November 22, 2022
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tỉ lệ giải ngân cho các dự án đầu tư công tại Việt Nam rất thấp vì quan chức của chế độ không còn thấy ham hố gì.
Mới đây, tạp chí Asia Society có bài viết của tác giả Michael Tatarski nêu ra vấn đề đầu tư công tại Việt Nam năm nào cũng thấy kêu ca “chậm tiến độ,” dẫn đến “đội vốn.” Thậm chí, các quan chức của chế độ có vẻ cố tình tránh né trách nhiệm tiến hành dự án chỉ vì “ông chủ lò” làm dữ quá.
Thí dụ, phi trường Tân Sơn Nhất “quá tải” suốt nhiều năm qua. Mọi người đã kêu ca từ nạn kẹt xe đến khả năng tiếp nhận tần suất các chuyến bay, gây trở ngại cho cả hành khách, đến các công ty khai thác hàng không. Việc xây dựng thêm một phi đạo thứ ba ì ạch suốt nhiều năm qua vì sự đùn đẩy, né tránh từ các phe liên quan.
Mấy tháng gần đây, người ta thấy những lời kêu ca về tình trạng các bệnh viện công thiếu thuốc điều trị. Ngay cả lưỡi dao mổ xẻ “cứa ba lần” vẫn chưa đứt da chỉ vì điều kiện trúng thầu phải mua dao với giá rẻ nhất.
Chưa tới hai tuần trước, người ta thấy ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, ký công điện thúc giục các bộ, ngành và địa phương “đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.” Cho đến cuối Tháng Mười, tỉ lệ giải ngân các dự án đầu tư công mới được hơn 46% so với kế hoạch đề ra.
Theo tác giả nói trên, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân chính yếu làm cho các dự án đầu tư công tại Việt Nam lại ì ạch từ năm này qua năm khác vì bản chất mù mờ, che đậy sự thật của hệ thống công quyền. Tuy nhiên, giới phân tích gia thời sự cho rằng chiến dịch “đốt lò” trừng trị các ông bà quan chức tham nhũng “không có vùng cấm” dẫn đến hệ quả mà “ông chủ lò” không ngờ tới.
Các quan thấy không được chấm mút dễ dàng thì không còn mặn mà với các dự án đầu tư công nữa.
Thời ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng và mấy năm trước đó, các bộ ngành cũng như các quan đầu tỉnh, đầu huyện, thậm chí xuống tới xã phường đua nhau nghĩ ra các dự án đầu tư xây dựng. Thời gian này, cầu đang xây đổ sụp xuống sông, đường lộ chưa khánh thành đã bong tróc, ổ gà hố trâu chi chít. Thậm chí có cả trụ xi măng “cốt tre.”
Để có thể có những kiểu làm ăn gian dối như thế xảy ra, nhà thầu phải ăn chia với các quan chức nhà nước là “chủ đầu tư” của các dự án phát triển.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng hết làm thủ tướng, tham nhũng vẫn còn nguyên đó nhưng có vẻ bị hơi khựng lại khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, mở chiến dịch chống tham nhũng “không có vùng cấm” và “bất kể người đó là ai.” Những người bị ném vào lò có cả ủy viên Bộ Chính Trị (Đinh La Thăng), bộ trưởng (Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh).
Nhiều vụ án lớn hiện vẫn còn đang được điều tra tiếp tục như vụ kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến hàng chục các quan chức y tế các địa phương và trung ương, tổ chức các chuyến bay “giải cứu” cho người dân về nước tránh dịch với giá cắt cổ và một số vụ án khác.
Bài viết của tạp chí Asia Society dẫn ý kiến của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng cũng làm cho một số quan chức sợ hãi khi thấy các đồng chí của họ đã bị bắt.
Khi thấy không còn chấm mút dễ dàng thì người ta không còn mặn mà nữa là lẽ đương nhiên. Ngày 2 Tháng Mười, Bộ Tài Chính cho hay nếu tính đến hết Tháng Tám, có sáu bộ và tám địa phương không giải ngân đồng nào cho các dự án đầu tư công. Bộ này còn cho hay “17 bộ và địa phương đề xuất trả vốn (đầu tư công) với tổng số tiền là 6,827 tỷ đồng ($274.6 triệu).”
Các quan dỗi hay “rét?” Không ai biết. Người ta chỉ biết vì tỉ lệ các kế hoạch đầu tư công kích thích tăng trưởng kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã không được các quan chức của chế độ hồ hởi thi hành dù ông thủ tướng “yêu cầu làm ngày làm đêm,” theo bản tin VietNamNet ngày 26 Tháng Chín. (TN) [qd]