Thứ sáu, 06.05.2022
▶️ Cho phép công bố các quan điểm bất đồng
*
Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược zero-Covid và Trung Quốc vẫn đứng về phía Nga. Nhưng trong Đảng Cộng sản, sự chỉ trích chính sách của Chủ tịch nước ngày càng nhiều hơn. Trong một động thái hiếm hoi, hiện nay ban lãnh đạo ĐCS cho phép công bố các quan điểm bất đồng đối với đường lối của Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã tự đưa mình vào một bế tắc kép: “chiến lược zero Covid” của chế độ độc tài cộng sản không chỉ lấy đi phần tự do còn lại của những người bị giam hãm mà còn gây nguy hiểm cho sự phồn thịnh phải khó khăn lắm mới đạt được của họ. Nền kinh tế bị suy thoái, bởi tình trạng lockdown toàn phần của các thành phố trên khắp đất nước, trong đó có cả hải cảng và nhà máy. Chỉ riêng ở Thượng Hải, có hàng trăm con tàu đang nằm chờ được chất hàng. Hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ vô cùng nặng nề, chứ không chỉ riêng Trung Quốc có nguy cơ ngưng trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế.
°
⭐️ Sự chỉ trích đối với Tập Cận Bình ngày càng tăng trong ĐCS
Bế tắc thứ hai là sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga, trong cuộc chiến chống Ukraine của Vladimir Putin. Lãnh đạo Trung Quốc, mà chính là Tập Cận Bình, đã tính toán sai. Vào cuối tháng Hai, ông ta đã nói về một tình bạn không thể tan vỡ giữa chính phủ của ông và chế độ độc tài điện Kremlin. Theo sau đó là cuộc xâm lược của quân đội Nga. Trung Quốc ủng hộ Putin và trở nên cô độc trên chính trường quốc tế.
Trong vương quốc của Tập, người ta có rất ít cơ hội để lên tiếng chống lại giới lãnh đạo, nhưng trong giới lãnh đạo hạn hẹp của Trung quốc, hành động của Tập đứng về phía Nga không phải là không gây tranh cãi. Hơn hết, vì Trung Quốc luôn khẳng định rằng: chủ quyền của các nước khác phải được tôn trọng, nên có sự xầm xì chỉ trích Tập, nếu đã nói như vậy thì không thể tiếp tay cho Nga trong chuyện vi phạm chủ quyền.
Những người chỉ trích chủ yếu lo ngại về vị trí của Trung Quốc trên chính trường quốc tế, khi mà thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đang đứng về phía Ukraine. Tuy nhiên họ câm lặng trước việc Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Thậm chí đã có một cuộc giao tranh ở biên giới với Ấn Độ vào năm 2020. Vì vấn đề không phải là chuyện tranh chấp lãnh thổ mà là tương lai của Trung Quốc. Qua sự bế tắc kép, Bắc Kinh tự thấy rằng, một thảm họa toàn diện có thể xảy ra, nếu Trung Quốc bị trừng phạt vì ủng hộ Nga.
°
⭐️ Trung Quốc có rất nhiều thứ để mất
Do đó, trong những ngày này, kịch bản của Bắc Kinh là để mặc cho Nga tự nhận hậu quả về cuộc chiến đang diễn ra của họ. Các chiến lược gia của Bắc Kinh cho rằng, đàm phán hòa bình là cách tốt nhất, nó sẽ có lợi cho Nga hơn. Theo họ, tiếp tục một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí là hạt nhân giữa Nga và thế giới tự do, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến vị thế và nền kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc còn nhiều thứ để mất hơn Nga: Họ đang chuẩn bị trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai trước mắt. Trong khi đó, nền kinh tế của Nga không lớn gì hơn Tây Ban Nha, một nước đang đứng thứ năm ở châu Âu. Ngoài khí đốt, dầu mỏ và vũ khí hạt nhân, Moscow không có gì để cung cấp cho thế giới.
Các biện pháp trừng phạt, nhằm vào Nga và cả Trung Quốc, đều có hại cho tất cả các quốc gia tham dự vào nền kinh tế toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp và doanh nhân của Đức cũng đang đầu tư ở nước ngoài, đầu tư ở Nga và ở Trung Quốc. Nếu việc giao hàng và thanh toán bị tổn thất, các khoản thua lỗ lớn phải được tính đến. Với hậu quả là nền kinh tế của thế giới tự do, của các nhà đầu tư và người gửi tiền tiết kiệm, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
°
⭐️ Không phải tất cả mọi người trong ĐCS đều đi theo đường lối của Tập Cận Bình
Giới lãnh đạo cộng sản đang thận trọng gửi những lời lẽ chỉ trích ĐCS ra thế giới, nhằm thể hiện một cách nhẹ nhàng rằng: không phải tất cả mọi người đều tán thành đường lối thân mật của Tập Cận Bình với Putin và chắc chắn họ không muốn chết chung với Nga. Tập Cận Bình toan tính trở thành chủ tịch nước lần thứ ba tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào mùa thu. Vị thế phò Nga đầy nguy hiểm và cách xử lý đại dịch Covid khủng khiếp có thể phá hủy dự định của ông ta. Nhưng đó thực sự sẽ là một tin tốt lành cho thế giới và cho những người bị ngược đãi tại xứ sở không có tự do của ông Tập.
VTP-LTH dịch
*
Nguồn: https://www.focus.de/.../kolumne-vom-china-versteher-xi...
—————-
Tác giả là khách mời của tuần báo hàng đầu tại Đức: Focus.
Alexander Görlach là Thành viên cao cấp tại Carnegie Council for Ethics in International Affairs ở New York, nhà ngôn ngữ học và thần học, có bằng tiến sĩ, giảng dạy lý thuyết dân chủ ở Đức, Áo và Tây Ban Nha với tư cách là giáo sư danh dự tại Đại học Leuphana. Năm 2017-18, ông làm công tác nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc, tại Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Thành phố Hồng Kông. Ông hiện đang nghiên cứu về ngành công nghệ mới tại Viện Internet của Đại học Oxford, cách chúng được sử dụng trong các nền dân chủ và cách chúng bị lạm dụng trong các chế độ độc tài.