May 24, 2022
WASHINGTON, DC (NV) – Ông Henry Kissinger, chính khách kỳ cựu của Mỹ, thúc giục Tây phương ngừng đẩy lực lượng Nga vào tình thế thất bại nặng nề ở Ukraine, đồng thời khuyến cáo điều đó sẽ gây ra hậu quả tai hại cho sự ổn định lâu dài của Châu Âu, theo The Telegraph.
Ông Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, từng thiết lập mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong Chiến Tranh Lạnh trước đây. Trong cuộc họp ở Davos, ông cho rằng việc Tây phương bị cuốn theo trận chiến và quên đi vai trò của Nga trong cân bằng quyền lực Châu Âu là vô cùng nguy hiểm.
Ông nói rằng cuộc chiến không được phép kéo dài thêm nữa và thúc giục Tây phương cố ép Ukraine chấp nhận đàm phán xoay quanh những điều khoản không phù hợp với mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của họ.
“Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới trước khi tạo ra biến động và căng thẳng khó giải quyết. Lý tưởng nhất, ‘đường biên giới’ phải là đường quay trở lại thời điểm trước chiến tranh (status quo ante). Theo đuổi cuộc chiến ngoài lằn ranh đó sẽ không phải vì tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga,” ông phát biểu.
Trước khi mở ra cuộc xâm lăng, Nga cũng đã chiếm và sát nhập Bán Đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ mình, đồng thời huấn luyện và trang bị võ khí cho thành phần ly khai vùng Donbas.
Ông Kissinger nói trước Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) rằng Nga đóng vai trò trọng yếu trong Châu Âu suốt 400 năm qua và bảo đảm cân bằng cơ cấu quyền lực Châu Âu vào những thời điểm quan trọng. Theo ông, các nhà lãnh đạo Châu Âu không nên đánh mất mối quan hệ lâu dài và cũng không nên mạo hiểm đẩy Nga vào một liên minh dài hạn với Trung Quốc.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh Tây phương chống lại ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đang gặp mâu thuẫn khi cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng leo thang và các lệnh trừng phạt gần như đạt đến giới hạn.
Ông Robert Habeck, phó thủ tướng Đức, cáo buộc Hungary và các quốc gia “bảo thủ” khác đang làm tê liệt nỗ lực của các thành viên EU còn lại nhằm tiến hành lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Ông Habeck, từng giữ chức bộ trưởng Kinh Tế, cho hay Đức ít nhiều đã sẵn sàng chịu đựng cú sốc sau khi cắt giảm toàn bộ lượng dầu nhập cảng của Nga nhưng những nước khác lại muốn tiếp tục như hồi trước cuộc chiến.
Ngoài ra 11 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa và 57 dân biểu Mỹ đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch viện trợ khổng lồ trị giá $40 tỷ cho Ukraine, một dấu hiệu bắt đầu cho thấy sự lung lay ở Washington.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do AP công bố hôm Thứ Ba cũng cho thấy có nhiều người dân Mỹ tuy ủng hộ phía Ukraine nhưng cũng đòi chính phủ Mỹ phải lo cho họ trước tiên. Đây là điều phản ánh tâm trạng của dân chúng Mỹ qua nhiều cuộc chiến tranh từ trước đến nay.
Không chỉ ở Mỹ, câu hỏi liệu rằng Tây phương có thể duy trì mặt trận thống nhất để theo đuổi cuộc chiến sâu rộng như vậy vẫn chưa có lời giải đáp. (V.Giang) [qd]