Ngày 12 tháng 4 tổng thống Biden tại thành phố Des Moines tiểu bang Iowa đã kết tội Putin phạm tội diệt chủng vì đánh vào các cơ sở dân sự nhà thương trường học, giết hại thường dân trong đó có đàn bà con nít. Nghe ông Biden nói vậy thì đã có bài viết trên tuần san The Week gốc ở Ăng Lê và cơ sở kinh doanh ở New York lên tiếng bảo "ông Biden nên im miệng lại" (Biden needs to keep his mouth shut). Vì nói nặng như thế có thể gây hậu quả nặng nề (loose lips sink ships). Trên mạng điện tử giang hồ tiếng Việt đã có ngay một bài viết khuyến cáo Biden im miệng, và trích dẫn những nhận xét phê phán Biden là chính trị gia kỳ cựu nhưng hay hớ miệng. Nhẹ nhàng thì như một bài viết trên hãng thông tấn AP ngày 13 tháng 4/2022 "When Biden 'nói từ trái tim' là không nói vì quyền lợi hay cho nước Mỹ" (When Biden 'speaking from his heart' doesn't speak for US). Bài báo cũng trích dẫn nhận xét của bà Kathleen Hall Jamieson, giám đốc trung tâm Chính sách công (Annenberg Public Policy Center) tại đại học danh tiếng Pennsylvania: "Obama là người tự kiểm soát lời nói của mình rất cao, còn Biden thì không. Khoảng cách về sự suy nghĩ và lời phát biểu của Biden không rộng". Ý hẳn là chê Biden nghĩ sao nói vậy. Tuy có bề dầy kinh nghiệm về chính trị ngoại giao nhưng Biden đã nhiều lần lỡ miệng. Bài báo cũng nhắc nhở rằng “Là tổng thống Hoa Kỳ ông không thể nổ súng trước rồi suy nghĩ về điều mình nói sau này. Bởi vì người dân sẽ nổ súng theo lời truyên bố của ông.”
Những phê phán trên nếu không phải là vì ghét Biden thì là vì theo như tinh thần suy nghĩ co thủ cổ xưa của các cụ ta là "họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập" (họa do miệng mà ra, bệnh do miệng mà vào). Người Mỹ cũng có câu nói "you are what you eat". Người Việt thiếu ăn mà chết. Sang Mỹ và các nước Tây phương giầu có dư thừa, ăn nhiều sinh béo phì, tiểu đường, cao mỡ, cao áp huyết máu mà tiêu vong. Miệng nói ra dễ sinh tai họa bởi một khi nói ra rồi, lời nói truyền đi nhanh xe bốn ngựa khó mà đuổi theo lấy lại (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Thời câu tục ngữ này xe bốn ngựa là xe nhanh nhất. Hàm ý là nói ra rồi không lấy lại được. Suy rộng ra là lời nói đã làm mất lòng người thì không chữa lại được nữa. Ở xã hội nông nghiệp ít di chuyển thời xưa, khi hàng xóm láng giềng không còn tin tưởng thì thật là khó sống, Chỉ có nước bán sới mà đi. Vì thế ông Khổng Tử mới đưa ra năm nguyên tắc hành xử gọi là ngũ thường gồm nhân lễ nghĩa trí tín mà người thi hành trọn vẹn thì được gọi là quân tử. Ngày nay thời đại thương buôn di chuyển dễ dàng, những nguyên tắc này không được coi trọng nữa. Bởi gặp khó khăn, mất tin tưởng chỗ này thì đi chỗ khác làm ăn. Nhất là sau thời tổng thống Donald mới rồi. Mới nói ngược đó rồi nói suôi đó chẳng sao.
Ai cũng nhớ rằng cái cậu công tử nhà giầu nguyên chủ sòng bài, nguyên tổng thống Hoa kỳ này, đã xử dụng triệt để cái nguyên tắc tự do ngôn luận, nói cho đã miệng bất kể đúng sai, được ghi rõ trong tu chính hiến pháp số 1. Trump thua Biden 8 triệu phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2019 nhưng nhất đjnh không chấp nhận mà tiếp tục nói là vì gian lận bầu cử, cho tới tận nay. Nhờ một đám đông đảo sống bằng nghề viết và cãi. Mà một trong những tên lâu đời nổi tiếng làm cho Trump là Michael Cohen. Bất đồng ý kiến thì đi kiện. Nếu có dư tiền để chi cho thầy cò thầy cãi. Cụ thể người ta biết rằng Trump chuyên sống bằng kiện tụng mà tổng số lên tới 4,095 vụ trong 3 thập niên. Cho tới sau khi trúng cử tổng thống năm 2016, đã phải chi ra 25 triệu đô la cho xong một vụ kiện trước khi vào ngồi ở phòng bầu dục Bạch cung.
Nói thì như vậy, nhưng người bình dân Việt Nam từ ngày xưa cũng đã từng biết thực tế chẳng mấy ai giữ lời, kể cả những bậc quân tử "đạo cao đức trọng". Cho nên đã có câu tục ngữ chê bai cái sự không giữ lời này, là "Người ta quân tử nhất ngôn, anh nay quân tử sờ l.. hai tay". Sự so sánh hai cái bộ phận cơ thể công dụng và chiều hướng khác nhau này của con người là một lối cười riễu thâm thúy trong các chuyện tiếu lâm Việt nam. Một trong các chuyện này mà tôi còn nhớ lúc nhỏ xíu bà nội tôi kể là chuyện ông cố đạo Tây râu xồm che kín mặt kín miệng về làng. Người Tây da trắng cao lớn to béo râu xồm là một hiện tượng hiếm hoi đối với dân quê và dĩ nhiên là quái dị đối với lũ trẻ con chẳng biết gì ngoài lũy tre với đồng ruộng. Cho nên chúng bám theo xem cho đã. Sau chót có đứa không nhịn nổi nói với chúng bạn "ông Tây không có mồm". Chỉ là ý kiến ngây thơ nói riêng với nhau nhưng không ngờ ông cố đạo biết tiếng ta, mới vạch râu ra nói lớn: "Không mồm thì là cái l.. mẹ chúng mày đây à?!". Cho tới bây giờ, thực tình tôi vẫn không biết rằng câu chuyện bà tôi kể này là thật hay giả. Nhưng dù sao thì nó cũng nói lên cái tinh thần không thích Tây và ghét cái tà đạo người Tây đưa vào, dẹp bỏ truyền thống dân tộc thờ cúng ông bà của người mình vốn lấy gia đình làm trọng.
Sự so sánh này chẳng phải là độc nhất cho người Tây. Vì nói chung thì nó còn được dùng cho những đối tượng người dân thù ghét mà không làm gì được. Là giới quan lại mà thông thường được kể là nhũng lạm. Cho nên mới có câu "miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm". Chẳng hiểu các dân tộc văn minh và có lịch sử bị áp chế như người Việt có lối vì von đó không, người viết những giòng này không biết. Mong các bậc trí giả đông chữ chỉ giáo.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 26 tháng 5/2022)