Mùa thu có lẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm, với thời tiết ban đêm mát lạnh và ban ngày nắng ấm. Mùa bóng bầu dục đang diễn ra sôi nổi và trong những câu chuyện thường ngày của người Mỹ không thể thiếu những cuộc bàn luận về những trận đấu giữa đội này đội kia. Trong khi đó, mùa bóng chày cũng vừa đóng lại với các trận vòng chung kết World Series đã kết thúc. Kế đến là ngày Lễ Halloween với các em nhỏ hoá trang thành đủ mọi nhân vật để cùng chung vui trong nhiều khu xóm khi ánh nắng vừa tắt và màn đêm kéo về.
Tháng 11 là tháng của di sản người da đỏ bản xứ và cũng từ thời điểm này người ta bắt đầu đếm từng ngày chờ đợi cho đến ngày Lễ Tạ ơn. Trong chương trình học tại nhiều trường tiểu học, theo truyền thống, ngày Lễ Tạ ơn cũng có nghĩa là thày cô cho tổ chức các cuộc thi, với các em học sinh mặc những bộ quần áo và đội chiếc mũ rộng vành màu đen giống như trang phục của người di dân Pilgrim thuở xưa để diễn lại vở kịch mừng ngày lễ kỷ niệm ban đầu đó.
Và người Mỹ kết thúc mùa thu bằng Lễ Tạ ơn, với bữa ăn tối quan trọng nhất trong năm có gà tây, khoai nghiền và bánh bí ngô nướng, và câu chuyện ngụ ngôn về sự sống chung hài hòa giữa các nhóm sắc tộc khác nhau.
Người Mỹ đã mừng Lễ Tạ ơn trong gần bốn thế kỷ qua, để kỷ niệm bữa ăn tối long trọng vào tháng 11 năm 1621. Hầu hết mọi người trong chúng ta được nghe kể và biết rất rõ về câu chuyện đó, hoặc nghĩ rằng mình biết. Với trang phục là những chiếc áo rộng khổ được thắt ở bụng bằng chiếc thắt lưng to bản, trên đầu đội những chiếc mũ ngộ nghĩnh và chân đeo những đôi giày đen cao ống cộc kệch, các di dân Pilgrim sống trong khu định cư Plymouth đã họp nhau lại để dâng lời tạ ơn lên Thượng đế đã ban phước lành cho họ, dẫn dắt và giúp họ tồn tại trong khu định cư được dựng vội còn sơ sài và mong manh. Những người da đỏ địa phương đầy hào phóng đã cưu mang những di dân Pilgrim sống sót qua được mùa đông đầu tiên và đã dạy cho họ cách trồng bắp, đã đến xum họp trong bữa tiệc buổi tối hôm đó mang theo phần quà của họ là những miếng nai khô.
Đó là một thời kỳ tốt đẹp, trước khi mọi thứ lặng lẽ đi theo hướng tự nhiên của chúng: các thuộc địa của Mỹ mở rộng, người da đỏ từ bỏ đất đai của họ và biến lùi dần vào trong lịch sử, và bằng những phương pháp cai trị khôn khéo và sáng suốt được ươm mầm trong Hiệp ước Mayflower đã phát triển thành nền dân chủ của nước Mỹ ngày nay. Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả David Slverman đưa ra trong cuốn sách “This Land Is Their Land”, hầu hết những điều nói ở trên là không đúng sự thật. Theo ông Silverman, theo ý nghĩa tập quán của người di dân Pilgrim, Lễ Tạ ơn đầu tiên đó không hẳn là “tạ ơn” mà thực chất là “ăn mừng”. Một buổi lễ tạ ơn thực sự đòi hỏi những người tham gia phải ăn chay, cầu nguyện và suy ngẫm trong yên lặng; trong khi ăn mừng thì có tiệc tùng, ăn uống, tổ chức các trò chơi và các cuộc thi đua. Buổi họp mặt tối đó là một bữa tiệc, không phải là một buổi cầu nguyện và nhiều người có mặt tối đó có mang theo súng và họ tổ chức thi đua bắn súng.
Những người da đỏ trong vùng là người thuộc bộ lạc Wampanoag. Trong khi những người di dân Pilgrim trong bữa tiệc tối đó có thể ăn thịt gà tây, bên cạnh đó, thực phẩm của địa phương còn có cá, lươn, nghêu, sò, và một món ăn của người Wampanoag được gọi là nasaump, mà người Pilgrim cũng đã học được cách nấu: bột bắp nấu chín trộn với rau và thịt. Lúc đó chưa có khoai tây (thức ăn của người da đỏ Nam Mỹ chưa được đưa vào hệ thống thực phẩm toàn cầu) và không có bánh nướng (bởi vì lúc đó không có bơ, bột, hoặc đường).
Những người Pilgrim cũng không tỏ ra nồng nhiệt mời những người da đỏ láng giềng của họ tới dùng tiệc. Đúng hơn, người bộ tộc Wampanoag tự động xuất hiện. Và không chỉ đơn giản là bốn hoặc năm người trong số họ ngồi ở bàn, như chúng ta thường được nghe nói hay tưởng tượng ra, mà có lẽ có tới 90 người – nhiều hơn toàn bộ dân số của Plymouth. Trên thực tế đó là một nhóm chiến binh, họ đến vì một hiệp ước phòng vệ lẫn nhau đã được ký kết vào mùa xuân trước. Họ đến không phải để thưởng thức các món ăn ở bữa tiệc mà là để hỗ trợ cho người Pilgrim vì họ nghe nhiều tiếng súng nổ từ xa, và họ cho rằng những người di dân đang bị tấn công. Sau một hồi lâu với nhiều nghi ngờ (vì người Pilgrim hiểu lầm rằng người da đỏ tới để gây chuyện), nhưng rốt cuộc hai nhóm người đã nhìn nhận nhau và cùng nhau ăn nhậu trong suốt ba ngày sau đó.
Sau buổi gặp gỡ năm 1621 người ta không tìm thấy thêm bằng chứng nào cho thấy có những cuộc gặp gỡ hay bất cứ tiệc tùng gì trong những năm sau đó. Tuy nhiên, người di dân vùng New England vẫn luôn tổ chức các Lễ Tạ ơn – thường là vào hai mùa thu và xuân – nhưng đây là những dịp để người di dân ăn chay và cầu nguyện theo đúng truyền thống phong tục của người theo đạo Phản thệ giáo. (Protestant). Lễ Tạ ơn như chúng ta mừng hiện nay được thành hình hai thế kỷ sau đó, như một cố gắng để xây dựng một cộng đồng người Mỹ có những nét văn hoá hài hoà. Đó là năm 1841, mục sư Alexander Young đã liên kết hai sự kiện có liên quan tới lịch sử và văn hoá là bữa tiệc “ăn mừng” năm 1621 cùng những sinh hoạt truyền thống của lễ hội thu hoạch mùa thu và kết hợp với cái tên Lễ Tạ ơn để tạo thành một truyền thống tốt đẹp kéo dài cho tới ngày nay.
Hơn hai thập niên sau, bà Sarah Josepha Hale, chủ bút của tạp chí Godey’s Lady’s Book, đề nghị lấy một ngày nào đó trong năm làm ngày tượng trưng cho sự đoàn kết và tưởng nhớ để có thể phần nào xoa dịu vết thương vẫn còn âm ỷ của cuộc nội chiến, và vào năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố lấy ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày lễ quốc gia, và theo đúng như lời đề nghị của bà Young gọi đó là ngày Lễ Tạ ơn. Sau nội chiến, Lễ Tạ ơn dần phát triển thành một ngày lễ quan trọng trong năm với các nghi thức, các bữa tiệc thịnh soạn, và là ngày đoàn tụ của gia đình – và cũng là ngày đoàn tụ của quốc gia.
Người Pilgrim không hẳn là nhóm người Âu châu đầu tiên mà bộ lạc Wampanoag đã gặp. Cuộc tiếp xúc đầu tiên được ghi chép lại xảy ra vào năm 1524, đánh dấu sự khởi đầu của một thế kỷ đối đầu đầy bạo lực, bị bắt bớ và làm nô lệ. Đến năm 1620, người bộ lạc Wampanoag thấy như vậy là quá đủ, và họ tìm cách xua đuổi bất kỳ con tàu nào tìm cách cập vào bờ. Họ buộc những nhóm khai khẩn thuộc địa của Pháp phải rời khỏi khu vực và đã đuổi người Pilgrim ra khỏi địa điểm đổ bộ trước đó, nơi ngày nay gọi là Cape Cod. Bộ lạc Wampanoag đã tranh cãi nhau trong nhiều tháng về việc liệu có nên hợp tác với nhóm di dân mới tới này hay tiêu diệt họ. Cuối cùng bộ lạc Wampanoag quyết định thương thuyết, họ gửi hai nhân vật có tên Tisquantum và Epenow đi gặp người Pilgrim. Đây là hai người thổ dân vùng New England trước đây từng bị bắt, bị đưa sang Anh, và được huấn luyện để trở thành thông dịch viên cho người Anh trước khi họ tìm cách vượt Đại tây dương để trở về quê quán cũ của họ. Nhờ vậy mà người Pilgrim mới được vào bờ và lập trại định cư. Sau đó, chiến tranh xảy ra giữa di dân châu Âu và thổ dân da đỏ, trong đó có bộ lạc người Wampanoag. Thổ dân thua và bị đẩy lùi xa dần vào trong đất liền. Họ phải trải qua những cuộc bắt bớ, cầm tù, làm nô lệ hoặc bị tiêu diệt.
Mặc dù dân số bị suy giảm liên tục, bị mất đất và những thử thách khác trong xã hội, người Wampanoag vẫn tiếp tục tồn tại cho tới ngày nay. Với nhiều đàn ông của họ bị chết hoặc bị bắt làm nô lệ, phụ nữ thổ dân tìm cách cưới những người đàn ông ở ngoài bộ lạc – thường là người Mỹ gốc Phi châu – và sau đó xác định lại cấu trúc của các gia đình hôn nhân tạp chủng theo chế độ mẫu hệ để bảo vệ các quyền sở hữu đất đai của họ. Họ lợi dụng địa thế xa xôi cách biệt của các khu định cư của họ để duy trì quyền tự trị. Và đến cuối thế kỷ 20, họ bắt đầu cho hồi sinh lại thứ ngôn ngữ đã bị “ngủ yên” trong một thời gian khá lâu và được chính phủ liên bang công nhận là một quốc gia bộ lạc. Ngày nay, người dân Wampanoag vẫn còn đang tranh luận xem Lễ Tạ ơn nên là ngày để than khóc hay là dịp để suy ngẫm về sự hòa giải. Và chỉ nội điều này thôi cho thấy người bộ lạc Wampanoag không những không oán thù mà còn tỏ ra rất hào phóng như họ đã từng hào phóng cho nhóm người Pilgrim được vào bờ để lập trại định cư.
Hiện nay, các bộ lạc người da đỏ ở Mỹ đang tích cực chống lại nỗ lực mới đây nhất nhằm chia cắt với quá khứ, và họ đòi hỏi lịch sử của người da đỏ cần phải được viết lại một cách chính xác và trung thực hơn. Đi đầu trong cuộc đấu tranh này có bộ lạc Wampanoag, gồm những con người kiên cường mà tổ tiên của họ tuy không được mời nhưng đã đến tham dự “Lễ Tạ ơn” đầu tiên cách đây gần bốn thế kỷ để thực hiện nghĩa vụ được xác định trong thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau – được hiểu như một hiệp ước – mà họ đã ký kết với những người Pilgrim sống trong khu định cư Plymouth xưa kia.
Quả thật nếu câu chuyện trên là đúng thì lịch sử ngày Lễ Tạ ơn của người Mỹ cần phải được viết lại.
Huy Lâm