22.06.2022
Trong tuyên bố của chính phủ, thủ tướng Đức đã cảnh cáo Nga: "Chúng tôi sẽ bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ của Liên minh". Ông Scholz cam kết với các đối tác NATO ở phía đông rằng họ có thể dựa vào nước Đức.
Ông Scholz nói: “Quan hệ đối tác với Nga, chẳng hạn như kế hoạch chiến lược năm 2010, là chuyện không tưởng trong tương lai trước mắt, đối với nước Nga hiếu chiến, đế quốc của Putin”.
Đồng thời, thủ tướng cảnh báo không gây ra những hệ lụy sai trái. Ông nói: “Sẽ là không khôn ngoan nếu phía chúng ta rút lui khỏi Đạo luật Sáng lập (Thỏa thuận Quan hệ NATO-Nga*). Tổng thống Nga Putin và đội ngũ tuyên truyền của ông ta sẽ lạm dụng điều này. Đạo luật Sáng lập khẳng định những nguyên tắc mà Putin đã vi phạm một cách trắng trợn: từ bỏ bạo lực, tôn trọng biên giới, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia độc lập. Putin cần được liên tục nhắc nhở điều này.
Trong Thỏa thuận Quan hệ NATO-Nga năm 1997, NATO cũng cam kết hạn chế triển khai lâu dài "lực lượng tác chiến đáng kể" ở khu vực phía đông của liên minh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp giữa Nga và Litauen (Litva) về vùng ngoại ô Kaliningrad ở Biển Baltic, Scholz cam đoan với các đối tác phía đông NATO về một sự tương trợ đoàn kết hết lòng của nước Đức. "Chúng tôi sẽ bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ của Liên minh," ông hứa.
Người Đức biết, lịch sử của họ nợ một lời hứa, Scholz nói. "Và đó là lý do tại sao ngày hôm nay các đối tác NATO của chúng ta ở Đông Âu có thể dựa vào nước Đức. Với lời hứa này, chúng tôi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới." Bởi vì các đồng minh khác cũng sẽ cam kết chịu trách nhiệm chung về an ninh với những đóng góp rất cụ thể, ông Scholz tin chắc rằng: “Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ phát đi tín hiệu về sự đoàn kết và quyết tâm.”
°
Theo Scholz, Đức và phương Tây phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc xung đột dai dẳng với Nga và một cuộc tái kiến thiết kéo dài ở Ukraine. Người ta phải thảo luận về "Kế hoạch Marshall cho Ukraine", cần phải làm rõ những khoản đầu tư nào sẽ thúc đẩy Ukraine nhanh nhất trên con đường châu Âu của mình. Ông thông báo, sẽ triệu tập hội nghị chuyên gia quốc tế cấp cao về vấn đề này.
Scholz nhắc lại lập trường cứng rắn đối với Nga: “Điều quan trọng hơn là chúng ta phải đi đúng hướng: với các biện pháp trừng phạt của chúng ta, với các hoạt động giao vũ khí có sự phối hợp quốc tế, với sự hỗ trợ tài chính của chúng ta cho Ukraine”. “Cho đến khi Putin cuối cùng nhận ra tính toán sai lầm nghiêm trọng của mình.” Ông xác nhận rằng xa pháo Panzerhaubitz 2000 của Đức hiện đang ở Ukraine. Người Ukraine sẽ nhận vũ khí cần thiết để tự vệ.
Tuy nhiên, đồng thời, các nước nghèo hơn phải được giúp đỡ để đối phó với sự gia tăng giá năng lượng và lương thực. Nếu không, Trung Quốc và Nga sẽ lợi dụng điều này. Các nền dân chủ trên thế giới phải sát cánh cùng nhau không chỉ chống lại chủ nghĩa đế quốc Nga, mà còn chung vai trong cuộc chiến chống đói - nghèo.
°
Thủ tướng thúc đẩy quyết tâm công nhận quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine.
Scholz kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi đối với việc chính thức tuyên bố Ukraine là ứng cử viên cho tư cách thành viên EU. Ông sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng, toàn bộ EU với 27 quốc gia thành viên nói "đồng ý".
Người Ukraine cũng biết rằng, con đường đến EU gồm nhiều điều kiện tiên quyết. Nhưng họ muốn lên đường ngay bây giờ, vì họ cam kết sẽ giảm bớt tham nhũng và ảnh hưởng của các nhà tài phiệt, cũng như nhiều pháp quyền hơn, minh bạch hơn, dân chủ hơn và một nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
VTP-LTH dịch
Nguồn: https://www.spiegel.de/.../ukraine-krieg-partnerschaft...
*
Chú thích:
(*) Đạo luật Sáng lập - Thỏa thuận Quan hệ NATO-Nga
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga và NATO bắt đầu phát triển quan hệ đối tác nhằm khắc phục mối quan hệ mất lòng tin và mối đe dọa lẫn nhau.
Khi Liên bang Nga trở thành thành viên của chương trình Đối tác vì Hòa bình vào năm 1994, một hiệp định chính thức đang được chuẩn bị từ từ, sau đó được đệ trình để phê chuẩn vào năm 1997.
Đạo luật Sáng lập thể hiện một nỗ lực nhằm đạt được sự cân bằng giữa một bên là lợi ích chính sách an ninh của các đối tác NATO và bên kia là Nga. Về cơ bản, điều này đạt được thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ OSCE và giải trừ quân bị, nhưng đồng thời NATO không muốn từ bỏ hoàn toàn tiềm năng răn đe của mình.
Đối với Nga, phía phương Tây mong đợi những nỗ lực của Nga hướng tới dân chủ hóa, dựa trên chủ nghĩa đa nguyên, pháp quyền và tôn trọng quyền tự do dân sự, dự kiến sẽ tiếp tục.
Đổi lại, Nga được trao những đặc quyền đối với NATO mà không một quốc gia không phải thành viên nào có thể nhận được.
Cả hai bên cam kết từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tham khảo ý kiến lẫn nhau và giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Thỏa thuận Quan hệ NATO-Nga công nhận những thay đổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và phấn đấu cho một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau nhằm tạo ra một khu vực an ninh và ổn định chung. Các nguyên tắc được thống nhất là: "từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại nhau hoặc chống lại bất kỳ quốc gia nào khác, chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia đó" và "tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia và quyền tự nhiên của họ lựa chọn các phương tiện bảo đảm an ninh của mình, sự bất khả xâm phạm về biên giới và quyền tự quyết của các dân tộc". Các mục tiêu chính trị là tạo ra các nền kinh tế thị trường tự do và bảo vệ chúng cũng như sự tham gia ngăn chặn xung đột của các bên ký kết dưới sự bảo trợ và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo: https://de.wikipedia.org/wiki/NATO-Russland-Grundakte