31/03/2022
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valeri Guerassimov ở đâu trong hai tuần lễ, trước khi ông Choigu tái xuất trong một đoạn video ngắn phát sóng hôm 24/03 quay cảnh ông Putin gặp Hội đồng An ninh Quốc gia. Hiện giờ, tình hình dường như rất căng thẳng giữa tổng thống Vladimir Putin và các quan chức quân sự cấp cao của Nga. Tiết lộ của tình báo Mỹ ngày 30/03/2022 khẳng định phần nào nghi vấn này.
Tổng thống Putin không được các cố vấn cung cấp thông tin đúng sự thật, khiến ông tự tin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, trên thực tế là cuộc xâm lược Ukraina, để “phi phát xít hóa, giải trừ vũ khí” nước láng giềng. Tuy nhiên, có hai lý do giải thích cho những thông tin thiếu tin cậy chuyển lên ông chủ điện Kremlin.
Cố vấn sợ nói thật với ông Putin
Thứ nhất, theo phát biểu ngày 30/03 của bà Kate Bedingfield, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, những thông tin chính xác đã không được chuyến đến ông Putin và điều này cho thấy “đội ngũ cố vấn chính của ông sợ nói cho ông biết sự thật”. Ngoài việc không được thông tin đầy đủ về năng lực và thiệt hại của quân đội Nga ở Ukraina, ông Putin cũng không nắm rõ việc “nền kinh tế Nga bị tê liệt vì các biện pháp trừng phạt” của phương Tây.
Nỗi sợ này có thể được giải thích qua việc uy quyền độc đoán được ông Putin xây dựng từ lâu. Cấp dưới của nguyên thủ Nga chỉ thông báo cho ông những tin tốt để tránh làm phật lòng nhà lãnh đạo. Tính cách độc tài này có thể thấy được phần nào trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp ngày 22/02 của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Với giọng điệu coi thường, ông Putin dồn dập hỏi và nhắc nhở giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Sergei Naryshkin “đừng có vòng vo” ủng hộ hay không việc công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở vùng Donbass Ukraina khiến nhân vật này lúng túng sợ hãi và ấp úng trả lời ủng hộ.
Theo nhiều chuyên gia phương Tây về Nga, hai năm “cố thủ” trong điện Kremlin, chỉ gặp một vài người thân cận, để tránh dịch Covid-19 dường như cũng khiến nguyên thủ Nga trở nên chuyên quyền hơn và củng cố thêm cho tham vọng tái lập nước Đại Nga của ông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, được AP trích dẫn, so sánh chính quyền Nga hiện nay như một chế độ chuyên quyền “nơi không một ai trong hệ thống đó nói sự thật hoặc có khả năng nói sự thật cho nhà cầm quyền và tôi nghĩ đó là những gì chúng ta đang thấy ở Nga”.
Cơ quan tình báo hoạt động thiếu hiệu quả
Lý do thứ hai là cả ba cơ quan tình báo Nga hoạt động kém hiệu quả ở Ukraina, dù có lực lượng đông đảo, đặc biệt từ năm 2014. Cơ quan Tình báo Quân đội GRU chịu trách nhiệm theo dõi tiềm lực quân sự Ukraina và trong các vùng do quân Nga kiểm soát. Tổng cục An ninh Liên bang FSB phân tích sức kháng cự của xã hội Ukraina. Cơ quan Tình báo Liên bang SVR giúp điện Kremlin “về chiều sâu chiến lược”.
Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 30/03, giữa GRU, FBS và SVR không có sự phối hợp. Cả ba cơ quan này không hoàn thành nhiệm vụ được cho là sống còn cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” với hàng loạt thiếu sót trong việc tiếp nhận, phân tích thông tin: đánh giá sai về quân đội, hiểu sai về xã hội Ukraina, được cho là sẽ nhanh chóng sụp đổ và về năng lực của các chính trị gia thuộc đảng Nền tảng vì Cuộc sống, một đảng đối lập thân Nga, về khả năng lập một chế độ thân Nga ở Kiev, đánh giá thấp phản ứng của phương Tây…
Ngoài ra, theo một chuyên gia Pháp, “nói sự thật với cấp trên, đó là chấp nhận rủi ro”, cho nên tất cả những thông tin bất lợi trên thực địa, được cho là làm phật lòng cấp trên, sẽ không được chuyển lên thượng tầng lãnh đạo. Nói tóm lại, theo đánh giá của Hoa Kỳ, “đó là một thất bại cho tình báo” Nga và quyết định mà ông Putin đưa ra “là một sai lầm chiến lược cho Nga”.
Tổng thống Putin có thể sẽ quy trách nhiệm việc quân Nga sa lầy ở Ukraina cho những người khác. Nhưng tạm thời “ông Putin chưa có thời gian thay đổi ngay lập tức” đội ngũ thân cận.
Phía chính quyền Mỹ, thông qua quyết định giải mật thông tin tình báo, hy vọng ông Putin có thể sẽ xem xét lại chiến lược ở Ukraina. Tuy nhiên, việc này cũng có nguy cơ cô lập thêm ông Putin, người hiện theo đuổi tham vọng tìm lại hào quang của nước Nga, bị mất từ khi Liên Xô sụp đổ.