Ơ kìa, tôi là dân Bắc Kỳ sinh ở La Thiện, Sơn Tây, nơi mà bố tôi tán là có sông Đà uốn khúc, có núi Ba Vì với huyền thoại hai thánh Tản ngồi đánh cờ trên đỉnh đến nỗi quên cả thời gian, bố tôi còn kể lại trên đường từ Sơn Tây ra Hà Nội đến chợ Phùng có một ông làm thơ tình hay lắm…. nhưng hôm nay tôi lại nói “lạc” sang cái xứ thần kinh thương nhớ. Cái xứ mà chữ “tao” đọc là “tau”, “ném” đá gọi là “đoi” đá, “Việt Cộng” lại đổi thành “việt cọng” không có dấu mũ. Vân vân và mây mây. Cái xứ “sản sinh” ra nhiều bài thơ chẳng hạn:
Cho dù nắng đổ hay mưa
Nón em vẫn giấu sớm trưa nụ cười.
Duyên O gái Huế ai ơi
Đằng sau chiếc nón một thời để yêu
Lặng im không biết tỏ nhiều
Mà sâu thăm thẳm như chiều mùa Đông.
Thương ai thương mãi, thương thầm
Cho dù xa cách bao năm vẫn chờ.
(Chôm trên mạng)
….
và bài nhạc
"Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
cho lòng nhớ ai?
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài..."….
(Mưa trên phố Huế - nhạc sĩ Minh Kỳ)
nghe lịm cả người, nhưng lại gánh chịu đầy tang tóc vào mùa tết năm đó. Chắc chắn tôi phải có lý do khi nói về Huế chứ. Xin cứ đọc từ từ rồi sẽ hiểu.
*Tôi có một thằng bạn đã ra người thiên cổ, gốc Huế, khi nói chuyện với mọi người cứ giữ nguyên giọng, nhưng nghe riết cũng quen. Nó ít khi nói về xứ Huế nhưng có một điều tôi nhớ hoài: “Dạo đó Huế thật là kinh hoàng thê thảm, nhưng may quá nhà tau lại không bị gì”, tôi có ý hỏi “nhà mày ở đâu mà không bị” nhưng không có dịp vì nó đã đi xa.
*Khác với tên bạn trên, tôi lại có một ông bạn gốc Huế khác, ông này dù giữ nguyên giọng Huế khi nói chuyện, nhưng ông kể cho tôi và mọi người vanh vách về những cơn biến động miền Trung, và những tang thương về vụ thảm sát, chôn sống người hàng loạt, vì tận mắt ông chứng kiến, khiến ai nấy cũng bàng hoàng. Ông này còn tiết lộ đặc điểm của dân xứ Huế: Ông mà nghe hai người Huế chính gốc nói chuyện, ông hiểu tôi ….chết liền. Thật vậy, tôi đã nghe cha Nguyễn Hữu Hiến và Thầy Thích Chơn Lễ nói chuyện trong một buổi cầu nguyện chung cho Tự Do Việt Nam. tôi chỉ lơ tơ mơ đoán được…. vài mươi phần trăm nội dung hai ngài trao đổi.
*Tôi lại quen với một hoa khôi đồng khánh cũ, cùng trang lứa, bà đã “dạy” tôi về cách xưng hô của người dân xứ Huế: “Trời ơi, tui phải gởi ôn về Huế để học lại cách xưng hô nghe chưa! Đàn ông hoàng tộc Huế gọi là Mệ, đàn bà goi là Mụ. Tui là dân thường nên gọi là O, Tui có 1 Mệ hoàng phái, ngày xưa và ngày nay vẫn còn say tui, viết văn rất hay. Anh chàng này là dòng chính, trực hệ của vua Bảo Đại. Tôi hỏi ngược gái Huế có ghen không vì tôi nghe nói như vậy? “O” này gửi luôn 4 câu thơ trong trang “Kết Nối Huế Thương” xác nhận:
Người ta noái... ớt Huế cay
Mấy O xứ Huế thường hay ghen chồng
Ớt cay cho má môi hồng
Mấy O xứ Huế yêu chồng mới...ghen!
“O” này còn kể chuyện mưa xứ Huế nghe thật não lòng….chiến sĩ.
“Nhớ lại mùa mưa xứ Huế thật là chán "mưa dầm dề, mưa thúi đất thúi đai" thế mà hồi tưởng: những năm tháng còn đi học Khải Định hồi đó chưa có chiếc áo mưa, và chưa có xe đạp để đi, chỉ biết lội bộ mang cái "tơi cá", mưa tác phía nào thì xoay tơi qua phía ấy để khỏi lạnh và ướt, có lẽ nhiều bạn không biết cái áo mưa này, (gọi là cái tơi, có hai loại tơi cá và tơi đọt), tơi cá lá to dày mang vào mà đi bộ phía sau cọ vào chân đến chảy máu, tơi đọt thì lá nhỏ như lá tre nên sang hơn) ...”
*Còn có một “O” mà tôi đã quen từ bao năm trước vì “O” này lúc nào cũng “em đang lót dép ngồi hóng đây” nghĩa là “O” hối và thúc tôi viết và viết, từng “gài” tôi kể lại chuyện tình với…. bà Khuê, khiến tôi cầm lòng không đậu. Viết xong “O” này vừa khen vừa chê; làm tới luôn:
1: Mới nhìn tưởng Anh tui lù đù như cá thu lu nhưng lu, lưới cũng vượt vũ môn (chả cần là cá chép)
2: TÚM LẠI ANH GÕ THỦNG 85 CÁI MÕ MỚI RƯỚC ĐƯỢC NGƯỜI TRONG MỘNG ,TIÊU CHUẨN CHỌN VỢ CỦA CÁC ĐẤNG LIỀN ÔNG.
Đúng là
Con gái Huế.... buồn buồn nói giọng Huế
Không khéo mà họ chạy thấu bên.... tê.
Rứa, răng, nói chi mà đến lạ
Họ nghe tròn mắt.... chộ chưa tề.
*Tôi có thằng em tạm gọi là kết nghĩa gốc Đà Nẵng, quen nhau cũng trên dưới 40 năm, tên mà có lối viết khúc chiết, gãy gọn và hay dùng những con chữ, danh từ rất ư là độc đáo. Vợ hắn tên là N. dân xứ Huế. Trong một bữa nhậu tại nhà, “O” kể là anh của “O” là bạn một thằng bạn học cùng năm với tôi tên N.C.N, đã từng ở trọ nhà “O” trước khi hắn vào Saigon học Đại Học Khoa Học. Bây giờ thì hắn định cư tại Úc. Tôi liên lạc N. để hỏi là có nhớ “O” thì hắn trả lời là “nhớ mang máng”. Sau đó tôi không liên lạc vì tôi bị “sự cố giao thông” tông cột điện thương tích đầy mình. Không hiểu bây giờ N. có nhớ rõ ra “O” chưa?
Sở dĩ hôm nay tôi có vài hàng lẩm cẩm về cái xứ thần kinh này là vì tôi vừa tìm ra bài viết rất ư là Huế của ông anh đồng hương cũng gốc Sơn Tây đã ra đi 8 năm trước. Bài viết rất “rõ ràng, bao cả xứ Huế vào một bàn tay” khiến tôi nhớ ơi là nhớ… chỉ dù trong tâm tưởng vì chưa một lần đến Huế giống như chả biết La Thiện, Sơn Tây ngày xưa thế nào và bây giờ ra sao.
Thôi ….để tiết kiệm thì giờ nên Mời Bạn ta cùng đọc!
Trăng Đại Nội
Bỗng dưng nhớ Huế tệ. Nhớ quay nhớ quắt. Lý do là buổi sáng ra khu Eden thì bỗng gặp ông bạn Đan. Ông Đan đi với vợ và bận đủ thứ chuyện nên bẽn lẽn xin lỗi đã đến DC mà không liên lạc với bạn bè. Thì đã sao? Bằng hữu chơi với nhau không nên nghiêm trang và khách sáo quá, miền là giữ cái tình cái nghĩa, nhất là tình nghĩa của thời còn cắp sách đi học còn mọi sự thì có gì đáng để bận tâm. Nhưng khi chia tay nhau thì những kỷ niệm ào ạt trở về, nhớ Huế vô vàn và không hiểu bạn mình có nhớ đêm Trung Thu năm đó chăng?
Tôi không nhớ lần đầu tiên đến Huế năm nào, chỉ nhớ cùng đi có ông bạn Bảo Hoàng – con vua cháu chúa thứ thiệt. Nhưng ông này mất gốc, sinh và lớn lên ở Miền Nam, nói đặc giọng Nam Kỳ, trong cách ăn ở chả có tí Huế nào cả. Nên khi tôi hỏi núi Ngự Bình ở đâu thì ông ớ người ra. Trên đường từ Phú Bài vào may quá có đi qua Ngự Bình và câu nói Non Bất Cao Thủy Bất Thâm hiện ra trong đầu tôi. Gọi Ngự Bình là núi e hơi quá vì đó chỉ là một ngọn đồi hơi cao mà thôi. Tối hôm đó tất nhiên tôi ngủ đò cho biết mùi đời.
Trong cảnh sông Hương phẳng lặng chỉ hơi gợn tí sóng nhất là có tí hơi men, a lê hấp tôi vươn vai bờ lông dông xuống. Mẹ ơi tí nữa thì đi đong. Mắt tôi tối sầm, mồn sặc bùn và rong rêu, may quá cố vùng vẫy nổi lên được. Sông Hương quãng đó trông mênh mông nhưng nước nông sờ và đáy toàn rong rêu mọc trên bùn. Tình Ca — Tôi yêu tiếng nước tôi — có câu “Tôi yêu những sông trường. Biết ái tình ở dòng sông Hương.” Ông Phạm Duy khi viết câu nhạc này không hiểu có phải là vụ ngủ đò không và nếu quả như vậy thì hiện thực khi được thi vị hóa e sẽ khiến những kẻ như tôi khi đâm sầm vào thực tế, thất vọng biết chừng nào.
Xin kể một câu chuyện khác cũng hơi na ná cho thấy chuyện gì cũng có mặt phải mặt trái. Nhớ Người Cày Có Ruộng? Ông Thiệu có lẽ sẽ “Để Tiếng” trong lịch sử nhưng đạo luật Người Cày Có Ruộng, chính đạo luật này đã khiến Cộng Sản trớt lớt khi chiếm được miền Nam, đã bó tay trong mưu toan dùng chính sách chia ruộng để mị dân và không thi hành nổi cái quái chiêu hợp tác xã nông nghiệp đã làm miền Bắc tan hoang. Điều lạ là khi ký đạo luật này thay vì ký ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiệu lại chọn đất Thần Kinh. Đám nhà báo tụi tôi có mặt ở Huế trước đó một hai ngày. Tôi còn nhớ cùng Lê Phú Nhuận của đài Sài Gòn đi ngủ đò cho phải phép trong khi chờ đợi. Trên sông Hương, sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ quân dịch hai đứa ngồi trà dư tửu hậu với hai cô bé sông Hương. Tôi hỏi:
– Em có biết hò Huế không ?
– Hò chi mà không biết. Rứa anh muốn hò chi?
– Hò chi cũng được, miễn là hò Huế.
Cô bé cất tiếng :
– Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
Thương nhau rồi hãy kíp về mau.
Nữa mai đây bóng xế qua cầu.
Bậu còn thương bậu biết gửi sầu về nơi mô.
Không ngờ cô bé hò hết xẩy, giọng lanh lảnh vang xa như cùng những đợt sóng lan rộng trên mặt sông. Cũng không ngờ là Lê Phú Nhuận đã mở máy ghi âm thu toàn bộ câu hò. Hôm sau, trong cuộc trực tiếp truyền thanh lễ Tổng Thống VNCH ký đạo luật NCCR mở đầu là câu hò Lê Phú Nhuận thu trên sông Hương và sau đó là câu dẫn “Kính thưa qui thính giả… Quí vị vừa nghe một giọng hò Huế, không phải của một ca sĩ nhà nghề mà là của một thôn nữ, một o gái quê Huế …”
A ha hình như tôi đang lững thững trong quá khứ, trong kỷ niệm riêng tư nên đã lạc đề rồi. Vâng hôm ấy vào một buổi xế chiều mùa hè đỏ lửa tôi từ La Vang về Huế, đang lững thững đi trên cầu Tràng Tiền mắt láo liên nhìn những nữ sinh Đồng Khánh áo trắng quần trắng tóc thề đạp xe đạp thì một chiếc xe Jeep nhà binh ép vào và có tiếng :
– Ê, Thiệp mày đi đâu vậy ?
Nguyễn Quang Đan nhoài người ra khỏi xe gần như muốn ôm lấy tôi. Nhìn ông đại úy Thủy Quân Lục Chiến trang bị đến tận răng dù đang ở hậu cứ Huế, tôi nhớ ngay ông bạn mình đang là người đi sát với tướng Bùi Thế Lân, xếp chúa TQLC nên máu nhà báo nổi dậy quên phéng hỏi han bạn bè:
– Ê tao đang ở đây lo tin tức. Mày hỏi xem tao phỏng vấn ông Lân được không?
– Tao đang kẹt tứ tung, mày ở đâu tối tao lại đón?
– Tao ở Hương Giang
– Ngon. Tao đến cỡ bảy giờ rồi kiếm cái gì lai rai
Tôi có cái suy nghĩ lẩm cẩm nếu Gia Long chọn Hà Nội hay Sài Gòn làm kinh đô thì liệu lịch sử Việt Nam có khác chăng? Đã đành Nguyễn Hoàng nhờ Phú Xuân mà khởi nghiệp theo lời khuyên của Trạng Trình. Nhưng đến Nguyễn Phúc Ánh sau khi thống nhất thì khác hẳn. Thành Cát Tư Hãn từ một tộc trưởng Mông Cổ đã vung ngọn mâu, thúc chiến mã tung hoành thiên hạ từ Âu sang Á nhưng rồi nhà Nguyên vẫn lấy Bắc Kinh làm kinh đô. Cái nhìn địa lý chiến lược – phải chăng là phong thủy – của ông đã giúp nhà Nguyên đứng vững lâu dài. Nếu Thành Cát Tư Hãn cũng lại bo bo với quan niệm đất tổ, lấy một thảo nguyên nào đó ở sa mạc làm kinh đô thì liệu nhà Nguyên tồn tại được bao lâu?
Huế phong cảnh hữu tình nhưng nhỏ hẹp, không hùng vĩ, giao thông thủy bộ đều không tiện lợi. Huế là cái eo của bản đồ chữ S ở chỗ thắt lại từ bờ biển vào đến biên giới chưa quá 40 cây số không phải là vị trí chiến lược để dụng binh cả công lẫn thủ. Phải chăng Gia Long với quan điểm hẹp hòi vẫn cố bám lấy “đất tổ”, đất khởi nghiệp của ông cha, thiếu cái nhìn xa trông rộng của bậc đế vương. Hà Nội có quá trình lịch sử lâu dài, có kho nhân sự đã được hun đúc từ lâu. Sài Gòn đất mới, sức sống ngùn ngụt, ruộng đất phì nhiêu, giao thông tiện lợi, có thể nhìn ra biển Đông, ngó xuống Đông Nam Á. Nếu Gia Long chọn Hà Nội – nhân hòa, hoặc Sài Gòn – địa lợi thì liệu lịch sử có gì khác chăng?
Tôi từng đến Huế trước Mậu Thân và cái hảo cảm với đất thần kinh không bao giờ phai nhạt. Học trò xứ Quảng thấy cô gái Huế chân đi không đành thì một tên Bắc Kỳ nhà quê như tôi chỉ muốn chôn chân tại chỗ. Sau Mậu Thân, Huế như một thành phố thiếu hơi thở. Vì chiến tranh. Vì bom đạn. Vì Việt Công tràn vào giết chóc không nương tay khiến Huế như một sương phụ lúc nào cũng vấn trên đầu mảnh khăn tang. Mùa hè 1972 Huế bỗng như hậu cứ của toàn bộ guồng máy chiến tranh. Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Sư Đoàn 1 và nhiều đơn vị khác nữa đang dàn hàng để tái chiếm Quảng Trị. Khắp thành phố giữa những tà áo học sinh màu trắng ngây thơ, giữa những bà già câm nín quẩy gánh bún bò bán rong, giữa những khuôn mặt ngơ ngác dật dờ của người dân là lính tráng và xe nhà binh.
Không khí chiến tranh còn thể hiện dưới những dạng khác mà khách sạn Hương Giang là điển hình. Khách sạn nằm trên bờ sông Hương rất sang trọng, đa số khách lúc đó là dân nhà báo đủ quốc tịch Tây, Mỹ, Nhật… Đám người này đến đây không liên hệ gì đến Huế và họ cũng chẳng quan tâm gì đến Huế. Họ đến đây để chia nhau rỉa rói những phó sản của chiến tranh. Nơi đây là một thế giới khác. Khi đô la lên tiếng thì cái gì cũng có. Bên ngoài có những gia đình không đủ cơm ăn ngày hai bữa nhưng tại khách sạn Hương Giang vẫn có bia Michelob, Bud, có Whisky, có Cocktail … và đủ mọi thứ để phục vụ những ông nhà báo đang góp tay vào hạ gục miền Nam.
Đại úy Nguyễn Quang Đan y hẹn đến đón tôi, và ông vẫn như lúc chiều giày saut áo trận, súng ống cả lô. Chiếc xe jeep mui trần chật cứng vì nhét đến sáu bảy mạng. Ông Đan đãi tôi món mắm tôm điềm, loại mắm tôm nguyên con đỏ lừ ăn với thịt luộc và rau sống. Quán ở Vỹ Dạ … lâu quá không về thăm thôn Vỹ … để nhìn … nét mác che ngang mặt chữ điền.
Cơm ngon và ông Đan bảo:
– Hôm nay Trung Thu, vợ tao gửi cho hộp bánh và ít trà. Mày về chỗ tao uống trà thưởng trăng.
Thú thật tôi đầu óc lúc nào cũng căng thẳng không nhớ là đã Trung Thu.
– Trung Thu rồi hả. Tao có nhớ mẹ gì đâu. Có bánh có trà thì hết xẩy.
Bộ tư lệnh của tướng Lân hình như đóng ở Mang Cá, nhưng ông Đan ngon hơn nhiều, ông trấn ngay Đại Nội. Có lẽ đã được dặn trước, khi đi qua một lô những nhà từng có tên như Tả Cung Hữu Cung… hai đứa vòng qua điện Thái Hòa vào hẳn trong thì thấy một chiếc bàn con thấp và hai chiếc ghế đẩu bày sẵn giữa sân chầu. Không hiểu mấy ông lính lôi ở đâu ra, nhưng bên cạnh đó có một bếp lò than hồng và một siêu nước đang sôi.
Hộp trà Chính Thái vẫn còn nguyên lớp giấy bóng đỏ lấp lánh, còn bánh trung thu Đông Hưng Viên thì bày trên chiếc dĩa sứ khá lớn. Chiếc ấm và hai cái ly nhỏ trông cổ kính. Đâu đó trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ dám mấy ông lính lẻn vào điện Thái Hòa chôm đỡ cái ấm chăng ?
Sở dĩ như vậy vì có lần mấy đứa nhà báo tụi tôi được ông thủ từ mở khóa cho vào tận trong. Tôi đã nhìn thấy long sàng, thấy ngai vua và đủ thứ lỉnh kỉnh khác. Một tên xin phép ngồi lên ngai để chụp hình thì bị ông thủ từ mắng cho một trận vì tội hỗn láo, tội khi quân ngày xưa có thể bị chu di tam tộc.
Nhưng cung điện nhà Nguyễn bị phá tan hoang từ 1945 khi Cộng Sản nổi lên cướp chính quyền và sau đó là bao nhiêu lớp sóng phế hưng. Ngay cả bức tường thành bao quanh cũng xập nhiều đoạn, những chỗ khác thì lở lói loang lổ. Các tòa nhà thì hoặc bị thiêu rụi hoặc mất mái trơ tường, dăm ba ngôi còn lại thì thảm não vì không ai chăm sóc. Một tên bạn ghé tai tôi nói nhỏ “Đồ rởm không mày ơi. Đồ thật phiêu du hạc nội mây ngàn lâu rồi. Mày thử nhìn mấy chiếc lọng coi. Y chang đồ phường tuồng. Vua chúa ngày xưa đâu có chơi thứ rẻ tiền mạt rệp thế.” Tôi cũng thầm đồng ý và nhìn chiếc ấm có cổ nhưng rõ là của giả chợt nhớ chuyến vào điện Thái Hòa ngày nọ.
Ông Đan của tôi thì vẫn như hồi còn ở đường Lê Văn Duyệt, lúc nào cũng từ tốn và dù trận mạc đầy người ông vẫn có nụ cười đôn hậu nở trên môi. Tôi nghĩ dù có trôi sông lạc biển, dù xa cách bao lâu chăng nữa nhưng chỉ nhìn thấy nụ cười là nhận ra bạn ta ngay. Ông Đan chậm rãi khui hộp trà, nhúm một nhúm trà bỏ vào bình, xem như xung quanh chẳng có gì đáng quan tâm. Hôm qua có thể ông đang hành quân và ngày mai có thể ông sẽ đụng địch đâu đó ở Hải Lăng. Nhưng bây giờ thì ông đang ung dung pha trà đãi bạn.
Tôi im lặng quan sát. Một chút gì nhè nhẹ dâng trong lòng tôi. Hãy còn sớm trăng chưa lên cao nhưng trời trong mây tỏ. Tôi như lạc vào cơn mơ. Xung quanh tôi là cả một lịch sử từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài cho tới nay để có Đại Nội. Những pho tượng cao bằng người thật im lìm trong ánh trăng nhạt. Những tượng voi đá bất động. Những chiếc lư đồng trên khắc ghi công trạng của các vua chúa triều Nguyễn, của những vị khai quốc công thần vẫn còn y đó quanh đây.
Ông Đan lên tiếng :
– Mẹ kiếp mấy tháng rồi chưa thấy mặt vợ con. Trung thu đáng lẽ phải cùng mấy đứa nhỏ phá cỗ …
Ông bỏ lửng câu nói, và có gì chua xót khiến tôi phải pha trò cho bớt cái thê lương :
– Thôi, đâu có phải lúc nào tôi với ông cũng có dịp ngồi trong cung cấm ăn bánh uống trà thưởng trung thu. Hay ông đóng vai Đường Minh Hoàng, tôi làm Lý Bạch cho đúng cảnh.
Đan cười. Chúng tôi quên béng những gì đang xảy ra và huyên thuyên nói chuyện ngày xưa. Ngày xưa là ngày còn bé tí ở đất Bắc, cỗ trung thu có bưởi, có hồng, có những con giống bé tí đủ màu sắc. Ngày xưa là ngày mới di cư vào Nam. Ngày xưa là hồi còn mài đũng quần ở trường Nguyễn Trãi, chuyện các ông thầy như thầy Bùi Thái Trừu. Ngày xưa là chuyện Dũng Mao Xếnh Xáng, là chuyện đi thi trung học có bài vẽ phân độ cái ghế và nhắc đến ông Thịnh Del. Ôi, đủ thứ chuyện. Chuyện ciné Đa Kao, chuyện trốn học, chuyện dĩa xôi lạp xường của bác Ba Bít Tất. Hết tuần trà này đến tuần trà khác.
Bỗng ông Đan thở dài:
– Nếu không có chiến tranh chắc tao sẽ là một anh nông dân vì tao yêu đồng ruộng và chắc gì mày đã đi săn tin chiến sự ở cái xứ Huế này. Nay ngẫu nhiên hai đứa lại ngồi giữa chốn đế vương này trong một đêm trung thu. Đáng lẽ tao mở cửa Ngọ Môn đón mày và có khi lại sai lính bồng súng chào cho nó đúng nghi lễ hoàng gia. Nhưng tính tao không giễu dở được nên thôi, chỉ nhờ mấy chú bày bàn ở đây. Thế này cũng là hỗn rồi.
Xung quanh chúng tôi lạnh ngắt như tờ. Trăng đã lên cao sáng vằng vặc, dễ có quá nửa đêm. Có cái gì rờn rợn trong không khí. Bỗng đâu những tên tuổi thoáng hiện trong đầu tôi. Tự Đức, Hàm Nghi, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Thành và cả Ngô Đình Khả cùng Ngô Đình Diệm. Tôi rùng mình da gà nổi lên. Ông Đan không hiểu có chung cái cảm giác này không nhưng nâng chén trà lên. Tôi cũng nâng chén. Trà đã nguội ngắt.
– Ngày mai tao phải đi sớm. Mới họp xong. Lệnh lạc lúc này như con thò lò nhưng mình là đầu sai, chỉ đâu đánh đó. Nếu có dịp tao sẽ hỏi ông Lân cho mày. Tao đưa mày ra cửa Ngọ Môn nhưng là cửa xép. Cửa chính ngày xưa chỉ mở khi có đại lễ. Tao nghĩ hai đứa mình tài cán gì mà dám nghênh ngang qua Ngọ Môn. Thôi thì đi cửa hông cũng vinh dự chán.
Tôi đồng ý ngay :
– Ừ. Tao thấy dù thế nào đi nữa thì cũng không thể khinh thường lịch sử được. Đi cửa hông là đúng.
Lê Thiệp
-----------------
Đến đây Bạn ta chắc đã hiểu: Tôi nhớ và mơ về xứ Huế là như “ri” đó. Vậy đi!
(VĐK)