Những ngày cuối năm, bệnh viện ít nhộn nhịp. Người nằm bệnh tại các khoa thường nôn nao xin bác sĩ về sớm để còn kiếm tiền mua áo mới cho con và sửa soạn đón Tết. Chỉ có những bệnh thật nặng mới phải nằm lại theo yêu cầu của bác sĩ và một số trường hợp chính người nhà bệnh nhân xin ở lại bệnh viện để… trốn Tết vì quá nghèo. Khu vực hành chánh của bệnh viện, gồm cả ban giám đốc, buổi chiều càng vắng vẻ hơn. Cuốn sách mua hồi đầu tuần mới đọc chưa hết 2 chương còn nằm trên bàn làm việc.
Tôi lật từng trang sách định đọc tiếp nhưng không tập trung được vì thấy có bóng dáng một anh bộ đội cứ đi qua đi lại trước phòng như muốn tìm hỏi việc gì. Bước vội ra cửa vừa lúc anh nhìn vô phòng:
- Hình như anh muốn kiếm ai?
- Dạ, báo cáo đồng chí, em muốn tìm giám đốc.
- Thưa tôi đây, anh tìm có chuyện gì không?
- Dạ, báo cáo đồng chí thủ trưởng, em muốn nạp đơn xin giảm viện phí.
- Vậy thì mời anh vào.
Cô thư ký thấy khách vào, định rót nước mời thì tôi yêu cầu:
- Em cho xin 2 ly cà phê đá đi, khát nước quá.
Tôi nhìn anh, gợi chuyện:
- Sao thấy anh... quen quen, mà anh là bộ đôi đóng quân ở đâu?
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng, em là bộ đội miền bắc, quê ở Thái Bình, khi giải phóng có thời gian dài đóng quân ở Trảng Lớn, sau đó chuyển lên Đồng Ban cho đến bây giờ.
- A, quê lúa Thái Bình. Trước đây, hồi còn đi học trung học, tôi có đọc sách của mấy nhà văn (trong này) viết về quê lúa Thái Bình, nhất là Hải Hậu…
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng, đó là quê em... Hình như thủ trưởng là người trong này?
- Mà sao anh hỏi vậy?
Anh ngập ngừng:
- Dạ, tại thấy thủ trưởng nói chuyện.. “khác” với với cấp trên của em.
- À, không giấu gì anh, tôi ra bác sĩ ra trường trước 1975, học ở Huế. Mà hồi Trảng Lớn anh ở đơn vị nào nhể?
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng em ở L1T1 (trung đoàn 1, tiểu đoàn 1).
- Nhưng anh làm gì ở đó?
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng, em làm quản giáo, quản lý các sĩ quan ngụy quân đi cải tạo.
- Hèn gì thấy quen quá. Tôi nhớ ra rồi, anh phải là… thiếu úy X. không?
Anh trố mắt nhìn tôi, vừa dò xét, vừa thận trọng:
- Báo cáo, đúng là khi đó em là thiếu úy, sao thủ trưởng biết tên em?
- À, hồi đó, tôi là y sĩ trung úy cải tạo ở L1T1 và anh là quản giáo của tôi. Có lần nửa đêm, anh gọi tôi lên bắt làm kiểm điểm vì kết tội tôi “coi thường cách mạng” “không khai báo trung thực với cách mạng, có thành tích giết nhiều cán bộ nên mới đăng ký nghĩa vụ đã thăng quân hàm trung úy. Ai có lệnh đi nghĩa vụ, nếu ở Thủ Đức, học một năm gắn quân hàm chuẩn úy, ai học lâu hơn ở, gắn quân hàm thiếu úy, còn anh, mới vào lính đã mang quân hàm trung úy, Võ Bị Đà Lạt vậy mà lý lịch không thấy khai thành tích chống phá cách mạng, giết hại bao nhiêu cán bộ. Láo…”.
“Chắc anh không nhớ, hồi đó anh chửi tôi ngoan cố, đập bàn đá ghế tùm lum...”
Mồ hôi trán anh đổ ra. Anh hốt hoảng nhìn tôi, tay chân lúng ta lúng túng, mặt cúi gầm nhìn đất:
“Em xin lỗi thủ trưởng”.
Một thoáng, trong đầu tôi hiện nhanh loạt hình ảnh đói lạnh, cơ cực của những ngày “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá…” trong trại cải tạo, khác với (một lần đi công tác ở Đức), có thấy lằn ranh “vô hồn”ngày xưa là vết tích của bức tường Berlin ô nhục, nơi hai chân mình đứng chênh vênh bên hai bờ tử sanh, lằn ranh như phân cách giữa nề nếp giáo dục và bản năng hoang dã, giữa tình người và sự cuồng trí; rồi những đêm trực kinh hoàng trong mùa dịch sốt xuất huyết làm việc không ngơi tay đầy tiếng rên khóc hoảng loạn của trẻ con, của những người dân nghèo, ít học, thiếu thốn đủ thứ thuốc men, phương tiện.. Và bây giờ, ngồi đây...
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng, hồi đó em không biết, chỉ làm theo lệnh chính ủy. Thời gian đầu, chúng em chưa biết, sau này thấy có nhiều người như thủ trưởng quá, chính ủy đi hỏi lại mới biết là mình thiếu hiểu biết, kết tội sĩ quan cải tạo máy móc, ngu xuẩn…
Tôi hít vào một hơi thật dài rồi nói nhanh:
- Thôi anh uống cà phê đi, nước đá tan hết rồi. Chuyện cũ, tôi quên rồi, bây giờ tôi là thầy thuốc anh là người cần giúp đở, thế thôi. Yên tâm đi.
Rồi tôi đọc hai câu thơ như đọc cho chính mình nghe và tôi biết chắc anh nghe mà chẳng hiểu gì cả:
Ngày mai, chẳng biết ra sao nữa,
Mà có ra sao, cũng chẳng sao!
Anh thở ra nhè nhẹ, hai tay bưng ly cà phê, lắp bắp:
- Mời thủ trưởng.
Tôi cũng bưng ly:
- Dạ, mời anh. Mà người nhà anh đau ra sao? Gọi tôi là bác sĩ được rồi, dễ nghe hơn.
Anh nói một hơi:
- Bố em ngoài Thái Bình vào thăm, chẳng may bị sốt ho kéo dài, bác sĩ chẩn đoán là Viêm Phổi có nước màng phổi đã nằm điều trị, chích thuốc 2 tuần, bác sĩ báo vài ngày nữa có thể xuất viện về điều trị tiếp ở nhà. Nhưng em sợ viện phí nhiều quá, không đủ tiền nên y tá có hướng dẫn làm đơn xin giảm 50%. Mong thủ trưởng giúp em. Báo cáo thủ trưởng, ngày xưa chỉ làm theo lệnh trên. Hồi đó, em còn trẻ, dốt nát…
- Tôi hiểu, thôi cho tôi xem lá đơn.
Tôi liếc nhanh những hàng chữ nghiêng ngã, xiêu vẹo rồi trả lời:
- Bây giờ như thế này nhé... Thiếu tá X xin giảm 50% nhưng tôi ký duyệt miễn phí cho anh 100% vì anh là…người quen. Được không?
Anh như không tin vào lời tôi nói, trố mắt nhìn không chớp vào người đối diện, người một thời là tù cải tạo của mình:
- Thật không thủ trưởng. Xin lỗi… báo cáo… bác sĩ nói thật chứ?
- Hồi nhỏ, tôi được dạy, không nói gạt người khác vì bất cứ lý do gì…
Có khách và cô thư ký lấp ló ngoài cửa, tôi nói nhanh:
- Bây giờ tôi là thầy thuốc. Trong gia đình, ba tôi vẫn dạy tôi, “trước khi trở thành thầy thuốc, trước khi trở thành người quản lý, con phải học làm một con người đã”. Thôi sắp Tết rồi, thay mặt bệnh viện, tôi chúc mừng bác trai lành bệnh, chúc bác và gia đình anh năm mới sức khỏe, nhiều may mắn. Anh chờ cô thư ký đóng dấu rồi nhận lại lá đơn, về gửi lại cho cô y tá. Bây giờ tôi có khách, không thể lên thăm bác trai cùng anh, xin lỗi nghe. Thôi chào tạm biệt thiếu tá X. Ở Đồng Ban, ngày xưa, tụi tôi phá rừng, làm đường, làm cầu ở đó. Bây giờ chắc khác xưa nhiều lắm…?
Anh nói lí nhí mấy câu gì tôi không nghe rõ, rồi đứng dậy, vội vàng đi theo cô thư ký lấy lá đơn có ký tên, đóng dấu và bước đi lính quýnh. Lâu lâu, lại ngoái nhìn phía sau như sợ tôi đòi lại lá đơn.
Tôi ngồi yên trên ghế nhìn ra sân bệnh viện chiều cuối năm. Những tia sáng xuyên qua tàn lá vẽ thành những vệt nắng nhảy múa lung linh sau từng cơn gió nhẹ như minh họa cho bản nhạc xuân vui tai ai đang mở ở phòng bên cạnh. Bầu trời phía trên như cao hơn, xanh hơn mọi ngày.
BS. Phan Quý Nam
(Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương).