22. 04. 2021
Nước nhỏ mà gây chuyện to, đó là Montenegro, một quốc gia ở châu Âu. Họ không thể trả các khoản nợ vay của Trung Quốc và chuyện này đang gây áp lực lên cả châu Âu.
Năm 2014, chính phủ Montenegro đã vay 944 triệu euro từ ngân hàng nhà nước Trung Quốc Exim để trang trải cho một dự án đường cao tốc khổng lồ. Tháng Bảy này là thời hạn phải trả các khoản nợ đầu tiên, nhưng sẽ rất chật vật. Bộ trưởng Tài chính, của đất nước có 600.000 ngàn dân, vừa báo động là chính phủ của họ không thể giải quyết gánh nợ này - và Montenegro, với tư cách là một quốc gia đang xin gia nhập, yêu cầu EU giúp đỡ. Brussels không chấp nhận: "Chúng tôi không trả các khoản vay từ những quốc gia thứ ba."
Kể từ đó, một bóng ma khiếp đảm mang tên Hambantota xuất hiện ở Montenegro. Hambantota một thành phố cảng ở xứ Sri Lanka xa xôi. Quốc đảo châu Á này cũng không thể trả nợ cho các ngân hàng Trung Quốc vào năm 2017 và phải nhượng lại hải cảng lớn nhất của mình, Hambantota, cho Trung Quốc trong 99 năm. Đổi lại, Sri Lanka được xóa nợ.
Từ câu chuyện của Sri Lanka, Trung Quốc đã nổi tiếng là khiến các nước nhỏ mắc nợ phải lệ thuộc. "Ngoại giao bẫy nợ" là một từ khó nghe được đặt ra bởi chuyên gia địa chiến lược Ấn Độ, ông Brahma Chellaney. Những người chỉ trích như Chellaney thậm chí còn cáo buộc Trung Quốc muốn thành lập các nước chư hầu dọc theo lộ trình của Sáng kiến Vành đai và Con đường. "Vành đai và Con đường" là một dự án cơ sở hạ tầng trị giá ít nhất 900 tỷ euro, trong đó Trung Quốc mở rộng các tuyến thương mại toàn cầu cho hàng hóa xuất nhập khẩu và tiếp cận nguồn nguyên liệu thô.
Từ việc sa bẫy nợ, Montenegro có thể trở thành tiền đồn của Trung Quốc ở châu Âu - Và, họ không phải là quốc gia đầu tiên. Vào năm 2016, công ty vận tải biển lớn của Trung Quốc là Cosco đã mua lại cảng Piraeus của Hy Lạp, cho tuyến đường thương mại đặc biệt quan trọng, Đường cao tốc Đất liền và Biển giữa Trung Quốc và Châu Âu. Nó dẫn từ Viễn Đông qua Bắc Macedonia, Serbia và Hungary đến Trung Âu. Năm 2019, một công ty đường sắt thuộc Cosco cũng đã mua cổ phần của công ty đường sắt Pearl của Hy Lạp. Chính điều này đã mang lại cho Trung Quốc giấy phép kinh doanh đường sắt ở châu Âu.
°
◼️ Gần như toàn bộ số tiền vay cho dự án đã bị nuốt sạch
Giờ đây Montenegro sợ rằng, họ sẽ phải từ bỏ một phần lãnh thổ nếu khoản vay không trả nổi. Vanja Ćalović là người của Mans, một tổ chức phi chính phủ hoạt động chống tham nhũng, cho biết: “Phần gán nợ có thể là cảng Bar”.
Điều khó khăn là, mặc dù nỗi sợ hãi thường xuyên được nhắc đến, người ta lại không có bất kỳ bằng chứng nào về chúng. Một trong những lý do để giải thích: hợp đồng mà chính phủ Montenegro đã ký với Ngân hàng Exim, phần lớn đều là bí mật. Chỉ có số tiền vay, thời hạn và lãi suất 2% được công bố.
Nhưng rồi nó vẫn lộ liễu. Đường cao tốc này đang được xây dựng phần lớn bởi Tổng công ty Cầu đường của Trung Quốc, các công ty xây dựng và chuyên gia đều do bên Trung Quốc đảm nhận. Cho đến nay, chi phí xây dựng của họ là “21 triệu euro cho mỗi km”. Nó là một trong những đường cao tốc đắt tiền nhất trên lục địa.
*
◼️ Một dự án kỹ thuật khổng lồ
Con đường dài 167 km, vượt qua 1000 mét chênh lệch độ cao, chạy qua 40 cây cầu và 90 đường hầm. Một dự án kỹ thuật hoành tráng, phần nào giải thích cho chi phí cao. Cho đến nay, chỉ đoạn đầu tiên dài 40 km được hoàn thành – chỉ riêng đoạn này đã nuốt gần như toàn bộ số tiền vay từ Bắc Kinh.
Điều đáng chú ý nữa là, ngay từ đầu việc xây dựng đường cao tốc đã đi kèm với các cáo buộc tham nhũng. Chính phủ của Milo Djukanović đàm phán các hợp đồng vào năm 2014. Djukanović là người đàn ông quyền lực nhất ở Montenegro từ nhiều thập kỷ nay. Ông ta hiện là tổng thống của đất nước. Vài giai đoạn trước đó ông ta cũng từng là tổng thống, giữa chừng và nhiều lần thì chuyển qua làm thủ tướng. Một nhân vật lãnh đạo khét tiếng về tham nhũng hối lộ.
Một phần đáng kể của khoản vay này đã được giao cho các nhà thầu phụ bản xứ, đám thân cận của Djukanović. Các chính phủ nối tiếp nhau của Djukanović đều từ chối tiết lộ đầy đủ các thỏa thuận cho vay.
Có những ý định chiến lược và chính trị đằng sau việc cho vay của Trung Quốc hay không? Năm 2018, Trung tâm Phát triển Toàn cầu của Mỹ (CGD) đã phải đưa chủ đề này vào nghiên cứu và phân tích chính sách tín dụng của Trung Quốc dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. 8 trong số 68 quốc gia được khảo sát có nguy cơ rơi vào bẫy nợ. Montenegro là một trong số đó.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu này không thể xác định được một mô hình rõ ràng về cách thức, mà Trung Quốc sau đó đối phó với các quốc gia mắc nợ cao này. CGD cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định cho từng trường hợp cụ thể”. Kiểu nào đi nữa, những quyết định này đều mang lại cho Trung Quốc những lợi thế đáng kể. Ví dụ, vào năm 2011, Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158 km vuông đất biên giới đang tranh chấp.
Cùng năm đó, Trung Quốc đã hủy một phần khoản nợ hàng tỷ USD cho Cuba, phần còn lại chuyển sang tái cơ cấu nợ, với điều kiện: Cuba phải hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và phải vay thêm nhiều khoản nợ nữa.
°
◼️ Vấn đề “Đường cao tốc” vẫn chưa được làm sáng tỏ
Viện Kinh tế Thế giới Kiel cũng đã công bố một nghiên cứu vào tháng 3 năm 2021, sau khi xem xét kỹ lưỡng 100 thỏa thuận cho vay của Trung Quốc. Họ nhận thấy: Trung Quốc kiên quyết giữ bí mật tuyệt đối của các hợp đồng.
Đó là lý do tại sao nước này không tham gia Câu lạc bộ Paris, một tổ chức quốc tế có 22 nhà cho vay quốc tế quan trọng nhất.
Tại Câu lạc bộ Paris, các khoản cho vay không trả được thường được xử lý bằng cách: tất cả các chủ nợ công khai yêu cầu của họ và cùng nhau tìm ra giải pháp, trong đó tất cả các bên đều được đối xử bình đẳng. Ngược lại, các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc lại cấm những người đi vay tái cơ cấu các khoản vay với sự hợp tác của các chủ nợ khác. Trung Quốc chỉ cho con nợ đàm phán với Trung Quốc. Điều này làm tăng áp lực đối với quốc gia mắc nợ.
°
◼️ Đường cao tốc này có ích lợi gì?
Trong trường hợp dự án đường cao tốc của Montenegro, nhà kinh tế học người Serbia Aleksandar Kovaćević vẫn còn một số câu hỏi căn bản. Một trong những câu hỏi đó là: "Đường cao tốc này có ích lợi gì?"
Câu trả lời chính thức là đường cao tốc là để kết nối cảng Bar với Belgrade, để thúc đẩy nền kinh tế Montenegro. Hiện tại, nền kinh tế của quốc gia này chỉ tạo ra 4 tỷ euro mỗi năm. Tuy nhiên, Kovaćević nói rằng cảng Bar hoàn toàn không được phát triển cho mục đích này, và ở Belgrade thậm chí không có bến nhận hàng. Vì vậy lời giải thích không thuyết phục.
Đó là lý do tại sao Kovaćević liên tục hỏi Montenegro, tại sao lại cần đường cao tốc này. Câu trả lời mới: để phát triển du lịch. Nhưng nhà kinh tế cho biết: “Vào mùa hè, các bãi biển của Montenegro luôn đầy ắp. Đã rất quá tải.”
Chính sách khó hiểu này không có gì mới tại khu vực Balkan. Với những lập luận tương tự như ở Montenegro, một đường cao tốc cũng đã được xây dựng ở Croatia vào năm 2008, nối liền cảng Rijeka với thủ đô Zagreb. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã tài trợ cho nó 210 triệu euro, mặc dù theo Kovaćević, tính hữu dụng của nó cũng gây sự nghi ngờ tương tự. Vẫn có một số xác chết đầu tư nằm đắp chiếu ở Balkan.
Trở lại vấn đề Montenegro: Trước đây, khi đường cao tốc mới được lên kế hoạch, Montenegro cũng đã đệ trình kế hoạch cho các nhà tài trợ châu Âu. Nhưng họ đã từ chối nhiều lần vì hiệu quả rõ ràng quá kém. Người ta tự hỏi, tại sao Montenegro lại cứ đâm đầu vào đó. Vanja Ćalović, người của tổ chức Mans nghi ngờ rằng, một giai cấp chính trị tham nhũng đã ngửi được các khoản chi thu lớn. “Rất nhiều tiền trong các dòng chảy đen”.
Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội mở rộng ảnh hưởng của họ ở Tây Balkan. Hungary và Hy Lạp là những bằng chứng cụ thể. Nhận sự đầu tư đáng kể của Trung Quốc, cả hai quốc gia này đã liên tục phủ quyết các nghị quyết của EU chỉ trích Trung Quốc trong những năm gần đây. Montenegro không chỉ là ứng cử viên gia nhập EU mà còn là thành viên NATO. Nếu Trung Quốc giành được nhiều ảnh hưởng hơn nữa đối với chính phủ Montenegro, thì xem như họ ngồi cùng bàn với NATO và một ngày nào đó ngồi chung với EU. Về phần mình, EU không thể cho phép điều này xảy ra một cách đơn giản như vậy.
Người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết: “Ủy ban đã nhận được thư từ Montenegro và đang tìm câu trả lời”. Có thể EU sẽ hỗ trợ Montenegro trong các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ. Nếu - phía Trung Quốc cho phép.
*
VTP-LTH dịch
Nguồn Die Zeit: https://www.zeit.de/.../montenegro-china-europa-schulden...