Đây không phải là một bài báo, mà là một bài viết có giá trị của chuyên gia nghiên cứu về chính trị - kinh tế nước Mông Cổ và các nước liên bang Nga vùng Eurasien, trên trang của Friedrich-Ebert-Stiftung.
Rất nhiều chi tiết kỳ lạ… có thể bạn chưa hề nghe qua.
https://www.ipg-journal.de/.../der-grosse-gemeinsame.../
—————————-
Nhiều người Mông Cổ ủng hộ cuộc chiến đấu của Ukraine để tách rời khỏi Nga. Đồng thời, họ lại lo sợ sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Về mặt địa lý thuần túy, Mông Cổ và Ukraine ở cùng vĩ độ, nhưng cách nhau vài nghìn km. Ulaanbaatar duy trì mối bang giao ổn định với cả Kyiv và Moscow. Theo đó, Chính phủ Mông Cổ cũng có phản ứng trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Một mặt, Mông Cổ đã tăng cường quan hệ với Nga trong những tháng gần đây bằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng và các cuộc gặp gỡ ngoại giao cấp cao và vẫn chính thức giữ thái độ trung lập. Họ đã bỏ hai phiếu trắng trong Đại hội đồng LHQ để xác định và lên án cuộc xâm lược của Nga.
Mặt khác, các cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine lại đang diễn ra ở Mông Cổ. Bất chấp sự trấn áp ban đầu của cảnh sát, những cuộc biểu tình này đã lan rộng và gia tăng trong những ngày gần đây. Bên cạnh các biểu tượng quốc gia Ukraine, các biểu tượng quốc gia Mông Cổ cũng được trưng dụng.
Nhiều người Mông Cổ đồng tình với cuộc đấu tranh của Ukraine, để phân định ranh giới rõ ràng với Nga, bởi vì đất nước của họ đôi khi trong các văn bản bằng tiếng Nga vẫn được gọi là “nước cộng hòa thứ mười sáu” (của Liên Xô cũ). Cách gọi này cho thấy, tuyên bố độc lập của các nước tách rời khỏi Nga thường không được công nhận. Giống như Ukraine, lịch sử Mông Cổ gắn liền với lịch sử Nga. Nhiều mối quan hệ gia đình và xã hội vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Các cơ sở hạ tầng vật chất quan trọng đan xen chặt chẽ với nhau.
Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một quãng đời thơ ấu ở thành phố Erdenet, Mông Cổ, nơi cha ông tham gia vào việc thành lập và vận hành khu liên hợp khai thác mỏ và kim loại, mang tên Erdenet. Vào thời điểm đó, mỏ này là mỏ lộ thiên lớn nhất châu Á. Từ đây, quặng đồng được vận chuyển trực tiếp đến các lò luyện ở Kazakhstan và Molypden, để sản xuất các hợp kim thép chất lượng cao.
Sau cuộc cách mạng sinh viên vào năm 1989 và 1990, các cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được tổ chức ở Mông Cổ. Kể từ đó, đất nước này đã xây dựng những mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Ngoài “quan hệ đối tác chiến lược” với hai nước láng giềng Nga và Trung Quốc, họ còn theo đuổi chính sách “láng giềng thứ ba”. Trong khuôn khổ đó, họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và các nước NATO, bao gồm luôn cả các thành viên cũ khác của Hiệp ước Warsawa (*).
Cuộc cách mạng năm 1989 và 1990 đã buộc Bộ Chính trị Mông Cổ phải tổ chức bầu cử. Từ đó hình thành một truyền thống biểu tình thường xuyên ở Quảng trường lớn Sukhbaatar của Ulaanbaatar. Họ biểu tình trước tòa nhà chính của chính phủ, là nơi nhóm họp hiện nay của Quốc hội. Cho đến năm 2005, tại đây còn có lăng của hai ông: "Lenin Mông Cổ" - Damdiny Sukhbaatar và "Stalin Mông Cổ" - Chorloogiin Choibalsan.
Trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào năm 2020 và 2021, Đảng Nhân dân Mông Cổ - đối thủ của Đảng Dân chủ do các sinh viên biểu tình thành lập năm 1989/90 - đã cố gắng củng cố sự thống trị chính trị của mình. Những khuôn mặt biểu tình nổi bật đã bị bắt. Kể từ đó, các cuộc biểu tình trở nên thưa thớt thảm hại. Vào mùa đại dịch, các biện pháp hạn chế tụ tập đã góp phần giảm đi đáng kể chuyện biểu tình.
Nhưng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, phong trào biểu tình đã sống lại. Vào ngày 28 tháng 2, một nhóm khoảng 20 người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Sukhbaatar với một biểu ngữ dài màu vàng và xanh dương, mang thông điệp quốc kỳ Ukraine. Ở đó, họ đụng độ với cảnh sát và các thành viên của các nhóm cực hữu. Vài ngày sau đó, một lá cờ Ukraine tung bay trên dãy nhà kho của Altan Taria, công ty sản xuất bột mì lớn của Mông Cổ. Công ty đã bị cảnh sát đến thăm vì hành động ủng hộ Ukraine này. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3, cảnh sát đã không can thiệp vào các cuộc biểu tình đoàn kết với Ukraine nữa.
Ngày 25/3, những người biểu tình đã tập trung trước đại sứ quán Nga tại Mông Cổ và kêu gọi đại sứ Nga rời khỏi đất nước họ. Đại sứ quán trước đó đã đăng các bài đăng trên mạng xã hội nhắm vào "Đảng Dân chủ Mông Cổ và những người ủng hộ quyền bá chủ tự do Mỹ." Theo đó, cựu cố vấn của Trump là Roger Stone đã nói rằng: Ukraine có các "phòng thí nghiệm vũ khí sinh học" do Mỹ tài trợ.
Gần đây, các cuộc biểu tình ngày càng trở nên dữ dội: không chỉ độc lập và chủ quyền của Ukraine được nhấn mạnh, mà còn độc lập và chủ quyền của cả Mông Cổ. Tinh thần đoàn kết với Buryatia, Kalmykia và Tuva cũng được thể hiện. Các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga này được đặt tên theo các nhóm thổ dân, có nguồn gốc cư trú gắn bó chặt chẽ với các dân tộc Mông Cổ, và thường được ghi nhận là thành phần của khu vực Mông Cổ. Theo các báo cáo, lực lượng Nga xâm lược Ukraine chủ yếu bao gồm binh lính từ những nước này và các nước cộng hòa "sắc tộc" nghèo khó khác của Liên bang Nga.
Ở đây, những người biểu tình có một số mâu thuẫn với lập trường của những người Mông Cổ ủng hộ “trung lập” hoặc thậm chí ủng hộ chính phủ Nga, hoặc ủng hộ chính Vladimir Putin. Những người này lo ngại cho chủ quyền độc lập của Mông Cổ trước Trung Quốc. Mối quan tâm cũng được đặt ra cho việc các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mông Cổ như thế nào. Người ta nói rằng, từ vài ngày nay, hầu như không thể tìm mua được ngoại tệ ở Mông Cổ. Các chuyến bay quốc tế, vốn đã bị Covid làm giảm sút, thì nay lại bị hạn chế hơn nữa, kể từ khi Moscow chặn không phận Nga đối với các hãng hàng không châu Âu.
Và đó sẽ chỉ là khởi đầu.
VTP-LTH dịch
°
Nguồn: https://www.ipg-journal.de/.../der-grosse-gemeinsame.../
°
(*) Tìm hiểu thêm về Hiệp ước Warsawa, vai trò đối trọng với NATO. Rất hay:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%91i_Warszawa