Tựa đề bài viết có vẻ như tên một bản nhạc. Đúng vậy, bản nhạc có cùng tên đã được nhạc sĩ Đức Huy sáng tác và có nhiều người hát, nghe thật mượt mà, tha thướt với những câu nghe xong lịm cả người.
Trong đôi măt em, anh là tất cả
Là niềm vui, là mộng ước trong thoáng giâу
Em sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau
Ɲồng nàn như đã dấu уêu từ thuở nào.
Nhưng không hẳn là chủ đề của bài viết này. Nó chỉ là cái “cớ” để bắt sang chuyện khác. Xin bắt đầu câu chuyện về cái “thứ đó” đã thúc đẩy tôi loạng quạng một vài câu chuyện….tầm phào.
-----------------
Từ ngày thiên hạ đeo “thứ đó” trên người, lúc con “quái vật” họ “cô” tên “vi” xuất hiện, thì sự quan sát và đánh giá về ”đối tượng” của mình đã không còn chính xác và trung thực. Vậy thứ đó “là cái quái gì vậy”?
Dạ thưa: Đó là một miếng vải dệt hay lụa muôn màu muôn sắc, có chiều dài trung bình từ 20~30cm, chiều ngang từ 10 đến 15cm thòng thêm 2 cái dây mỏng dính buộc chặt vào cái vành của một “bộ phận” mà chúng ta dùng để “nghe ngóng” chuyện xung quanh.
Đối với Nhật Bản thì loại này dùng cho tất cả bốn mùa lá đổ. Nhưng từ gần 3 năm nay, thì chuyện đeo cái lỉnh kỉnh vào người đã chiếm gần 99 % tại Nhật.
Người người đeo “nó”, nhà nhà đeo “nó” và toàn dân đeo “nó”, vì đây là trận “chiến khốc liệt giữa con người và cái con bé li ti, mà tất cả toàn dân là “chiến sĩ”.
Mỗi sáng, mỗi chiều trong hàng hàng lớp lớp người, chen chúc nhau trong xe điện, bất ngờ có một hình bóng nổi bật làm nhiều con mắt đổ dồn về một phía khi phát hiện có người không muốn mang cái thứ mà họ cho là lỉnh kỉnh…Xe điện đã phải tạm dừng để nhân viên nhà ga, cảnh sát tới năn nỉ “xin ông xuống hộ, cứ như thế này thì “sinh hoạt” phải ngừng, bao nhiêu người sẽ khổ”. “Ông” cãi lại bảo có “Tu Chính Án” nào qui định việc cấm chỉ này không, và “ông” nhất định giữ vững niềm tin, sự thực thì ông nói đúng là như thế, vì đây chỉ là lời khuyên tự nguyện cho những ai “biết điều”, nhưng cuối cùng “ông” cũng phải xuống vì những tiếng monku (文句than phiền) xung quanh, cũng giống như ngoài đường phố chợ, ông cởi trần chỉ “chơi” có một cái quần xà lỏn dính trên người thì coi sao được. “Ốt dột” lắm ông ơi, xuống là phải rồi.
Khoảng đầu năm 2020, thứ này rất khan hiếm, muốn mua thì vô cùng là khó giống y hệt như cảnh Việt Nam ta xếp hàng chờ thử nghiệm “âm” hay “dương” tính, vì chẳng có ai nghĩ đến nó là một thứ “nhu yếu phẩm” hay “vật dụng cần thiết” cả. Hầu hết là hàng xuất xứ từ“xứ lạ” và ngay cả Việt Nam ta cũng dư ra và “ngạo nghễ tự hào” tặng “đế quốc Mỹ” làm….quà chống dịch.
Nhưng khi đã thành “nhu yếu phẩm” thì Nhật Bản mới chính thức ra quân với những công xưởng chế tạo đặc biệt và bây giờ đã trở thành dư thừa được sản xuất theo chiều hướng: fashion khẩu trang đủ loại, xanh đỏ tím vàng sao cho hợp với “màu mũ anh hay mầu áo em”.
Đường xá tràn ngập màu sắc nhưng “kẹt” một cái là ….không thể tìm được nụ cười mình ưng ý vì mồm miệng che kín mít.
Loanh quanh vòng vòng hoài phát mệt, thôi nói luôn “thứ đó” là cái mà tiếng Việt gọi là “đồ bịt mặt chừa đôi mắt”, “mặt nạ” hay thông dụng hơn là cái “khẩu trang”, tiếng Nhật gọi là “Makusu”.
Dạo này cơn sốt cô vi tuy vẫn chưa mất hẳn, từ khi con người chấp nhận việc sống chung với lũ, vẫn còn số nhiễm cao nhưng được cái là không bị nặng và số người chết cũng giảm hẳn, nên câu hỏi cho một “bình thường mới” đã được đặt ra: Bao giờ thì “thoát” nó? Cũng 3 năm vướng bận với nó rồi còn gì, nhất là mùa hè đã lấp ló ngoài ngõ, mang đến những cơn nóng “kinh thiên động địa” rồi lại chết vì…“trúng nắng” v.v…..
Ở những xứ “mũi lõ mắt xanh tóc vàng sợi nhỏ”, hay ngay tại vài xứ “da vàng mũi tẹt” thì ngoài “nước lạ” ra, chủ trương “0 cô vít”, thì việc không cần thiết đeo đã được thế giới từ từ dỡ bỏ. Riêng tại Nhật, thì chính phủ đã thông báo và “đề nghị”:
Từ đầu Tháng 6 thì số người được nhập cảnh bao gồm cả khách du lịch sẽ được tăng lên, và không cần phải “ngoáy mũi”, cách ly sau khi trình “thông hành 3 mũi” hay “giấy chứng nhận “âm tính”.
Không cần phải đeo “nó” lúc “dạo phố” hay lúc đi lùng mua đồ nửa giá, nhưng không nên “tâm tình” với người đang đi cùng hướng hay ngược hướng. Chỉ cần phải đeo “nó” ở những chỗ rợp bóng cờ bay nhưng nên hoàn toàn trong thinh lặng. Bạn ta thử nghĩ? Đi cổ võ cho một trận túc cầu mà mình ủng hộ chỉ được phép vỗ tay, không được hò hét. Giống như được mời đi dự tiệc mà không được cho….chất cồn vào người vậy. Khổ ơi là khổ. Nhưng đành chịu chứ biết sao? Nghĩ đi nghĩ lại thì “im lặng” hay “không dzô” thì đâu có chết thằng Tây nào đâu nhỉ.
Trở lại cái tựa đề, tôi xin nói rõ hơn để quân ta không thắc mắc. Khoảng 2 năm nay, tôi có “việc” phải đi gặp thường xuyên những ánh mắt “long lanh”, đẹp như “mắt nai”, nhưng tôi vẫn thấy chưa trọn vẹn vì “em” lại đeo cái thứ lỉnh kỉnh suốt 2 năm. Đánh bạo có một lần tôi làm bộ không nghe rõ, và “em” đã “thoát trang” cho tôi quan sát toàn khuôn mặt thì trời ơi!
Phải nói là “em” quá đẹp khi thấy em cười. Rạng rỡ, trong sáng. Nụ cười có thể làm bừng sáng một ngày “đen tối” nhất, nó mang lại cả một bầu trời, mang lại niềm hạnh phúc cho bất kỳ ai. cũng như nụ cười của mấy cô nữ sinh áo dài trắng với những mái tóc dài mà nhạc sĩ Pham Duy đã viết thành lời ca trong bài hát Tuổi Ngọc:
Xin cho em một mớ tóc dài
Cho em phơi ngoài hiên nắng rọi
Rụng một vài sợi thôi
Còn lại một con suối
Dòng mượt mà buông xuống chùm vai
Viết đến đây lại nhớ đến nụ cười của “nàng tiên áo trắng” mà tôi vừa khám phá!
Hôm qua nhặt được nụ cười
Đem về dấu kín cho đời thêm… xinh
Chà! ai lỡ rớt linh tinh
Tôi mãi mê lượm, lặng thinh bên đường
(Thơ chôm trên mạng)
----------
“Mình về có nhớ ta không”
“Ta về ta nhớ hàm răng cô mình cười”
Thế là tôi vui suốt ngày hôm đó.
Trong đôi mắt anh, em là tất cả!
Bắt sang chuyện khác khi tương tư đến nụ cười của Hoàng Hậu Masako mà có thời tôi chết mê chết mệt.
"Đò đã rời bến bao năm. Sao bướm vẫn lẩn thẩn lằm bằm ... chờ hoa?
Dở lần từng trang FB bây giờ là Meta tình cờ tôi đọc lại được mấy giòng chữ nhắn riêng từ một cô trong nước khi đọc bài viết của tôi mấy năm trước:
Chuyện hai công nương!
https://www.facebook.com/notes/376036873585551/
tôi để nguyên lời nhắn của cô mời bạn ta đọc qua:
Cháu chào chú,
Những bài viết của chú về Công nương Masako, đã làm cháu thêm hiểu về những góc khuất của một người phụ nữ tài, sắc nhưng có số "tiến cung" từ một người phụ nữ u sầu thành đương kim hoàng hậu.
Từ nay, tiếng nói của bà hoàng Masako đã có trọng lượng, lại thêm sự hỗ trợ của Nhật hoàng, người luôn ở bên cạnh và ủng hộ bà trong 26 năm qua sẽ làm cho bà tỏa sáng trở lại ạ.
Báo chí trong nước phân tích không thể sâu sắc và cặn kẽ như chú đã viết, có lẽ vì lý do chính trị. Họ không dám viết về những hành động phản kháng của công nương Masako từ những việc như nuôi dạy, giáo dục con gái kiểu Mỹ, không đi tham dự sự kiện nhưng lại ngày ngày đưa đón con đi học hay cầm túi xách Fendi :)))
Cháu cảm ơn chú rất nhiều ạ.
----------------------------
Tưởng rằng đã quên nhưng khi đọc lại những lời nhắn trên thì lòng lại “dại” hẳn. Câu chuyện.... “tương tư” một chiều của tôi với “kiều nữ” bắt đầu hình như vào ngày 1/6/1998 nghĩa là cũng lâu lắm rồi. Hôm đó là tôi một thành viên của phái đoàn Việt Nam đi theo cô Trần thị Thức (chồng là giáo sư Đoàn viết Hoạt đang bị cầm tù tại Việt Nam) để thay thế giáo sư Hoạt nhận giải thưởng “Ngòi Bút Vàng” của tổ chức Giải Bút Vàng Tự Do trao tặng) tại Kobe, qui tụ 800 nhà báo từ khắp 41 quốc gia trên thế giới. Vì cô Thức là 1 trong những người được mời phát biểu về tình trạng nhân quyền của chồng nên được sắp xếp ngồi ngay hàng ghế đầu, đối diện với Hoàng Thái Tử Naruhito và công nương Masako, 2 đại diện hoàng gia đầu tiên tham dự giải, chúng tôi chỉ cách nhau chục mét và nhìn rất rõ mặt nhau, Khi cô Thức trình bày, mọi người đều chú mục vào hàng ghế những người đã đi cùng với cô Thức, thỉnh thoảng công nương Masako lại nhìn về nhóm tụi tôi (gồm 6 người) và để lại ánh mắt rất lâu, vì khi nghe người MC giới thiệu: đó là những người tị nạn Việt Nam định cư ở Nhật đang tranh đấu cho một nhân quyền thực sự VN, cô nhìn và nở nụ cười với ai thì tôi không rõ, nhưng tôi cứ nghĩ là cô nhìn tôi cho dễ.... kể.
Đang trong thời kỳ trầm cảm, nhất là áp lực sinh thằng cu tý của Hoàng gia, nên nụ cười của cô có vẻ rất gượng gạo không tươi, không vui như lúc cô là một nhân viên bộ ngoại giao. Tôi để ý, “chụp” lại trữ trong ký ức của tôi hình ảnh cô ngay từ lúc đó. Theo tôi đây là một nụ cười chỉ mang tính ngoại giao chứ không thật.
Thỉnh thoảng qua báo chí TV sau đó, hình ảnh cô cười cũng đầy rẫy nhưng tôi chưa cảm thấy nụ cười nào mà tôi vừa ý. Mãi đến trước ngày đăng quang (1/5/2019), trong một chương trình giới thiệu episodo về cô, có một nhiếp ảnh gia của đài TV Fuji, người đã theo chụp hình cô mấy chục năm có công bố một tấm hình lịch sử duy nhất của cô với một nụ cười mà ông ta chấm là nhất, “không nghi ngại” “thật tươi sáng” chung với Hoàng Thái Tử khi chơi một trò chơi lúc đi thăm dân cho biết sự tình. Và tôi thấy bức hình này đẹp nhất khi so sánh với những nụ cười khác, và thâm tâm tôi chủ quan nghĩ là qua nụ cười, cô đã tìm lại được con người thật của chính mình (có thể tôi sai, nhưng tôi nhất định... tin như vậy). Tiếc là không ghi lại được hình ảnh đó nên mời bạn ta xem đỡ hình này có lẽ lúc nàng còn chưa “nhập cung”.
Còn chuyện bướm hoa mở đầu câu chuyện là trong bài “Tương Tư” của nhà thơ Nguyễn Bính là do... tôi tưởng tượng ra vì tôi nghĩ:
Nó là một hình thức nôn nao, trông chờ chứ chả mang ý nghĩ đơn thuần… “Thương Nhau Ngày Mưa” đâu bạn ta.
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau.
Và bây giờ “bến” là cô và tôi là “đò” đã gặp nhau coi như giải quyết ....xong. Và mình sẽ còn để nhiều thời gian.... tương tư hình bóng khác cho đời thêm.... tươi đẹp chứ chẳng hạn như.... mà thôi “bí mật”, có người nói tôi đang “hồi xuân” chắc cũng không.... sai.
“Trong đôi mắt anh em là tất cả”.
Đúng là chuyện lẩm ca lẩm cẩm bạn ta nhỉ. Xin kiếu vì đã “đến cơn….”.
Vũ Đăng Khuê