Người dân kêu gọi "Đả đảo Tập Cận Bình, Đả đảo Đảng!"
Trung Quốc đang trải qua các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hàng nghìn người đã xuống đường ở một số thành phố phản đối chính sách Không-Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù chính phủ đã phải điều chỉnh chiến lược chống dịch của họ nhưng việc triển khai vẫn không hiệu quả.
Đèn báo động, bắt bớ và kêu gào. Hình ảnh và video từ Thượng Hải đã lan đi khắp thế giới vào cuối tuần này là những gì từ hơn 30 năm nay không được nhìn thấy ở Trung Hoa đại lục. Một đám đông giận dữ hô vang các khẩu hiệu như "Tự do", "Đả đảo Tập Cận Bình!", "Đả đảo Đảng Cộng sản!", và "Tự do cho Tân Cương!". Hàng nghìn người đã xuống đường ở một số thành phố của Trung Quốc từ hôm qua để phản đối chính sách Không-Covid.
Từ nửa đêm thứ bảy đến bốn giờ sáng chủ nhật, số người tụ tập ở trung tâm Thượng Hải đông dần lên. Đầu tiên họ đốt đèn trà và đặt hoa. Rất nhanh sau đó, các khẩu hiệu đã được chính trị hóa nhằm chống lại sự cai trị của đảng. Một số đứng ra, mặt đối mặt trực tiếp với cảnh sát. Một số khác hát vang quốc ca.
Chủ nhật cũng vậy, người ta lại tụ tập trên đường phố. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người và bắt đầu giành lại quyền kiểm soát. Tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Không phải tự nhiên mà tại Thượng Hải các cuộc biểu tình bắt đầu ở Ô Lỗ Mộc Tề, một con phố trong Khu tô giới Pháp trước đây của thành phố, nơi được người Trung Quốc cũng như người nước ngoài yêu chuộng vì có nhiều quán cà phê và nhà hàng.
Ô Lỗ Mộc Tề còn là tên tiếng Trung của Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương. Một đám cháy đã bùng phát trong một ngôi nhà ở đó vào thứ Năm tuần trước. Do các biện pháp phong tỏa dưới dạng rào chắn và trạm kiểm soát mà xe cứu hỏa không thể kịp thời tiếp cận tòa nhà. Ít nhất mười người chết cháy. Video cho thấy một người phụ nữ la hét cầu cứu từ một căn hộ đang cháy.
Từ 100 ngày nay, Ô Lỗ Mộc Tề bị phong tỏa chặt chẽ. Thông tin của những người tuyệt vọng được đưa ra bên ngoài rất hạn chế. Các cuộc biểu tình đã bắt đầu ở đó vào tối thứ Sáu. Rồi lan đến các thành phố khác. Hàng nghìn người đã tập trung tại Đại học Thanh Hoa, trường đại học quan trọng nhất của Trung Quốc, để phản đối.
Ở những nơi khác, những người biểu tình đã đạp đổ các rào chắn chống Covid. Cho đến tối chủ nhật, chuyện này cũng xảy ra ở Nam Kinh, Thành Đô, Vũ Hán và Tây An. Nhiều người giương cao một mảnh giấy trắng. Đây là cách họ bày tỏ sự phản đối chống lại kiểm duyệt. Màu trắng cũng là màu để tang của người Trung Quốc. Số ca nhiễm corona lên cao điểm. Chính phủ đã báo cáo 35.000 ca nhiễm mới vào tuần trước, một kỷ lục đối với Trung Quốc - so với quốc tế thì vẫn còn chưa thấm vào đâu.
Chính sách Không-Covid của chính phủ Trung Quốc dường như sắp đạt đến bước ngoặt. Từ ba năm nay Bắc Kinh áp dụng chiến dịch gây tranh cãi, gọi là “phong tỏa linh động”. Khi ca nhiễm xuất hiện, cả khu vực xung quanh sẽ bị bao vây. Cư dân phải đi xét nghiệm PCR. Bất cứ ai có kết quả xét nghiệm dương tính đều phải đi cách ly tập trung trong nhiều ngày.
Khoảng 400 triệu người hiện đang bị phong tỏa. Chính sách này cũng gây tác động kinh tế, làm giá cả ngày càng tăng cao. Các cuộc biểu tình nổ ra tại một nhà máy của Foxconn gần Trịnh Châu vào tuần trước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nhà cung cấp thiết bị cho Apple.
Chính phủ đưa ra một kế hoạch 20 điểm nhằm mục đích làm cho các biện pháp chống dịch trở nên dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, việc thực hiện xem ra có vấn đề. Cán bộ khu phố chịu trách nhiệm thực thi các quy tắc trong từng dãy căn hộ dường như không đủ sức. Chính phủ thì không muốn tin vào vaccine mRNA của nước ngoài.
Virus đang tiến hóa theo chiều hướng lây truyền nhanh nhưng tử vong ít. Trung quốc lại không thích ứng được với tình hình. Jörg Wuttke, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh cho biết: “Trung Quốc đang bị virus cuốn đi.”
Ngày càng có nhiều người cảm thấy kiệt quệ với việc phong tỏa, việc cưỡng bức cách ly và việc giám sát gắt gao "mã sức khỏe". World Cup ở Qatar làm sự chịu đựng đạt đến giới hạn cuối cùng.
Hàng triệu người Trung Quốc theo dõi các trận thi đấu, cái mà họ nhìn thấy là: khán giả trong các sân vận động không phải đeo khẩu trang.
VTP-LTH dịch
Nguồn (có video biểu tình): https://www.welt.de/.../Proteste-in-China-Sie-rufen...