Tưởng Niệm Năm Mươi Năm Trận Đánh An Lộc - Chúng Con Thành Kính Tưởng Nhớ Đến Ba, Cố Đại Tá (*) Biệt Động Quân Nguyễn Văn Thịnh - Quận Trưởng Quận Lộc Ninh - Chi Khu Trưởng Chi Khu Lộc Ninh (1972) (Tri Le)
Năm mươi năm trước đây, đúng vào những ngày đầu của tháng 4/1972, một trận đánh đã đi vào quân sử thế giới, trận đánh đã kéo dài 93 ngày đêm giữa cộng sản Bắc Việt và quân lực Việt Nam Cộng Hoa với số lượng vũ khí và lực lượng tham chiến khổng lồ đã được tung vào trận đánh khốc liệt này, con số người thương vong lên đến hàng chục ngàn người, trận đánh đã khiến thế giới phải ngã mũ kính phục quân lực Việt Nam Cộng Hoà về sức chịu đựng để tử thủ trước sự công phá của trên 200 ngàn hỏa tiễn đủ loại được phóng ra với mục tiêu phải sản bằng cho bằng được một thị xã với 20.000 ngàn dân, diện tích vào khoảng 4 cây số vuông. Trận đánh An Lộc.
An Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Bình Long với dân số 45 ngàn người, diện tích vào khoảng 2.240 cây số vuông. An Lộc nằm cách thủ đô Sài Gòn 100km về hướng Bắc. Trong trận đánh vào An Lộc cộng sản Bắc Việt đã tung vào 4 sư đoàn gọi là Công Trường ( CT ) như CT 5 - CT 7 - CT - 9 và CT Bình Long của Cục R vừa mới được thành lập, với tổng số quân lên đến 40 ngàn quân.
Mục tiêu của cộng sản Bắc Việt vào bấy giờ là bằng mọi giá phải chiếm cho bằng được An Lộc để hình thành thủ đô cho lễ ra mắt của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ( CPCMLTCHMNVN ) . Tại hòa đàm Paris bà Nguyễn Thị Bình đã tuyên bố chỉ sau 10 ngày thì An Lộc sẽ là thủ đô của CPCMLTCHMNVN . Trong khi đó về phía VNCH thì An Lộc là cửa ngõ để vào Sài Gòn thủ đô chính trị , kinh tế của Việt Nam Cộng Hoà. Vì vậy chính phủ VNCH cũng đã phải bằng mọi giá phải tử thủ và giữ vững An Lộc trước sự tấn công điên cuồng của CSBV.
Trong dịp tưởng niệm 50 năm trận đánh An Lộc, tác giả xin được phép gói gọn lại trận đánh khốc liệt này được bắt đầu khi CSBV ồ ạt xuất quân tấn công vào quận lỵ Lộc Ninh và chi khu Lộc Ninh, nơi thân phụ chúng tôi cố Đại Tá Biệt Động Quân Nguyễn Văn Thịnh - quận trưởng quận Lộc Ninh - chi khu trưởng chi khu Lộc Ninh trấn giữ. Đoạn trích dẫn dưới đây được trích dẫn từ qlvnchblog.Wordpress.com .
Trận tấn chiếm Lộc Ninh được xem như khởi diễn vào lúc 17 giờ 45 ngày 04 tháng 04 năm 1972, là trận mở màn cho trận chiến An Lộc, khi đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 bộ binh QLVNCH, chạm trán nặng và bất ngờ với Trung Đoàn E.6 Công Trường 5 CSBV, tại vùng hoạt động 4 cây số, Tây Lộc Ninh. Cả đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 bị địch tràn ngập và tiêu diệt hoàn toàn trong khoảnh khắc, chỉ còn lại một hiệu thính viên mang máy còn sống sót, gọi báo cho bộ chỉ huy Chiến Đoàn 9 về tình hình chiến xa và bộ binh địch, đang cận chiến và xáp lá cà, với các chiến sĩ trình sát 9 VNCH, và đang tiếp tục tiến về hướng quận lỵ Lộc Ninh. Người chiến sĩ anh dũng hiệu thính viên, của Đại Đội Trinh Sát vẫn tiếp tục báo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tình hình về những sự di chuyển của địch, cho đến chiều ngày 6 tháng 4, tiếng nói của người Hiệu Thính Viên quả cảm, im bặt vào khoảng 18 giờ 30. Tại bộ chỉ huy Chiến Đoàn 9, mọi người đều biết tình hình chiến trận đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 VNCH, cùng với cố vấn trưởng, và toàn thể các đơn vị trong căn cứ hỏa lực, kể cả chi khu Lộc Ninh đều ban hành lệnh báo động ứng chiến.
“ trích từ after action report “ the battle of Loc Ninh “ ( 4/7/1972 ) tác giả Thiếu Tá Mark Smith “ .
Lúc 05 giờ 50 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, mở màng cho cuộc tấn công của chiến dịch mà cộng quân gọi là ( Nguyễn Huệ ) cộng quân bắt đầu pháo kích vào quận lỵ, để dọn đường cho chiến xa và bộ binh đang trên đường xâm nhập vào quận lỵ Lộc Ninh.
Đến 06 giờ sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, từ phía Tây và Tây Bắc, cộng quân tung vào chiến trường Lộc Ninh, quận lỵ của tỉnh Bình Long, khoảng 30 cây số Bắc An Lộc, toàn bộ Công Trường 5 CSBV, gồm có Trung Đoàn 275, Trung Đoàn 174, Trung Đoàn E6,được tăng cường thêm Trung Đoàn 95C của Công Trường 9, cộng Trung Đoàn địa phương, cộng đại đội chiến xa trực thuộc Trung Đoàn 203 chiến xa hỗn hợp ( T54 - PT76 ) tổng cộng 10 chiếc tham chiến, cộng Trung Đoàn phòng không cơ động 271, cộng dưới sự yểm trợ của Trung Đoàn pháo nặng 42D 130 ly ( tầm xa 30 cây số ) cộng các giàn phóng hỏa tiễn 122 ly và 107 ly. Tổng cộng quân số địch tham dự mở màn trận Lộc Ninh là 15 ngàn cán binh cộng sản ( Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh )
Phía lực lượng VNCH, gồm có các đơn vị : Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh do do Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy, Thiết Đoàn 1 do Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy, ( gồm các chiến xa M41 + Thiết Vận Xa M113 ) cộng tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, Trung Đội Pháo Binh 105 ly, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, trực thuộc Chi Khu Lộc Ninh chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh ( thân phụ chúng tôi ) Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lộc Ninh. Tổng cộng quân số khoảng 3.000 chiến binh VNCH, ( Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân, Cảnh Sát ) Như vậy, lực lượng tương quan là 1 chống 5. ( ghi chú của người viết, ngoài các đơn vị chủ lực ra, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, không được trang bị vũ khi mạnh và đầy đủ như các đơn vị chủ lực bạn )
Khởi đầu trận đánh, quân CSBV mở màn trận mưa pháo vào vị trị đóng quân của tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, 5 cây số phía Nam lãnh thổ VNCH, ( căn cứ hoả lực Alpha ) và Thiết Đoàn 1 đóng tại căn cứ dã chiến ( căn cứ Hoa Lư vùng ngã ba Lộc Tấn, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam ) 10 cây số Bắc Lộc Ninh, cùng lúc pháo vào bộ chỉ huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 VNCH, Quận và Chi Khu Lộc Ninh nơi có các khẩu đội 105 trú đóng, theo chiến thuật “ bịt pháo, công đồn “.
Nhận biết ý đồ của địch, Đại Tá Vĩnh khẩn điện cho Trung Tá Dương cắt bớt một Chi Đoàn gửi trở về cho Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH để phòng thủ Quận Lỵ Lộc Ninh và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, cấp thời di chuyển về phía Nam Quốc Lộ 13.
Chi Đoàn 3/1 hỗn hợp Chiến Xa và Thiết Vận Xa do Trung Uý Lê Văn Hùng làm Chi Đoàn Trưởng rời vị trí đơn vị mẹ trong đêm, nhưng khi chỉ còn cách Quận Lỵ Lộc Ninh 5 cây số về hướng Bắc, bị lọt vào ổ phục kích của địch quân có chiến xa T54 và PT76 trợ chiến, và bị mất liên lạc với Chiến Đoàn 1 cũng như Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 VNCH sau nửa giờ giao tranh.
Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 liền báo cáo về cho Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 VNCH, đã mất liên lạc với đứa con Chi Đoàn 3/1, nhưng tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tần số liên lạc bị gián đoạn, vì trong giờ phút đó, hầm truyền tin của Chiến Đoàn 9 bị cộng quân pháo sập, mãi cho đến sáng hôm sau, Đại Tá Vĩnh mới lên tần số, ông chỉ thị cho Trung Tá Dương rút hết lực lượng còn lại tại ngã ba Lộc Tấn, gồm Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn hỗn hợp ( Chi Đoàn 2/1 ) cộng Tiểu Đoàn 2/9 tùng thiết và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng cộng 1 khẩu đội pháo binh 105 ly, khẩn rút về tăng cường phòng thủ cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Quận Lỵ Lộc Ninh.
Dọc theo Quốc Lộ 13 xuôi về hướng Nam, khi nhận diện được điểm địch phục kích, mà Chi Đoàn 3/1 bị đánh tan vào đêm trước, Thiết Đoàn 1 thình lình khám phá ra một ổn phục kích của địch quân gồm chiến xa T54 và PT76 cùng với hàng ngàn cán binh, đồng loạt hô xung phong, tiến đánh xáp lá cà, với các chiến sĩ tùng thiết ( Tiểu Đoàn 2/9 ) và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng. Sau hơn 1 giờ chiến đấu một cách quyết liệt anh dũng trước một địch quân đông hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ tùng thiết cùng với các con ngựa sắt M41 và M113, và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, đành phải thúc thủ trước các chiến xa T54 và PT76 của cộng quân.
Trung Tá Dương và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn với 2 thiết vận xa, tung phá vòng vây, vượt được khỏi nơi phục kích khoảng 1 cây số về phía Nam, rồi cũng bị chận đánh, phải bỏ xe mà chạy bộ đến ngày hôm sau, cuối cùng cũng bị cộng quân chận bắt cùng với 15 chiến sĩ Thiết Kỵ của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1 vào khoảng 11 giờ sáng ngày 07 tháng 04 năm 1972.
“ trích theo lời nhân chứng sống Trung Tá Nguyễn Đức Dương Thiết Đoàn Trưởng 1/5 và Trung Sĩ Lê Hoàng Long thuộc Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng “.
06 giờ sáng ngày 06 tháng 04 năm 1972, cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào các cứ điểm phòng ngự trong Chi Khu Lộc Ninh, hơn 3.000 ngàn quả pháo đủ loại thì nhau nổ trên trận tuyến, bất kể là Quân hay Dân sự, rồi từng đợt biển người tấn công vào 2 cứ điểm chánh: Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 VNCH và Bộ Chỉ Huy Quận / Chi Khu Lộc Ninh.
A.- Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3/9 cộng với 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 2/9 cộng với thành phần của pháo đội 105 ly ( còn xử dụng được 6 khẩu ) đôi khi phải hạ nòng bắn trực xạ vào Chiến Xa và Bộ Binh địch, đang áp dụng chiến thuật xung phong biển người cận kề với tuyến phòng thủ. Các chiến sĩ Chiến Đoàn 9 và Pháo Đội Pháo Binh, đã đẩy lui được nhiều đợt xung phong của bộ binh địch có chiến xa T54 và PT76 yểm trợ. Trận chiến kéo dài tới chiều tối, quân bạn càng lúc càng ít đi vì bị thương và tử trận trên chiến tuyến, còn địch, càng lúc càng đông, cho đến khi phòng tuyến phía Bắc và Đông Bắc bị cộng quân tràn ngập. Đại Tá Vĩnh cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, các cố vấn Mỹ và một số anh em của Pháo Đội Pháo Binh, sau khi phá hủy hết các khẩu đại pháo, rút ra khỏi vị trí phòng thủ, đồng thời nhờ Đại Uý Mark Smith, cố vấn Mỹ, gọi các phi tuần phản lực Hoa Kỳ đánh bom Napalm thiêu gọn bọn quỷ đỏ đang tràn ngập căn cứ. Cố vấn trưởng Trung Tá Richard Schott vì bị thương nặng biết là không thể chạy được, đã tự sát để các người cố vấn khác có thể thoát ra được .
“ trích từ After action report ( battle of Loc Ninh ) của Thiếu Tá Mark Smith “
Và sau đó, đoàn quân còn lại chưa tới 100 quân, lần mò trong đêm tối, rút về phía Nam, lại bị địch chận đánh, khiến mọi người người tản mác thất lạc. Đại Tá Vĩnh cùng một số chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 và vị cố vấn Mỹ duy nhất còn lại là Đại Uý Mark Smith, buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng Đại Tá Vĩnh, một quân nhân già dặn và can đảm, bị bắt khi mình mẩy và bộ đồ trận trên người đẫm đầy máu, vì bị nhiều thương tích trong lúc chiến đấu.
Tần số liên lạc của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH đã im bặt vào lúc 10 giờ 30 tối đêm 06 tháng 04 năm 1972.
B.- Tại Bộ Chỉ Huy Quận / Chi Khu Lộc Ninh : sau khi mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, ngầm biết Chiến Đoàn 9 đã tan, và sau khi biết lực lượng của Thiết Đoàn 9, và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng từ phía Bắc rút về đã bị đánh tan, cũng như lực lượng tiếp ứng từ phía Nam bị chận đánh, phải tháo lui trở lại. Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh liền họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu, và cố vấn trưởng, Thiếu Tá Thomas A. Davidson, quyết định phân tán rút lui, lợi dụng đêm tối, vượt hàng rào phòng thủ về hướng Nam để vượt thoát vòng vây.
Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh là con người có vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, nước da ngăm đen, nhưng thật rắn rỏi và kiên cường, sau khi thoát khỏi được vòng vây, lên lỏi trong rừng, sống như đồng bào Thượng, đôi lần gặp mặt cộng quân, nhưng Trung Tá Thịnh làm bộ trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Việt không thông, nên bị chúng đuổi đi, vì ngỡ rằng là Người Thiểu Số. Bôn ba lặn lội đầy gian lao khổ cực, cuối cùng cũng về đến An Lộc vài ngày sau đó. Trung Tá Thịnh được trực thăng bốc về Lai Khê, và sau khi nghĩ ngơi, sức khỏe và tinh thần được hồi phục, Trung Tá Thịnh được Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lịnh Quân Đoàn 3 Quân Khu 3 bổ nhiệm làm Quận Trưởng / Chi Khu Trưởng Chi Khu Võ Đắc thuộc tỉnh Bình Tuy vào tháng 8 năm 1972. Còn cố vấn trưởng Chi Khu Thiếu Tá Thomas A. Davidson chỉ sau đó 4 ngày đã về đến phía Đông An Lộc, được một đơn vị Biệt Động Quân VNCH đang án ngữ phía Đông tiếp cứu vào ngày 10 tháng 04 năm 1972.
Riêng Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang trú đóng tại căn cứ hỏa lực Alpha ( 5 cây số phía Nam biên giới Việt - Miên ) liên tục bị địch quân pháo kích và gia tăng áp lực tấn công, nên đã phải âm thầm rút lui trong đêm tối xuôi về phía Nam sau khi đã phá hủy hoàn toàn các khẩu pháo trong căn cứ trong đêm 05 - 04 - 72, và rồi sát nhập với Thiết Đoàn 1 của Trung Tá Dương cùng di chuyển về Lộc Ninh, và sau đó bị đánh tan giữa đường.
Mặt trận Lộc Ninh coi như chấm dứt sau 48 giờ giao tranh ác liệt, quân cộng sản Bắc Việt đã làm chủ tình hình chiến trận. Sau khi Công Trường 5 CSBV đã làm chủ tình hình Lộc Ninh, bộ chỉ huy tiền phương của quân đoàn CSBV và Trung Ương Cục Miền Nam ( cục R ) di chuyển và trú đóng tại Lộc Ninh. Còn hậu cần và cơ sở chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn còn trú đóng trong vùng đồn điền cao su Mimot gần quốc lộ 7 nằm trên lãnh thỗ Cambodia.
Theo lịnh của Hà Nội, tất cả đơn vị CSBV tại mặt trận quân khu 3 trong chiến dịch Nguyễn Huệ, phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972, để ra mắt cái chính phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng tham vọng điên cuồng này của CSBV đã bị quân lực VNCH bẻ gãy sau 93 ngày đêm tử thủ để bảo vệ An Lộc, kết quả là CSBV đã phải tháo lui sau khi đã để 2/3 quân số nằm lại chiến trường An Lộc.
Tác giả viết thêm: Vận nước đổi thay, ngày 30 tháng 04 năm 1975, miền Nam lọt vào tay CSBV, cộng sản thống trị toàn cõi đất nước, áp đặt đất nước và dân tộc VN dưới chủ nghĩa độc tài cộng sản, cũng như hàng triệu quân cán chính VNCH, thân phụ chúng tôi đã bị cộng sản trả thù hèn hạ. Đầu tiên, chúng bắt ông tập trung cải tạo tại Suối Máu - Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận, sau vài tháng thì chúng giải ông ra trại cải tạo nơi rừng thiêng, nước độc, thuộc tỉnh Yên Bái miền Bắc, sau đó lại lại chuyển đi Bắc Thái, rồi lại chuyển qua Hà Nam Ninh, chúng đày đọa ông bằng hình thức lao động khổ sai dưới cái lạnh kinh hồn của rừng núi Việt Bắc. Sức người có hạn, ông đã ngã quỵ vì không thể chịu đựng nổi với cái đói triền miên năm này qua năm khác, cùng với sức lực bị vắt kiệt qua hình thức lao động khổ sai. Sau hai năm đày đọa ông nơi đất Bắc, chúng đã chuyển trại ông về Nam, cho lao động tiếp trên Cao Nguyên Pleiku. Cuối cùng thì ông cũng nhận được cái giấy tạm tha, khi đưa tay ra nắm lấy bàn tay Mẹ tôi lần cuối. Ông đã vĩnh viễn ra đi, người duy nhất có mặt bên cạnh ông lần cuối là Mẹ tôi. Ông chết không được nhìn thấy mặt đàn con 8 đứa.
* Trước tháng 04 năm 1975 hai tháng, Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh đã nhận được đầy đủ giấy tờ, văn kiện vinh thăng Đại Tá, nhưng chưa kịp tham dự lễ vinh thăng thì biến cố 30 tháng 04 năm 1975 xảy ra.