K/g Quý Vị:
Cuối tuần này là đúng 47 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài Gòn thất thủ, cả đất nước rơi vào sự thống trị của chế độ Cộng Sản. Và cũng là ngày bắt đầu hình thành các cộng đồng người Việt hải ngoại có lập trường chính trị rõ ràng phi Cộng Sản. Cũng như mọi năm, tôi đã đi tham dự một số buổi sinh hoạt tổ chức bởi những nhóm khác nhau, ghi nhớ ngày lịch sử này.
Tôi vui mừng vì thấy các bạn trẻ đứng ra tổ chức những sinh hoạt ngày 30 tháng 4. Và lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa phất phới bay trong nghi lễ chào cờ. Tôi hãnh diện vì thấy nhiều chính khách mọi cấp đông đảo đến tham gia, phát biểu, cho thấy sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt và sự tôn trọng của họ đối với cộng đồng mình.
Tuy nhiên, trong lúc đang ngồi thưởng thức các tiết mục chương trình tôi không khỏi có cảm tưởng là những chương trình ngày 30 tháng 4 năm nay thiếu một cái gì đó. Thiếu cái không khí của những buổi sinh hoạt 30 tháng 4 những năm trước đây, khi tôi còn nhỏ, cách đây gần 40 năm.
Là con trai trưởng sinh tại Mỹ của một gia đình thuyền nhân tị nạn Cộng Sản, tôi đã lớn lên vào thập niên 80, trong giai đoạn người Việt còn sống rải rác, chưa tập trung như ngày nay. Muốn gặp một người Việt thì phải tìm đến một chợ người Việt hay vào một nhà hàng người Việt, lúc đó đếm được trên đầu ngón tay. Gia đình tôi đã phải lái xe hơn 40 phút mới đến phố Việt. Cho nên khi gặp được người Việt khác tôi đã rất mừng và rất quý. Tôi vui khi được các cô chú bác chú ý, khi được nghe lén những câu chuyện của người lớn bàn với nhau, hay khi có cơ hội giúp thông dịch một tài liệu tiếng Anh.
Từ hồi bé, hàng năm tôi thường được đi theo cha mẹ dự các sinh hoạt của cộng đồng người Việt. Những ngày Quốc Khánh, những buổi biểu tình, và đặc biệt là những ngày 30 tháng 4.
Tuy chỉ là một đứa trẻ được cha mẹ dẫn theo nhưng cá nhân tôi cũng muốn thực sự có mặt, cho nên tôi luôn luôn chú ý theo rõi những nghi thức và các lời diễn văn, tuy không hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Dần dà tôi hiểu nghi thức chào cờ như là một cơ hội nhắc với nhau là dù sống tại Mỹ, mình vẫn là người Việt, và điều đó có nghĩa là mình có trách nhiệm với đất nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản. Tôi xem những sinh hoạt ngày 30 tháng 4 như là một dịp cho những người như tôi học hỏi về nguồn gốc mình, hiểu rõ tại sao mình phải sống là người thiểu số trong một xã hội xa lạ với văn hóa mình, và chuẩn bị cho tôi khi tôi ra tiếp xúc với người Mỹ mà nhiều thành phần chỉ biết Việt Nam qua hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Cộng.
Qua thời gian, với sự biến đổi và trưởng thành của cộng đồng người Việt, những sinh hoạt ngày 30 tháng 4 đã thay đổi theo. Bắt đầu là một ngày gặp gỡ giữa thuyền nhân và con cái với một chương trình thuần túy bằng tiếng Việt, dần dà những sinh hoạt này đã lôi kéo vài chính khách đến tham dự và cho họ phát biểu vài phút. Nói chung họ đã phải ngồi nghe một chương trình tiếng Việt, không hiểu gì, cho đến khi nghe tên họ được mời lên phát biểu, mà phần nhiều là nói lên sự ủng hộ của họ cho công cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.
Từ từ, những sinh hoạt này đã mở rộng hơn kéo dài hơn vì nội dung chương trình đã diễn ra vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Anh, để giúp người ngoại quốc cũng như các bạn người Việt trẻ không rành tiếng Việt theo dõi. Vào thập niên 90 khi có chương trình HO và các cựu quân nhân được nhập cư ở Mỹ, ngày 30 tháng 4 đã có thêm nghi thức quân-đội-hóa hơn một chút với các chú, các cô, các bác mặc đồng phục quân đội ra làm nghi lễ vinh danh những anh hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Trong khi trước đây những phát biểu của chính khách có thể chiếm 15 phút rồi thôi, bây giờ phần phát biểu của chính giới đã phải chiếm ít nhất là 40 phút hơn. Về mặt nội dung, trước đây là những phát biểu đồng lòng với cộng đồng người Việt trong cuộc đấu tranh chống cộng. Bây giờ phần nhiều là ghi nhận sự đau khổ của thế hệ thuyền nhân nhưng còn đưa ra khích lệ là những hy sinh đó đã dẫn tới những thành công và đóng góp của cộng đồng người Việt làm cho xã hội Mỹ phong phú hơn. Hầu như không ai đề cập đến sự độc tài thối nát của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Tôi thường hay đi dự những sinh hoạt ngày 30 tháng 4 vì có cơ hội gần gũi và chia sẻ với đồng hương nỗi buồn tha hương, được ôn lại cho chính mình tại sao tôi có ngày hôm nay. Nhưng tôi cũng cảm thấy là ít nhiều, những sinh hoạt 30 tháng 4 đã bị đi xa rời ý nghĩa chính của nó. Đó là cho những người sinh sau năm 1975 hiểu rõ rằng cộng đồng người Việt khác với những di dân khác, là đã không rời nước vì muốn kiếm một cuộc sống khá hơn. Người Việt tị nạn đã rời nước vì không chấp nhận chế độ độc tài bạo ác của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mình có được hôm nay là vì may mắn hơn những người khác đã chết trên con đường vượt biên vượt biển. Vì thế mình không thể quên trách nhiệm của mình đối với quê hương và dân tộc là phải chấm dứt lý do phải bỏ quê xa nước. Làm gì thì làm, nhưng món nợ đó phải trả.
Những sinh hoạt 30 tháng 4 của giới trẻ ngày nay là vinh danh sự hy sinh của cha mẹ thuyền nhân của mình. Những sinh hoạt 30 tháng 4 của các bậc lớn tuổi hơn có tính chất ghi ơn những chiến hữu trong quân đội với nhau. Trong cả hai trường hợp, rất nhiều chính khách Mỹ đã đến và dùng cơ hội để phát biểu và giới thiệu tên họ với mình với hy vọng mình sẽ đi bầu cho họ, khác với trước đây khi các chính khách đến thì hứa với mình là họ sẽ giúp chúng ta lên án những cái sai của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Suy nghĩ một chút, chúng ta thấy từ những người tị nạn chính trị không chấp nhận chế độ độc tài Cộng Sản, chúng ta đã bị nhìn như những di dân nhập cư tìm đời sống kinh tế khá hơn. Hiểu chúng ta như thế, khó mà những nhà chính trị này có thể phụ giúp giải quyết những vấn đề của cộng đồng chúng ta. Chấp nhận điều này có nghĩa rằng là chúng ta chấp nhận vong thân, tha hóa, bỏ đi ý thức vượt lên nổi trội của tên gọi dân tộc Việt, bỏ qua ngôn ngữ và văn hóa khắc phục mọi khó khăn trở ngại.
Cá nhân tôi nghĩ rằng không thể như thế. Vì nếu mà như thế thì còn gì là đặc thù để đóng góp hữu dụng cho đất nước này theo tinh thần hòa đồng ưu Việt nữa? Không chỉ nghĩ như thế, cá nhân tôi đã nỗ lực sống và sinh hoạt xiển dương nét văn hóa Việt đặc thù này, và còn tiếp tục như thế và mong mỏi được cộng đồng hỗ trợ. Một dấu chứng nhỏ là tôi sinh ra ở Mỹ nhưng đã nói và viết được tiếng Việt cũng như suy nghĩ theo kiểu Việt Nam như quý vị phần nào nhận thấy.
Chỉ còn ba năm nữa là chúng ta sẽ đánh dấu 50 năm từ ngày mất nước. Vào ngày ấy tôi hy vọng chúng ta không chỉ chào cờ, đốt nhang tưởng niệm cho những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, hay nghe các chính khách cám ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, để xin phiếu. Quê hương Việt Nam vẫn còn bị Cộng Sản đô hộ. Mình đã làm gì, đang làm gì, và sẽ giao trách cuộc đấu tranh đó cho ai?
Kính,