2022.11.29
Một số nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng Việt Nam đang hạn chế đưa tin về những cuộc biểu tình rộng khắp tại Trung Quốc vì lo ngại hiệu ứng domino, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong báo chí.
Từ giữa tuần trước, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố của Trung Quốc khi dân chúng bất bình với các biện pháp nghiêm ngặt thuộc chính sách Không COVID của quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân.
Các cuộc biểu tình bùng phát sau cái chết của 10 người ở khu vực Tân Cương trong vụ hỏa hoạn chỉ vì lực lượng cứu hỏa không thể đến hiện trường dễ dàng do các hạn chế được áp dụng để phòng chống COVID.
Người biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng và yêu cầu Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức.
Theo Reuters, hàng ngàn người đã tham gia biểu tình ôn hoà ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô và nhiều thành phố khác, hạt nhân là sinh viên và trí thức. Người biểu tình giơ cao những tấm giấy trắng để thể hiện sự phản đối.
Chính quyền Trung Quốc đã điều động cảnh sát và an ninh để bắt giữ người biểu tình.
Truyền thông nhà nước Việt Nam, bị kiểm soát chặt chẽ bởi Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã im lặng hoặc đưa tin một cách hạn chế.
Trong số các tờ báo lớn, chỉ có Tuổi Trẻ online đêm 28/11 đưa tin về phản ứng của Liên Hiệp quốc và Anh quốc cùng Hoa Kỳ về biểu tình của dân chúng ở Hoa Lục. Tuy nhiên, Tuổi Trẻ đã gỡ bài báo này trước lúc mặt trời lên. Đến sáng sớm thứ ba (29/11), màn hình chuyển báo lỗi (404). Đầu đề bài báo ở Google search còn có chữ biểu tình nhưng nội dung đã bị xóa.
Báo mạng VietStock trưa 29/11 có bài Chứng khoán Trung Quốc trượt dốc trước làn sóng biểu tình từ người dân chỉ đưa vắn tắt “Các đợt biểu tình lan rộng vào cuối tuần trước khi người dân ở các thành phố lớn – bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải – đổ ra đường để phản đối các biện pháp kiểm soát dịch COVID của Trung Quốc.”
Việt Nam còn kiểm duyệt tin tức từ truyền thông quốc tế. Tin biểu tình của truyền hình CNN phát trên cáp bị cắt bỏ và hiện lên dòng chữ: Tín hiệu yếu xin quý khách thông cảm.
Đại tá quân đội đã về hưu, tiến sỹ Nguyễn Phú Hải, cho rằng hành xử của truyền thông Nhà nước Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp. Trong tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự do (RFA), ông nói:
“Việc Việt Nam không đưa tin về tình hình biểu tình rộng khắp ở Trung Quốc hiện nay là thể hiện của một hệ thống truyền thông thiếu tính chuyên nghiệp. Sự thật và trung thực phải là cốt lõi của truyền thông tử tế!”
Theo ông, người dân Trung Quốc phản đối chính sách cực đoan “Zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc là hành động tất yếu. Họ không thể ngồi yên chịu đói khát, thậm chí là chết bởi chính sách sai lầm của chính phủ.
Sợ ảnh hưởng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Doanh nhân Đặng Thanh (đổi tên vì lý do an ninh) từ Hà Nội cho rằng phía Việt Nam không đưa tin bất lợi cho Nhà nước cộng sản Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia có quan hệ chiến lược toàn diện và có thể tác động tiêu cực đến các chính sách, trong đó có kinh tế mà chính quyền Trung Quốc áp dụng cho Việt Nam.
Cùng chia sẻ suy nghĩ này, cựu sỹ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA:
“Tôi thấy việc này (hạn chế đưa thông tin về biểu tình ở Trung Quốc- PV) chẳng có gì là lạ. Nó hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là kể từ năm 1999 khi mà phương châm Bốn tốt-16 chữ vàng được lãnh đạo của hai đảng, hai chế độ nhất trí với nhau.”
Nhà nước Việt Nam sợ hiệu ứng domino
Một số nhà quan sát thời cuộc cho rằng truyền thông Nhà nước Việt Nam không muốn và không dám đưa tin biểu tình của dân chúng ở Trung Quốc vì Chính phủ Việt Nam rất sợ sự phản kháng của dân chúng lây lan từ quốc gia khổng lồ phía bắc trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều bất ổn.
Trong những tuần qua, tại các tỉnh, thành ở Việt Nam đã xảy ra các cuộc biểu tình, tụ tập của người dân phản đối một số ngân hàng, doanh nghiệp vì bị mất tiền đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Hà Nội cũng đã từng có kinh nghiệm về những vụ biểu tình quy tụ hàng ngàn người ở các thành phố lớn vào năm 2018 phản đối Dự luật Đặc khu.
Doanh nhân Đặng Thanh cho rằng:
“Tình trạng biểu tình ở Trung Quốc sẽ tác động đến dân trí ở Việt Nam. Nó khích lệ đến nguyện vọng mong muốn thay đổi của người dân nước ta. Đặc biệt là trong thời gian gần đây khi Chính phủ Việt Nam đã có những hành động được cho là thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi người dân, khi họ bị thiệt hại lớn bởi các ngân hàng.”
Ông Vũ Minh Trí nói:
“Vận mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chế độ cộng sản ở Trung Quốc tương quan với vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản ở Việt Nam. Trong bối cảnh chế độ cộng sản ở Trung Quốc bị dông đảo người dân phản đối và người ta đòi thay đổi thì phía Việt Nam im lặng là điều dễ hiểu vì ‘trông người mà ngẫm đến ta’ hay ‘có tật giật mình’.”
Luật sư và cũng là một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, đặt câu hỏi:
“Trung Quốc là một xã hội toàn trị hơn Việt Nam mà người dân còn biểu tình như vậy thì tại sao người dân Việt Nam không thực hiện quyền biểu tình?”
Nói về quyền biểu tình của người dân, học giả Hà Hoàng Hợp nói:
“Nhà nước Việt Nam trì hoãn nhiều năm việc ban hành luật biểu tình. Hy vọng sẽ không trì hoãn thêm nữa.”
Facebooker Dương Quốc Chính, người có 65.000 người dõi theo trên Facebook, cho rằng việc ngăn chặn tin tức của Việt Nam cũng rất ít tác dụng do mạng xã hội quá phổ biến.
Ông tin rằng truyền hình Nhà nước (VTV) sẽ phải sớm đăng tin nay mai vì “Chặn vô ích thì chặn làm gì? Lại mang tiếng là bị đảng bạn chỉ đạo.”