2022.06.28
Sau khi cả hai đời Chủ tịch thành phố Hà Nội liên tiếp bị khởi tố gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp cử tri Hà Nội mới nhất vào ngày 23/6 nhấn mạnh ‘phải chọn người cho đúng, cho chính xác, không phải vội vàng’… ông Trọng còn cho rằng phải thu thập ý kiến người dân về việc này.
Thực tế ra sao? Trao đổi với RFA hôm 28/6, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định:“Cơ chế không cho phép ý kiến của người dân, người dân không có giá trị gì cả. Bởi vì lãnh đạo của thành phố là do đảng ủy, đảng bộ, trung ương chọn, mà trung ương ấy là do các cấp Đảng giới thiệu lên chứ không liên quan gì đến nhân dân. Ông Trọng nói thì cũng giống như là ổng nói hằng ngày thôi, là tuyên truyền mị dân. Vì ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung vào tù, rồi ông lên thay cũng vào tù… gây chú ý quá, nên họ cần phải giải tỏa sự chú ý đấy, nên ông Trọng mới nói cần phải có ý kiến của nhân dân vậy thôi.”
Hai đời Chủ tịch thành phố Hà Nội liên tiếp bị khởi tố gần đây là ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 13/12/2021 bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt mức án tám năm tù với tội danh ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Ông Chung bị cáo buộc đã để cho công ty của gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho thành phố gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đến ngày 22/6/2022, ông Chung kháng cáo và đã được giảm bớt ba năm tù.
Sau đó, ông Chu Ngọc Anh lên thay thế ông Nguyễn Đức Chung giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, cũng bị Bộ Công an Việt Nam vào ngày 7/6/2022 khởi tố, bắt tạm giam cùng với Bộ trưởng Y tế khi đó Nguyễn Thanh Long và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Phạm Công Tạc. Lý do vì ba người có vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Việt Á và Bộ Y tế.
Từ Hà Nội, hôm 28/6, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên là Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, cho biết ý kiến của mình:
“Thật ra cũng có thể lắng nghe dân, nhưng phải nghe thật lòng, nghe thật sự, nghe công khai… Chưa có đa đảng thì phải tổ chức trưng cầu ý dân và những người đảng cử ra làm chủ tịch thành phố thì phải có nhân thân sạch sẽ, phải có chương trình hành động, phải hiểu Hà Nội hiện nay là thế nào. Mà cũng phải có hai ba người để lựa chọn, chứ còn đảng nhắm một người, rồi đưa ra hỏi ý kiến dân thì cũng chỉ là hình thức mà thôi.”
Liên quan việc nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp vướng vòng lao lý thời gian gần đây, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng là khuyết điểm của lãnh đạo Đảng và ông Nguyễn Phú Trọng… Những người như ông Chung, rồi ông Chu Ngọc Anh đều do ông Trọng phê duyệt lựa chọn, nhưng theo ông Mai, ông Trọng không hề có một lời xin lỗi, không hề nhận cái kém của mình đã chọn nhầm người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói tiếp:
“Cách chọn người của Đảng là thất bại toàn tập rồi, nên bây giờ cần phải để cho dân lựa chọn, cần lập một hội đồng của dân, cho người dân đứng ra lựa chọn thì may ra có thể đúng được. Đảng có dám làm như vậy không? Chứ làm như hiện nay thì cũng chỉ là ‘vơ bèo vạt tép’ cho có chuyện thôi, cũng không hy vọng gì có người tử tế.”
Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và giới cầm quyền cho là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được Hiến pháp qui định.
Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, giới luật gia khi trả lời RFA đều cho rằng kể từ khi Luật Trưng Cầu Dân Ý có hiệu lực đến nay, chưa một lần nó được áp dụng.
Trở lại với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải lắng nghe dân để chọn người 'tâm trong, trí sáng' làm Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Y tế, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định với RFA hôm 28/6:
“Thứ nhất, việc chọn người trong chế độ cộng sản toàn trị không phải là việc của người dân, bởi vì không có tự do bầu cử. Do đó, khi họ nói lắng nghe dân để chọn người ‘tâm trong, trí sáng’… thì tôi cho rằng đó là cách nói bịp bợm. Thứ hai, chọn người trong ‘xứ thiên đàng’ hiện nay đều phải qua nhiều bộ lọc trong nội bộ của họ. Chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sau mỗi kỳ Đại hội Đảng luôn luôn nói thành công tốt đẹp, như vậy việc chọn người của họ là luôn luôn đúng. Điều này chính họ tạo ra một nghịch lý đến mức lố bịch, nếu luôn luôn thành công, luôn chọn đúng… thế thì tại sao ngày càng nhiều quan tham xuất hiện như vậy?”
Ngoài việc Đại hội Đảng ‘nói láo’ với người dân, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính điều đó mới tố cáo các kỳ Đại hội Đảng chọn người chỉ là một sự thỏa hiệp, tương nhượng, thu xếp giữa các phe phái trong nội bộ của nhà cầm quyền cộng sản với nhau. Ông Già cho rằng, các phe phái luôn luôn rình rập, chực chờ cơ hội để thanh toán lẫn nhau. Một ý khác theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc khai trừ ra khỏi Đảng cũng là một việc khá trơ trẽn. Ông giải thích:
“Bởi vì chính người cộng sản Việt Nam tuyên bố Đảng đi từ trong quần chúng, rồi được họ phát hiện như là những gì nhân tố mới, những hạt giống đỏ… rồi họ phải trải qua một quá trình bồi dưỡng, thử thách, trui rèn, kinh qua nhiều vị trí chức vụ… thì mới đạt được một cái gọi là tinh lọc về nhân sự. Bây giờ lòi mặt ra những quan tham thì họ khai trừ Đảng, tức là trả về cho dân… Thì tự hỏi chẳng lẽ người dân là một lũ ô hợp để tiếp nhận lại một thành phần thoái hóa phi đạo đức, như là chính nhà cầm quyền cộng sản đã từng lên án những quan tham. Người dân chúng tôi trở thành một cái thùng rác để Đảng trút vô những thứ cặn bã của Đảng. Trong khi người dân chúng tôi vẫn, đã, đang và tiếp tục nuôi nấng bộ máy cầm quyền cộng sản Việt Nam.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, chuyện khai trừ ra khỏi Đảng nên được nghiêm túc nhìn nhận lại, đừng có đổ ra và đừng có nhìn nhận người dân như là một cái thùng rác như vậy.
Ban Nội Chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 27/6 công khai báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng/chống tham nhũng cho truyền thông Nhà nước. Theo đó có hơn 170 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý bị kỷ luật trong thời gian 10 năm qua. Trong số này có 33 ủy viên, nguyên ủy viên và hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong quân đội.
Riêng từ đầu năm 2020, thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội thứ 13 của đảng, đến nay có 50 người thuộc nhóm vừa nêu.
Ngoài số cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, suốt 10 năm qua, Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 ngàn đảng viên; trong số này hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.