Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa
Ngẩn ngơ thương nhớ đến cung đàn xưa
Một mùa trăng đã vắng xa đường tơ
Heo may gió rét từng mùa
Ôi thơ mộng đâu còn nữa!
……
(Hoàng Trọng)
https://www.youtube.com/watch?v=0VCn2Tp_WPc
Tiếng hát sang cả, lời bài hát rất “chất” của Lệ Thu, đã đẩy đưa tôi về quá khứ, tôi từ từ nhớ lại. Tuổi càng ngày càng chồng chất, hôm qua ăn gì và gặp ai có thể tôi không nhớ, nhưng cứ như “in” câu chuyện của vài mươi năm trước.
- Một hôm trong trại Fujisawa, nơi cố ký giả Lê Thiệp tạm trú lúc ông được tàu vớt đưa vào Nhật Bản (năm 1978), trại có tổ chức buổi kỷ niệm cảm tạ ông thuyền trưởng tàu Sun Swallow, trong số “khách mời” có nữ ký giả của một hãng thông tấn, chắc có lẽ Lê Thiệp mời. Rượu vào và mọi người đưa cây đàn và kêu tôi hát. Tôi đàn yêu cầu hát chung, nếu không hát thì vỗ tay theo rồi tôi cất hát “Anh là lính đa tình”, đến đoạn, “Và mối tình rất êm đềm và tình duyên trong lòng Anh Yêu Em” thì tôi hát lớn 3 chữ “Anh Yêu Em” và quay sang nhìn thẳng cô ký giả.
Xong bài hát, cô ngơ ngác quay sang hỏi mọi người, rồi vừa đùa vừa hỏi: “Phải Khuê san hát là thích tôi không”. Tôi cười lớn và hỏi:
- “Tại sao cô nghĩ thế” ?
- “Tôi nghe mấy người nói như thế nên tôi nghĩ là… thế”.
Mọi người có mặt đều cười vui hể hả rồi ông Trung Úy Nam, người đi cùng ghe với Lê Thiệp đang định cư tại Thụy Sĩ, nhìn tôi cười cười, “Cô này thích ông rồi đó, ông có thích cổ không?”. Tôi cười và lẳng lặng cũng không đính chính. Ai muốn hiểu sao hiểu.
- Bà Yamaguchi, thân mẫu của cha Yamaguchi, giáo phận Fujisawa đã từng nói trước mặt mọi người: “Khuê san không thể là Khuê san nếu không có cây đàn bên cạnh”.
Đúng vậy.
Tôi cầm đàn từ năm 1963, sau khi nghe mấy chục lần bài “The Young Ones” do Cliff Rrichard và Shadows qua “đĩa than” của một nhà hàng xóm, tôi ngưỡng mộ vô cùng với những ngón guitar “ngọt sớt” và quyết tâm …..theo đuổi, bố tôi đã mua cho tôi một cây đàn ở tiệm đàn Đức Thắng. Bắt đầu với lối cầm đàn không bài bản, tôi bắt chước y chang.
Lúc đó tôi đang học Đệ Thất trường Nguyễn Bá Tòng mà thầy dạy Anh Văn là thầy Trần Trọng Thanh. Năm Đệ Ngũ (1965), vì bố phải đi công tác xa đã chuyển tôi sang nội trú trường Đắc Lộ ở Ngã Tư Bảy Hiền và gặp lại thầy Thanh. Tôi không hiểu thầy có giây mơ rễ má gì với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường hay không (chắc là cùng 3 chữ T) mà trong giờ Kim Văn, thế nào thầy cũng lôi nhạc Nhật Trường với những lời “thuyết minh” thật hấp dẫn. Thầy nói về “Hoa Trinh Nữ”, “Đồn Vắng Chiều Xuân”, “Tuyết Trắng”, “Không Bao Giờ Ngăn Cách”…. một cách say mê. Các cô cậu học trò cùng lớp nghe thầy “thuyết pháp" cũng “rụng rời”, thầy nói thật có duyên, và cũng từ dạo đó tôi đã cố gắng tập và hát cho bằng được những bài hát của nhạc sĩ có giọng hát mà ông bố khó tính của thằng bạn đã phán: “NT hát rất hay với những bài hát của “nó” làm”. Tôi không bỏ sót một chương trình nào của Tiếng Hát Đôi Mươi với ban Tứ Ca gồm: Nhật Trường, Như Thủy, Diễm Chi, Vân Quỳnh (sau này có Phương Mai và Hồng Tước) trên băng tần số 9. Tôi ước mơ, sẽ có một ngày nào đó mình sẽ có cơ hội “thành lập” một ban Tứ Ca “in chang”.
Cũng vào dạo đó, thêm một giọng hát nữ mềm mại và trong trẻo đã làm lòng tôi “tê tái: Thanh Lan. Tôi thích nhất bài Mộng Dưới Hoa, (trong Băng nhạc Hát Cho Tình Yêu và Tuổi Trẻ nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện). Một chuỗi những bản TL như “Đám Cưới Đầu Xuân, Gọi Người Yêu Dấu, Nắng Chiều….” và những bản nhạc dịch đã để lại trong tôi cả….một bầu trời…. tươi mát.
Nếu nhớ không lầm thì hình như vào khoảng năm 1966, nhạc cảnh “Tạ Từ Trong Đêm” do Nhật Trường-Phương Dung là 2 vai chính thủ diễn khiến cả làng…dậy sóng. Hôm sau, tôi cố lùng đi mua bản nhạc này cho bằng được.
Học Đắc Lộ đến Đệ Tam sau Trận Tổng Công Kích đợt 2 của việt cộng (tháng 5/1968), năm 1969 thì tôi sang trường Hưng Đạo, học Nhị B-16. Cuối năm các lớp tổ chức văn nghệ tất niên, tôi cũng cầm đàn “vuốt” những bản nhạc của Shadow và Ventures với những người bạn cùng lớp. Thầy Việt Văn Nguyễn Đông Ngạc thấy tôi có mặt đã có nói một câu nhớ đời: “Thấy anh có mặt, tôi cũng rất mừng vì anh đã thể hiện một khả năng”. Đúng vậy. Dạo đó tôi ham vui ham đàn nhiều hơn ham học.Và từ đó trở đi, tuần nào tôi và một nhóm bạn cùng trường đã cùng đi đến các địa điểm đóng quân ở ven biên trong chương trình “Ủy Lạo Chiến Sĩ Tiền Tuyến”. Tôi nhớ có mấy chị, cô trong nhóm đã hát những bài của Trần Thiện Thanh, Lam Phương: “Không bao giờ ngăn cách”, “Gửi về Anh”, “Những đóm mắt hỏa Châu” nghe ngọt lịm. Có một hôm, với đầy đủ đồ nghề cho một ban nhạc: đàn điện, Ampli, trống….tụi tôi được một xe camion đưa đến một căn cứ hình như là Nhị Bình của tỉnh Bình Dương, nhưng đến nơi thì….không có điện. Được một lúc, thì mấy anh lính tìm ra đâu được một máy phát điện khiến tụi tôi mừng hú. Có một anh tình nguyện hát bài “Sầu Đông” của Khánh Băng mở đầu với lời “nhắn nhủ”: “Tui sẽ hát theo thể loại….tự do”. Trúng tủ, với đoạn Intro tôi lướt nhanh trên phím, nhưng khi anh cất lời thì tôi mới hiểu rõ ý nghĩa: “thể loại tự do” mà anh nói. Anh xuống tông, lên tông, anh ngân dài, có lúc như… ngâm thơ, khiến tụi tôi chạy theo không kịp, cứ đành phải…”hòa mình” theo anh mà chạy. Cuối cùng, anh được tụi tôi đánh giá cao là vì anh… can đảm và có đặc điểm hơn người: “đã hát không trúng một nốt nhạc nào trong bài hát”. Một kỷ niệm quá đẹp.
Năm 1970, cả nước đã lên cơn sốt khi “cặp đôi” Nhật Trường-Thanh Lan xuất hiện trên đài truyền hình số 9 phim kịch “Trên đỉnh mùa Đông” – “Anh không chết đâu em” . Tôi nhớ là hôm sau, khi cà phê cà pháo, tụi tôi ngồi bàn ý nghĩa những câu trong lời nhạc “Trên khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân”. Một thằng bạn, vốn dân ban C trường Văn Học, có lối lý luận rất sắt bén, tên này đã từng cãi tay đôi thầy dạy Triết, khiến thầy Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa) phải nhảy vào giải cứu. Hắn đã bàn: “Tao nghĩ đó là những giọt nước mắt của Lệ khi khóc Đương”. Cả nhóm đều…. nhất trí vì về văn và ….lý luận, không tên nào qua mặt tên này được cả.
Trước tháng 4/75, tôi về thăm nhà, ông Hồ Trần Hiệp (tay trống của ban nhạc sinh viên) có rủ đi nghe nhạc tại một phòng trà do Nhật Trường làm chủ. Hôm đó, sau vài bài hát, Nhật Trường đã giới thiệu một vũ khúc mà ông gọi là “hấp dẫn và bốc lửa”. Khi NT vừa rời sân khấu thì chợt thấy Hồ Trần Hiệp. NT cười:
- “Hiệp về hồi nào vậy em?”.
- “Em mới về, mà anh Thanh nè, cho em xin một “chút lửa” mồi thuốc đi anh”.
NT cười:
- “Nữa. Đợi anh chút, lát sẽ nói chuyện với Hiệp”.
Hỏi ra thì Hồ Trần Hiệp cùng quê Phan Thiết với Nhật Trường, và đó là lần duy nhất tôi gặp Nhật Trường bằng xương bằng thịt. Sau này khi Nhật Trường ra hải ngoại tôi mong được mời NT sang Nhật hát nhưng mãi không được chỉ gặp anh qua các băng nhạc. Năm 2005, Anh đã qua đời trong sự thương tiếc của bao người hâm mộ.
Trở lại chuyện một thuở yêu đàn, nhớ lại một chuyện vui: Tôi có một ông bạn nay đã ra người thiên cổ, dân học trường Tây, sang Nhật nhưng lại học chương trình đại học Anh Ngữ tại Sophia. Ông này chơi nhạc classic cực hay. Có một lần, sau cuộc tranh luận “con gái trường Tây và con gái Trường Việt, bên nào dễ thương hơn” và lẽ dĩ nhiên không bao giờ… có câu trả lời chính xác cả. Ông với cây đàn chơi bản classic quen thuộc “Romance”. Lẽ dĩ nhiên là hết xảy. Ngứa mắt, tôi cũng chộp cây đàn và chơi lại “In chang” nhưng với lối bấm “vô trật tự” hoàn toàn không bài bản. Ông chê tôi là cách để các ngón tay vào phím búng các ngón đàn không đúng cách, tôi cười cười: “Sao cũng được, miễn là anh đánh được in chang như chú thôi, chú thì muốn đàn bản mới thì phải tập, mệt thấy mẹ. Anh thì chấp hết, cứ đưa bài hát nào ra coi, anh sẽ đệm cho chú xem, không cần dợt”. Được một chút thì ông….thú thật: “Khuê chỉ tôi cách đệm đàn cho người ta hát đi”. Tôi cười ha hả: “Dễ ợt mà, với hợp âm là 3 hay 4 gam căn bản, rồi bắt chước in chang đoạn Intro mở đầu và phần kết thúc của lead guitar Hoàng Liêm ban nhạc Shotguns, hay Intro bằng và kết thúc bằng cách chơi lại đoạn cuối của bài hát là bản nào chú cũng qua mà”.
Trong xóm gần nhà, có một bà cô của một tên bạn, mê Nhật Trường như điếu đổ, lúc còn lang thang thích dạo nắng Saigon, cứ đến buổi trưa, tôi ghé nhà tên bạn rồi nghêu ngao những bản của Nhật Trường, vì tôi biết chắc chắn sẽ có người nghe, thấp thoáng thấy bóng bà cô ngấp nhé và thỉnh thoảng bà xuất hiện dúi vào túi tôi một ít tiền “cho mày đi cà phê cà pháo”. Đúng là “vừa đánh đàn lại có tài có lộc”.
Cũng vào những ngày tháng đó, lúc tôi nghêu ngao thì có 3 nàng tóc dài, áo trắng đi ngang, có lẽ dân Nguyễn Bá Tòng hay Hưng Đạo, 3 nàng cố tình đi thật chậm và 1 nàng cứ nhìn mình cười tủm tỉm khiến tôi “thẫn thờ” cả buổi, ngày nào cũng như ngày nấy phải thấy nàng đi qua tôi mới ăn ngon …ngủ yên được. Nghe nói nàng ở cuối hẻm 16 Nguyễn Thiện Thuật tôi cũng chả biết tên. Dạo về thăm nhà năm 1975, tôi có ý tìm thì nhưng nàng vẫn biệt tăm, nghe nói nàng đã cầm đò sang thuyền khác.
Sang bên này, tôi lại có dịp tung hoành sau vài lần bị…bỏ rơi, tôi đã “hùng dũng” đứng lên sân khấu đàn và đệm cho biết bao ca sĩ sinh viên “xịn” nhất thời đó, nhất là được đàn cho Thanh Lan, ca sĩ mà bao chàng mơ tưởng được đứng chung trên sân khấu. Tôi đã đạt được ước mơ: lập được ban Tứ Ca Nhật Trường với ba bà bạn cùng xóm Ebisu.
Ban nhạc của tôi thời đó gồm: Khuê, L.V Dũng, N.V.Nhân, T.N Giác, N. B Hỷ, H. T. Đô, N.T.Đức, Hồ Trần Hiệp… và tụi tôi có mặt hầu hết trong các chương trình văn nghệ của sinh viên như: “Cứu Trợ Nạn Lụt”, “Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Tranh”, “Hát Trong Mùa Lá Bay” với Thanh Lan và Phạm Duy, giao lưu với các ban nhạc của Mã Lai, Indonesia, Hồng Kông tại cư xá sinh viên Kokusai….chưa kể những buổi văn nghệ bỏ túi “lẻ tẻ”.
Năm 2004 thì cứ theo thông lệ là sẽ có một buổi hội ngộ của nhóm Exryu, cờ tổ chức Exryu Hội Ngộ được giao cho Nhật Bản, năm 2012 tôi cũng còn cầm đàn, nhưng năm 2019 thì tay tôi cầm Micro nói năng nói cuội chứ không còn cầm đàn nữa. Tiếc ghê!
Sau ngày “xảy đàn tan nghé”, tôi vẫn tiếp tục cầm đàn và thành phần ban nhạc đã được “tái phối trí dưới sự hướng dẫn của anh Minh Phương (một vũ viên cột trụ của vũ đoàn Maxim thời đó) và được đặt tên là “Sống Giang”, tôi cũng chả biết nguồn gốc tên này từ đâu, chỉ nghe lần đầu tiên do Nguyễn Thế Huy “công bố”. Tụi tôi cũng đã được tiếp đón nhiều ca sĩ “ngon lành” tại hải ngoại như: Họa Mi, Sơn Ca, Phạm Duy, Thái Hiền. E.Phương, Lynda Trang Đài, Tomy Ngô, Don Hồ, Công Thành-Lyn, Hương Lan, Ngọc Phu, Ý Nhi, Kenny Thái….
Trong ngày tôi rước nàng về dinh tháng 6/1991, chú Huy đã điều động và tổ chức một tiệc chương trình văn nghệ có…chủ đề: “20 năm hoạt động văn nghệ của chú Rể”. Vì thế, ngoài những màn nghi lễ tối thiểu cần phải có, tôi đã giảm thiểu tối đa những màn thay áo, thay…quần, dành hết thì giờ cho những ca sĩ, vũ viên đã cùng tôi lang thang…khắp nước. Ban nhạc Sống Giang với đầy đủ dụng cụ đã lái xe xuyên đêm góp mặt và khi “xong hàng” lại lái xe ngược về hướng cũ. Các ca sĩ như Anh Đào, Thanh Thủy, Nguyễn Thủy, Thu Trang, Xuân Hoàng, anh Minh Phương, cháu Khánh Ngọc, bà bạn Hảo và nhóm vũ thiếu nhi ruột của tôi đều góp mặt. Lẽ dĩ nhiên Chú Rể và Cô Dâu cũng tay đàn tay hát. Có một tên bạn: “Sao ông không bán vé….luôn đi, đâu phải là đám cưới vì toàn là Hát với Ca”.
Trong một lần trình diễn cho Ngày Quốc Tổ Hùng Vương năm 1988, chẳng hiểu vì sao, chắc là tình cờ. ca sĩ Sơn Ca có hỏi: “Ban nhạc của mấy anh tên sao toàn là chữ “K” và “H” không dzậy? Mà đúng vậy: có 6 tên; Khuê, Khôi, Kiên, Khoa, Huy và Hiệp.
Thằng em Khôi nhanh miệng: “Ban nhạc tụi tui là ban nhạc “ca-hát” mà Sơn Ca”.
Năm 2013, tôi sang Mỹ sau khi giải nghệ thì nhận được món quà bất ngờ từ nhóm exryu: một tấm plaque có hàng chữ: “40 years of servive, Ông Bầu Văn nghệ. Arigatou”.
Cảm động vô cùng.
Nói tóm lại Sinh hoạt văn nghệ của tôi tại….hải ngoại rất ư là hanh thông và….thẳng tiến.
-----------------
Trong một giờ học của trường Obirin, tôi hỏi một học trò: “Chữ nioi (匂い)và chữ Kaori (香り)dùng thế nào thì chuẩn nhất vì hai chữ đều có nghĩa là “Mùi”. Cô trả lời:
- Thầy ơi, “nioi” thì cộng (+) và trừ (-), cả hai đều dùng được. Còn “Kaori” chỉ có cộng (+) mà không có trừ (-). Câu trả lời hay vô cùng.
Và hình như tôi có duyên với những người có tên bắt đầu bằng chữ “H” và chữ “L” thì phải. Cuối cùng thì tôi không những có duyên mà còn có nợ với ….H tức là bà Khuê.
Trong một lần Tự Thú tôi đã bộc bạch:
“Tôi cũng sẽ cố tập đàn lại như lời bà khuyến khích dù tay tôi đã cứng”.
Đúng vậy, tôi vẫn mơ có ngày tôi sẽ đàn cho bà hát bài mà Chí Tài và Phương Loan hát. Tôi vẫn thích Chí Tài “đàn” hơn là “diễu”.
Nhưng đúng là có vẻ như tôi lại mơ tưởng chuyện không đâu. Sao khó quá, tập hoài không được, bấm đâu trật đó. Chán ơi là chán!
Thôi mời Bạn ta nghe nhé: “không phê không ăn tiền”
https://www.youtube.com/watch?v=4hjFgQ_FduQ
Đến đây đã đủ. Tôi ngừng bút.
Vũ Đăng Khuê