái tiểu tư sản da mỏng và trắng như trứng gà bóc. Khác hẳn những nước da ngăm ngăm hay đen sậm của các đoàn viên phụ nữ Mẫn có dịp quan hệ. Suy nghĩ trên quan điểm giai cấp đảng đó là mầu tiểu tư sản yếu nhược. Cho nên y sĩ riêng của chủ tịch Mao vượt thoát sang Mỹ sau khi Mao từ trần viết sách kể rằng ở tuổi 80 Mao còn cho tuyển những thôn nữ còn trinh, đậm người, không bệnh tật vào phục vụ. Nhưng cái thân thể trắng nõn nà của Loan ở đây không hiểu tại sao lại tạo cho Mẫn một thèm muốn bạo tợn, chà đạp. Banh dạng hai đùi cô gái thành thị xớ rớ hoảng hốt không còn phản ứng, Mẫn nằm ấp ngay lên trên. Mới chợt thấy cồm cộm dưới bụng cái thắt lưng da, người cán bộ nhanh chóng mở cái khóa, kéo chiếc thắt lưng vất ra, cởi những cái cúc quần tiếp theo. Loay hoay xoay trở. Có lúc phải xốc như dợm cho Loan ngồi lên. Rồi lại để nằm xuống đỡ hai mông đít…
Chốc lát, có tiếng ối bật ra khỏi miệng Loan và nước mắt tuôn trào lã chã xuống má nàng.
Chẳng mấy lâu sau, Mẫn ngồi dậy mặc quần vào, cài thắt lưng, đi giầy. Ra cửa. Không nói một lời.
**
Có tiếng còi xe lửa vang lên trong đêm. Chiếc đầu máy xe lửa hơi nước đậu trong sân ga Hà nội “sình sịch sình sịch” thả nhanh mấy tiếng khởi đầu thử máy. Rồi chậm lại. Và đoàn xe lửa rời ga Hà nội xuôi Nam định, tiếng bánh xe lịch kịch lịch kịch trên đường sắt nhanh dần. Trên sàn một trong những toa xe hàng hóa thúng mủng gà vịt và người ngợm, có một gã đàn ông nông dân rắn chắc trung niên ngồi trong một góc nhắm mắt, nét mặt dãn ra, lặng thinh không nói, bên cạnh chiếc xe đạp với chiếc yên sau (porte – baggage) trống, không có buộc theo hành lý. Nhưng có quận một cái quần đen để ngồi cho êm.
Tường Dung
Ngày 12 tháng 7/2022