Những biện pháp chế tài kinh tế tài chính lên Putin mà Biden đề ra có thể tóm tắt rằng là nhắm vào hai loại đối tượng. Một là những đại tài phiệt Nga mà Putin đã gây dựng nên để là những kẻ hỗ trợ đắc lực cho mình. Hai là những nhân tố kinh tế tài chính thế giới mà Nga dính líu làm ăn sinh lợi đủ mặt. Những biện pháp chế tài này không thể chỉ Mỹ thi hành một mình được, mà phải có sự hợp tác tham dự của các đồng minh lớn nhỏ, toàn cầu, Âu Á Mỹ Phi thì mới tạo kết quả. Kết quả khó có thể định lượng chắc chắn, vì chủ yếu tùy thuộc vào sức chịu đựng và khả năng phản công của Putin.
Phản ứng trên đại tài phiệt Nga chỉ mới thấy có một vài khuyến cáo Putin ngưng chiến. Hiệu quả các tác động tài chính và kinh tế thường chậm thấy bởi lẽ việc thi hành không nhất loạt và triệt để trong tình hình thế giới đa cực đa dạng hiện nay. Vì thế cho tới nay, hơn 7 tuần sau khi tấn công Ukraine, chưa thấy Nga có những dấu hiệu nhượng bộ trong cuộc điều đình ngưng chiến. Lý do là có những mắc míu kinh tế tài chánh phải che chắn để tránh xáo trộn cho chính các nước thi hành chế tài.
Cụ thể như ngoại trưởng Đức tuyên bố đã không thể lập tức thi hành việc chặn đường dẫn dầu và khí đốt từ Nga sang Đức để làm trở ngai một nguồn lợi tức quan trọng đáng kể của Nga, vì chỉ sau ba tháng làm thế thì người Đức sẽ đứng trước vấn đề năng lượng tiêu dùng cho đời sống hàng ngày là ở đâu ra. Giới chủ nhân ngay cả nghiệp đoàn Đức cũng đồng tình phản đối việc cấm nhập cảng năng lượng từ Nga vì sẽ làm giảm sản xuất và công ăn việc làm. Trong tình hình này Mỹ đã phải liên lạc điều đình với Nicolás Maduro tổng thống Venezuela, là nước có trữ lượng dầu khí lớn hạng nhất thế giới, thân Nga, vì ngay từ những ngày đầu nhận chức tổng thống, Trump qua phó tổng thống Pence đã tuyên bố ủng hộ đối thủ chính trị Juan Guaido chủ tịch quốc hội Venezuela, và đặt Venezuela trong tình trạng cấm vận để làm áp lực.
Thực tế thì truyền thông vẫn loan đi những cảnh người người tay sách nách mang, mếu máo lôi con bồng cháu bỏ chạy để lại đàng sau khói lửa đổ nát. Một người lính Ukraine lưng mang hành trang ra trận quỳ xuống hôn bụng vợ có bầu từ biệt trước khi ra trận. Một người lính khác được linh mục tuyên úy làm lễ cưới cho với người yêu. Báo New York Times kể chuyện một người đàn ông ở lại Kiev chiến đấu thấy vợ mình và hai đứa con, một trai một gái bị chết khi băng qua một cây cầu chạy loạn. Tương tự như chuyện kể trong hai câu thơ nổi tiếng thời VN kháng chiến “Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái nhỏ hậu phương”.
Tất cả là bi thương chia lìa, chỉ vì quyết định của một tên bạo chúa là Putin. Điều này không sai nhưng chỉ là một nửa sự thật. Bởi vì cuộc chiến tranh Nga Ukraine hiện nay chỉ là nối tiếp của những biến sự chính trị xã hội đã diễn ra trên miền đất này từ khi Liên sô sụp đổ năm 1991 khiến các nước trong vòng tay Cộng sản mỗi nước đi một ngả. Tại Ukraine đã diễn ra những đấu đá chính trị kéo dài với sự can dự của các thế lực Mỹ, Tây phương, và Nga phía kia. Sau những cuộc phản đối quần chúng được biết dưới tên là Euromaidan ở trung tâm Kiev với sự hỗ trợ của Tây phương. Tổng thống dân cử Yanukovych thân Nga bị lật đổ tháng 2 năm 2014. Tài phiệt Petro Poroshenko chủ một hãng chocolat được bầu lên thay thế tháng 5/2014 hứa hẹn cho tới 2020 thì Ukraine sẽ vào Nato. Chuyện này Nga không bằng lòng . Putin phản ứng bằng cách chiếm đóng bán đảo Crimea và ủng hộ các vùng Donetsk và Luhansk ở đông nam Ukraine ly khai theo Nga. Zelensky được bầu lên năm 2019 khi Poroshenko mãn nhiệm, tiếp tục lập trường thân Tây phương của ông này. Nói khác đi, xáo trộn Ukraine là kết quả của những tranh chấp kéo dài giữa Tây phương và Mỹ với Nga từ khi Liên sô sụp đổ 1991. Cuộc chiến tranh Nga Ukraine mà Putin gọi là "cuộc hành quân đặc biệt" để "tiêu diệt quốc xã" chỉ là để chống lại lập trường Zelenskyy muốn gia nhập Nato. Dân Ukraine đa số là người Slavic như Nga, mà Putin nói thẳng ra là không thể để nhập vào Liên Âu và Nato, vì Ukraine là ở ngay ngưỡng cửa vào Nga. Vì thế thì cả hai bên Nga và Ukraine đã phải điều đình ngưng chiến, mà điều kiện tối thiểu ban đầu là không vào Nato. Zelinskyy đã chấp nhận sau khi x ẩy ra chiến tranh. Những chi tiết khác mà Nga đang cố giành là giải đất phía Nam trên bờ Hắc Hải, và biển Azov, từ đảo Snake Island, gần châu thổ sông Danube thuộc Romania, bán đảo Crimea đến hải cảng Mariupol sát các nước ly khai Donetzk và Luhansk ở đông nam Ukraine mà Putin mới công nhận là các nước cộng hòa thuộc Nga. Liệu Zelenskyy có nhượng bộ hay không thì phải xem xét một số yếu tố chưa ai nói đến.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 18 tháng 4/2022)