Cách đây ba tuần, tôi có dịp đi bộ một khoảng hơi xa nhân ngày họp mặt gia đình. “Cự Ly” từ nhà ga Yoyogi Hachi Man đến nhà thờ Hatsudai khoảng 1 km mất khoảng 10 phút đi bộ là bình thường, nhưng phải mất gần 15 phút vì cứ phải đợi mẹ cháu. Mình có cái dáng đi xấu tàn xấu tệ, cái tính trời ban nên không bỏ được. Cứ đi cùng mẹ cháu là thế nào cũng có câu nhắc nhở: “Ông phải vạch hai đường thẳng song song tưởng tượng trước mặt, hai chân khép lại, đừng đi chàng hảng, lệch qua lệch lại”, “sao vai bên trái sao cứ xệ xuống vậy, phải “điều chỉnh” cho hợp với vai bên phải chứ. “Dạ vâng, tôi biết”. Trong lòng cứ thắc mắc “đi bộ mà cũng phải học à?, miễn sao tới địa điểm thôi chứ. Làm sao mà tập cái cách đi bộ như ông Lê Thiệp tập đi với một ông nhà sư gốc Biệt Động nào là: “Cứ đi, cứ đọc kinh, cứ thở. Đi và đọc kinh là Hình. Đi đọc kinh và thở là Khí." Rồi thì "Đáng lẽ còn phần nữa là Thể nhưng không quan trọng gì. Bạn ta cứ chịu khó đều đều thì có thể tự mình tìm ra Thể là gì”. Khó Thấy Mẹ.
Nhưng hóa ra Câu hỏi: “Đi bộ cũng phải tập à” cũng có lý à bạn ta. Mời bạn ta đọc bài dưới đây của ông Lê Thiệp “lững thững và lai láng” đã được người ta chỉ bảo đi bộ sao cho đúng cách. (Vũ Đăng Khuê)
--------------------------------
Rủ nhau đi bộ
Ông Ngô Vương Toại say sưa nói về Suối Nguồn Tươi Trẻ. Cứ như ông thì chỉ có năm thức tập mà hữu hiệu vô vàn, cải lão hoàn đồng. Ông nói về bí thuật của đạo gia bên Tàu với những phương thuật ghê gớm như Dịch Cân Kinh, Tẩy Tuỷ Công. Đạo gia đã sống một cuộc sống phong phú về mọi phương diện. Ông Toại nhấp nháy con mắt bảo: "Kể cả cái vụ kia cũng hùng dũng ghê gớm, ăn bứt Viagra".
Ông lại nêu ra các sư Tây Tạng tu theo Mật Tông cũng hằng ngày tập năm thức Suối Nguồn Tươi Trẻ để có thể đạt đến cảnh giác cao nhất của thiền định. Ông say sưa nói. Bao giờ ông Toại chẳng say sưa nói.
Đây là một ông bạn lạc quan nhất trong những ông bạn. Chưa bao giờ ông chịu thua ai. Vốn không bao giờ để tâm đến thể thao nhưng nếu cần thì ông cũng sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến. Khi bằng hữu tụm năm túm ba bàn về Football, ông Toại nhất định không chịu ngồi chầu rià.
Ông hỏi:
- Thế tuần này Redskins đánh với ai?
Một ông ưa giễu cợt trả lời:
- Redskins đánh với đội của Michael Jordan, ông bắt ai?
- Bắt Michael Jordan là cái chắc.
Và ông say sưa thuyết minh tại sao Redskins sẽ thua mà còn thua đậm nữa là khác.
Cái đáng yêu của ông đôi khi đưa đến những niềm tin rất lạ. Khi tôi khai bị cao máu, bị tiểu đường, bị cao mỡ, ông bảo đừng lo lắng gì. Y khoa bây giờ tiến bộ với tốc độ luỹ tiến... có nghiã là tiến như đi hia bảy dặm. Chỉ vài năm nữa là có thuốc trị bá bệnh, uống một viên khỏi tuốt luốt, cải lão hoàn đồng. Ông nêu những tên tuổi trong ngành y khoa, những phát kiến nghe như chuyện khoa học giả tưởng, những báo cáo ghê gớm trong các hội nghị y tế để chứng minh cho cái thuốc bách bệnh của ông. Rồi ông trấn an tôi bằng chính kinh nghiệm bản thân của ông:
- Rượu là tinh tuý của ngũ cốc, là thức uống thanh nhã nhất của loài người cổ xưa. Cứ theo thống kê thì dân Pháp nhờ uống rượu mà không bị cao máu, cao mỡ, không bị tim nghẽn và những bệnh lăng nhăng khác như tiểu đường. Rượu lợi tim, lợi tiểu, giúp máu lưu thông, điều hoà cơ thể. Ông thấy tôi không? Tôi uống với ông ở đám cưới thằng Nhuận chắc cỡ một chai Cognac chưa kể bia và Champagne mà vẫn lái từ Phila về tận đây. Ông tính bỏ thuốc à? Sao kỳ vậy, tốn biết bao nhiêu tiền mới nghiện được, sao lại bỏ?
Quả ông Toại vẫn chơi lạc đà chân đất, tức Camel không đầu lọc, ngày ít ra cũng một gói. Quả ông Toại uống rượu giỏi. Ngoài tên cúng cơm ông còn dăm ba bút hiệu như Thạch Hãn, Tiểu Ba và Hũ Chìm...
Phan Nhật Nam ngoài tài viết còn có tài coi tướng một hôm phán "Tướng cậu Toại là qúi tướng, dáng đi bộ trọng thân khinh giống cụ Diệm. Cụ Diệm phát đến ngôi vua nhưng chết thảm. Cậu Toại may chỉ bị thương nhưng bù lại được cái sống lâu". Hồi sinh tiền ông Như Phong có lần ngắm tướng ông Toại nói "Toại có cái lưng cánh phản, vai ngang, cổ bành. Số khoẻ, sống lâu". Vụ ông Toại bị thương vậy mà cũng gần bốn chục năm rồi. Ông bị đặc công Việt cộng bắn ngay trên sân khấu trong một buổi sinh hoạt sinh viên tại trường Văn Khoa. Ông trúng đạn nhưng tử thần chê ông vì ông cao số. Ông cũng tự nhận mình là cao số vì ông là người cuối cùng lọt vào toà đại sứ Mỹ hôm 30/4/75. Ông dơ tờ báo Newsweek chụp trang bià có hình cô em gái đang bị kẹp giữa hai cánh cổng sắt và nói: "Số không lớn thì làm sao cả nhà tôi lọt vào trong toà đại sứ được".
Từ ngày quen biết nhau chưa bao giờ thấy ông bạn mình lại bỗng nhiên tán dương môn Suối Nguồn Tươi Trẻ và xúi nhau tập môn khí công đang ăn khách trong cộng đồng Việt Nam hiện nay.
Đến lúc câu chuyện hào hứng tôi hỏi:
- Chơi một lon không ông?
- Moa kiêng.
- Trời đất, ông Toại không uống rượu nữa?
- Bác sĩ nói đường cao quá, áp huyết có lúc lên đến 160.
Tôi nhìn ông im lặng.
Ông nhìn tôi và chậm chạp bảo:
- Ông cứ rủ tôi về cái vụ đi bộ, đi tread mill gì đó. Bây giờ ông nói rõ lại cho tôi xem sao.
- Thế còn Suối Nguồn Tươi Trẻ?
Ông Toại nâng ly đá lạnh uống rồi trầm ngâm không trả lời.
Nhân vật Đồng Mỗ của Kim Dung có môn võ công Sinh Tử Phù lợi hại vô cùng. Bất kể nhân vật nào bị cấy Sinh Tử Phù là suốt đời phải vâng lệnh Đồng Mỗ nếu không sẽ không có thuốc giải. Trong người có Sinh Tử Phù nếu thiếu thuốc thì kinh mạch đảo lộn, tứ chi như có ngàn con kiến cắn, cơ thể đau buốt có thể phát điên lên mà chết.
Đấy là chuyện kiếm hiệp, chuyện tưởng tượng. Khi y khoa chưa tiến bộ có những trường hợp chết đột ngột mà dân Việt gọi là trúng gió độc. Y học mỗi ngày một tiến bộ và những bệnh có nguyên do rõ ràng như bị vi trùng tấn công thì dễ đối phó, nhưng đến những chứng bệnh không có nguyên nhân rõ ràng thì xem ra cũng chỉ biết giữ cho bệnh đừng có thêm trầm trọng.
Cao máu, tiểu đường, cao mỡ là những thí dụ điển hình. Những bệnh này không do vi trùng gây nên, cũng không phải vì một vài bộ phận trong cơ thể bị lệch lạc gây ra. Đó là những tên sát nhân vô hình. Invisible killers. Truy cứu mãi, các chuyên gia kết luận có thể vì di truyền, có thể vì cách ăn uống, có thể vì cách sống và có thể chẳng có nguyên nhân gì ráo trọi.
Chỉ có cách trị duy nhất là giữ cho bệnh không nặng thêm. Những bệnh này tự nó không làm chết người nhưng nó phá nát, làm hư hại những cơ phận trọng yếu của cơ thể như tim gan phèo phổi, mạch máu và từ đó đến cái chết rất gần gũi.
Đành uống thuốc cầm nó vậy. Thế là bị cấy Sinh Tử Phù, suốt đời ngày ngày vất vào miệng nuốt dăm ba viên cái thì trắng, cái thì đỏ, có cái màu xanh màu vàng vui ra phết. Quên không chơi thì chết ngay. Nhẹ thì ngây ngất khó chịu, nặng thì có thể lăn đùng ngã ngửa bất cứ lúc nào.
Khi bị phát giác trong người có tên sát nhân vô hình, tôi vốn sợ thuốc tây và có thành kiến với y lý Tây phương là thuốc tây chỉ trị được bệnh có nguyên nhân rõ ràng, nhất là các bệnh do vi trùng. Dăm ba viên trụ sinh là xong. Nhưng đến những bệnh do âm dương ngũ hành thì phải quay sang nền y học Đông phương. Tôi mò mẫm, đi hỏi ông này bà kia. Hình như mỗi người Việt Nam là một ông thày thuốc.
Tôi mua quả sơn trà phơi khô pha như pha trà đặc, uống chua đến vãi ra quần. Tôi uống trái nhàu của Hawaii. Tôi thử cả cây xương rồng vắt lấy nước đem pha với mật ong. Bạ đâu cào đấy.
Thuốc nam do đàn anh Thanh Thương Hoàng đem từ Việt Nam sang. Chẳng hiểu là lá gì, rễ cây gì, trông cứ như một bó cỏ dại, đổ đầy ấm sắc còn một phần ba thì uống.
Ông Thanh Thương Hoàng còn bảo nếu có thể thì nuôi ong mật, mỗi ngày để ong chích vào tay độ vài chục lần nhất định sẽ khỏi tuyệt bệnh. Cũng may tôi chưa đến trại nuôi ong mua một ổ đem về.
Tôi đi châm cứu. Phải có dăm ba vị khác nhau. Ông thì già ông thì còn trẻ. Cái kim của mỗi ông một khác. Có ông châm không đau nhưng có ông cắm chiếc kim dài thòng vào vai đau buốt lên tận óc.
Cuối cùng thì đành quay lại ông bác sĩ gia đình. Ông người Mỹ, bác sĩ chữa tôi lâu năm. Ông hỏi tôi rất cặn kẽ về sinh hoạt hàng ngày của tôi và kết luận từng điểm một:
- Về ăn, thể tạng của người Á đông cộng với thói quen ăn rau đậu cá nhiều hơn thịt đỏ nên tôi sẽ không phải kiêng khem. Tôi chợt nhớ lâu lắm tôi không ăn steak, bữa tối nào cũng cơm canh rau, đậu hũ, dưa cải muối và tí cá hoặc giả có thịt thì cũng chỉ sơ sịa. Ông thày thuốc tuy vậy vẫn dặn dò kỹ, nên tránh xa mấy tiệm như Mc Donald và ăn càng nhiều rau đậu trái cây càng tốt.
- Về uống, tôi khai chỉ uống trà thì ông gật gù nói: "Thú thật tôi không rành về trà, chỉ đọc sách thấy đó là một thứ uống tốt, mặc dù có chất Théin nhưng không làm hại tim". Nhưng rượu thì nên hạn chế.
Càng ít càng tốt, tránh loại dữ như Whisky, Cognac, Vodka. Nếu có thể thì chiêu ít ly vang đỏ. Thuốc lá ráng bỏ càng sớm càng tốt. Ông bác sĩ đưa cho tôi một bản phân tích rất rõ về những gì nên ăn, những gì nên tránh.
Xem ra vụ kiêng ăn không khó lắm.
Sau đó ông hỏi đến sinh hoạt hàng ngày và bảo tôi phải tập thể dục. Tôi đờ người ra. Hỡi ơi cả đời tôi có bao giờ sờ đến quả tạ đâu? Hồi còn trẻ nhìn mấy ông trong hội "con kiến càng" vai to ngực nở bụng thon tôi phục sát đất, nhưng chưa bao giờ có cao vọng trở thành hội viên con kiến càng.
Ông bác sĩ lại hỏi tôi có chân trong Health Club nào không. Tôi lắc.
Ông hỏi có bao giờ ra các trung tâm thể thao thể dục của quận lỵ, tôi cũng lắc.
Ông hỏi hồi bé có đá banh, có chơi bóng bàn, bóng rổ, tôi cũng chỉ có thể đánh bài lắc.
Ông hỏi nhà tôi có tread mill không, tôi cũng lắc.
Ông gật gù thông cảm.
Trong những cái toa ông cho tôi có một mảnh giấy nhỏ gửi tôi tới một chuyên viên dạy đi bộ với lời nhắn nhủ rất thân ái: "Thuốc là để giữ cho bệnh không tăng. Nhưng còn việc cử ăn uống và tập đi bộ quan trọng hơn nữa. Đi bộ đâu có tốn kém gì mà lại vui nữa, ông thử đi".
Ông Toại ơi,
Đi bộ mà phải học à? Vụ này bảo hiểm không chi nên tôi đành móc túi trả 125 Mỹ kim cho khoảng 45 phút trong cái phòng tập để được dạy đi bộ sao cho trúng cách. Xin kể cho ông Toại nghe.
Huấn luyện viên sau khi hỏi tôi sơ sài về vụ có đau xương đau cốt, khớp xương có sưng không, đêm nằm có khó thở không, có mất ngủ không, bèn bảo tôi đi bộ cho ông ta coi. Ơ! Tôi đã từng đi khắp bốn vùng chiến thuật, từng vượt biên, từng đi đẩy những chiếc xe móc quần áo trong siêu thị Mỹ, từng đi bưng phở thì sợ gì. Tôi đi một vòng. Ông huấn luyện viên gật gù bảo:
- Ông đi gần trúng rồi, chỉ một chút nữa thôi.
Cái chút nữa đó, chỉ độ 15 phút, xem ra làm tôi mờ người, đổ mồ hôi hột. Trước hết là bộ dạng. Phải thẳng người ngực ưỡn vai ngang để bụng hóp vào khiến xương sống không bị cong. Sau đó là khi đi gót chân phải xuống trước, khi cả bàn chân đã nằm hẳn trên mặt đất thì mới bắt đầu nhắc chân phải.
Bước đi càng dài càng tốt, đi làm sao các bắp thịt ở đùi, ở mông và nhất là ở ngang thắt lưng đều làm việc. Nếu ông để ý quan sát thì những "chuyên viên" đi bộ, khi đi cặp mông hơi ngoay ngoáy trông diễu không chịu được.
Khi đi hai tay vung một cách cương quyết, không cần phải dang thẳng tay mà vung cao quá, chỉ cần đều nhịp với bước đi là được. Cuối cùng là thở, hơi thở ra dài càng tốt để thở ra cái khí ô trọc trong người đi. Thế là gần 60 tuổi đầu tôi lại bắt đầu học đi bộ. Cũng từ đó hàng xóm láng giềng bỗng thấy một cậu Mít gầy guộc diện quần xà lỏn áo thung, chân dận giày ba ta trắng hăm hở đi bộ ngoài đường.
Mục tiêu đặt ra là phải đi được 30 phút mỗi ngày với tốc độ 4 miles một giờ. Tôi bèn lấy xe lái vòng quanh xóm thì thấy phải đi hai vòng quanh khu tôi ở mỗi ngày.
Nay thì tôi biết rất rõ nhà nào nuôi chó, nhà nào nuôi mèo, nhà nào chịu khó cắt cỏ, nhà nào lắm xe.
Cái xóm nhỏ tôi sống từ cả chục năm, tôi có bao giờ để ý đến đâu. Đi làm về là chui tọt vào trong nhà, phềnh ra tay chai la-de, tay điếu thuốc ngắm cái màn ảnh ti vi. Nhưng nay tôi đã có thể dơ tay chào cả xóm, nhất là mấy ông Mỹ to dềnh dàng trẻ bằng nửa tuổi tôi ngày nào cũng gặp. Chỉ có cái khác là họ chạy như thằng phải gió còn tôi thì cố bước cho dài cho nhanh. Tuy nhiên kết quả thì cũng mồ hôi mồ kê y chang nhau.
Thường ngày đầu của trò đi bộ đúng cách mông ngoay ngoáy, tay vung, bước dài, ngực ưỡn, lưng thẳng là cả một cố gắng vô bờ. Chưa được nửa dặm tôi đã phải dừng lại thở phì phò, chân tay rời rã. Cố lết về đến nhà là ngôi bệt xuống ghế tu luôn một ly nước lạnh đầy. Nhưng dần dần cũng "tốt thôi". Tôi bỗng thấy mình nhẹ nhõm hơn, ăn cơm thấy ngon miệng hơn và tối ngủ một lèo.
Nay thì mỗi ngày tôi đi bộ 45 phút ngoài trời. Nếu phải ngày mưa gió tuyết bão thì leo lên cái tread mill đạp 30 phút. Xin có lời chua nhỏ, đi trên tread mill là đi một mạch, không ngưng nghỉ nên tôi chỉ dám đi có 30 phút ở tốc độ 4.2 miles một giờ ở độ dốc 3%. Nếu những chi tiết kỹ thuật vừa rôi có làm bạn ta rối trí thì chả quan trọng. Cứ bỏ ra vài trăm đôn tậu một cái để ở đâu đó trong phòng ngủ thì biết ngay.
Sáu tháng sau tôi trở lại khám bệnh, ông bác sĩ đo đạc đủ thứ rồi gật gù bảo: "Nếu ông cứ chịu khó kiêng cữ tập tành thì kỳ tới có thể bớt liều lượng thuốc".
Ba năm sau ngày chập chững học đi bộ, bớt ăn thịt bò bít-tếch, tôi đã chỉ còn phải uống mấy thứ thuốc xanh xanh đỏ đỏ, mỗi thứ một nửa liều lượng lúc đầu.
Ông Toại ơi,
Cái gì cũng được. Thái Cực Quyền, Khí Công, Suối Nguồn Tươi Trẻ hoặc quê mùa như tôi, đi bộ, nhưng điều quan trọng nhất là làm có đều không. Sinh Lão Bệnh Tử là điều Đức Phật nói từ cả ngàn năm trước.
Không thẩm quyền gì về chuyện ra đời và cũng không thể tránh được tử thần nhưng cái quãng giữa hai thứ này xem ra tôi, ông và bất cứ ai cũng có quyền đóng góp chút đỉnh. Để khoẻ hơn. Để vui hơn. Để đấu hót với bằng hữu vi vút hơn.
Ông rủ tôi đi tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Hẳn đó là phương pháp đầy hiệu nghiệm nên ông mới có thể thuyết trình lâu thế với anh em. Ông còn dọa rằng sẽ đưa tài liệu dày cả chục trang và cuốn video để cho tôi mượn coi. Hôm đó tôi cũng doạ lại sẽ đưa cho ông tài liệu về đi bộ còn hay hơn Suối Nguồn Tươi Trẻ nữa.
Nhưng thú thật làm gì có tài liệu về đi bộ ngoài những chi tiết rất gọn. Nếu ông đi 30 phút, 4 miles một giờ thì ông đốt hết 240 calories. Tôi không còn nhớ calories là cái qủi gì, làm sao đo, nhưng đó là sách vở. Nếu tim ông đập lên cỡ 100 đến 110 nhịp một phút thì đúng cách, giúp cho máu tuần hoàn, đỡ nghẽn mạch máu. Nhưng tôi cam đoan ông sẽ chảy mồ hôi đầm đià và như vậy, theo y lý đông phương, ông tống được hết chất độc ra.
Tôi chỉ có thế để nói với ông về chi tiết kỹ thuật của vụ đi bộ. Nhưng có điều này xin khai thật cùng ông. Hôm nào tôi không đi bộ một vòng, hoặc không leo lên cái tread mill, tôi cảm thấy như phạm tội vậy. Nếu ông muốn có cái cảm giác này, mời ông đi bộ cùng tôi ít lâu.
Ông Toại ơi,
Ông cao số, sống lâu và sống khoẻ. Ông bảo ông đến 83 tuổi mới phát, giàu nứt đố đổ vách. Trong khi chờ đợi cái số nó đến, hay ông cứ thử cùng tôi đi bộ cho ba cái bệnh lăng nhăng cao mỡ cao máu tiểu đường nó đừng tác oai tác quái. Ông nghĩ sao, ông Toại? Ông có đi bộ nhớ rủ thêm ông Khanh đi cho vui. Nhá.
Lê Thiệp