Lời giới thiệu của Vũ Đăng Khuê:
Chuyện vượt biên hay vượt biển thì nhà nào chả có, nhất là vào những thập niên đầu khi việt cộng chiếm được miền Nam. Chuyện thì thiên hình vạn trạng, đủ kiểu, vì có thể bạn ta đã từng là nhân vật chính hoặc đã nghe lại từ gia đình, hoặc người xung quanh về cuộc đào thoát vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam sau ngày “toàn trị”. Có rất nhiều sách vở ghi lại những “trang sử” đau thương đó hoặc cho chính mình, gia đình mình, cũng là những nhắc nhở cho thế hệ sau về những “holocaust” của Việt Nam.
Số phận người Việt bị khinh khi như “cùi, như “hủi”, khi chế độ đã đoạt được đích cuối cùng, họ bị gạt ra ngoài cuộc sống, rồi bị lùa vào trại tập trung, và họ đã vùng lên tìm sự sống, đánh đổi cả sinh mạng để tìm được mảnh đất còn dung dưỡng tình người. May thì tồn tại, còn không thì “thà chết trên biển cũng …thú hơn” là sống dưới một chế độ mà bất cứ ai cũng là tàn dư Mỹ ngụy.
Đoàn người đã đi tìm quyền sống: vượt biên và vượt biển. Sau bao ngày lênh đênh khốn cùng trên biển cả, mặc cho những lời van lạy, những sóng gió tung lên vật xuống, từng đoàn tàu vô tình hay cố tình bỏ mặc lướt sóng đi qua.
Có chuyến đầy may mắn được tàu “ghé mắt”. Có chuyến hoàn toàn mất xác như chuyến của một người thân trong nhà. Có chuyến vừa may vừa rủi, ngậm ngùi thủy táng từng người từng người một như chuyến vượt biên “41 ngày trên biển chết”.
Mấy hôm nay, may mắn tìm lại được bài viết đã đăng trong Nguyệt San Người Việt Tự Do số 76, 77 phát hành 42 năm trước. Tôi đánh máy lại và giới thiệu với bạn ta.
Theo tôi thì đây là một trong những hồi ký sống động nhất nói về những chuyến vượt biên mà tôi đã được đọc và đã từng vừa đánh máy vừa hồi hộp, vừa đợi chờ ngay từ lúc bài viết được hoàn thành. Người kể là anh Nguyễn Văn Tuệ và người viết là người ..... có lối viết sôi nổi, sống động, gay cấn, cảm động, có trước, có sau. Người viết là ai (không phải là tôi) chắc bạn ta đã đoán ra.
Tất cả những chi tiết và nhân vật trong hồi ký đều là người thật, việc thật.
Hôm nay, lắng lòng, xin tâm thành cầu chúc cho những ai được may mắn sống sót và đau xót cắt lòng chia buồn cho những kẻ đã ra đi.
Dân tộc ta sao nỡ bị đọa đày!
Mời bạn ta vào chuyện.
---------------------
41 Ngày Trên Biển Chết! (Lê Thiệp/ Người Việt Tự Do)
CẢNG OMAHARA, 25 tháng 7/1981
“Ngoảnh lại nhìn những người thân thuộc lờ mờ trong đêm đen, , tôi nhớ đến phim"Chúng tôi muốn sống" và những hình ảnh của 1954 hiện rõ trong đầu tôi lúc đó. Tôi khóc. Nước mắt tôi ứa ra lẫn với mồ hôi rơi sót lại thỉnh thoảng tấp vào mặt tôi. Tôi biết lần đi sẽ mất mát. Mất quê hương”.
Ngồi trong căn phòng của bệnh viện ở cảng Omahara, anh Tuệ đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. Trời ngoài kia xám đục, không khí oi nồng như sắp mưa. Hai tháng trước, đêm đó trời không trăng và lúc chập tối trời mưa. Những cơn mưa rào mùa này nặng hạt nhưng chóng tạnh. Khi từ thuyền trở về trời tối hẳn. Anh chờ ông Hồ hơi lâu. Hẹn 4 giờ chiều mà đến tận 5 giờ hơn ông ta mới ra. Bến Phước Hòa lúc đó thật lạ dưới mắt anh. Nó mang vẻ kỳ bí, chung quanh anh có vẻ vẫn vậy. Dặm ba người trong những khoang thuyền ngó mông lung, những người khác đang hút thuốc. Những đứa trẻ nhôm nhếch đùa cợt. Một chiếc ghe đi te về đang thu vén lưới và lo đưa mấy rổ cá lên. Hình như chẳng ai để ý đến anh. Nhưng có vẻ như ai cũng đang nhìn anh, rình rập anh. Tên du kích nghênh ngang đi đi lại làm anh khó chịu. Hay nó sắp sửa lên khám ghe.
Anh ngó ra phía xa. Rừng Sát này trông thê lương vì thiên hạ chặt củi dữ quá, những cây bần cây đước như không kịp mọc lên. Ôi cái chế độ đã từng vẽ khắp nơi cái khẩu hiệu “Trồng cây 10 năm, trong người 100 năm" sao có thể phá hoại cây cỏ thiên nhiên đến như vậy. Anh bâng khuâng. Nếu những loại cây nước mặn tiếp tục bị phá hủy, tiêu diệt như cái đà này, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?
Cả một vùng Rừng Sát vốn như một cản lực thiên nhiên khiến biển không lấn sâu vào đất liền nay bỗng bị hủy hoại. Anh lắc đầu. Đến cái câu khẩu hiệu trồng cây trồng người mà ông Hồ Chí Minh còn nhận vơ của mình thì việc gì mà chế độ này từ nan. “Thập niên chi kế hà như thu mộc, Bách niên chi kế hà như thụ nhân” (Kế sách mười năm gì hơn trồng cây. Kế sách trăm năm gì hơn trồng người). Lãnh tụ cả nước mà khơi khơi lấy lời nói của cổ nhân nhân vơ làm của mình, viết thành khẩu hiệu ký tên mình dán khắp cả nước, coi khinh kẻ sĩ trong thiên hạ đến thế là cùng.
Tiếng cậu em nói khẽ làm anh bừng tỉnh. “Ông Hồ ra kìa anh ". Tiếng nói như thì thầm, như sợ hãi, Dáng ông Hồ đi từ phía bờ đi lại trông có vẻ lật đật. Anh băn khoăn. “Mọi người đã đến cả chưa”? Một nghìn thứ bất trắc có thể xảy ra. Đông trẻ con quá. Và còn những 8 tiếng đồng hồ nữa, 8 tiếng sinh tử. Ông Hồ có nhiệm vụ lái chiếc ghe ra khỏi cửa Cần Giờ.
Rừng Sát như một tấm mạng nhện khổng lồ, đường sông, đường lạch chi chít dọc ngang như một mê hồn trận, không phải là dân thổ cư khó mà ra lọt. Lại còn những cồn cát, bãi lầy, không biết thể nào cũng mắc cạn. Đã có quá nhiều người vượt biển bị bắt vì ghe bị cạn. Ông Hồ sinh sống ở ven Rừng Sát đã lâu, vốn không quen trước, nhưng do sự móc nối, giới thiệu, ông đã đồng ý đứng tên để mua ghe. Phải là dân địa phương mới có quyền mua ghe. “Mua ghe!”. Anh bật cười. Bọn anh đã phải mua một cái ghe mà chỉ có trên giấy tờ. Sau đó xin sửa ghe. Với giấy phép sửa ghe, một chiếc ghe mới hoàn toàn đã được đóng. Máy mua từ Sàigòn nhưng được tháo rời từng bộ phận. Không có cách gì để chở 1 cái máy dầu từ Sàigon ra Láng Cát. Anh nhớ đến bến xe đò Saigòn-Vũng Tàu lúc nào cũng đông nghịt người. Suốt mấy tháng trời đi đi về về lần nào anh cũng mua vé chợ đen. 30 đồng một vé, gần bằng lương của một anh công nhân. Sự tham nhũng đã lên đến mức trắng trợn.
Khi cầm một bộ phận của máy lên xe đò, người lơ xe nhắc nhở: “Cái gì ở trong vậy, 30 đồng hành lý nghe”. Gã lơ xe không cần biết cái gì ở trong, nhưng gã sẽ dấu kỹ cho anh. Công an du kích nhan nhản khắp nơi rình mò, bất cứ chỗ nào dọc đường một trạm kiểm soát có thể dựng lên với dăm ba tên công an mặt mũi vêu vao, hau háu. Có lần anh nhớ chiếc xe đã phải ngừng tới năm lần để công an khám. Cái gì cũng có thể là hàng lậu và cái gì cũng qua nếu biết điều. Anh rùng mình không nhớ là đã đút lót cho những ai, từ cấp ở phường lên đến cấp quận để hoàn thành chiếc ghe. Ai cũng có quyền bắt người và ai cũng có quyền ăn hối lộ miễn là cán bộ, đảng viên. Chế độ như một bàn tay khổng lồ gai góc bóp chặt.
Ông Hồ lần giây neo rồi trèo lên ghe. Mắt ông đăm chiêu, ông hỏi:
- Có gì không?
Câu hỏi tổng quát chẳng nhắm vào cái gì cả, nhưng anh nghe như ông muốn hỏi: “có bị lộ?”. Nhìn vẻ mặt ông Hồ lòng anh nhũn ra. Sự lo âu là của mọi người. Anh cười trấn an:
- Yên chí.
Giao ghe cho ông Hồ, anh men theo bờ đê về hướng quốc lộ. Người anh rã rời, đầu óc trống rỗng. Anh bước đi theo sự phản xạ tự nhiên và cảm giác mệt mỏi lan ra khắp thân thể. Suốt mấy tháng trời ngược xuôi Saigon – Ban Mê Thuột – Vũng Tàu. Và những ngày dài lo âu phập phồng, những đêm thao thức trẳn trọc, anh đã vượt qua hết. Hôm nay là ngày quyết định, sao anh như bước vào quãng không. Tuy mới gần 6 giờ nhưng trời gần như tối hẳn. Dãy núi ông Trịnh lờ mờ trong sương mang đầy vẻ bí hiểm. Rất nhiều người nói với anh rằng có Phục Quốc Quân ở trong đó. Thỉnh thoảng anh lại thấy bộ đội Cộng Sản hành quân vào núi và có tiếng súng nổ!
Về đến nhà gần 7 giờ tối, người đầu tiên anh gặp là người anh vợ, anh hỏi:
- Xong chưa?
Và chợt thấy câu hỏi ngắn quá nhưng anh Ruẫn gật đầu:
- Rồi! mọi người đến đủ, một phần ở đây, một phần ở nhà bên kia, mấy người nữa lang thang ngoài chợ, chắc một lúc nữa sẽ về. Ngoài đó sao?
- Ông Hồ sẽ lái ghe ra đi và sẽ lại bãi hẹn đúng 2 giờ sáng. Tôi mệt quá để nghỉ một lát.
Anh cũng chẳng chờ phản ứng của người anh vợ, đi thẳng vào phía trong, để người xuống đi văng gỗ. Từng thớ thịt dãn ra khởi từ bắp chân lan dần lên và người anh như dán xuống tấm phản. Chìm vào giấc ngủ, tai nghe mơ hồ tiếng ếch nhái từ phía ruộng vọng lại.
Và khi thoát khỏi giấc ngủ, tiếng côn trùng vang lên rõ dần. Anh lắc đầu và cố định thần. Anh Ruẫn đang lay anh. Choàng ngồi dậy, anh tỉnh hẳn và thực tế phủ choàng lấy anh:
- Xong chưa? Mấy giờ rồi?
Anh Ruẫn cười mà như không phải cười. Ánh lửa nhập nhoàng soi gương mặt anh.
- Chú ngủ say quá nhưng phải dậy để tỉnh chứ! Thế “Đi Te”* rồi, Mình phải tải đồ ra bãi là vừa. 9 giờ rồi.
- Lấy dầu lên chưa?
- Gọi chú dậy để xem làm gì trước, làm gì sau.
- Vậy, bới dầu lên.
Lố nhố trong căn nhà khá đông, bây giờ anh mới để ý. Mọi người đều im lặng và thì thầm rất khẽ. Anh Ruẫn đi trước, anh theo sau, vài ba người thanh niên đi theo ra chỗ sau vườn. Dầu là mối bận tâm nhất và có lẽ gay go nhất trong mọi chuyến vượt biên. Trong ghe không được quyền chứa quá 10 lít dầu. Và dầu chạy máy bỗng trở nên một thứ quốc cấm. Trong nhà chứa chừng 20 lít là có thể đi tù mọt gông. Khi tính toán về chuyến đi, mọi người đều hiểu cái khó khăn trong việc mua dầu. Từng lít một, dầu được gom lại chôn dấu. Mọi người vững bụng khi số dầu chôn rải rác trong vườn lên tới 15 can, mỗi can 20 lít, vị chi là 300 lít. Chiếc máy F8-12 không lớn lắm và như vậy đủ dầu đi tới Thái. Nhưng khi bới lên thì 5 can đầu thì bị bể. Loại can bằng mủ ni lông không chịu nổi sức ép của dầu từ phía trong cũng như đất từ phía ngoài và cũng đã quá cũ trở nên giòn dễ vỡ. Còn lại 10 can. Nhìn đồng hồ thấy hơn 10 giờ đêm, anh thảo luận với anh Ruẫn. Không thể lùi được nữa. Mọi sự đã sẵn sàng. Ông Hồ sẽ ghé lúc 2 giờ ở bãi. Tất cả đã tề tụ đầy đủ. Anh nhìn anh Ruẫn. Anh Ruẫn nhìn anh. Cả hai cùng gật đầu. Anh nói những người thanh niên vác dầu và lương thực lên và đi băng vườn qua phía ruộng. Cơn mưa hồi chiều đã dứt từ lâu và đêm tối như bưng mắt. Từ phía xa xa ánh đèn của những người đi soi ếch đu đưa sát mặt đất. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin loáng lên. Có tiếng khẽ đầy lo lắng:
- Du kích hả?
- Im, Bám theo người đằng trước. Coi chừng ngã đấy.
Mọi người lầm lũi theo anh Ruẫn. Có lúc đoàn người băng qua những vườn những người lân cận. Trong nhà đang thắp đèn nhưng có sự thông cảm nào đó, đèn lửa bỗng được tắt đi. Những cánh cửa sổ cũng được khép lại. Ai đi là mừng cho người đó. Một người đạp phải gò đất loạng choạng té xuống ruộng, làm văng thùng dầu và bể. Tiếng anh Ruẫn cương quyết:
- Bỏ đó! Đi lẹ lên.
Như vậy là còn 9 can dầu. 9 can hay 180 lít cho một cuộc vượt thoát đầy bất trắc. Toán người đầu đến bãi an toàn. Anh Tuệ quay trở lại đón toán thứ hai. Trẻ con đã được cho uống thuốc ngủ với một liều thật nặng. Tụi nhỏ thiếp đi người mểm oặt. Đứa cõng đưa bế, toán thứ hai tiếp tục lên đường. Bầu trời đen xịt mang vẻ đe dọa. Vẳng từ xa tít phía bên kia bờ đê có tiếng du kích nói cười. Mọi người lạnh run nhưng mồ hôi vẫn ứa ra từ chân tóc. Nếu có em nhỏ nào khóc?
Toán này nhiều người ngã lên ngã xuống. Họ là phụ nữ, lội ruộng chưa quen. Nhưng rồi cũng đến được điểm hẹn. Anh Tuệ dừng lại, quay nhìn. Gia đình anh đó, con anh, vợ anh, chị em và bà mẹ vợ đầy can đảm đang bì bõm dưới những hố nước.
1954, gia đình anh đã bồng bế nhau vào Nam. 1981, gia đình anh lại bương bã trong đêm đen giữa những cánh đồng ngập nước để ra đi. Nước mắt anh ứa ra. Anh đi tới đưa tay đỡ bà cụ. Anh nghe tiếng đọc kinh rầm rì. Đôi vai ngang nở, dáng người chắc, bà cụ là một hình ảnh điển hình cho người đàn bà Việt Nam. Bền bỉ, nhẫn nại, nhưng không đầu hàng nghịch cảnh. Di cư vào Nam sau hiệp định Geneve, gia đình bà Mai Thị Khướu được đưa đến vùng dinh điền Kim Châu Phát, cách thị trấn Ban Mê Thuột 20 cây số. Cao nguyên màu mỡ đã từ đồng hoang rừng rậm biến thành ruộng, thành trại. Những người dân chất phác từ vùng đồng bằng nước mặn miền Bác đã gò lưng đổ mồ hội xây dựng Kim Châu Phát thành một trong những vùng dinh điền giàu có nhất của miền Nam. Gia đình bà Khướu đã làm chủ 5 mẫu cà phê. Người con cả, anh Ruẫn đã có vợ hai con và anh đã trở thành sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bà nhìn đàn con trưởng thành. Nhưng 75 đã biến cuộc sống thành tù ngục. Anh Ruẫn bị đi học tập, ngày cưới em gái không dự được.
Trại Kim Châu Phát đang là một vùng sầm uất bỗng trở nên thê lương, không khí chết chóc bao trùm khắp nơi. Giữa ban ngày, bộ đội vào còng người đi là chuyện thường. Công an nhìn người dân Kim Châu Phát như kẻ thù. Họ là Thiên Chúa Giáo di cư nên Cộng sản lúc nào cũng tìm cách tiêu diệt họ. Chống phá cách mạng. Tiếp tế cho Fulro. (Fulro là danh từ Cộng sản dùng tổng quát chỉ tất cả mọi lực lượng Kháng Chiến Phục Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Chú thích của tòa soạn). Phản động, phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tội danh chỉ là cái cớ. Đàn áp khống chế tiêu diệt mới là mục tiêu. 3 người bị tử hình tại chỗ vì đã bắn chết hai tên công an. Nhiều người khác bỏ vào rừng, gia đình bà Khướu trở thành gia đình Ngụy nặng. Năm mẫu cà phê bị tịch thu. Gia đình bà không được ra khỏi địa danh Kim Châu Phát. Khi anh Ruẫn từ trại học tập ra, anh không dám về nhà với bà mẹ và các em gái. Anh ở Saigon và sau đó xuống ở Láng Cát. Bà cụ đã đồng ý ngay khi biết người con trai và con rể âm mưu vượt thoát.
(Còn Tiếp)
-------------
*1 Đi Te là một nghề mưu sinh của người dân vùng biển, họ đi trên những chiếc cà kheo cao hơn 1 m và bủa lưới đánh bắt các loại hải sản.
(Còn tiếp 1 kỳ)