Sáng nay nhìn thấy hình ảnh các bạn tị nạn Ukraina đến Nhật, chợt nhớ tới mình 41 năm trước.
Hơn 30 con người chọn bộ đồ đẹp nhất của mình từ Hong Kong, nhưng khi xuống sân bay Osaka, (bấy giờ chưa có Kansai, chỉ có Itami chia ra làm 2 khu quốc nội và quốc ngoại); vẫn thấy lếch thếch làm sao ấy. Nhiều cặp mắt ngạc nhiên ném vào dòng người. Nhân viên trại tị nạn tới đón không lạc vào đâu được.
Ra xe bus, hành lý chỉ có cái túi xách tự chế trên tay, chính phủ Nhật vẫn chu đáo chuẩn bị cho 2 xe ngồi rộng thênh thang. Rời ánh đèn đô thị, xe lên cao tốc và hướng về Himeji; một địa danh lạ.
2 tiếng sau tới trại trời đã tối, bụng đói mem, chúng tôi được tiếp đãi bằng mì ly. Ly mì ngon nhất trong cuộc đời. Sau đó về ngụ tại những căn phòng được dựng lên theo kiểu nhà tiền chế.
Khu trại Himeji hồi đó được dòng Thánh Tâm cho mượn đất để chính phủ đón tiếp người tị nạn. Từ nước thứ hai đến Nhật sẽ vào khu định cư; ai được tàu vớt đưa trực tiếp vào Nhật thì ở bên khu tạm cư của Caritas.
Từ 75, đã có ghe tị nạn được vớt đưa vào Nhật, tuy nhiên lúc bấy giờ chính phủ chưa có chính sách tiếp nhận. Qua các câu chuyện của “tiền bối” kể lại, họ tạm trú một thời gian ngắn rồi sau đó được Mỹ hay Canada nhận hết. Tình cờ, một tháng trước đây tôi kết bạn với anh Cù văn Giá trên Facebook, hỏi ra mới biết chính anh là thuyển nhân đầu tiên ghé bến Phù Tang; một đàn anh của tôi đi thông dịch cho chuyến ghe này.
Từ 78 đến 80, các chuyến ghe tị nạn tấp nập hơn; Mỹ áp lực Nhật Bản cho người tị nạn Đông Dương định cư, tháng 12 năm 1979 trung tâm xúc tiến định cư Himeji được mở và đầu năm 1980 chính thức nhận người tị nạn chọn nơi này làm quê hương. Thời gian này tôi có 2 người đàn anh đồng môn Sao Biển Nha Trang cũng đến Nhật nhưng sau này mới biết. Anh Huệ được gia đình bên Mỹ bảo lãnh đi xong 2 năm sau quay lại để làm đám cưới với người bạn gái trên ghe, anh viết hành trình vượt biên rất nhiều tình tiết hấp dẫn với chuyện tình thật đẹp (mà hình như mấy ông “tu ra hú hay” nên thường có những mối tình như tiểu thuyết). Anh Khiết ở lại Nhật, trở thành một chuyên gia chế tạo kim hoàn mà 40 năm sau tôi mới gặp được tại Yamanashi nhờ công của một cô em. Nói chung hồi đó Nhật cho khung 3000 người tị nạn định cư nhưng vẫn ít người lựa chọn.
Ngay chính tôi cũng phân vân, đi Mỹ hay Nhật! Nhật quá mới mẻ, điều kiện thì không bằng Mỹ, nhưng thôi dù sao đâu cũng là số phận của dòng lịch sử.
Ở trại định cư Nhật mỗi ngày chỉ có chơi và học trong khi bên tạm cư thì thoải mái hơn, được đi làm vì họ có thể sẽ đi nước thứ ba. Chính vì thế mà mỗi tuần chúng tôi chỉ được 2100 Yen xài vặt từ chính phủ Nhật sau khi đã trừ các chi phí ăn ở. Các chàng trai tạm cư đi làm ngày được 3 tới 4 sen rủng rỉnh hơn chúng tôi nhiều. Giờ chiều sau khi học và làm, hai bên gặp nhau bằng những trận bóng đá hay bóng chuyền trên sân. Các bóng hồng hồi đó rất ít nên các nàng được chiều chuộng lắm; được những chàng “rủng rỉnh” mời đi siêu thị bằng xe bus làng, trong khi chúng tôi đi bộ hai ba cây số vã mồ hôi để chỉ mua gói mì 5 miếng hay chút bánh kẹo vừa túi tiền.
Sau 3-4 tháng học, chắc trình độ cỡ N5 bây giờ. Nhân viên trung tâm tìm việc hối chúng tôi đi làm để nhường chỗ cho người khác đến. Mong muốn có việc để thoải mái trong sinh hoạt và giúp người thân bên nhà, chúng tôi vào xã hội với nhiều bỡ ngỡ, có chuyện gì xảy ra thì tự mình bương chải. Cứ vậy mà sống theo tinh thần tự lập, tự trọng của người bản xứ.
Những năm đầu 80, tới giáo xứ Hương Lý của Osaka, tôi được những người giáo dân ở đây giúp đỡ. Một bà trong “Fujin kai” (Hội phu nhân) gọi tôi tới nhà hàng tuần để dạy tiếng Nhật và ăn tối cùng gia đình bà có 4 cậu con trai và cô con gái, chỉ một thời gian ngắn rồi sau đó tôi mất tin tức khi di chuyển nơi khác. Cũng tình cờ làm sao, gần đây, trong một câu chuyện với ông cha xứ nổi tiếng không ai ưa (đối với người Nhật) nhưng lại thích người VN, mới biết ông là một trong 4 cậu con trai của bà giáo thiện nguyện ngày xưa. Ít giáo xứ nào ông trụ được 2 năm nhưng giáo xứ tôi thì đã năm thứ 5. Dường như bà “cố” đã mất có sự gởi gắm nào đó cho cậu học trò tị nạn.
Tưởng là chuyện tị nạn ở Nhật đã khép lại sau gần nửa đời người thì hôm nay hình ảnh xưa tái hiện. Có điều các bạn tị nạn từ Đông Âu đã được đón tiếp với nhiều điều kiện tốt hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm. Chính phủ Nhật chuẩn bị khách sạn, căn hộ chung cư, sắp tới là trung tâm học tiếng Nhật với những sensei có thể nói được tiếng Ukraina và được các công ty nhiệt tình mở rộng vòng tay.
Tuy nhiên tôi và những người bạn ngày xưa vẫn hãnh diện mình là một viên gạch lót đường để Nhật Bản có được chính sách tiếp nhận tị nạn ngày hôm nay.
日本へようこそ! Xin đón chào các bạn Ukraina.